Vài kỷ
niệm với Lê Thành Nhơn
Võ Kỳ Điền
Tôi và Lê Thành Nhơn là bạn từ
thưở ấu thơ, chúng tôi lớn lên ở xóm chợ Thủ
Dầu Một thuộc thị xã Phú Cường. Hai đứa học trường Tư
Thục Trung Học Nguyễn Trãi tọa lạc trên đường Võ
Tánh. Cũng trên con đường nầy cách trường năm chục
thước có con hẽm nhiều cây xanh, đầu hẽm là tiệm hủ
tiếu Cây Dừa, đi sâu tuốt vô hẽm là nhà
Nhơn, căn nhà bằng cây lá đơn sơ, cạnh con rạch
nhỏ, bên kia là cầu đúc phía nhà
thuốc Võ Văn Vân.
Thưở đó mỗi ngày có buổi học tôi thường
la cà, lang thang từ nhà, băng ngang qua khu phố chợ, đến
nhà Nhơn để rủ đi học chung. Thưở nhỏ, tôi cũng có
nhiều bạn nhưng không biết tại sao tôi lại thích
cùng Nhơn đi chung hơn là các bạn khác.
Có lẽ tánh tình Nhơn hiền lành và ưa
chiều chuộng bạn bè. Tôi là thằng nhỏ dễ buồn dễ
vui, lại ưa hờn mát, giận lẫy, khó có bạn
nào chơi lâu cho được ngoài Nhơn.… Bây giờ
nhớ lại từ thời con nít đó cho đến bây giờ,
hình như hai đứa chưa hề gây lộn hay đáùnh
lộn lần nào.
Đến chơi nhà Nhơn có nhiều thú vị lắm.
Nhà tuy nghèo nhỏ và đơn sơ, nhưng tôi
đâu để ý mấy thứ đó làm chi. Cái
tôi thích nhứt là mỗi lần đến, là Nhơn
thường bày ra nhiều trò chơi ngộ nghĩnh. Những
ngày nghỉ học tôi cùng Nhơn lội xuống rạch
bên hông nhà để móc đất sét xám
đen dẽo quánh lên phơi khô để nắn tượng. Tôi
và Nhơn tha hồ mà nắn trâu, bò, gà,
vịt, chó, heo, ông già, con nít… Trò
chơi thiệt là vui và kỳ lạ. Tôi vốn làm
biếng và thích ở dơ, nên việc vọc bùn vọc
đất tay chưn mặt mũi tèm lem tuốt luốt thiệt là hạp.
Con người Nhơn toát ra một vẻ gì đặc biệt kỳ lạ lắm,
tôi không giải nghiã được. Nhơn có thân
hình lực lưỡng, xương to và lộ, da đen mun, mắt lộ, kiểu
mắt ốc bươu, ánh mắt sáng quắt và mạnh. Đầu to,
tóc quăn xoắn đuôi rùa và xương quay
hàm bạnh hẳn ra, mặt vuông hình chữ điền, răng Nhơn
trong sáng và đẹp. Không biết vì cạp
mía hay cắn vật gì cứng rắn, răng cửa của Nhơn bị mẻ một
miếng to, tôi thường nhìn cái răng mẻ như một
thói quen khi nói chuyện với bạn. Mỗi lần nhớ tới Nhơn
là tôi nhớ cái răng cửa mẻ đó. Thoạt
trông Nhơn rất gồ ghề, bậm trợn và gân guốc,
vóc dáng bề ngoài dễ sợ như vậy nhưng tánh
tình bên trong lại hiền khô.
Tuy chơi thân và đến nhà Nhơn mỗi ngày,
tôi chỉ biết mẹ Nhơn là một bà già
tóc bạc với dáng vẻ phúc hậu. Bà ít
nói và sống trầm lặng, tôi hoàn toàn
không gặp cha Nhơn lần nào, nghe nói là
ông đi làm xa, làm gì tôi không
biết, thỉnh thoảng mới đem tiền về để gia đình chi dụng.
Nhà có ba anh em trai, hao hao giống nhau, cũng to lớn,
mập mập và đen đen. Tên của cả ba thiệt là lạ
và hay. Anh Lê Chơn Thành, rồi Lê
Thành Nhơn và cậu em út tên Lê Nhơn
Thiện. Tên của người nầy lấy làm chữ lót của người
kia, tên người kia lấy làm chữ lót cho người nọ…
Tôi thích cách đặt tên của ba anh em
nhà nầy lắm, rõ là cha mẹ muốn con cái
liên kết nhau, ràng buộc gắn bó mà thương
yêu nhau hoài hoài. Cũng do cách đặt
tên nầy, tôi đoán ba má Nhơn tuy nghèo
nhưng chắc chắn phải là người có học thức và
có đời sống nội tâm cao.
Lúc đó, học sinh Việt Nam còn phải học chương
trình thuộc địa, giáo sư dạy môn Sử Địa của
chúng tôi là nhạc sĩ Lê Thương (Phạm
Đình Hộ) với các bài giảng về cuộc Chiến tranh
Thập Tự Giá Một Trăm Năm, Thời Trung Cổ, Thời Phục
Hưng…bên Aâu Châu, cuộc Cách Mạng Tự Do
Dân Chủ 1789, thầy giảng say mê bằng tiếng Pháp
giọng Bắc nghe ngộ lắm và chúng tôi học cũng say
mê. Tôi cố gắng học bài để được điểm tốt, thi cho
đậu cao mà không chịu khó hiểu cho tường tận
và ứng dụng được điều gì trong các bài học
ở mấy cái xứ gì lạ hoắc đó.
Trái lại Lê Thành Nhơn khác tôi.
Sau thời gian vọc đất nắn tượng, không biết do đâu
và đọc thêm sách nào, Nhơn lại đâm ra
say mê môn hội hoạ. Nhà bạn bây giớ lại đầy
giấy trắng, thuốc màu và cọ. Tôi lại thấy Nhơn say
mê với cọ với màu, và câu chuyện giửa
tôi và Nhơn không còn là chuyện
đá cá lia thia, đá gà, câu cá,
lội sông như thưở trước nữa mà là nghe Nhơn
miên man nói về mấy ông hoạ sĩ lạ hoắc như Renoir,
Gaugin, Matisse, Van Gogh… gì đó. Mỗi lần nói về
trường phái Tượng Trưng, trường phái Siêu Thực,
Dã Thú, Lập Thể, Ấn Tượng… Nhơn nói say sưa,
tôi lắng nghe bạn nói, mà không hiểu
gì hết trơn. Tôi cũng tin rằng Nhơn biết tôi
không hiểu, nhưng mà Nhơn vẫn nói, hình như
Nhơn nói cho chính Nhơn nghe. Nói ra được điều
mình yêu thích cũng là một thứ hạnh
phúc, cần gì người hiểu hay không hiểu. Đến
bây giờ thì tôi hiểu được một chút,
nói là một nhu cầu và bộc bạch, thố lộ tâm
sự là một nhu cầu cần thiết. Bên trong con người Nhơn chất
chứa từ đời nào, có thể từ kiếp trước, một thứ đam
mê nghệ thuật, rất to, thiệt là to, khó mà
hiểu được…
Quả tình tôi có chịu khó lắng nghe…
mà không cần phải hiểu và quả tình Nhơn
có một sở thích mà tôi chưa từng
thích bao giờ. Lúc đó cái tôi
thích khác hẳn bạn mình. Tôi ngâm nga,
ư ử suốt ngày các bài thơ có trong tay,
Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính…
Tôi âm thầm nắn nót chép tay các
bài thơ tình trong tập giấy trắng nõn, để tặng cho
con nhỏ có cặp mắt thiệt to, học lớp Đệ Nhị Niên
(deuxième année) mà tim đập thình thịch.
