THẰNG TÉP
Thanh Chí

   Thằng Tép là anh em kết nghĩa của thằng Tôm, từ hồi hai đứa còn nhỏ xíu, cùng đi học chung trường tiểu học vào đầu thập niên 80, tại một khu xóm bình dân, nhiều tệ nạn, trong thành phố Toronto hoa lệ. Tôm là con trai lớn của chú thím Hai “danh ca”, Thằng Tôm còn có một đứa em gái, được cha mẹ đặt tên là Cá, trong lúc gia đình “vượt biên” bị kẹt lại quê nhà trong một làng chài nghèo thuộc tỉnh Bà Rịa.
   Đa số đồng hương bên nầy không ai nhớ chú Hai tên thiệt là gì, người ta chỉ gọi biệt danh của chú một cách thân mật là chú Hai “danh ca”! Nhiều người lạ mới nghe qua cứ tưởng chắc hồi xưa kia chú đã là một ca sĩ nổi tiếng, hoặc ít ra cũng đã từng ca hát trên sân khấu… Nhưng thiệt ra chú Hai đâu có biết hát hò khỉ gì. Chẳng qua là hồi mới đến trại tị nạn trên đảo Galang bên xứ Nam Dương thì chú thành thật khai báo với Cao ủy Tị nạn nghề nghiệp của mình là dân đánh cá, cái người làm hồ sơ dùm chú lại viết tiếng Việt Nam mà không chịu bỏ dấu cho giống tiếng Anh nên bị đọc thành danh ca, mà hồi đó trên đảo tị nạn lại có rất nhiều “danh ca”, bởi vì họ sanh sống gần miền sông nước nên rất dễ vượt biển trong những năm đó, cho nên từ đó người Việt Nam trên các trại tị nạn hay dùng chữ danh ca để gọi dân đánh cá, ban đầu chỉ là gọi vậy cho vui, nhưng riết thành quen; Còn những người thiệt sự làm nghề ca hát thì lại được cộng đồng ưu ái gọi là ca sĩ, chớ không gọi là danh ca cho khỏi bị lầm lẫn với các “danh ca” khác!
   Chuyện vượt biển của chú Hai kể ra cũng hết sức khôi hài, đầy kịch tính. Nào giờ chú thím đâu có ý định vượt biên ra sống nơi ngoại quốc làm gì. Chú theo nghề đánh cá cha truyền con nối, dù gia tài chỉ có một chiếc thuyền máy nho nhỏ đánh bắt ven bờ nhưng cũng đủ sống qua ngày, và quan trọng là trong thời kỳ nhiễu nhương đó gia đình chú chưa bị địa phương làm khó dễ chuyện gì, chú cũng không có thân nhân dính líu gì đến chánh quyền cũ, cũng chưa bị ép đi vùng kinh tế mới, không giàu có để bị đánh tư sản… Ngoài nghề đánh cá là chánh thì những đêm tối trời chú còn làm thêm nghề “taxi”, nghĩa là đưa người vượt biển “đi chui” ra thuyền lớn neo đậu ngoài xa bằng con thuyền đánh cá nhỏ nhoi của gia đình, trong thời điểm đó nghề phụ nầy kiếm được rất nhiều tiền. Để tránh bị nghi ngờ nên mỗi đêm khi có hẹn đưa khách ra khơi thì chú thím cũng biết cẩn thận dắt theo thằng Tôm xuống thuyền cho giống như cả gia đình cùng đi câu mực trong đêm, còn con Cá thì còn nhỏ quá nên để ở nhà cho bà ngoại giữ. Lần đó không biết là xui hay hên mà sau khi chở được hai chuyến thì bể ổ, trên bờ súng nổ rầm trời, đèn đuốc sáng trưng, người vượt biên chạy tán loạn cùng những tiếng hét hò í ới… đạn bay veo véo trên đầu… Chú Hai xả hết tốc độ phóng con thuyền nhỏ như bay ra hướng tàu lớn đang chờ, vừa cặp được vô mạn tàu lớn thì máy tàu của chú cũng khục khặc thêm vài tiếng nấc nghẹn nữa rồi im luôn. Không chạy trốn đâu được nữa, mà lênh đênh ngoài nầy thì cũng không xong, sớm muộn cũng sẽ bị bắt, thiệt là tiến thoái lưỡng nan. Chủ con tàu vượt biên cũng là người quen biết đang đứng trên boong hò hét đám người đang hoảng sợ mau chóng leo qua tàu lớn, vừa ló đầu xuống hối thúc chú Hai:
- Hai à, bể ổ rồi, mà tàu mầy cũng hư máy, mầy có vô được trỏng cũng hổng yên thân với tụi nó đâu, thôi leo lên đây đi luôn đi…
   Rốt cuộc chú thím đành ẵm thằng Tôm cùng phóng lên tàu lớn, theo đoàn người vượt biên, nổi trôi theo dòng đời đưa đẩy.
