VIẾNG THĂM THẦY

PHAN THÀNH DANH

Mùa hè thoăn thoắt trôi nhanh và một ngôi trường cũ đón chào năm học mới… Đấy chính là vị trí trường trung học Bồ Đề trước kia trong sân vườn chùa Thiện Đức .
Tôi nhớ lại từ khi bắt đầu vào lớp 6 (lớp Đệ Thất trước 1975) buổi học đầu tiên là bài “ Ca dao - tục ngữ” tiết Quốc văn của giáo sư Thích Nữ Tịnh Nguyện phụ trách, cô đã hướng dẫn chúng tôi viết những nét chữ Hán đầu tiên trong giờ cổ văn chính khóa ….mới đấy đã hơn năm mươi năm rồi nhỉ !
Ngoài các môn học phổ thông như tự nhiên, xã hội, ngoại ngữ, hội họa, âm nhạc, nhà trường giảng dạy môn Giáo lý mỗi tuần 01 tiết cho các lớp (hệ số 1) và chúng tôi đã tuần tự theo học từ các lớp, nội dung rất nhiều, nhưng thời gian đã lâu tôi chỉ nhớ sơ lược như sau:
-Lớp 6: Lịch sử Phật Thích Ca , Phật Giáo Việt Nam triều Lý đến cuối triều Nguyễn .
Giáo sư phụ trách : Thích Giác Đạo, Thích Chơn Minh
-Lớp 7: Luật Nhân quả và thuyết Luân hồi, Bát chánh đạo, 28 vị tổ Thiên Trước.
Giáo sư phụ trách: Thích Huệ Tánh, Thích Thường Quang
-Lớp 8: Tứ diệu đế, Lục Ba La Mật, 6 vị tổ Đông Độ: giáo sư Thích Tịch Chiếu phụ trách
-Lớp 9: Thuyết Nhân duyên sanh, 10 vị đệ tử lớn : giáo sư Thích Tịch Chiếu và Thích Thường Quang phụ trách.
Lớp tôi học là lớp nam sinh tinh nghịch phá phách gần như là sở trường ! Rất nhiều thầy cô quở phạt, tuy nhiên học hành không đến nổi tệ hại, kỳ thi tú tài 1 chỉ đậu 36/56 học sinh, như vậy cũng đạt kết quả trên 50% cũng tốt đấy chứ ! Một việc rất ấn tượng đầy thú vị đối với tôi là nhà trường có quy định giảm học phí cho các anh chị em ruột đang học chung trường, giảm học phí cho các học sinh là thành viên hội Gia Đình Phật Tử, giảm 100% học phí cho học sinh có kết quả thứ hạng cao “nhất, nhì , ba” trong lớp….. Tôi là học sinh… “giỏi” nên số tiền trên khi nhận được tôi liền cho vào túi để xài riêng mà ba má không bao giờ biết! Số tiền dùng vào lúc giải lao là bao bạn bè nước mía, chè đậu, cúp cours (trốn học) chui vào rạp xem phim chưởng thoải mái, vì thế tôi đã thành lập được một nhóm riêng đàng hoàng nhất trong đám lộn xộn.
Trong tiết học giáo lý, thầy Thích Tịch Chiếu giải nghĩa từ Hán - Việt bài kệ
“Tịch tịch cảnh vô ảnh…. Liêu liêu không vật không…” , trong đó nghĩa “không” theo ý bài kệ chính là “chơn không” (chân không), thầy nói giọng Huế, trầm và nhẹ nhàng, thầy giải thích:
- “Chơn” là chơn chánh, “không” là không, ta thường gọi là chơn không, phải hiểu theo ý nghĩa thiền tông cao hơn , khác với chân không trong môn vật lý …. Ta hiểu ngầm nghĩa đen “chơn không” là “chơn chánh không” hoặc “không chơn chánh”……
Cả lớp đều phá lên cười ầm như ong vỡ ổ và thầy được chúng tôi phong tặng biệt hiệu riêng là ông thầy “Chơn Chánh Không”.
Thầy giảng tiếp về đoạn Lục Tổ xin nhập đạo, Ngũ Tổ hỏi:
-Mi là người Nam Man Giao Chỉ mà cũng học đòi nhập đạo à?
- Bạch thầy, trong kinh không có phân biệt người Nam Man hay không Nam Man mà tất cả là chúng sanh đều bình đẳng như nhau…..
Khi nghe từ “ Nam man” tự ái dân tộc trong lòng mình như đang bị xúc phạm, nhưng câu trả lời của Huệ Năng xoa dịu các bất đồng, tôi cảm thấy lâng lâng nhẹ nhỏm …
Nhà tôi nằm giữa khoảng đường từ nơi thầy trụ trì và trường không xa, thế mà trong thời gian dài vì công việc nên không tiện đến thăm thầy. Mới thuở nào còn học sinh mà nay tuổi đã già, tôi đến tìm thầy lần cuối, sư cô thị giả báo tin cho thầy và mời tôi vào :
- Huynh hên lắm nha, từ lâu rồi thầy không tiếp khách , khi nghe tin có học sinh cũ trường Bồ Đề đến thăm, thầy mừng lắm và gọi huynh vào….
Tôi tháo đôi giày và đi chân trần vào phòng, thầy ngồi trên chiếc xe lăn, dù thầy đã hơn trăm tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, gương mặt thầy trang nghiêm và từ bi như một vị Bồ Tát, thầy mỉm cười nhận ra tôi, tôi bạch:
- Thưa thầy hôm nay con đến thăm thầy được mạnh giỏi.
- Cám ơn con, lâu ni mi đi mô răng không đến lễ Phật?
- Thưa thầy, con bận công việc nên không thường ghé thăm, nay con đã hưu đến viếng thầy và có một việc riêng !
Thầy thều thào hỏi khẻ:
- Việc chi?
- Thưa, những bài của thầy giảng trong lớp khi xưa, nay con đã nghiệm lại, xin phép thầy con xin bắt chước ngài Tu Bạt Đà La gặp Thế Tôn …. Con là học trò cũ của trường Bồ Đề chưa có pháp danh …
- Thiện tai ! Thầy biết, mi muốn tên chi rứa hè?
- Thưa, thầy ban chi con nhận nấy ạ.
Thầy nhìn xuống chân tôi cười nói:
- Rứa thì tên mi là “Chơn Không”
- Con tạ ơn thầy!
Tôi mừng muốn rơi lệ như ngài Tu Bồ Đề đắc pháp…. Thì ra trí óc thầy vẫn còn minh mẫn nhớ chuyện cũ, học sinh tinh nghịch thuở nào vẫn còn nhớ đến thăm thầy !