XA ANH
GS Trần Ngọc Bích
(Tưởng nhớ thày Bùi văn Hào, cựu GS Trịnh Hoài
Đức)
Nỗi niềm ly biệt não nề,
Khiến người ở lại kéo lê tình buồn
Anh đi vạn dặm vẫn luôn,
Níu ghì thương nhớ qua muôn tháng ngày
Bóng anh lan toả vơi đầy,
Không gian hiu hắt đoạ đầy hồn ai
U buồn quạnh quẽ hôm mai,
Tiếng Anh thanh thoát bên tai đất trời
Yêu thương thuở ấy xa rồi,
Giờ đây gậm nhấm đơn côi biển sầu....
NHỚ ANH
Buồn thăm thẳm qúa, mịt mờ
Buồn lưu luyến qúa, hững hờ thu sang
Anh đi bứt hết lá vàng
Phổ dòng nhạc tím, khăn tang phủ đời
Nhớ anh nói chẳng hết lời
Giờ đây anh hoá ra người Thiên thai.
Ví dụ còn một ngày mai
Cũng xin gảy khúc Bồng Lai khóc người.
Thương ai khó nói cạn lời
Mong anh vui với đất trời thiên thu.
Trần Ngọc Bích — những tháng
ngày tưởng nhớ đến anh- một người bạn, một đồng nghiệp...
Nhớ về thầy
Nguyễn thị Quyền (khóa 14)
Ai đã từng là học sinh trường Trung
học Trịnh Hoài Đức Bình Dương giai đoạn 1968 - 1975, có
lẽ đều biết giáo sư Bùi văn Hào. Thầy đã
dạy môn Anh Văn dưới mái trường này trong một thời gian
khá dài.
Lớp A3 khóa 14 chúng tôi được
học với thầy tròn 3 năm: lớp 8, lớp 11, và 12. Khi bắt đầu
đến với lớp tôi thầy còn rất trẻ nhưng có cách
giảng dạy thật thu hút. Bài học nào thầy cũng hướng
dẫn từng phần rất kỹ lưỡng. Trước hết là từ vựng (vocabulary). Thầy
ghi từ tiếng Anh (có kèm phiên âm quốc tế) rồi
dạy đọc chuẩn xác theo phiên âm, giải thích nghĩa
tiếng Việt, mở rộng ra những danh, động, tính từ, hay thành
ngữ có liên quan. Tiếp theo là phần văn phạm (grammar)
của bài học. Thầy hướng dẫn những qui tắc, những mẫu câu, kể
cả những trường hợp ngoại lệ và cho nhiều ví dụ dễ hiểu. Khi
đã hiểu ý nghĩa từ vựng và thông suốt văn phạm
thì chúng tôi có thể dịch bài đọc ra tiếng
Việt dễ dàng. Thầy cũng thường xuyên gọi học sinh lên
bảng để kiểm tra từ vựng và các động từ bất qui tắc (irregular
verbs). Mỗi lượt thầy gọi 5 bạn lên, chia bảng thành 5 phần,
rồi thầy đọc từ tiếng Việt, học sinh viết từ đó lên bảng bằng
tiếng Anh; hoặc thầy đọc một động từ bất qui tắc, học sinh ghi lên
các thì quá khứ của nó. Nhờ thế mà bọn
tôi phải cố gắng học thuộc từ vựng và bảng động từ bất qui tắc
dài ngoằng. Nếu có bạn nào chưa thuộc bài hay
vi phạm điều gì trong giờ học, thầy cũng chỉ khuyên răn nhắc
nhở chứ không hề trách phạt. Tính thầy trầm tĩnh ít
nói, thường nở nụ cười thật hiền hoà. Chúng tôi
rất quí mến thầy bởi sự giảng dạy tận tình và cư xử
tế nhị ấy! Riêng tôi cảm thấy mình tiến bộ rất nhanh và
ngày càng yêu thích môn Anh Văn hơn. Ngày
ấy tôi đã từng mơ ước sau này trở thành cô
giáo dạy Tiếng Anh, nhưng do thời cuộc niềm ước mơ ấy đã không
thành hiện thực.
Còn nhớ Noel năm lớp 11, thầy dạy cả lớp
hát bài Jingle Bells, Silent Night, khiến không khí
trong lớp trở nên sôi nổi hào hứng hẳn lên! Hôm
nay mùa Noel sắp đến, nghe lại tiếng nhạc rộn ràng của bài
Jingle Bells, hay giai điệu du dương bài Silent Night... tôi
bỗng nhớ về người thầy ngày xưa tôi hằng kính mến. Lại
trùng hợp ngày Nhà giáo 20/11 gần kề, tôi
muốn đến thăm thầy để nói lên lời tri ân sâu sắc
nhất, nhưng rất tiếc... Thầy đã đi xa mãi mãi...