Chuyến vượt biên không tính trước của chú thím Hai coi vậy mà êm ả không ngờ. đúng như câu nói “tiền hung hậu kiết”; Vì bị bể ổ giữa chừng, hết gần phân nửa số người bị kẹt lại cho nên con tàu chở nhẹ, lương thực, nước uống dư thừa, chuyến hải hành êm thắm không bị bão tố, cướp biển… nên không đầy bốn ngày là đã tới được hải phận Mã Lai. Nhưng mà đời dễ gì được gặp toàn chuyện yên ổn như vậy. Đoàn người tị nạn chưa kịp vui mừng thì đã bị tàu hải quân Mã Lai sòng sọc nhào tới bắn cảnh cáo, xua đuổi ra khỏi lãnh hải với lý do là các trại tị nạn đã đầy nghẹt người rồi, những người biết tiếng Anh đứng ra năn nỉ ỉ ôi rằng trên tàu có nhiều phụ nữ, trẻ em đuối sức, tàu đã cạn dầu không thể đi đâu nữa được… Hải Quân Mã Lai bèn cột dây kéo con tàu tị nạn chạy suốt đêm qua tuốt bên xứ Nam Dương! Cuộc đời tị nạn của chú Hai bắt đầu từ đây. Sau khi trôi nổi qua vài đảo nhỏ thì rốt cuộc gia đình chú đươc đưa đến đảo Galang nổi tiếng để chờ ngày đi định cư tại Canada, do trong thời điểm đó Canada chấp nhận mở cửa nhận năm mươi ngàn “thuyền nhân”, nhằm góp phần giúp cho Quốc tế Cao ủy Tị nạn giải tỏa bớt gánh nặng.
   Đến Toronto, nhờ đồng hương giúp đỡ nên chú Hai được nhận vô làm ca đêm trong một hãng thịt, tuy lạnh lẽo nhưng lương cao, còn thím Hai ở nhà cuồng cẳng nên cũng bôn ba tìm được việc làm trong một hãng may, tuy lương thấp nhưng nhờ có công việc bận rộn với đời nên cũng nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ thương con Cá còn kẹt lại nơi chốn quê nhà.
   Thời gian im ả dần trôi… ngày kia thằng Tôm sau khi tan trường lại dẫn theo thằng bạn về nhà, thằng nhỏ nầy coi bộ không được sạch sẽ, tướng tá cao nhòng mà lại có vẻ ốm đói, thấy tội nghiệp nên chú Hai dọn cơm cho hai đứa ăn, thức ăn thì chỉ có nồi thịt kho tàu, vậy mà nó ăn một cách hùng hục hết sức ngon lành, nó táp hai cái là đã hết trọn một quả trứng, rồi nó múc từng muỗng cơm chan nước thịt kho lẹ làng nhai nuốt ừng ực như thiếu đói lâu ngày, coi thấy thương. Chú Hai còn thương nó hơn sau khi ăn xong nó biết nói cám ơn và tự động đứng dậy dọn rửa chén bát sạch trơn ngăn nắp đàng hoàng. Chú Hai định ngăn cản nhưng thằng Tôm nói:
- Kệ nó ba, tụi Tây nó vậy đó, cứ để nó rửa đi.