Làm quen với con gái thiệt là khó và
run muốn chết, tôi mắc cở mà thú thật với Nhơn như
vậy..
Nhơn biết được chuyện đó và cười cho tôi tầm
thường. Nhơn đôi khi nói với tôi, đời người ngắn
ngủi và vô thường, được sống làm người thì
phải làm cái gì hữu ích cho xã hội,
nhưng đã làm thì phải làm cho vĩ đại, đừng
chấp nhận sự tầm thường, hèn mọn… rồi sau đó những mẫu
người vĩ đại của Nhơn là Van Gogh, Matisse…. lại ào
ào tuôn ra. Bạn thường nói với tôi những
thành công rực rỡ, những viễn ảnh cao xa, những sung sướng
khi mình thực hiện được hoài bảo. Nhơn thường chê
trách những kẻ sống không lý tưởng, chỉ cố học cho
cao dùng bằng cấp kiếm tiền cho nhiều, sống giàu sang
sung sướng bên vợ đẹp, con khôn….
Tôi biết rồi, chuyện vĩ đại mà bạn mình
nói là tạo nên những công trình đồ sộ
cho nghệ thuật, nghệ thuật hội hoạ, nghệ thuật điêu khắc….
Tôi nghĩ thầm, Nhơn và tôi ở tỉnh nhỏ, lại
còn là con nít, học hành đâu
có bao nhiêu, nhà lại nghèo thì
làm sao làm chuyện gì cho vĩ đại được. Những
nhà danh hoạ, điêu khắc mà Nhơn thường ôm ấp
trong lòng, thường nhắc tới đó, coi là thần tượng
đó, nghe nói họ sống nghèo khổ lắm, không
vợ, không con, và chết trong hiu quạnh cô đơn. Những
tác phẩm của họ chỉ nổi tiếng sau khi họ đã chết. Cũng
như thầy Nhan Hồi, đức Khổng Tử đã từng khen ngợi - sống trong
hẽm nhỏ, một giỏ cơm, một bầu nước mà vui với đạo lý,
quên đi cái nghèo.
Nhà tôi vốn buôn bán và
khá giả, tôi không hiểu và thiệt tình
không hiểu, thiếu thốn, nghèo khổ làm sao mà
vui được, thầy Nhan Hồi hay mấy ông Renoir, Gaugin gì
đó... có thiệt là vui không, mà chết
rồi, nổi tiếng sau khi chết, thì dù ông đạt được
cái danh, họ cũng đâu có biết, sướng ích
gì đâu,… Tôi nghĩ như vậy, thương cho bạn và
thấy bạn thuộc mẫu người không tưởng, mơ mộng, xa xôi ,
hão huyền…
Sau khi cả hai đậu Trung Học xong, tôi phải xuống Sài
Gòn tiếp tục học các lớp cao hơn. Nhơn lại thi đậu
vào trường Mỹ Nghệ Thủ Dầu Một, sau đó nhờ học giỏi thi
đậu vào Cao Đẳng Mỹ Nghệ Gia Định… Rồi những nhu cầu cơm
áo, những hệ lụy nhân sinh, tôi và Nhơn xa
nhau biền biệt lúc nào không nhớ. Năm 1963 sau cuộc
đảo chánh Ngô triều, tôi bất ngờ gặp Nhơn trong
công viên Tao Đàn, trong phòng triển
lãm rộng lớn, trình bày những hình ảnh
Pháp nạn của Phật Giáo, Nhơn chỉ cho tôi bức tranh
sơn dầu thật lớn, choáng đầy cả bức vách, hình ảnh
những nạn nhân của chế độ đang rên siết oằn oại, vươn
lên những cánh tay khẳng kheo như muốn bám
víu một chút hy vọng, một chút tình thương,
màu sơn đỏ bầm, tím nâu như màu máu,
màu lửa, màu đấu tranh… tôi đọc được chữ ký
tên Lê Thành Nhơn bằng sơn vàng ở góc
phải. Cái to lớn vĩ đại của bức tranh cũng làm tôi
chú ý.
Tôi hiểu ngay, những đường nét, màu sắc,
khuôn khổ bạn tôi thể hiện cho tác phẩm không
bao giờ có sự tầm thường và bạn tôi, tác
giả, cũng không tầm thường. Con đại bàng lúc
còn non thì cũng là đại bàng, không
bao giờ là chim sẻ.
Lê Thành Nhơn rời Bình Dương mà bay
nhảy tận chưn trời góc biển nào. Đời sống vật chất bạn ra
sao, tôi không biết, vợ con bạn ra sao, nghề nghiệp ra sao,
tôi không biết. Cuộc chiến lúc đó dữ dội
và tàn khốc quá mà. Thời gian trước
tháng tư, 1975 chừng vài tháng, Lê
Thành Nhơn lái một chiếc xe Huê Kỳ lộng lẫy trở về
Bình Dương kiếm tôi, không phải để đi rủ rê đi
chơi mà bàn công chuyện. Tôi mừng cho bạn
và ngạc nhiên hết sức. Bạn muốn tôi giới thiệu với
ông bác, sui gia ba tôi ở Búng, thuộc quận
Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương. Tôi nhìn
Nhơn ngạc nhiên và hỏi -bạn muốn tôi giới thiệu với
bác Đạo để làm chi. ?
Nhơn lấy ra một hoạ đồ kiến trúc thật lớn để lên
bàn và giải thích cho tôi hiểu. Khu vực xa
lộ từ Búng lên Bình Dương có những ngọn đồi
cao thấp thật đẹp, tại sao lại phí phạm đem trồng củ sắn với
khoai lang, khoai mì, mình phải biến nó
thành một công viên quốc gia với đầy đủ các
tượng danh nhân, những người có công góp phần
xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu nầy như Trần Hưng
Đạo, Quang Trung, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn
Thái Học, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Phan Thanh Giản,
Hoàng Diệu… để con cháu noi gương yêu nước.
