Tuổi mộng mơ!
Ðông Trịnh
Năm 1967, tôi lên lớp đệ Tam, nghĩa là tôi đang chập chững bước lên
đệ nhị cấp. Trường Nghĩa Phương, nơi tôi học là một trường trung học tư thục
lớn nhất Bình Dương lúc bấy giờ, do Kiến Trúc Sư Lê Bích làm hiệu trưởng,
Thầy Thân Trọng Bình giáo sư Toán làm giám học, còn lại đa số đều từ Trịnh
Hoài Đức như thầy Chu Bá Cao, thầy Phạm Đức Liên, thầy Đoàn Phế...
Tôi được học bỗng toàn phần từ đệ thất đến đệ tứ, lên đệ tam, có lẽ
nhờ điểm cao ở các lớp dưới, thầy Hiệu Trưởng cho tôi chỉ đóng phân nửa tiền
thôi .Cũng bắt đầu từ năm này, má tôi mua vải và dắt tôi đi tiệm may áo dài.
Hôm đó, má mua về mấy khúc soir Pháp trắng, xanh nước biển, đen, xong má
dẫn tôi qua tiệm đặt may. Tôi mừng lắm vì xưa giờ áo quần tôi đều do má may,
nhưng trong lòng cũng có chút thắc mắc, sao nay lại ra tiệm chi cho tốn kém
vậy hỏng biết nữa...má như hiểu ý tôi, nói nhỏ nhẹ:
-Con đã lớn rồi, má muốn con mặc đẹp một chút, má may theo xưa không
giống bây giờ có eo, co...
Thế là tựu trường này tôi đã có áo mới may ở tiệm đàng hoàng như mấy
đứa bạn khác rồi , tôi bắt đầu để tóc dài, ra đường không giỡn hớt, hàng
me Lê Văn Duyệt mất đi bọn con gái phá phách mà thay vào đó là đám nữ sinh
tập làm điệu, áo trắng thướt tha, e ấp nói cười nhỏ nhẹ.
Một hôm, má tôi sau khi ngủ dậy, tự nhiên than nhức đầu rồi ói mữa
dữ dội. Ba tôi đưa má đi Bác sĩ, ông cho biết má tôi bị cườm mắt phải chuyển
xuống Saigon mổ gấp. Ba tôi vội đưa má đi nhà thương Grall. Mấy anh Chị tôi
khi đó người đi làm việc, kẻ còn là học trò, chúng tôi thật lúng túng vì
không biết phải làm cách nào để lo cho má đây, sau cùng, chị Tư tôi gọi tôi
nói:
-Nhà ai cũng bận, thôi mày chịu nghỉ học lo cho má đi...
Tôi không nói không rằng, gật đầu ưng thuận. Đúng vậy, ngoài tôi ra,
ai có thể gánh vác chuyện này? Mấy người con trai đâu có thể nuôi má ở nhà
thương, còn Chị Hai, Chị Tư đã có gia đình riêng, Chị Năm tôi thì đi làm
việc ở Ty Giáo dục. Học đệ tam mới hai ba tháng, tôi phải bỏ học ngang với
số vốn hiểu biết không đầy lá mít. Tôi nghe buồn vô hạn vì phải xa đám bạn
thân thương, nhớ con đường lá me mỗi khi đi học, mỗi cơn gió thoảng qua,
tôi ngượng ngùng nắm hai tà áo, những chiếc lá vàng li ti bay tung khắp bầu
trời, vương lên mái tóc dài đen nhánh giống như thuở nhỏ chơi trò đám cưới,
tụi này lấy giấy đũ màu cắt nhỏ ra để quăng lên đầu cô dâu.
Sau một tháng, sức khoẻ má tôi dần hồi phục, tôi cứ tối ngày quanh
quẩn trong nhà, phụ má lo cơm nước, sống đời buồn chán vì nhớ cái lớp học
có ba dãy bàn, đám con trai ngồi hai bên, nhớ những trò chơi nghịch ngợm
của tụi con gái, len lén cột vạt áo đứa này vô vạt áo đứa kia, đến giờ chơi,
mấy đứa đứng lên ra ngoài xém té, cả bọn cười lăn chiên..tôi lại nhớ những
bức thư tình viết vội trên giấy học trò nhét vô hộc bàn, sáng vô tình cờ
bắt gặp, mấy tụi này chuyền nhau vừa đọc vừa cười khúc khích, thỉnh thoảng
lén nhìn dãy bàn bên cạnh, nơi đó, mấy đứa con trai cũng đang tụm năm tụm
ba xầm xì to nhỏ...
Bỏ học cả tháng, chữ nghĩa cũng đang dần bỏ tôi, phải làm gì đây?
