Vài câu chuyện về thầy

Minh Tâm
 
    
    Về hưu năm 2019, tôi dọn về khu Little Saigon sống gần cộng đồng Việt Nam. Thời gian trước khi dịch bịnh Covid 19 xảy ra, tôi hay tham gia những cuộc họp mặt mini cuối tuần với một số đồng hương Bình Dương. Qua đó, tôi có dịp nói chuyện và tìm hiểu thêm về một người thầy có công giáo dục cho rất nhiều học sinh của tỉnh nhà, đó là thầy Nguyễn Kim Long. Xin kể lại vài điều về thầy...

Thời niên thiếu:
    Thầy sinh năm 1933, như vậy tới năm 2022 nầy thì thầy được 89 tuổi. Thế nhưng sức khỏe thầy rất tốt, không bị tiểu đường, cao máu gì cả. Trí nhớ thầy cũng tốt và nhớ đủ mọi chuyện thời niên thiếu.
    Hồi nhỏ, thầy học trường Nam Châu Thành, sau đó học trường Nguyễn Trãi lúc trường mới khai giảng. Số học sinh khóa 1 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thầy là sư huynh của những anh Võ Tấn Vinh, Võ Tấn Phước, Lê Trường Xuân... Nhưng thầy học Nguyễn Trãi có một niên khóa, sau đó về Saigon học trường Việt Nam Học Đường, rồi đổi qua học trường Huỳnh Khương Ninh ở Đakao... Bạn học của thầy lúc đó có Lê Quang Lưỡng, nhạc sĩ Lam Phương, Sĩ (Tùng Lâm)...
 
Những chặng đường nghề nghiệp:

    Ngay từ lúc học lớp Đệ Nhứt thì thầy đã có khiếu dạy toán và đã bắt đầu dạy kèm nhiều bạn học cùng lớp.
    Năm 1961, thầy dạy trường Nghĩa Phương.
    Năm 1962 khi trường Bồ Đề thành lập thì thầy về dạy Bồ Đề đồng thời mở lớp dạy thêm ở Búng, Bình Dương... Lớp dạy thêm của thầy lúc nào cũng rất đông học trò.
    Sau 1975, có lúc thầy làm hiệu trưởng trường Nam Châu Thành lúc đó đổi tên là trường Phú Cường 1 có cả tiểu học và trung học đệ nhứt cấp - lúc đó gọi là cấp 2.
    Do gia đình bên vợ bảo lãnh, thầy đi Mỹ năm 1989.
    Ở Mỹ, lúc đầu thầy phụ bán sản phẩm cho nghề làm móng tay, sau đó thầy mở tiệm tự buôn bán cho tới lúc về hưu.

Những câu chuyện bên lề:
    Cuộc đời của mỗi người đều có lúc vui lúc buồn, những câu chuyện dưới đây do thầy kể lại...

    Nghị viên hội đồng xã:
    Một điều ít ai biết là thầy Nguyễn Kim Long đã từng tranh cử và đắc cử làm nghị viên hội đồng xã Vĩnh Trường. Đó là thời gian 1972-1975. Nhờ học trò giúp đỡ vận động mà thầy đắc cử hội đồng xã Vĩnh Trường. Thầy thú thật là thầy cũng ít tham gia hội họp về công việc của xã. Tiền lương của thầy cũng tặng lại cho công quỹ của xã để chi dụng cho việc công. Chỉ có một điều thầy nhớ có làm được, là có một lần ông trưởng đồn lính ở xã bắt dân làm xâu nhiều quá. Dân chúng kêu ca với thầy. Thầy chạy vô nói nhỏ với trưởng đồn. Sau đó anh nầy thả người...

