TỰU TRƯỜNG
Lưu Thanh Bình


Bây giờ mới là nửa đầu tháng tám, ở miền Nam thời tiết vẫn còn nóng nực với những cơn mưa rào chợt đến chợt đi, ve vẫn kêu râm ran ngoài vườn và sáu giờ sáng mặt trời mùa hè đã ló dạng, gọi nôm na là “sáng bét”. Mấy năm nay tôi đã quen với việc đi bộ thể dục mỗi sáng nên hay để ý đến sự đổi thay của đất trời. Tôi chiêm nghiệm ra một điều rằng, càng lý giải sự vận hành của trái đất bằng những kiến thức khoa học lại càng khó phủ nhận sự sắp xếp của một đấng tạo hóa vô hình.

Hôm qua sau giờ ăn tối, tôi thoáng nghe đứa cháu nội đến thủ thỉ thù thì bên cạnh bà nó, rủ bả đi nhà sách Fahasa gần nhà. Tôi chợt nhớ mùa tựu trường đã đến gần. Đứa cháu biết rằng nếu có bà đi bên cùng thì nghĩa là nó có nhà tài trợ rồi. Con gái khôn hơn con trai ở chỗ đó. Ở Việt Nam bây giờ, dù ngày khai giảng chính thức là ngày 5 tháng 9 trên cả nước nhưng giữa tháng tám là các trường đã lo tập trung học sinh để lo sắp xếp mọi thứ. Từ đó cho đến ngày tựu trường chính thức là khoảng hai tuần, thời gian dành cho phụ huynh mua sắm mọi thứ từ đồng phục, quần áo thể dục, giày dép, cặp vở, bút mực sách giáo khoa cho đến mấy khoản phụ tùng như áo mưa, nón nải và cuối cùng là cái khoản tiền trường. Trường công cũng phải đóng, dù có ít hơn so với trường tư.

Ba má tôi vốn có nhiều con, đến kỳ tựu trường thì chi phí cũng nhiều hơn nhà người ta. Chị lớn chuẩn bị thi tú tài thì đứa em út mới vào lớp năm (lớp 1 bây giờ). Sách giáo khoa nếu bao bìa dán nhãn kỹ thì đứa nhỏ có thể dùng lại của anh chị nó, bởi vì nội dung giảng dạy ít thay đổi như bây giờ. Nhưng mà không đứa nào thích dùng lại mà cứ đòi mua sách mới, vô tình làm tăng thêm áp lực cho cha mẹ. Quần áo mới tức cười : chưa nói đến chất liệu vải từ màu trắng đổ ra màu cháo lòng, hoặc sờn bâu đứt nút, mà cái lai quần nó cũng chạy tuốt lên trên mắt cá chân. Má cười nói tụi bây nhổ giò mau quá may không kịp. Chỉ duy nhứt là cái cặp có thể xài lại, dĩ nhiên là đầy vết mực và dấu trầy xước. Và cái phù hiệu Trịnh Hoài Đức trên túi áo. Tôi khoái nhứt là đôi giày săn-đan mới nằm trong hộp, kê lên mũi hưởi mùi da thiệt …thơm.

Lớp B5 của tôi không phải gia đình bạn nào cũng giàu. Như Rõ nhà ở Bình Chuẩn, sau này đậu tú tài hạng ưu, đạp xe đi học với cái cặp bồi bằng đệm bàng có hai ngăn, mà khi dỡ ra nếu không khéo thì bút mực rơi ra ngoài hết. Hay bạn Quy, dân Dầu Tiếng ở trọ gần chùa Long Thọ, sau này trường kỹ thuật Phú Thọ giữ lại làm giảng viên. Nhà nghèo khôn sớm, các bạn ấy biết chỉ có con đường học vấn mới hy vọng vươn lên. Cái đáng quý của B5 là tất cả đều đối xử bình đẳng như nhau không biệt giàu nghèo. Thuở đi học, nhiều khi mình vô tình phá phách quá đáng. Có lần bạn Rõ dở cơm trong lon guigoz cơm ém chặt với hai con tép ram mặn ở trên, mình lén chơi luôn hai con tép. Không biết trưa hôm đó bạn ăn cơm làm sao ?

Đứa cháu tôi năm nay lên lớp 11, nghĩa là nhà tôi đã có ba thế hệ học ở ngôi trường này. Ba đời xin chữ ông Trịnh Hoài Đức ! Bây giờ đã có xe đưa đón từ nhà đến trường và ngược lại, phụ huynh phải chịu thêm một khoản chi phí nhưng yên tâm vì xe cộ ngoài đường bây giờ ớn lắm. Mình chạy xe cũng không đàng hoàng gì, nhưng phải chắp tay xá dài bọn hậu sinh khả úy, tránh voi không xấu mặt nào. Nhở thuở đi học, con đường quốc lộ 13 cũ ngày xưa thưa vắng xe cộ, mọi người đều tự giác chấp hành luật đi đường, có va chạm cũng nhường nhịn cho qua, không có cảnh vung nắm đấm, trừng trợn dọa ăn sống nuốt tươi nhau như bây giờ. Con bé cháu theo luật thì đã đủ tuổi lái xe loại 50 cc, nhưng ngại nó chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống trên đường nên dù có xe nhưng cũng không dám cho nó đi.

Người ta nói có con mới biết thương cha mẹ. Nay xin nói thêm, có mùa tựu trường mới biết tấm lòng cha mẹ thương con. Dù có thiếu hụt, cha mẹ nào cũng ráng lo để cho con không thua kém bạn bè. Tuổi trẻ vô tư chỉ biết ăn và học, may là học trò trường Trịnh Hoài Đức đa phần học giỏi, cha mẹ cũng được an ủi phần nào.


Tựu trường của học sinh thập niên 1970 (hình minh họa)