Từ đó nó bắt đầu lê lết ở nhà chú Hai càng ngày càng nhiều hơn, riết rồi nó ăn ngủ luôn ở đó, lâu lâu mới tạt về nhà, thăm má nó một chút xíu rồi cũng tuốt qua nhà thằng Tôm để được ăn cơm. Ở nhà chú Hai, chơi với thằng Tôm từ nhỏ đến khi lên đại học mói chịu ra riêng; Chắc là nhờ do ăn uống thức ăn Việt Nam riết nên tự nhiên nó biết nói tiếng Việt Nam cũng rành rọt như người Việt Nam thứ thiệt, trình độ Việt ngữ của nó cũng bằng như thằng Tôm, nó cũng gọi chú thím là ba má y như thằng Tôm. Nếu ai đó chỉ nghe nó nói chuyện mà không nhìn thì cứ tưởng như đang nói chuyện với một người Việt Nam chánh gốc. Với mái tóc vàng hoe, cong dợn, lòa xòa trước trán như muốn che phủ cặp mắt xanh lơ dưới hàng mi cong vút trên khuôn mặt điển trai nhờ nước da trắng hồng, cộng với tướng tá cao lớn như Tây! Ơ, thì nó là Tây thiệt chứ đâu có lai chút nào, vậy mà nó nói chuyện tiếng Việt bằng giọng Nam kỳ chất phác, hơi quê quê, ảnh hưởng bởi nguồn gốc “danh ca” nhưng rất rành rọt không sai trật lỗi nào. Có lần nọ trên chuyến xe bus rất đông người Việt Nam đang tới địa điểm tổ chức chợ Tết; Có ông kia ở gần nhà chú Hai nên biết thằng Tép, thấy dáng nó lênh khênh nổi bật trong đám đông chật chội phía sau xe nên vói miệng hỏi nó:
- Ê, Tép, mầy đi đâu vậy?
Nó vui vẻ ngước lên phía trước trả lời hoang hoang:
- Dạ, em đi chợ Tết, mà hồi nãy em tới sớm mấy thằng Tây bảo vệ hổng cho em vô làm em phải đi trở lại một vòng… đúng là mấy thằng nầy nó kỳ thị Việt Nam mình!
Nghe một thằng Tây nói tiếng Việt rành rọt vậy làm cả chuyến xe cùng cười rôm rả, dứt tràng cười ông đó mới giả lả cho nó đỡ quê:
- Chắc tại mầy tới sớm nên tụi bảo vệ hổng cho mầy vô thôi chứ ai dám kỳ thị mầy.
Nó dạ rồi cười lỏn lẻn.
   Tuy không bao giờ nói ra nhưng trong thâm tâm chú thím Hai coi thằng Tép như một đứa con nuôi; Còn thằng Tép thì cũng coi gia đình chú thím Hai như là của nó. Hoàn cảnh của nó rất tội nghiệp, hồi nhỏ vì thiếu ăn, được chú thím Hai nuôi ăn nên nó thương gia đình chú, còn chú thím thì vì nuôi nó riết nên cũng đâm ra thương nó như con. Tép đâu có biết ba nó là ai, mẹ nó nhận tiền trợ cấp “mẹ đơn thân”, đúng ra thì cũng đủ sống, nhưng lại vướng vô ghiền rượu, cứ uống say sưa tối ngày, không chăm lo gì tới nó cả. Suy ra nó rất may mắn gặp được gia đình chú Hai, nếu không thì lớn lên trong khu xóm nầy cũng sẽ thành hư đốn.
   Thiệt ra thằng Tép tên là Edward, mà tên Edward thì có nhiều cách gọi, gọi thân mật hay gọi tắt là: Ed, Eddy, Eddie, Ted, Teddy, Ned… Mẹ nó gọi nó là Ted, cho nên khi đi học thì trong giấy tờ là Edward nhưng thầy cô bạn bè đều gọi nó là Ted. Chú Hai biết nó tên là Ted mà chú phát âm tiếng Anh không được nên gọi nó là Tép cho tiện, mà lại gần gũi với thằng Tôm, con Cá của chú! Phải chi thằng Ted vô được một gia đình hơi trí thức chút thì tên Việt của nó chắc đã khác rồi, có thể là Tiết hay Tết cho đẹp, hoặc người ta sẽ âm lại tên gốc Edward của nó thành Uy Vũ nghe cũng hay.