    Trường Bồ Đề:
    Thầy Nguyễn Kim Long và thầy Võ văn Long là hai trụ cột của trường Bồ Đề. Hai vị nầy thường xuyên có mặt tại trường để giải quyết mọi chuyện lớn nhỏ. Trường do quý ông Tạ Ngọc Tường, Phạm văn Mùi, thầy Huấn... vận động thành lập. Hiệu trưởng là giáo sư Đào Đăng Vỹ - người soạn bộ tự điển Pháp Việt - nhưng ông nầy chỉ nhận tiền lương mà không bao giờ thấy xuất hiện ở trường. Trong khi đó thầy Huấn hay có mặt ở trường hơn nên nhiều người tưởng rằng thầy Huấn là Hiệu Trưởng. Quý vị giáo sư có uy tín của trường là thầy Phạm Ngọc Em, Phạm Đình Lân, Lê Tấn Lộc... Sau nầy có thêm cô Hạnh Ngộ, cô Phượng...
    Những học trò đặc biệt:
    Học trò học thêm của thầy là tự nguyện nên học rất giỏi, thế nhưng thầy cũng có những học trò đặc biệt:
    Dạy con ông lớn của tỉnh: Sau 1975, một ngày nọ, có chiếc xe hơi chở một cô kia đến xin học toán với thầy bằng tiếng Pháp. Cô nầy sắp được đi du học ở Pháp. Tìm hiểu mới biết, cô là con ông tỉnh ủy viên của tỉnh Sông Bé lúc đó.
    Dạy Phó Ty Công An: Thầy có một học trò đặc biệt: đó là Phó Ty Công An Sông Bé. Anh nầy là một tỉnh ủy viên và học thêm Toán Lý Hóa để thi bổ túc văn hóa.
    Ngoài ra, do có tiếng dạy hay nên thầy có dạy cho bà chủ tịch hội phụ nữ tỉnh và con trai của bà chánh án tỉnh.
    Không nhận học trò trái luật: khi thầy làm hiệu trưởng trường Phú Cường 1, có lần ông tỉnh ủy viên gởi đứa con chưa đủ tuổi xin vào lớp 1. Thầy nhứt định không nhận. Vụ nầy tới tai cấp trên ở Phòng Giáo Dục. Phòng viết giấy xuống yêu cầu thầy nhận. Thầy vẫn từ chối. Có người nói sao thầy làm hiệu trưởng mà dám cãi cấp trên!
    Có một học trò tiểu học, con ông lớn trên tỉnh. Em nầy vô lớp quậy phá, vẽ bậy... Thầy điều tra rõ ràng xong kêu nó vô phòng kín "dợt" nó. Nó về méc với ba nó là tỉnh ủy viên Sông Bé. Ông nầy tìm tới hỏi thầy. Thầy nói: "Nó phá quá, nếu không dạy dỗ sau nầy sẽ hư. Anh làm tỉnh ủy viên cũng nên chú ý. Nếu vụ nầy lan truyền ra ngoài, thì anh cũng mất mặt..." Sau đó cũng êm, không thấy ông ta phản ứng gì.
    Dạy học chuyên môn thì dễ. Làm hiệu trưởng trường Phú Cường 1 (trường Nam Châu Thành cũ) thì khó hơn vì phải đối xử với thầy cô, nhân viên trường và phụ huynh... Làm được vài niên khóa, thầy xin đổi về làm hiệu phó trường Phú Cường 2 (trường Nghĩa Phương cũ ) trước khi đi Mỹ.

    Trò cứu thầy:
    Một kỷ niệm mà thầy nhớ hoài. Đó là những năm sau 1975, kinh tế khó khăn. Thầy hay đi câu cá để kiếm thêm thực phẩm. Thầy câu ban đêm ở Bình Mỹ bên kia sông Sài Gòn. Một đêm kia, thầy bị du kích bắt về trụ sở dân quân. Tưởng là phải đi "mò tôm" rồi vì họ nói thầy là tình báo gì đó. May thay, khi tới trụ sở thì gặp một anh học trò của thầy. Anh nầy nói: "Thầy, thầy đi đâu đây? Mau thả thầy đừng để thầy sợ..." . Đúng là làm thầy giáo cũng có phước, gặp nạn là có người cứu liền. Từ đó về sau thầy hết dám đi câu ban đêm ở Bình Mỹ.

    Đi Đắc Ơ:
    Sau 1975, với ý định tìm kiếm người em nghe nói mất tích ở Bù Gia Mập. Thầy tình nguyện đi dạy bổ túc văn hóa ở Đắc Ơ - Phước Long. Đây là chuyến đi dài một tháng. Từ thị xã Phước Bình đi vào tới Đắc Ơ xa lắm. Lúc đó không có xe. Nếu đi xe đạp thì sáng đi chiều mới tới. Vậy mà thầy cũng lặn lội vào tới xã để dạy. Khu đó có chừng 50-60 gia đình người dân tộc. Họ biết nói tiếng Việt mà không biết đọc viết. Thầy tới đó dạy một lớp có chừng mười mấy người cho họ biết đọc viết vậy thôi. Thầy nói người dân tộc nầy sống tà tà lắm. Đàn ông khi săn bắn được con thú thì đem về chia cho cả xóm. Đàn bà thì còn để ngực trần. Họ nói sau khi cưới chồng rồi thì không cần che đậy nữa.?