Tôi nhìn sững Nhơn - lập một công viên
quốc gia, tiền ở đâu, ai cho, và làm như vậy để
được cái gì, đất nước đang chiến tranh tàn khốc,
làm sao mà thực hiện. Khả năng Nhơn tới đâu
và công trình nầy đâu phải là một
người có thể làm. Hàng trăm câu hỏi trong
đầu, chuyện nầy Nhơn nói thiệt hay nói chơi và
tôi chợt hỏi- tại sao bạn lại nhờ tôi giới thiệu với
bác Đạo, bác Đạo có liên hệ gì tới vụ
nầy ?
Nhơn nói cho tôi biết là Nhơn đã gặp
ông xã Nhu làng Hưng Thạnh, cũng như đã
nghiên cứu kỹ sổ địa bộ của vùng nầy, biết được những
trái đồi đó thuộc sở hữu của bác Đạo, công
trình nầy là tầm mức quốc gia, chớ không còn
thuộc tỉnh hay địa phương nữa... Rồi Nhơn nói miên man
những công trình mà Nhơn đã thực hiện ở Huế,
ở Đà Nẵng, ở Phan Thiết, những phù điêu trang
trí dinh Độc Lập, những cuộc triển lãm quốc tế, những huy
chương vàng bạc nhận được và cuối cùng những
phác hoạ đẹp đẽ trong tương lai cho Bình Dương
chúng tôi -thung lũng xanh bên nầy phải là
công viên cây cao rủ bóng, bên kia
là suối reo, bên nọ là rừng thưa nuôi những
đàn nai ngơ ngác, có những con đường trải sỏi cho
những cặp tình nhân yêu nhau hò hẹn, dọc theo
các đường mình dựng tượng… Tôi nghe mà như
nằm chiêm bao, mới có chừng mười năm xa cách
mà Nhơn đã khác lạ quá mức tưởng tượng
trong tôi, thiệt tình tôi không ngờ, quả
là không ngờ được…
Sau đó, Nhơn gặp bác Đạo trình bày,
bàn cãi, thảo luận nhiều ngày về phương
cách thực hiện dự án nầy. Lúc đó tôi
mới bật ngửa, chuyện thiệt tình chớ không phải chuyện
nói chơi, con đại bàng đã đủ lông
cánh,…
* * *
Khi nghe tin Nhơn bịnh rồi biết tin Nhơn mất, tôi cảm thấy
thật trống vắng và đâm nhớ miên man những
ngày xưa. Chết hay sống là chuyện hiển nhiên đời
người, có tụ thì phải có tan, có
thành thì có hoại, Lê Thành Nhơn
đã thấy rất rõ, rất rõ, bạn sẵn sàng ra đi
yên vui, đời bạn đẹp quá, có gì phải tiếc
nuối.
Ôm ấp những giấc mơ Renoir, Van Gogh… nhiều hay ít
bạn đã thực hiện được. Lê Thành Nhơn bây giờ
và mãi mãi sẽ là những Renoir, Van Gogh của
những người yêu mến nghệ thuật. Sống một đời trọn vẹn cho những
lý tưởng của mình, như vậy chẳng thoả nguyện sao ?
Cái nhân ngày trước và cái quả
bây giờ, không phải do một sớm một chiều mà
có được. Nhơn ơi, ở một góc trời thiệt xa, tôi bồi
hồi nhớ thương bạn và ngay từ hồi còn nhỏ, tôi
đã nhìn thấy bạn sẽ là con đại bàng
và thời gian đã chứng minh đúng y như vậy,
nhìn những tác phẩm của bạn để lại cho đời, khiến
tôi hãnh diện và sung sướng. Bạn đã trở về
được cõi trăng sao và màu sắc.
Võ Kỳ Điền (10 Feb 2003)
Tiểu sử Lê Thành Nhơn
trên trang web tienve.org
Lê Thành Nhơn sinh ngày 17 tháng 11 năm 1940
tại Thủ Dầu Một, nằm ở phía đông Sài Gòn.
Cha là Lê Văn Nguyện và mẹ Chung Thị Duyên,
một người Việt gốc Chàm lai Trung Hoa.
Lê Thành Nhơn say mê nghệ thuật từ nhỏ. Ông
học trung học tại trường Mỹ Nghệ Thực hành Bình Dương,
một trường chuyên về trang trí, thiết kế đồ gỗ, đồ gốm
và đặc biệt là sơn mài, nguồn cung cấp nghệ
nhân chủ yếu cho các trung tâm sơn mài nổi
tiếng tại Việt Nam như Thành Lễ và Trần Hà.
Sau đó, Lê Thành Nhơn thi đỗ vào trường Cao
Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn Gia Định. Năm 1963, lúc đang
còn là sinh viên, tượng của ông đã
được tuyển chọn để tham dự cuộc triển lãm mỹ thuật quốc tế lần
thứ tư được tổ chức tại Paris. Năm sau, ông tốt nghiệp thủ khoa
ngành điêu khắc, cùng khoá với Đỗ Quang Em,
một trong những người bạn thân nhất của ông.
Tốt nghiệp, ông về dạy học tại trường Mỹ Nghệ Thực Hành
Bình Dương. Hai năm sau, tháng 3 năm 1966, ông bị
động viên. Ông ở trong quân đội cả thảy bốn năm, đến
tháng 6 năm 1970 thì được giải ngũ với cấp bậc thiếu
uý, sau khi bị thương nhẹ trong một cuộc hành quân.
(Nhẹ, nhưng chất chì trong viên đạn bắn vào người
ông, đến giữa thập niên 90, vẫn còn làm độc,
khiến ông phải nằm viện mấy tuần lễ!)
Ngay khi vừa phục viên, ông được mời làm giáo
sư điêu khắc tại trường Mỹ Thuật Sài Gòn Gia Định,
đồng thời làm giáo sư thỉnh giảng tại trường Mỹ Thuật
Huế. Mấy năm sau, từ năm 1973, ông được mời giảng dạy tại trường
Đại học cộng đồng Duyên Hải tại Nha Trang. Mặc dù phải dạy
học ở nhiều nơi như vậy, Lê Thành Nhơn vẫn dành
nhiều thì giờ và tâm huyết cho công việc
sáng tác. Các sáng tác của ông
thời gian này phần nhiều có kích thước khá
lớn, trong đó nổi bật nhất là bức tượng Quan Thế Âm
bằng đồng tại trung tâm Liễu Quán ở Huế cũng như bức tượng
Phan Bội Châu bằng đồng, cao đến 3,5 mét cũng tại Huế.