   Còn thằng anh em kết nghĩa của nó khi đi học cũng bị phiền toái với cái tên. Nghe nó xưng là Tôm, bởi tiếng Anh không có dấu ô, nên thầy cô, bạn bè cứ ngỡ là Tom, hay Tommy, là tên tắt của Thomas, cho nên trong sổ sách cô giáo hay ghi tên nó là Thomas Van Le, giông giống như tên người Hòa Lan; Làm thằng Tom phải đính chánh mấy lần cô giáo mới hiểu. Ban đầu cô giáo tưởng nó không hiểu cách đặt tên của tiếng Anh, cô dạy nó rằng tiếng Anh không có tên Tom hay Tommy, đó chỉ là tên tắt, tên thân mật của Thomas; Rồi cô giáo còn chịu khó giảng giải xa hơn, cô nói:
- Thí dụ cụ thể như tên của cô là Jessica, nhưng ba má và bạn bè đều gọi cô là Jess, hay Jessie; Còn anh của cô tên thiệt là Anthony, nhưng ai cũng gọi tên thân mật của ảnh là Tonny; Ba của cô tên là Richard, nhưng mấy chú bác gọi ổng là Dick, mà Dick còn có nghĩa lóng là Cu!
Ngưng chút cho thằng Tom ráng tiếp thu rồi cô hắng giọng nói tiếp:
- Những cái tên gọi như: Jess, Jessie, Tom, Tommy, Tony, Johnny, Sam, Ben, Mike, Dick… đều là những tên tắt chứ trong tiếng Anh không có tên thiệt như vậy. Em hiểu chưa?
Lúc đó thằng Tôm còn nhỏ, tiếng Anh còn bập bẹ, chưa hiểu thấu đáo gì hết nhưng cũng ráng gân cổ lên cãi lại cô giáo một cách rất hùng dũng như chiến sĩ bảo vệ thành trì, tên tuổi của mình:
- Yes, nhưng tên thiệt của em vẫn là Tom chứ không không phải Thomas! Ba em là một fishman, đặt tên em là Tôm, tức là con shrimp. Còn em gái của em tên là Cá, nghĩa là con fish chớ hổng có phải là Cat, Cathy hay là tên tắt của Catherine gì hết á!
   Cả lớp được một phen cười ồ, nhộn nhịp, cô giáo cũng không nín cười được. Kể từ đó nó mới hết bị rắc rối với cái tên Tôm lạ quắc.
Cuộc sống của gia đình chú thím Hai vẫn êm ả trôi lặng lẽ theo dòng đời, hai anh em Tôm, Tép vẫn sống chung dưới mái ấm gia đình chú cho đến khi hai đứa lên đại học, rồi thằng Tôm rời nhà trước, tình nguyện gia nhập trường sĩ quan Hải quân Hoàng gia Canada, chắc vì hồi nhỏ được chú thím bỏ trên thuyền đánh cá quá sớm nên nó thích mộng hải hồ. Thằng Tép thiếu thằng Tôm cũng cảm thấy trống vắng, u buồn, sẵn đã có việc làm part time nên nó cũng dọn ra riêng cho đỡ kỳ, vì theo lối sống bên nầy lớn rồi mà còn ở với cha mẹ là một điều kỳ cục lắm, nhưng nó cũng rất hay ghé về thăm chú thím để được ăn cơm Việt Nam cho đỡ thèm và để nói tiếng Việt cho đã miệng!
   Thằng Tôm thì trái lại rất ít có dịp ghé về thăm nhà, bây giờ nó đã ra trường, trở thành một sĩ quan hải quân Canada gốc Việt trẻ tuổi, sống lênh đênh trên chiến hạm, làm nhiệm vụ ngoài đại dương nhiều hơn sống trên đất liền, có lẽ vì vậy mà không có mối tình nào của nó kéo được dài lâu, ban đầu nó cứ tưởng là do mấy em đầm không nặng tình như người mình, nhưng mới đây nó cũng lại vừa bị chia tay với một cô bạn gái người Việt Nam mà nó tưởng là sẽ được lâu bền bởi là người đồng ngôn ngữ, thế nhưng theo lời nó tâm sự thì cô gái người đồng hương nầy chê nó là chỉ có cái thân xác, cái hình dáng bên ngoài là người Việt Nam mà thôi, còn cái đầu của nó là đầu Tây, cách suy nghĩ, hành xử như Tây nên… không hạp!