Được biết thầy mất cách đây hơn một
năm, ngày 23/9/2018 sau thời gian dài lâm trọng bệnh.
Thầy được đưa về an nghỉ tại Đất Thánh thuộc giáo xứ Lái
Thiêu. Theo lời người thân của thầy kể lại, suốt thời gian 2
năm thầy bệnh nặng, học trò của thầy không hề hay biết nên
không có ai thăm hỏi. Đám tang của thầy chỉ có
hai cựu học sinh Trinh Hoài Đức đến viếng và đưa tiễn. Hai
chị cựu học sinh ấy cũng là bạn cùng lớp của vợ thầy nên
mới biết tin.
Chúng em nghe mà đau lòng
và hối tiếc lắm thầy ơi! Sau năm 1975 thầy vẫn sống và dạy
học tại Lái Thiêu. Học trò của thầy trong vùng
Lái Thiêu và tỉnh Bình Dương có lẽ là
đếm không xuể. Vậy mà chúng em đã quá vô
tình không đến với thầy, ngay cả những lúc Thầy cần được
thăm hỏi, ủi an và đưa tiễn đến nơi yên nghỉ cuối cùng.
Thầy ơi! Em xin được thắp nén hương lòng nói lên
lời tạ lỗi với thầy! Em nghĩ thầy vốn rộng lượng bao dung, sẽ không
trách móc gì, trái lại còn nở nụ cười
hiền hoà, thông cảm cho sự vô tình quá đỗi
của chúng em.
Thật ra sau nhiều lần về trường họp mặt ngày
1/5 hàng năm, chúng tôi được gặp lại nhiều thầy cô
cũ nhưng không có thầy Bùi Văn Hào. Các
bạn tôi đều thắc mắc: “Sao không thấy Thầy Hào?”. Riêng
tôi và bạn Thạnh cùng có ý nghĩ :
“Không biết Thầy Hào bây giờ ở đâu? Làm sao
tìm được thầy?”. Có người mách bảo thầy đang sống ở
Sài Gòn nên chúng tôi nảy ra ý định
đi Sài Gòn để tìm thầy mà không hề có
địa chỉ nhà thầy (chỉ nhớ lơ mơ nhà thầy ngày xưa ở
đường Nguyễn Thông). Dự định như thế nhưng tự thấy việc làm
này sẽ không mang lại kết quả nên bỏ qua. Bỏ qua tức là
không đi thành phố để tìm nhưng vẫn dò hỏi tin
tức về thầy mà không ai biết cả.
Bất chợt một ngày kia, bạn tôi từ
Mỹ gọi về báo tin Thầy Hào đã mất trước đó 3
tháng. Bạn ấy biết tin này từ trang báo Cựu HS Trịnh
Hoài Đức trên mạng internet. Tôi hết sức bàng hoàng,
cảm thấy ân hận vô cùng vì dường như mình
được linh tính mách bảo hãy tìm thăm thầy mà
mình không làm đến nơi đến chốn. Rồi có người
cho biết nhà vợ thầy ở gần nhà thờ Lái Thiêu.
Tôi quyết định rủ một em học khoá 16 đi tìm nhà
vợ thầy. Em này xưa cũng từng là học trò cưng của thầy
nên rất quí mến thầy. Biết tin thầy đã mất em ấy rất
xúc động và tức tốc đi cùng tôi. Hai chúng
tôi không mấy khó khăn khi dò hỏi để gặp được Cô
Lan vợ Thầy, nghe kể mọi chuyện về những năm cuối đời của thầy. Hoá
ra thầy vẫn sống tại Lái Thiêu, có một thời gian làm
giảng viên đại học ở Sài Gòn. Hai năm đau bệnh, thầy
ở Lái Thiêu, sống âm thầm ẩn dật cùng gia đình,
học sinh của thầy không ai biết đến. Sau đó hai chúng
tôi được Cô Lan dẫn đi viếng mộ thầy, đặt lên mộ bó
hoa tươi thắm và thắp ba nén hương tưởng niệm người thầy đã
mất.
Thầy ơi! Còn hai hôm nữa đến ngày
Nhà giáo 20/11. Em viết bài này kính tặng
thầy và cũng để “THAY LỜI MUỐN NÓI”. Em xin cầu chúc
thầy sớm về hưởng Nhan thánh Chúa , thầy nhé!
(Ngày 18/11/ 2019)