Tôi cứ suy nghĩ và không có câu trả lời. Ít hôm sau, tôi đã có quyết định.
Tôi đến trường trong giờ học, vô văn phòng, gặp Chị Lam đang là thư ký ở
đó. Chị có giọng nói nhẹ nhàng, thanh thoát, dáng người thon thả nét mặt
xinh xắn, chị hỏi tôi sao bỏ học lâu vậy và hôm nay có chuyện gì cần. Tôi
nói với Chị là muốn gặp thầy Hiệu Trưởng. Chị Lam cho biết thầy đang có giờ
dạy trên lớp. Thầy Bích vừa là hiệu trưởng mà cũng vừa dạy Pháp văn các lớp
đệ nhị và đệ nhất. Nét mặt thầy rất nghiêm, hiếm khi thấy thầy cười, có thể
nói là đám học trò từ nhỏ đến lớn đều rất sợ thầy, không hiểu hôm nay tôi
có uống thuốc liều hay không mà lại dám cả gan đến xin gặp thầy vậy nè...nghĩ
tới đó, tôi bắt đầu nghe run run, thối chí, cứ thấp thỏm đứng lên, ngồi xuống,
muốn đi về cho lẹ vì sợ lát nữa hỏng biết có bị la không?
Reng...reng...reng...
Chuông reo báo hiệu giờ ra chơi, tim tôi nhảy loạn xạ, tôi lật đật
đứng lên nói với chị Lam:
-Em đi về Chị ơi!
-Sao vậy? Em nói muốn gặp thầy Hiệu trưởng mà!
-Thôi, em đỗi ý rồi, em đi về nha..
Vừa nói, tôi bước vội ra cửa văn phòng và cũng đúng lúc thầy Bích
bước vô. Tôi hết hồn hết vía, lí nhí :
-Thưa ...thầy...
-Chuyện gì vậy? Sao bỏ học cả tháng rồi?
-Thưa..thầy..
Tôi lại im lặng không dám nói gì nữa hết. Thầy không nói gì, bỏ lại
bàn ngồi lấy thuốc ra hút. Chị Lam bước đến khều nhẹ tôi:
-Cần gì thì nói đi..
Rồi Chị đẩy tôi đến phía bàn thầy Bích...
Thôi thì một liều ba bảy cũng liều, tôi đứng trước mặt thầy, nín thở,
nói một hơi:
-Thưa thầy, em tới để xin với thầy cho em một buổi làm việc ở văn
phòng, một buổi tiếp tục học vì em nghỉ học lâu quá nên học bỗng đã bị cắt
rồi!
Thầy nhìn tôi rồi hỏi:
-Có làm việc nổi không mà xin?
Tôi đáp không do dự:
-Dạ nổi.
-Thôi được rồi, sáng mai đi học lại, thầy không lấy tiền học, còn
nếu muốn làm việc thêm thì cứ làm, mỗi tháng thầy trả bốn ngàn đồng.
Trời đất ơi, nghe qua tôi mừng hết lớn luôn vậy đó. Tôi lật đật cám
ơn thầy rồi dong lẹ vì sợ thầy đỗi ý thì tiêu!
Về nhà, tôi mừng thiệt mừng, khoe với má. Má tôi rầy tôi quá, má nói:
- Con cứ học lại chứ đâu cần đi làm, hỏng lẽ nhà không đóng nổi tiền
học cho con sao?
Tôi vội đính chánh với má rằng tôi muốn đi làm thêm để có tiền mua
những gì cần thiết mà không phải xin má nữa thôi. Má tôi nói tuỳ tôi nhưng
phải ráng học cho đàng hoàng.
Ngày hôm sau, tôi hăng hái trở lại trường, mang cảm giác của một đứa
học trò mới, hơi ngại ngùng bước chân vô lớp, bỡ ngỡ với bạn bè dù tất cả
vẫn thân thiện cùng tôi. Nói thật nha, chưa bao giờ tôi nghe vui như vậy,
tôi cứ tưởng mình chiêm bao sau những ngày buồn vì cứ nghĩ không biết sẽ
làm gì với cái bằng Trung học đệ nhất cấp trong tay.Tan học, tôi vội về nhà,
không lang thang mơ mộng, không ghé xe nước đá đậu đỏ bánh lọt nữa,tôi vội
vã trở về, ăn cơm trưa rồi nghỉ ngơi một lát trước khi tới trường, lần này
không phải là cô học trò lớp đệ tam mà lại là cô ký điệu của văn phòng, có
bàn làm việc hẳn hoi nha!