   Tép học ngành sư phạm, sau khi ra trường nó may mắn xin được về dạy tại ngôi trường tiểu học cũ mà hồi nhỏ hai đứa đã cùng đi học chung với nhau, nên qua lại nhà cha mẹ nuôi của nó rất thường xuyên. Tép vâng lời thím Hai về Việt Nam làm đám cưới với em Cá, rồi làm hồ sơ xin bảo lãnh em qua bên nầy sống cho gần gũi với cha mẹ, cho chú thím Hai có người hủ hỉ lúc tuổi già. Thời gian đầu thật là hạnh phúc, em Cá gặp lại cha mẹ và anh Tôm sau bao nhiêu năm dài xa cách, niềm vui sướng tràn ngập trong lòng, em lại mới được có chồng nên nhìn em lúc nào cũng hí hửng, xinh tươi… Em tung tăng trên miền đất mới, thích thú khám phá những điều mới lạ mà nào giờ em chỉ nghe nói chứ chưa từng được thấy qua. Chồng em một mình đi dạy cũng đủ sống nên Cá không phải đi làm, hàng ngày em chỉ đi học Anh văn rồi tạt qua nhà cha mẹ, đi dạo trong các shopping centers ngắm nghía hàng hóa… Ai cũng khen em may mắn có được cuộc sống sung sướng trên xứ người. Vậy mà… chỉ chừng hơn một năm là em Cá chia tay với Tép, dọn về sống hẳn với cha mẹ; Chú thím Hai ra sức an ủi khuyên lơn cũng không xong, rốt cuộc em Cá tâm sự với thím Hai:
- Má nghĩ coi, anh Tép ảnh chỉ có cái thân xác là Tây, còn cái đầu của ảnh, cách suy nghĩ của ảnh là rặt Việt Nam mình! Ảnh nói tiếng Việt còn rành hơn con… Mà con qua đây là muốn lấy chồng Tây chớ đâu có muốn lấy anh Việt Nam!
    Lần về phép vừa rồi thằng Tôm tâm sự rằng nó chán phụ nữ lắm rồi, Tép gật đầu nói nó cũng vậy!
Thanh Chí  2019

CHAI RƯỢU MAO ĐÀI
Thanh Chí

Mao Đài là một loại rượu trắng rất nổi tiếng và mắc tiền của Trung Hoa, nó cũng được coi là quốc tửu của nước Tàu khi mà chánh phủ nước nầy đã dùng nó để chiêu đãi các quốc khách trong những quốc yến.  Hồi thập niên 70, nghe nói chủ tịch Mao Trạch Đông đã chiêu đãi tổng thống Nixon  bằng rượu nầy khi trong lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đến Trung Hoa (do sự dàn xếp của Kissinger nhằm để Mỹ và Tàu chia lại bàn cờ châu Á).
Mao Đài tửu được sản xuất từ hồi… rất xa xưa tại thị trấn Mao Đài, tỉnh Quý Châu, Trung Hoa. Rượu nầy được chưng cất với thành phần chánh là từ cao lương lên men, cùng một số phụ gia bí mật khác… mà chỉ có những người nấu rượu gia truyền trong thị trấn nầy mới biết. Nhưng theo truyền thuyết thì sở dĩ nó ngon là do nguồn nước suối của thị trấn Mao Đài! Nghĩa là nếu dời cái lò rượu nầy đi qua đia phương khác, như Bắc Kinh chẳng hạn thì do khác nguồn nước nên rượu sẽ không ngon như được sản xuất tại Mao Đài! Ngoài ra còn có vài truyền thuyết khác nữa, nhưng vì không phải là người hâm mộ hàng Tàu cho nên tôi không để ý, và cũng chưa hề uống thử qua loại rượu nổi tiếng nầy.