Bằng cement thì có bức tượng Phật Thích Ca hiện
dựng tại trung tâm Phật học Huệ Nghiêm ở Phú
Lâm, Sài Gòn, cao đến 4,5 mét; bức tượng
Phan Thanh Giảng cao hơn 3 mét đã bị đập phá
vào năm 1975, và bức tượng Thiếu Nữ Việt Nam cao 4
mét hiện còn trong tư gia người nhà của ông
tại Sài Gòn.
Cuối tháng 4 năm 1975, gia đình Lê Thành
Nhơn may mắn nằm trong danh sách những người đầu tiên
thoát khỏi Việt Nam. Sau mấy tháng tạm trú ở đảo
Guam, gia đình ông được định cư tại Úc vào
tháng 9 cùng năm. Để mưu sinh, thoạt đầu Lê
Thành Nhơn làm nghề sơn xe trong hãng xe hơi
ToyOta; sau đó, ông đổi sang làm nghề bán
vé xe điện trong suốt mười năm, từ 1976 đến 1986. Năm 1987,
Lê Thành Nhơn được mời dạy kiến trúc tại đại học
RMIT, Melbourne. Năm sau, nghỉ dạy, ông cùng một người bạn
mở trung tâm Bình Dương Ceramic chuyên sản xuất
các tác phẩm nghệ thuật bằng gốm. Tác phẩm
thì đẹp nhưng hoạt động thương mại rất mực èo uột,
không mang lại lợi tức bao nhiêu. Đến năm 1996 thì
ông nghỉ hẳn, chỉ ở nhà vẽ tranh.
Mấy chục năm định cư tại Úc, Lê Thành Nhơn
sáng tác khá nhiều. Về điêu khắc, ông
có một số tác phẩm được đúc đồng như tượng Dr
Phillip Law hiện đang bày tại đại học Monash ở Melbourne
và đại học Tasmania tại tiểu bang Tasmania, Úc; tượng Joy
cao khoảng 2m5 hiện dựng trước sân trường đại học Monash
(Caulfield campus), tượng “Đừng bỏ rơi tôi tự do” hiện bày
tại Mekong Club tại Sydney, tượng Phật Thích Ca hiện bày
tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Úc tại thủ đô Canberra,
v.v... Về hội hoạ, Lê Thành Nhơn có khoảng
vài trăm bức tranh thuộc nhiều khổ khác nhau, trong
đó có nhiều bức có kích thước rất lớn, như
bức Yarra River dài 4 mét, bộ Tứ Đại gồm bốn bức (“Đất”,
“Nước”, “Gió”, “Lửa”), mỗi bức cao 2 mét và
dài 6 mét (riêng bức “Gió” dài đến
6,5 mét), v.v...
Sự nghiệp của Lê Thành Nhơn được đánh giá
rất cao. Bức tượng Phan Bội Châu của ông được xem như một
bộ phận trong quần thể di sản văn hoá cần được bảo tồn tại Huế
dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Tại Úc, Lê
Thành Nhơn là một trong số ít nghệ sĩ có
tác phẩm được trưng bày vĩnh viễn tại Viện Bảo
Tàng Quốc Gia Úc cũng như Viện Bảo Tàng Di
Dân tại tiểu bang Victoria.
Vào đầu tháng 2 năm 2002, Lê Thành Nhơn bị
bệnh, được chở vào bệnh viện, và được các
bác sĩ cho biết là ông bị ung thư gan. Lê
Thành Nhơn được chở về nhà, mỗi tuần một lần vào
bệnh viện để được chữa bằng hoá liệu pháp (chemotherapy).
Có lúc ông rất lạc quan, ngỡ có thể vượt qua
được căn bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên đến cuối tháng
10 thì bệnh ông đột ngột trở nặng. Lê Thành
Nhơn được chở vào Royal Melbourne Hospital vào trưa Thứ
Sáu, 1.11.2002. Đến 4giờ30 chiều Thứ Hai, ngày 4
tháng 11, thì ông trút hơi thở cuối
cùng.
Lê Thành Nhơn ra đi, để lại một vợ và bốn con. Tất
cả các con ông đều đã trưởng thành, trong
đó, người con trai thứ hai, Hưng Lê, là một danh
hài của Úc.
(Nguyễn Hưng Quốc soạn dựa trên lời kể và một số
tài liệu do Lê Thành Nhơn cung cấp)
tác phẩm Vẽ Kiều (hội họa)
7 bức tranh Kiều ở lầu xanh, trong loạt tranh về Truyện Kiều, do
Lê Thành Nhơn vẽ bằng bút chì trên
giấy (1993-1996) ...
Vẽ Kiều (hội họa)
Bốn lần Kiều đàn: 1. "Trong như tiếng hạc bay qua" | 2. "Người
ngoài cười nụ người trong khóc thầm" | 3. "Bốn dây
nhỏ máu năm đầu ngón tay" | 4. "Phím đàn
dìu dặt tay tiên"
Sitting Buddha (điêu khắc)
Phỏng vấn Lê Thành Nhơn (nhận định mỹ thuật)
[Trích tạp chí Văn, 72, tháng 12, 2002, số đặc
biệt “Chia Tay hoạ sĩ – điêu khắc gia Lê Thành Nhơn
(1940-2002)”, trang 57-60.] Minh Nguyệt: Thưa anh Lê Thành
Nhơn, thay vì hỏi tiểu sử của anh như thường lệ, MN xin hỏi ngay
vào con đường dẫn anh đến với nghệ thuật. Anh có nhớ
là anh đã đi vào hoạt động vẽ tranh và dựng
tượng như thế nào không? (...)
Red cloak and haze (hội họa)
Four seasons in one day (điêu khắc)
Winter (hội họa)
Spiral (hội họa)
Shell (hội họa)
Pietà (hội họa)
Kiss (hội họa)
Birds of paradise (hội họa)
Phan Bội Châu (điêu khắc)
Louise Carbines (điêu khắc)
Joy (điêu khắc)
Head of the young girl (điêu khắc)
Dr. Phillip Law (điêu khắc)
Sitting Buddha at Hue Nghiem temple (điêu khắc)
Do not abandon me, Freedom (điêu khắc)
Sanh, Lão, Bịnh, Tử (điêu khắc)
Viết về Lê Thành Nhơn Introduction to Lê
Thành Nhơn (nhận định mỹ thuật) - Nguyễn Hưng Quốc [An article
from the book entitled Lê Thành Nhơn, edited by Nguyễn
Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn and Tôn Thất Quỳnh-Du,
published by VIET Journal, Victoria, Australia, 2002.] Lê
Thành Nhơn was born in the province of Bình Dương, in the
southern part of Vietnam, in 1940, and has been living in Melbourne,
Australia since 1975.
