Giới thiệu sách mới:
Tuyển tập Nhà Giáo Phan Thanh Đào


Đầu năm Canh Tý, chúng ta nhận được tin vui, quyển sách tổng hợp những bài viết của GS Phan Thanh Đào đã được phát hành. GS Phan Thanh Đào của trường Trịnh Hoài Đức là một nhà nghiên cứu Hán Nôm và những công trình văn hóa, lịch sử của tỉnh Bình Dương. Ông đã để lại rất nhiều bài viết, bài nghiên cứu có giá trị vô vàn. Ông mất năm 2013, những bài viết của ông bị thất lạc. Nay gia đình đã tìm kiếm và tổng hợp được một số tài liệu quý giá và in trong Tuyển Tập Nhà Giáo Phan Thanh Đào (2019). Sách  có 478 trang, khổ 8.5x11, gồm những bài viết của thầy về:
- Phật Giáo.
- Kiến trúc và văn hóa cổ Bình Dương.
- Giáo Dục.
Tuy đây không phải tất cả những bài viết của thầy nhưng những công trình nghiên cứu của thầy đã được lưu giữ và giới thiệu đến người quan tâm.
Xin cám ơn GS Thái Thị Đo phu nhân của thầy cũng như gia đình đã tặng cho BBT Trang Nhà Trịnh Hoài Đức một tác phẩm rất quý và xin giới thiệu đến quý bạn bốn phương.
Muốn có sách xin liên lạc cô Thái Thị Đo, email: phanthailinh08@gmail.com.




****
Xin đọc thêm phần giới thiệu sách của Thượng Toạ Thích Huệ Thông (chùa Hội Khánh - Bình Dương).
Trong tương lai, trang nhà THD sẽ lần lượt đăng những bài viết của Thầy Đào.


NHỚ VỀ THẦY PHAN THANH ĐÀO…
Thầy Đào (cư sĩ Nguyên Tạo) là tên gọi rất gần gũi và gắn bó với cuộc đời của ông trong sự nghiệp giáo dục cũng như quá trình cống hiến cho Phật giáo nói chung và Sông Bé- Bình Dương nói riêng. Với tôi cũng thế, đây là cách xưng hô của tôi đối với ông để bày tỏ sự kính trọng của mình đối với một cư sĩ nặng lòng với chữ nghĩa, với văn hóa cũng như luôn tìm tòi về giáo lý nhà Phật.

Tôi với thầy Đào biết nhau vào mùa xuân năm Canh Ngọ (1990) tại chùa Hội Khánh khi cư sĩ tìm đến thăm nhân ông đọc nhiều bài viết của tôi trên báo Sông Bé- Bình Dương. Đặc biệt là bài viết “Nét đẹp ngày xuân” được đăng trong báo xuân Sông Bé. Khi gặp nhau, hàn huyên tâm sự chuyện đạo, chuyện đời, tôi và cư sĩ Nguyên Tạo bắt gặp ở nhau cùng một tư tưởng đó là đưa đạo Phật vào đời bằng tinh thần nhập thế trên lý tưởng từ bi, trí tuệ của đạo Phật. Bằng sự kính trọng ông và hiểu biết về ông, tôi mời ông làm làm Phó Hiệu trưởng Cơ bản Phật học Sông Bé Khóa I và đây cũng là thời gian chúng tôi làm việc cùng nhau khá nhiều trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu…

Dù là một cư sĩ nhưng ông hiểu biết khá sâu sắc về tư tưởng và triết lý sống của đạo Phật. Ông đã tốt nghiệp Cử nhân Triết học Phương Đông, Đại học Văn khoa Sài Gòn 1969, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Khoa Việt- Hán năm 1970 nên ông tìm hiểu về Phật giáo từ lâu. Cư sĩ Nguyên Tạo có một kiến thức, vốn liếng về Hán học rất sâu rộng. Ông dịch nhiều tác phẩm có giá trị nghiên cứu về văn học, đặc biệt là ông dịch tác phẩm “Lưu Hương Diễn Nghĩa Bảo Quyển” một tác phẩm có giá trị về giáo dục, nhân quả, nghiệp báo được lưu trữ tại chùa Hội Khánh. “Lưu Hương Diễn Nghĩa Bảo Quyến” là một truyện Nôm cổ được phát hiện tại kho sách cũ của chùa Hội Khánh. Nhận thấy đây là quyển sách quý hiếm nên Hội Khoa học lịch sử Bình Dương đã kịp thời cho ấn hành và ra mắt độc giả vào tháng 8-2006. Cuốn sách này viết theo thể truyện Nôm, được khắc in vào năm Quang Tự thứ 34 (tức năm Nhâm Thân 1908) do hai tín nữ Nguyễn Từ Nguyên và Hoàng Diệu Trúc thực hiện. Ngoài ra, ông Phan Thanh Đào còn tham gia viết bài, dịch thuật cho nhiều công trình có giá trị nghiên cứu, tác phẩm của ông chứa đựng tư tưởng và  sự hòa hợp giữa Phật giáo trong dòng chảy của dân tộc, văn phong ông dùng cũng gần gũi, dễ hiểu với bạn đọc.

Cư sĩ Nguyên Tạo đã từ giã cõi đời vào năm 2013, cách đây đã 6 năm. Để lưu lại những tác phẩm của ông, vợ và các con đã chọn lọc và tập hợp một số bài viết của ông thành “Tuyển tập Phan Thanh Đào” nhằm lưu lại những gì mà ông đã để lại qua các bài viết của ông.

Tôi cho đây là một việc làm ý nghĩa, mang tính đạo lý nghĩa tình, những tác phẩm của ông không nhiều nhưng cũng góp phần trong vườn hoa Văn học, Phật học… cho thế hệ mai sau.

Tôi luôn nhớ thầy Đào, cách gọi thân thương của tôi đối với thầy trong suốt thời gian cộng sự. Xin cầu nguyện cho thầy Đào- cư sĩ Nguyên Tạo được sanh về thế giới an lành!

Chùa Hội Khánh, Quý Thu năm Kỷ Hợi
Hòa thượng Thích Huệ Thông