Nào giờ tôi cứ tưởng là mình (đã) có một chai Mao Đài tửu trên kệ rượu ở nhà, nhưng hóa ra không phải!
Chuyện là vầy: Hồi còn làm việc, trong lúc sở thiếu một nhân viên kỹ thuật cho một building nhỏ ở xa, tôi có đăng tuyển người, trong các đơn dự tuyển có một người mà vừa đọc tên “Ming Wang” thì biết ngay đương sự là người Trung Quốc, thấy hồ sơ của người nầy khá thích hợp cho nên tôi đã để vào danh sách sẽ phỏng vấn. Đến ngày hẹn, vì không muốn mang tiếng thiên vị người Châu Á cho nên tôi có mời cô phó chủ tịch (là con gái của ông chủ lớn) tham dự, một phần cũng là để cho cổ học tập, vì tôi đã nói trước là năm sau tao sẽ nghỉ hưu, mầy phải ráng học cách làm việc của tao, nếu chưa mướn được người thay thế thì anh em mầy phải gánh phần việc của tao! Cô Shonra nầy nhỏ hơn tôi đúng một con giáp, mới vừa tạm giả từ cuộc sống của một tiểu thơ trong nhung lụa để tham gia công việc trong hãng, thời gian ngắn thôi cho nên chưa rành rẽ gì nhiều, nhưng được cái là cổ rất thông minh (hình như tôi chưa từng gặp người Do Thái nào kém thông minh cả!); Tôi chỉ dạy điều gì cổ cũng nắm được rõ ràng, từ “chánh trị văn phòng”, thậm chí đến những vấn đề về kỹ thuật máy móc… mà cổ cũng tương đối thông suốt chứ không ù mờ như đa số phụ nữ (tóc vàng) thông thường.
Hôm phỏng vấn thằng Ming Wang tôi có giới thiệu đàng hoàng rằng đây là cô Shonra đại diện chủ. Cổ không nói năng gì, chỉ ngồi cười cười ghi chép. Sau nầy nó kể lại là có lẽ do quá hồi hộp nên nó đâu có hiểu gì, mà cứ tưởng rằng tôi là chủ, còn cô Shonra là thư ký, chứ nó đâu ngờ cổ là cô chủ con! Buổi làm việc diễn ra hết sức tốt đẹp, thằng nầy có chuẩn bị rất kĩ lưỡng, trả lời rành mạch như học trò trả bài… nhưng khi tôi hỏi giỡn chơi: 1 xô khí steam nặng bao nhiêu Kg?! thì mặt nó ngớ ra thấy tội nghiệp hết sức; làm tôi không biết là thằng nầy nó chỉ là đứa có trí nhớ dai hay là người thông minh? Kết thúc buổi phỏng vấn tôi cho nó biết là nó được gọi là do nó đã tốt nghiệp một trường cao đẳng nghề tại Canada và đúng ngành học mà chúng tôi đang cần, cộng với kinh nghiệm làm việc của nó tại Canada cũng tạm được, còn những chuyện khác  mà nó kê khai trong hồ sơ như hồi xưa nó đã tốt nghiệp trường đại học kỹ thuật Hồ Bắc, cùng những kinh nghiệm làm việc bên Tàu, hay đã từng làm chuyên gia bên VN đối với chúng tôi không quan trọng. Nó cám ơn  rối rít đã cho nó biết điều đó. Tôi không hứa hẹn nó điều gì, tôi nói là còn phải phỏng vấn thêm một số ứng viên nữa… Nếu được nhận thì cô Shonra sẽ gởi email thông báo, và thời gian thử việc là 3 tháng với những điều kiện và quyền lợi sẽ được ghi rõ trong email.
Thằng Ming vừa ra về là Shonra nhào tới gần, chu mỏ hỏi tôi ngay:
- TC à, mình sẽ mướn thằng Ming, cho nó thử việc 3 tháng phải không?
Tôi nheo mắt nhìn Shonra đang háo hức chờ câu trả lời, rồi ỡm ờ:
- Sao mầy đoán hay quá vậy?