Gracefully to Lê Thành Nhơn (nhận định mỹ thuật) -
Hoàng Ngọc-Tuấn [An article from the book entitled Lê
Thành Nhơn, edited by Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn
and Tôn Thất Quỳnh-Du, published by VIET Journal, Victoria,
Australia, 2002.] I should never hesitate to admit that I regard
Lê Thành Nhơn as one of the few artists whose power of
creativity impresses me so immensely.
A note on Lê Thành Nhơn (nhận định mỹ thuật) - Tienve.org
[An article from the book entitled Lê Thành Nhơn, edited
by Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn and Tôn Thất
Quỳnh-Du, published by VIET Journal, Victoria, Australia, 2002.] In
Vietnam Lê Thành Nhơn lectured in fine arts and was known
throughout the country as a talented sculptor and painter and as a
master craftsman in lacquer.
Phan Bội Châu's Bronze bust by Lê Thành Nhơn (nhận
định mỹ thuật) - Tôn Thất Quỳnh Du [An article from the book
entitled Lê Thành Nhơn, edited by Nguyễn Hưng Quốc,
Hoàng Ngọc-Tuấn and Tôn Thất Quỳnh-Du, published by VIET
Journal, Victoria, Australia, 2002.] What is striking about Lê
Thành Nhơn's huge bronze portrait of Phan Bội Châu is that
it's so different from the usual commemorative statues of national
heroes.
On Lê Thành Nhơn (nhận định mỹ thuật) - Nhiều tác
giả [An article from the book entitled Lê Thành Nhơn,
edited by Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn and Tôn Thất
Quỳnh-Du, published by VIET Journal, Victoria, Australia, 2002.]
Lê Thành Nhơn conveys through his creative works a strong
message of peace and harmony - peace with oneself and with others, and
harmony amongst human beings as well as with the environment.
Over and above all these memories (nhận định mỹ thuật) - Bửu Ý
[An article from the book entitled Lê Thành Nhơn, edited
by Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn and Tôn Thất
Quỳnh-Du, published by VIET Journal, Victoria, Australia, 2002.] Of all
those days and moments laden with memories of Nhơn, I spent two
substantial periods of time with him.
Lê Thành Nhơn và những trường thành của
cái đẹp (nhận định mỹ thuật) - Nguyễn Hưng Quốc [Trích
tạp chí Văn, 72, tháng 12, 2002, số đặc biệt “Chia Tay
hoạ sĩ – điêu khắc gia Lê Thành Nhơn (1940-2002)”,
trang 9-11.] Nghĩ đến mỹ thuật Việt Nam đương đại, bên cạnh một
số tên tuổi khác, tôi hay nghĩ đến Lê
Thành Nhơn. Không phải vì anh là bạn của
tôi. Mà chủ yếu vì trong nghệ thuật của anh
có nét gì tôi tin là sẽ thuộc về vĩnh
cửu.
Ấn Tượng Lê Thành Nhơn (nhận định mỹ thuật) - Nguyễn Hưng
Quốc [Trích tạp chí Văn, 72, tháng 12, 2002, số
đặc biệt “Chia Tay hoạ sĩ – điêu khắc gia Lê Thành
Nhơn (1940-2002)”, trang 6-8.] Điều tôi thích nhất ở
Lê Thành Nhơn là sự say mê của anh đối với
những cái lớn lao và hùng vĩ. Làm gì
Lê Thành Nhơn cũng muốn làm thật lớn.
Lê Thành Nhơn: một nghệ sĩ lớn (nhận định mỹ thuật) -
Hoàng Ngọc-Tuấn [Trích tạp chí Văn, 72,
tháng 12, 2002, số đặc biệt “Chia Tay hoạ sĩ – điêu khắc
gia Lê Thành Nhơn (1940-2002)”, trang 12-16.] Suốt hơn hai
mươi lăm năm qua, trong số bằng hữu nghệ sĩ người Việt, tôi chưa
từng gặp ai đem đến cho tôi những ấn tượng mạnh mẽ về sức
sáng tạo như Lê Thành Nhơn.
Lê Thành Nhơn: một mối ân ba suốt đời không
trả hết (nhận định mỹ thuật) - Hoàng Ngọc-Tuấn [Trích tạp
chí Văn, 72, tháng 12, 2002, số đặc biệt “Chia Tay hoạ sĩ
– điêu khắc gia Lê Thành Nhơn (1940-2002)”, trang
17-19.] Lê Thành Nhơn là một trong số vài
nghệ sĩ mà năng lực sáng tạo nghệ thuật đã
gây ấn tượng mãnh liệt trong tôi. Suốt mấy thập
niên qua, mỗi lần đến thăm hoạ xưởng của anh, tôi
không khỏi nghĩ đến một đại thụ liên lỉ sản sinh những hoa
trái mới, và tôi bị choáng ngợp trong một
niềm sung sướng.
Lê Thành Nhơn trong Diaspora Việt Nam (nhận định mỹ thuật)
- Bội Trân [Trích tạp chí Văn, 72, tháng 12,
2002, số đặc biệt “Chia Tay hoạ sĩ – điêu khắc gia Lê
Thành Nhơn (1940-2002)”, trang 47-50.] Người ta sẽ nhớ gì
về một tác giả sau khi tác giả đã qua đời? Dĩ
nhiên trước hết là tác phẩm. Đó là
căn cước cụ thể trung thực chứng minh cho tài năng.
Phỏng vấn Lê Thành Nhơn (nhận định mỹ thuật) - Lê
Thành Nhơn / Minh Nguyệt [Trích tạp
chí Văn, 72, tháng 12, 2002, số đặc biệt “Chia Tay hoạ sĩ
– điêu khắc gia Lê Thành Nhơn (1940-2002)”, trang
57-60.] Minh Nguyệt: Thưa anh Lê Thành Nhơn, thay
vì hỏi tiểu sử của anh như thường lệ, MN xin hỏi ngay vào
con đường dẫn anh đến với nghệ thuật. Anh có nhớ là anh
đã đi vào hoạt động vẽ tranh và dựng tượng như thế
nào không?
Nhớ Lê Thành Nhơn (truyện / tuỳ bút) - Võ
Quốc Linh [Trích tạp chí Văn, 72, tháng 12, 2002,
số đặc biệt “Chia Tay hoạ sĩ – điêu khắc gia Lê
Thành Nhơn (1940-2002)”, trang 62-67.] Lê Trung Hưng, con
trai đầu lòng của anh Lê Thành Nhơn, từ trên
bục nói của nhà quàng John Allison/Monkhouse,
nhìn xuống hàng người lớp lớp lặng lẽ ngồi.