    Chuyện tình của thầy:
    Qua chuyện trò, thầy thân mật kể chuyện tình của thầy. Thời niên thiếu, khi học lớp đệ nhứt thì thầy đã dạy kèm cho một số bạn nữ như Bích, Lan (con ông tỉnh trưởng). Khi đi học ở Sài Gòn cũng có dạy cho bạn Lê Thị Hoa và cũng có chút tình cảm với bạn. Nhưng cô nầy đạo Công Giáo lại rất giàu nên khó kết hợp. Cô nầy sau nầy qua Cote d'Ivoire học tới tiến sĩ nhưng sau nầy đi tu.
    Một người bạn gái khác của thầy là Marie. Cô nầy rất giàu, hay đi xe hơi tới rủ thầy đi uống cà phê. Sau nầy cô là dược sĩ và có nhiều nhà thuốc tây ở Sài Gòn.
    Thầy lập gia đình lúc thầy dạy trường Bồ Đề. Hôn nhân của thầy và cô là do thầy Mùi giới thiệu. Khi đi xem mắt thì nhà gái có hai ba chị em. Thầy chọn cô nhỏ nhứt. Đó là phu nhân của thầy cho tới ngày nay. Cô nhỏ hơn thầy 20 tuổi. Thầy cô có 3 con, hai trai, một gái, tất cả đều có cuộc sống thoải mái ở Cali.

     Tình thương yêu của học trò:
    Đối với một người thầy giáo, không có gì quý hơn tình thương của học trò. Ở ngoài nước, mỗi khi học trò cũ có dịp gặp thầy ở Orange County thì đều thăm hỏi thân tình. Ở trong nước mỗi khi thầy về Việt Nam chơi thì học trò đến thăm rất nồng ấm. Thầy nhớ năm 2018, thầy về nước trúng dịp ngày Nhà Giáo, nhiều học trò cũ đã đến thăm thầy và tổ chức ăn uống rất vui vẻ. Thầy viết: "... khi các em vào nhà, chúng tôi bắt tay và ôm chặt lấy nhau để thỏa mãn lòng thương nhớ tình thầy trò xa cách nhau trên 40 năm. Chúng tôi có những giây phút thật tuyệt vời... chia xẻ những vui buồn trong thời gian xa nhau. Nhóm học trò trên 20 người có mang theo thức ăn đơn giản với bánh tráng cuốn thịt heo và rau xanh chấm nước mắm... vừa ngon miệng vừa ấm cúng... Một bữa ăn lịch sử có một không hai trong ngày Nhà Giáo với nhóm thầy trò chúng tôi: thầy trên 80, trò trên 60 tuổi... Cám ơn trời đất Bình Dương hiền lành và tươi mát cho thầy trò chúng tôi gặp nhau trong ngày nắng ấm tuyệt vời. Thầy rất sung sướng và vinh hạnh được chia xẻ cùng các em... Một ngày vui - Nguyễn Kim Long".

    An nhàn tự tại:
    Thầy có cuộc sống an nhàn với các con ở Mỹ. Thầy có trợ cấp của chánh phủ và được khám bịnh không mất tiền. Sức khỏe thầy tốt. Nếu không có dịch, thầy thích đi Viêt Nam thăm gia đình và bạn bè. Do dịch bịnh Covid19, những cuộc họp mặt cuối tuần với thầy không thực hiện được nhưng thầy trò chúng tôi cũng thường xuyên gọi điên thoại để thăm hỏi trò chuyện với nhau. Chúng tôi kể với nhau những kỷ niệm thời niên thiếu, những chuyện thời sự... có khi câu chuyện kéo dài hàng giờ. Xin cầu chúc cho thầy có nhiều sức khỏe, vượt qua đại dịch để tương lai chúng ta có dịp nói chuyện trao đổi và có thêm những câu chuyện vui vẻ về một người thầy nhiều người biết ở tình nhà...
1/2022