Shonra không dấu nụ cười đắc thắng:
- Nãy giờ… Thấy cách mày cười là tao biết liền… Vậy đầu tuần sau tao sẽ liên lạc… cho nó làm thủ tục thử việc…
Tôi cười thầm: Đúng là mấy đứa Do Thái thông minh thiệt!
Hai tuần sau khi thằng Ming nhận việc thì tôi tổ chức party Noel cho tất cả nhân viên, tuy chỉ là người rất mới nhưng nó vẫn được tham dự, và cũng được một phong bì quà cuối năm, dĩ nhiên là với con số rất khiêm nhường hơn so với các nhân viên khác, nhưng cũng đủ làm cho nó bất ngờ vui thích..
Đi làm trở lại sau Noel, thằng Ming kiếm chuyện gặp tôi, nó nói rằng rất cảm động được tặng quà Noel, rằng nó rất bứt rứt vì không ngờ nên không chuẩn bị quà tặng cho sếp… rằng hôm party đó nó rất thích thú khi nghe tôi luận về rượu… Rằng nó có một chai rượu Trung Quốc rất ngon muốn tặng tôi…  Tôi cám ơn hảo ý của nó nhưng nhứt định từ chối và ôn tồn nói với nó rằng ở xứ nầy không có chuyện nhơn viên tặng quà cho sếp, biểu nó đừng nghĩ tới chuyện đó nữa… Nhưng thằng này cứ lì lợm òn ỷ riết, nó nói có dây có nhợ rằng thì là rượu ngon phải nên tặng người biết thưởng thức rượu như tôi, còn nó thì không biết gì về rượu, nó còn ví von theo kiểu phim kiếm hiệp rằng thanh kiếm quý phải nên tặng người kiếm khách tài danh… Tôi vẫn không xiêu lòng; Lợi dụng có tiếng chuông điện thoại reo vang, tôi phất tay biểu nó trở về làm việc.
Sáng hôm sau, khi tôi vừa đậu xe ngay chỗ của mình thì thằng Ming đã lấp ló sẵn đâu đó chay tới với giỏ quà đựng chai rượu lẹ làng nhét vô bên trong xe, miệng lấp bấp:
- Tặng sếp chai rượu Mao Đài… Rượu quý nên tặng người biết thưởng thức rượu…
Quá bất ngờ nên tôi không phản ứng gì được, lại không muốn giằng co trong khu vực parking nên chỉ đành nói hai tiếng cám ơn!
Thằng Ming quay đi lẹ làng như cách nó xuất hiện, miệng lẩm bẩm:
- Hân hạnh, hân hạnh… Kiếm quí nên tặng kiếm sĩ…
Như đã nói, tôi không hâm mộ rượu Tàu nên chai rượu “Mao Đài” nầy được để y nguyên trong hộp, chưng  một góc trên kệ rượu; Thời gian sau thằng Ming xin nghỉ phép về xứ rồi kẹt trận dịch bên Hồ Bắc không trở về làm việc nữa, lâu ngày tôi quên bẵng luôn cả hai!
Hôm nọ tình cờ gặp lại vợ chồng người bạn cũ quen nhau từ thuở hàn vi, hồi mới chưn ướt chưn ráo qua tỵ nạn bên xứ nầy, cả hai là người Việt gốc Hoa, tuy sanh đẻ bên VN nhưng sanh sống ở Chợ Lớn, học chương trình Tàu, giao tiếp cũng toàn người Tàu với nhau cho nên họ nói tiếng Việt nghe vui lắm, cô vợ thì nói khá hơn và cũng tương đối rành rẽ một ít ca dao tục ngữ nên nói chuyện nhiều hơn, nhưng tôi lại thích nói chuyện với người chồng vì anh ta nói chuyện rất vui, thường trước khi mở miệng là anh ta cười híp hai mắt lại rồi mới nói… Tên tiếng Việt của ảnh là Phúc (bên đây ai mang tên Phúc, Phước là hay bị tụi Tây chọc ghẹo lắm),tướng tá của Phúc cũng cao lớn cỡ tôi, nhưng mặt mày tròn trịa và đậm nét… Tàu nhiều hơn tôi! Phúc già hơn tôi 2 tuổi nhưng trong giấy tờ thì bằng, do hồi xưa Ba nó muốn tránh cho nó khỏi bị đi quân dịch, Ba nó còn làm hồ sơ chuẩn bị cho nó đi du học bên Đài Loan để tiếp tục chương trình Tàu, nhưng chuyện chưa thành thì chiến tranh chấm dứt cho nên đành lo cho nó xuống tàu tỵ nạn! Bởi vậy tụi tôi mói có duyên gặp gỡ nhau bên nầy. Nhớ khi xưa thằng Phúc mạnh rượu lắm, sức nó uống nửa chai Whisky không thấm thía gì, còn uống beer thì khỏi đếm chai.