Lê Thành Nhơn (truyện / tuỳ bút) - Võ
Đình [Trích tạp chí Văn, 72, tháng 12,
2002, số đặc biệt “Chia Tay hoạ sĩ – điêu khắc gia Lê
Thành Nhơn (1940-2002)”, trang 20-21.] Trước đó,
tôi từng gặp Lê Thành Nhơn. Gặp tác phẩm,
không gặp người. Sau buổi nói chuyện ở trường Mỹ thuật,
tôi cùng nhiều người bước ra sân. Không nhớ ai
đã chỉ cho tôi xem tượng Phan Bội Châu. Ở Huế, người
ta gọi là cụ Phan. Hay cụ Phan Sào Nam.
Trở về với Đất (truyện / tuỳ bút) - Ðinh Cường [Trích
tạp chí Văn, 72, tháng 12, 2002, số đặc biệt “Chia Tay
hoạ sĩ – điêu khắc gia Lê Thành Nhơn (1940-2002)”,
trang 25-30.] Hình ảnh còn đậm nét trong
trí nhớ tôi, về một người bạn làm điêu khắc
luôn nuôi hoài bão lớn. Đã nhồi
hàng tấn đất sét để làm tượng, nay lại đành
xuôi tay trở về với Đất.
Nhớ về Lê Thành Nhơn (truyện / tuỳ bút) - Bửu
Ý [Trích tạp chí Văn, 72, tháng 12, 2002,
số đặc biệt “Chia Tay hoạ sĩ – điêu khắc gia Lê
Thành Nhơn (1940-2002)”, trang 22.] Ngoài những
ngày, những lúc có kỷ niệm với Nhơn, tôi
có sống hai lần khá lâu dài với bạn.
Thơ gởi Lê Thành Nhơn (thơ) - Uyên Nguyên
Chiều về (thơ) - Tạ Duy Bình
Nhớ Lê Thành Nhơn (thơ) - Nguyễn Hoàng Tranh
Lê
Thành Nhơn trong Việt Nam Diaspora
(Huỳnh Bội Trân)
Người ta sẽ nhớ gì về một tác giả sau khi tác giả
đã qua đời? Dĩ nhiên trước hết là tác phẩm.
Đó là căn cước cụ thể trung thực chứng minh cho
tài năng. Lê Thành Nhơn thao lược từ điêu
khắc, hội họa cho đến gốm; cái nào anh cũng làm
“hết mình”, chữ của anh, đến nỗi người ta có thể tin
rằng, một cách dị đoan, anh đã sống hơn một kiếp người
với chừng đó tài năng; 62 năm hiện hữu của anh là
một sự cô đặc.
Người đời sẽ nhớ đến Lê Thành Nhơn nhiều, nhiều hơn cả mức
người ta có thể hình dung. Anh là nhân chứng
đứng ở một ngả rẽ lịch sử của Việt Nam, và đồng thời anh
là một tác nhân trong dòng lịch sử
đó. Việc di tản của những người Việt Nam sau 1975 đã mở
ra một hiện thực mới, một Diaspora Việt Nam – cộng đồng Việt Nam tha
hương ở khắp các lục địa trên thế giới, Hoa Kỳ,
Pháp hay Australia. Diaspora Việt Nam này cho thấy sức
mạnh của tính Việt Nam, và Lê Thành Nhơn
biểu lộ nó qua công việc của mình. Anh là
bằng chứng rực rỡ nhất cho một Diaspora Việt Nam sống đàng
hoàng trong một nền văn hoá khác, đi vào
nền văn hoá khác bằng cổng chào. Năng lượng của
một Diaspora Việt Nam ở chỗ nó không mất đi sắc
thái của mình khi hội nhập vào xã hội định
cư mà còn làm phong phú thêm
chính mình và môi trường văn hoá chủ
nhà. Anh là một trong những nhân tố trong Diaspora
Việt Nam, và là nhân tố trội. Sự có mặt của
Lê Thành Nhơn ở đất nước Kangaroo này là một
“fair play”; anh không những đóng thuế như một công
dân Úc, như mọi công dân khác,
mà còn để lại những cái đẹp ngoài sức mong
đợi của miền đất cưu mang. Anh là đối trọng của những nhân
vật “ngày nào cũng ngồi chờ ăn giỗ ở nhà mẹ” (chữ
của Lê Thành Nhơn) khi nhân danh bảo vệ truyền thống
mà thực ra chỉ bào mòn nó.
Nhưng trước hết, người ta nhớ đến anh, vì anh nói
lên tiếng nói của con người: lòng tin, niềm hoan
lạc, nỗi trăn trở, tình yêu, sự khao khát, đam
mê…
Lê Thành Nhơn làm việc nhiều, tác phẩm của
anh ở trong nhiều bộ sưu tập của chính phủ và tư
nhân khác nhau. Một màn điểm danh đầy đủ tác
phẩm của anh sẽ cần đến một công trình nghiên cứu
dài. Cái gì đã làm nên một dấu
ấn Lê Thành Nhơn, hay phong cách Lê
Thành Nhơn? Cái gì là mẫu số chung của
những tác phẩm của anh từ điêu khắc, gốm sang đến hội họa?
Có thể có nhiều ý kiến khác nhau.
Riêng tác giả bài viết này tin rằng
tính biểu tượng (Symbolism) và sự biểu cảm
(Expressiveness) là hai thành tố có mặt trong mọi
tác phẩm của Lê Thành Nhơn. Lê Thành
Nhơn quí trọng truyền thống, nhưng không “ăn mày
truyền thống” theo nghĩa sao chép những motif ngày xưa để
vỗ ngực nói về một tính Việt Nam bất biến. Anh hiểu được
mỹ thuật truyền thống của Việt Nam nằm trong khả năng khai thác
tính biểu tượng, việc dùng một hình ảnh để
miêu tả căn nguyên của một sự kiện khác, do
đó khiến tác phẩm ôm ấp nhiều lớp nghĩa khác
nhau. Đồng thời mỹ thuật sẽ không còn là mỹ thuật
nếu nó không bộc bạch được cảm xúc và mang
lại cho người ta cảm xúc. Vậy thì, biểu tượng và
biểu cảm có thể so sánh với “lý” và
“tình” mà người nghệ sĩ phải cân bằng khi muốn đưa
tác phẩm của mình vào một cuộc đời lâu bền.