Có lẽ thầy Bích đã dặn trước, khi tôi đến trường, Chị Lam giao cho
tôi công việc sắp xếp hồ sơ học sinh và vài chuyện lặt vặt khác. Chị thương
tôi như em gái nên rất tận tình chỉ bảo, những ngày nghỉ, tôi và chị thường
rũ nhau đi chợ hoặc vài lần đi thăm ba chị đang tu tại gia ở ngã năm Bình
Hoà.
Thầy Bích rất tốt bụng nhưng cũng nóng tánh lắm. Sau vài tháng làm
việc, thầy chỉ tôi sắp thời khoá biểu giờ dạy cho các giáo sư. Lúc đầu tôi
có hơi lúng túng nhưng rồi sau một hai tuần, tôi đã quen, không còn gặp trở
ngại nữa. Một hôm, tôi vừa đến cửa văn phòng, thầy thấy tôi tự nhiên la thật
lớn:
-Em làm việc gì mà ngu ngốc vậy? Sắp giờ tầm bậy hết trơn, đồ ngu...
Tôi hoảng kinh hồn vía, mặt mày xanh lét ngậm câm lại không nói được
gì hết. Chị Lam ngó tôi mặt mày cũng không hơn gì tôi. Vài phút sau, tôi
lấy lại bình tĩnh, đến bên thầy hỏi tôi đã làm sai chuyện gì. Thầy chỉ tấm
bảng xanh ghi thời khoá biểu nói:
-Coi đi, làm việc gì mà ngu như bò!
Lần này tôi không kềm chế được nữa, nước mắt chảy dài, tôi bỏ ra khỏi
văn phòng về nhà một nước. Rõ ràng là tôi không làm điều gì sai hết, bảng
sắp giờ rành rành ra đó sao thầy lại chửi tôi thậm tệ vậy nè trời?
Một tuần sau, chú Hai lao công trường đến nhà nói thầy Bích cần gặp,
tôi đã quyết định nghỉ việc và chuyển đến trường khác học nên từ chối, chú
Hai cố gắng thuyết phục tôi nên tới coi thầy muốn nói gì. Thôi thì tôi đành
đến, trong bụng nghĩ thầm: Thầy mà chửi em nữa thì em cũng sẽ bỏ về như lần
trước.
Nghĩ cho mạnh vậy mà khi đến trường vừa gặp thầy tôi cũng nơm nớp
lo, không biết bữa nay ông nói tôi ngu như con heo hay con bò đây!
Trái với sự lo nghĩ của tôi, thầy không chửi mà hỏi nhẹ một câu:
-Bộ em giàu lắm hả? Nghỉ việc cũng phải quay lại lãnh lương chứ!
Ý da...tôi mừng quá, không bị chửi mà được phát tiền...tôi nói:
-Dạ em không dám tới vì sợ thầy, mà em thưa với thầy rõ ràng em đâu
có làm gì sai đâu mà bữa hổm thầy la em dữ vậy?
-Tôi coi lộn nên hiểu lầm, em đúng. Thôi, làm việc tiếp đi, bày đặt
giận với hờn!
Thiệt là hú vía! Tôi lại nối tiếp quãng đời vừa học, vừa làm trong
ba năm liên tiếp, có lúc thật vui cũng lắm khi rơi nước mắt vì thầy hiệu
trưởng nóng tánh, mỗi khi làm gì sơ sót là ông là mắng xối xả vô mặt. Chị
Lam cũng rất nhiều lần bỏ về như tôi và rồi cũng quay lại vì thầy không cho
nghỉ.
Cuối cùng thì tôi cũng đã học xong Trung học bảy năm với mãnh bằng
hạng thấp nhất nhưng cũng mãn nguyện với số vốn kiến thức căn bản, tuy không
qua ghế trường đại học vì tôi chỉ muốn bắt chước mấy đứa bạn đi làm việc
nhưng tôi cũng có được một chút hành trang trong cuộc sống sau này.
Giờ đây, viết lại những dòng chữ dưới đây, tôi vẫn nhớ ơn thầy Lê
Bích, hiệu trưởng trường Nghĩa Phương đã hết lòng giúp đỡ để tôi có cơ hội
học hành đến nơi đến chốn.
Thưa thầy, em xin nói lên lời cảm ơn thầy nhiều lắm vì nếu thầy không
cho em cơ hội thì chưa chắc gì về sau em đã có một thời gian dài mười năm
đi dạy học, để được truyền thụ lại sự hiểu biết của mình cho đàn em nhỏ phải
không thầy? Một lần nữa, xin thầy nhận nơi đây lòng biết ơn của em, của đứa
học trò vừa nhút nhác mà cũng vừa ương ngạnh, hở chút là giận bỏ về và rồi
thầy lại bao dung cho em được tiếp tục làm việc, tiếp tục học . Em xin Kính
chúc thầy vẫn luôn vui, khoẻ nha thầy!
Em Đông
Dong Trinh