Chân dung của nhà soạn nhạc Hoàng Ngọc-Tuấn bằng
đồng được miêu tả hết sức sinh động và đầy ngẫu hứng,
giống như một bản tốc họa từ tay một họa sĩ tài ba, hay như một
snapshot của một nhiếp ảnh gia nhà nghề. Lê Thành
Nhơn giữ lại một khoảnh khắc tiêu biểu cho cá tính
của một con người. Nhà soạn nhạc của chúng ta đang
tròn miệng say sưa hát, má tóp vào,
đôi mày nhíu lại trên cái trán
vồ, hai bên trán li ti những đường gân. Chân
dung Hoàng Ngọc-Tuấn là một biểu tượng cho tuổi trẻ Việt
Nam sôi nổi, người ta tưởng như nghe được nhạc của Trịnh
Công Sơn đang được hát từ bức tượng. Chất thô
ráp mà Lê Thành Nhơn thể hiện trên
chân dung này ngược lại với sự phẳng phiu đường
hoàng của tượng Phật ở Canberra, nó cũng khác với
tính biểu hiện trong tác phẩm Joy đặt ở sân trường
Monash. Ngoài cái giống về diện mạo, Lê
Thành Nhơn còn lột tả được tinh thần của người bạn trẻ
của ông, và nếu chúng ta biết rằng Lê
Thành Nhơn đã làm tượng này từ trí
nhớ chỉ sau một lần gặp lại duy nhất ở miền đất định cư. Hai nhà
văn nghệ làm bạn với nhau từ ở Việt Nam khi Lê
Thành Nhơn giảng dạy tại Trường Đại Học Duyên Hải ở Nha
Trang từ 1973 cho đến 1975. Năm 1985, Hoàng Ngọc-Tuấn
trình diễn trong một buổi hoà nhạc ở Collingwood Town
Hall tại Melbourne, và ngạc nhiên vô cùng khi
buổi diễn kết thúc, khán giả Lê Thành Nhơn
đã bước lên sân khấu ôm chầm lấy anh. Hai
người bạn cũ hội ngộ được hai ngày ở Melbourne thì
Hoàng Ngọc-Tuấn phải quay về Sydney. Chỉ hai ba tháng
sau, Hoàng Ngọc-Tuấn nhận được món quà từ Lê
Thành Nhơn với lời nhắn nhủ: “Tôi đóng đinh bạn như
là người ta đã đóng đinh Chúa Jesus, bạn
là người duy nhất còn sống mà tôi làm
chân dung. Bạn phải đi cho hết con đường nghệ thuật của
mình”. Khi đó Hoàng Ngọc-Tuấn còn là
một “tên Việt Nam mới định cư, cầu bơ cầu bất” như lời anh tự
nhận xét, còn Lê Thành Nhơn thì đang
làm nghề bán vé trên xe điện với mức thu
nhập không phải là dồi dào cho việc đúc đồng
một tác phẩm mang đi tặng bạn. Đó là sự hào
phóng của dân miền Nam mà không phải
dân giàu có nào cũng có thể
sánh kịp. Đó là một lời tiên tri của một
tâm hồn nghệ sĩ lớn, thấy được sự phát triển sắp tới
trên cái nền tảng hiện hữu. Đó là sự mẫn cảm
của tài năng thiên phú Lê Thành Nhơn
cộng với trí nhớ mang tính thị giác kỳ diệu của
nghệ sĩ.
Một tác phẩm của Lê Thành Nhơn nữa cũng mang đầy
tính biểu tượng: Tuổi Già, 1987, trong loạt điêu
khắc Sinh Lão Bệnh Tử của anh. Tuổi già qua tay Lê
Thành Nhơn là một nhân vật chống gậy lưng
khòm, hai yếu tố tiêu biểu cho mọi người già. Tuy
nhiên lưng khòm biến thành một đường thẳng ngang
đối lập với bước chân xoạc dài tạo ra một đường cong. Tuổi
già của anh là cái nhìn lạc quan về
quãng đường mà con người đó đã đi qua, bước
chân xoạc dài. Chiếc gậy chống tạo ra một lực để con người
đó hướng về phía trước. Như vậy hình thể và
đường nét được xử lý vô cùng thích
đáng và tinh tế để nói lên tinh thần
nhân bản của Lê Thành Nhơn trong nghệ thuật. Anh
yêu cuộc đời và con người biết bao để có thể cảm
nhận tuổi già một cách tích cực như vậy! Ấy vậy
mà anh không có tuổi già.
Chiếc lục bình Hai Bà Trưng là một tác phẩm
gốm độc đáo cao 87 cm, đường kính 96 cm, thực hiện năm
1988. Phù điêu cao trải tràn trề trên
thân cái lục bình truyền thống kể lại lịch sử Hai
Bà Trưng cưỡi voi đuổi giặc. Những vầng mây sóng
cuộn nâng đỡ và theo đuổi những tráng sĩ cầm gươm
xông pha trên lưng ngựa, một đoàn quân ra trận
khí thế oai hùng. Các nhân vật và chi
tiết phụ trồi lên trên mặt phẳng ở nhiều độ cao khác
nhau chạy tròn theo thành bình làm
thành một nhịp điệu dồn dập. Và khi đưa mắt mình
đi theo vòng tròn của tác phẩm để đọc những chi
tiết ấy, người xem bất giác hiểu ra rằng lịch sử có rất
nhiều khúc quanh và nếp cuộn ẩn nấp. Hình ảnh hai
bà như hình ảnh người mẹ Việt Nam, trong chiếc áo
dài tha thướt nổi bật trên thành ngoài của
bình, như hình của một bà tiên hiện ra vừa
thống trị trong bố cục mà lại vừa tao nhã trong những
đường nét. Trong khi những tác phẩm gốm khác mang
nhiều tính nhục cảm thì chiếc lục bình này
là một bản hùng ca đầy hào khí bằng
hình ảnh, khối và màu sắc. Lê Thành
Nhơn dùng màu da vàng rất gốm Bình Dương,
cộng với màu xanh đồng và xanh biếc. Kỹ thuật nung của
anh tuyệt vời ở chỗ thành bình có độ dày
lồi lõm khác nhau nhiều, mà tuyệt nhiên
không có một vết rạn xương cốt hay men. Người ta tin rằng
anh đã trải qua rất nhiều thử nghiệm trong xưởng làm của
anh tại Dandenong để có được một tác phẩm vuông
tròn. Lê Thành Nhơn không ngại; anh bao giờ
cũng muốn “làm cho đàng hoàng” và “sống
đàng hoàng”. - Bội Trân
----------------
Chú thích (của Bội Trân): Những chữ trong ngoặc
kép là chữ của anh Lê Thành Nhơn.
Chú thích (của NHQ):
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Có thể xem tiểu sử và tác phẩm của Lê
Thành Nhơn trên Tiền Vệ:
http://tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=63
[2] Tất cả các bức này đã được đăng trên
Tiền Vệ, dưới nhan đề chung “Vẽ Kiều”. Có thể xem trên
http://tienve.org/home/visualarts/viewVisualArts.do?action=viewArtwork&artworkId=4899
[3] Nhan đề luận án là “Vietnamese Aesthetics from 1925
onwards”, đệ trình tại University of Sydney năm 2005. Có
thể xem trên http://ses.library.usyd.edu.au/handle/2123/633
[4] Có thể xem tiểu sử đầy đủ của Bội Trân trên
http://www.austlit.edu.au/run?ex=ShowAgent&agentId=AajG;
http://www.engagingwithvietnam.com/speakers/dr-boitran-huynh-beattie;
http://diacritics.org/2012/obituary-dr-boitran-huynh-beattie-1957-2012?utm_source=rss&utm_medium=rss&utm_campaign=obituary-dr-boitran-huynh-beattie-1957-2012
Sau 9
năm "lênh đênh", "Cô gái Việt Nam" đã
về với Huế
(Dân trí) - Sau nhiều cố gắng,
tỉnh Thừa Thiên - Huế cuối cùng đã đưa được bức
tượng tên “Cô gái Việt Nam” về TP Huế vào
ngày 21/4 theo đúng như ước nguyện của tác giả -
cố họa sĩ điêu khắc tài hoa Lê Thành Nhơn
cách đây 9 năm.
Tượng Cô gái Việt
Nam được giới mỹ thuật Việt Nam xem là 1 trong những
tác phẩm để đời của nhà điêu khắc Lê
Thành Nhơn như: tượng Quán Thế Âm bằng đồng (đặt tại
Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán,
đường Lê Lợi, TP Huế), tượng chí sĩ yêu nước Phan
Bội Châu bằng đồng cao 3,5m (đặt tại Khu di tích lưu
niệm Phan Bội Châu, đường Phan Bội Châu, TP
Huế), tượng Phật Thích Ca bằng xi măng cao 4,5m (đặt tại
chùa Huệ Nghiêm, TP HCM).
Điêu khắc gia Lê Thành
Nhơn lúc còn sống bên tượng “Cô gái
Việt Nam” tại TP HCM (ảnh tư liệu)
Bức tượng Cô gái Việt Nam có
chiều cao 2,6m nặng gần 5 tấn do điêu khắc gia Lê
Thành Nhơn tạc năm 1970 tại xưởng điêu khắc cá
nhân của ông tại Sài Gòn. Khi ông ra
nước ngoài định cư tại Úc, bức tượng tạm chuyển đến
nhà một người bà con của ông ở số 10 đường Lê
Ngô Cát, Q3, TP HCM.
Trước khi qua đời năm 2002, Lê Thành Nhơn
đã gửi thư cho 1 người bạn là dịch giả, nhà Huế
học Bửu Ý đang sống tại TP Huế với ý muốn bức tượng
Cô gái Việt Nam sẽ được về với Huế.
Trong
thư, ông viết: “Pho tượng
“Cô gái Việt Nam” mình tạc vào năm 1970, đầu
mùa chương trình thực hiện các tượng danh
nhân Việt Nam. Ngôi nhà Nguyễn Du sau này
thuộc về người Nhật. Pho tượng sẽ được chở về Nhật hoặc bị đập bỏ
nhường chỗ cho xây cất của họ. Chính vì lý
do này mà mình cầu được tượng ra khỏi nhà
Nguyễn Du mà tác quyền vẫn được của mình. Nay
tóc Nhơn đã rụng sạch đầu. Thư này viết cho Bửu
Ý nói lời thầm hỏi nồng nàn và sâu xa
nhứt. Và mình muốn nhờ Bửu Ý đưa giùm pho
tượng cuối cùng này của Nhơn về Huế. Nếu thấy được, xin
ông bỏ chút công đức liên lạc với quý
vị có quyền chức yêu nghệ thuật cho tác phẩm
điêu khắc "Cô gái Việt Nam" hứng một thoáng
mù sương, một thoáng nắng chơi”.
Thực
hiện và tôn trọng nhà cố điêu khắc tài
ba, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhiều lần cất công
liên lạc, trao đổi với gia đình Lê Thành Nhơn
và nơi đang đặt tượng hiện tại. Sau nhiều năm, công việc
đã hoàn thành với sự đồng ý của 2 bên.
Ngày
16/4 vừa qua, tại TP HCM, Sở VH-TT-DL tỉnh TT-Huế đã phối
hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ
thuật, Trung tâm Công viên cây xanh
Huế và gia đình nhà điêu khắc - họa sĩ Lê
Thành Nhơn tổ chức lễ bàn giao và tiếp
nhận, đưa tượng “Cô gái Việt Nam” về Huế.
Trưa
21/4, bức tượng đã được đưa về TP Huế an toàn và
tạm đặt ở công viên Hai Bà Trưng (trước trường nữ
sinh Đồng Khánh xưa, hiện nay là trường THPT Hai
Bà Trưng) Vài ngày nữa, khi bệ tượng hoàn
tất, tượng Cô gái Việt Nam sẽ được cẩu lên bệ tại
công viên này nhân kỷ niệm 36 năm Ngày
giải phóng hoàn toàn miền Nam thống
nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2011), hoàn
thành ý nguyện của cố điêu khắc tài ba
đã có công lớn với Huế trong lĩnh vực nghệ thuật.
Tượng Cô gái Việt Nam đã
về Huế trưa 21/4.
Nhà
văn Bửu Ý, người bạn thân của nhà điêu khắc
Lê Thành Nhơn hoàn toàn đồng tình về
vị trí đặt bức tượng. Ông cho rằng, một bức tượng về
cô gái và được đặt trước ngôi trường chỉ
dành cho nữ sinh trước đây là điều tuyệt vời.
Thêm nữa, khoảng không gian bên bờ sông Hương
cũng là nơi lý tưởng để du khách có thể
chiêm ngưỡng tác phẩm.
Dưới đây là một số
hình ảnh về bức tượng “Cô gái Việt Nam” của cố
điêu khắc gia Lê Thành Nhơn và những
tác phẩm để đời của ông hiện có tại Huế.
Tượng "Cô gái Việt Nam" rất lớn
nằm trước trường Hai Bà Trưng - trước kia là trường nữ
sinh Đồng Khánh
Khuôn mặt rất hiền hậu
Nơi đặt bệ tượng đang khẩn trương thi
công, dự kiến tượng sẽ được đặt trước 30/4
Tượng sẽ nằm ở công viên Hai
Bà Trưng, hướng ra sông Hương thơ mộng. 2 bức tượng “anh
em” với tượng này là tượng Quán Thế Âm hiện
đang nằm tại Liễu quán Huế và tượng cụ Phan Bội
Châu sắp được đem về đặt dưới chân cầu Trường Tiền. Bộ 3
tượng của Lê Thành Nhơn sẽ nằm 1 trục dọc sát
sông Hương cho du khách và dân Huế
chiêm ngưỡng
Bức tượng Quán Thế Âm bằng đồng
đen của Lê Thành Nhơn mà theo nhiều người
khuôn mặt có những nét khá giống với ca sĩ
hát nhạc Trịnh Công Sơn hay nhất - Khánh Ly
Một bức tượng khác của cố điêu
khắc đặt tại Huế: Tượng chí sĩ yêu nước Phan Bội
Châu bằng đồng cao 3,5m