Chợt nhớ lại có lần nó kể với tôi rằng hồi mười mấy năm trước nó đã dẫn ba nó trở về quê xưa bên Tàu để nhìn lại cơ ngơi của ông nội nó, là một đại điền chủ may mắn được các tá điền tá thổ của ổng thương yêu giấu giếm, để ông nội nó khỏi bị xử tử trong thời kỳ “thổ địa cải cách” bên Tàu, rồi cả làng cùng đồng lòng lén lút đưa ông nội nó trốn ra khỏi xứ, lưu lạc đến VN, để rồi sanh cơ lập nghiệp trở lại nơi vùng đất Chợ Lớn. Lần đó cha con nó được đám con cháu của những người tá điền cũ đãi rượu Mao Đài để tỏ lòng tôn kính, nhớ ơn ông nội nó đã từng ra tay tế độ cứu đói cho tiền nhơn của họ. Nó kể lại rằng đó là lần đầu tiên được uống loại rượu nầy, tuy hương vị khác hẵn với các loại rượu Tây mà tụi mình đã uống qua, nhưng có thể gọi đây là một loại rượu ngon. Tôi bèn kể cho nó nghe câu chuyện tôi được tặng một chai rượu Mao Đài và rủ nó hôm nào quởn ghé qua nhà tôi để cùng thưởng thức…
Vài tuần sau vợ chồng thằng Phúc đến nhà tôi chơi, vừa cầm chai rượu lên coi là nó híp mắt lại, cười ùng ục:
- Chời đất ơi, cái nầy đâu có phải là rượu Mao Đài!
Rồi nó lầm bầm chửi thề bằng tiếng Anh nên nghe âm thanh giông giống như nó đang réo gọi tên của nó! Đặt chai rượu xuống, nó nói tiếp:
- Cái thằng TQ nầy nó ba xạo với ông rồi! Tui nói hoài… cái tụi TQ xạo lắm… biểu ông đừng có chơi với tụi nó…
Tôi chưng hửng hỏi lại nó:
- Oh, vậy mà nào giờ tui cứ tưởng… chớ nó là cái giống gì?
- Ừa… thì… thì đây chỉ là một loại rượu trắng của Tàu thôi ông ơi, tuy cũng khá mắc tiền, nhưng đ.. phải là rượu Mao Đài! À, cái nầy cũng như là Brandy còn Mao Đài là Cognac vậy đó mà…
- Vậy bi giờ mình uống nó cho rồi nghen?
Thằng Phúc cười híp hai mắt lại, quơ tay nói:
- Thôi đi ông ơi, ông cất làm “kỷ niệm”, để nhớ là tụi TQ nó ba xạo lắm, hổng có chơi với tụi nó được đâu…
Rồi nó chỉ vô kệ rượu của tôi, cười sằng sặc, nói tiếp:
- Mình chỉ chơi được với mấy thằng John, thằng Jack nầy thôi ông ơi…
Tôi hiểu là nó muốn ám chỉ hai loại rượu Whiskies mà tôi thường uống là Johnnie Walker và Jack Daniel’s nên cười nhẹ hỏi lại nó:
- Vậy bi giờ ông muốn chơi với thằng nào?
Nó hí ha hí hửng chỉ vô chai Jack Daniel’s :
- OK, Jack là bạn tốt… tụi TQ ba xạo lắm ông ơi…
Tôi vói tay lấy chai rượu vuông nhãn đen đưa cho nó khui, rồi nheo mắt ghẹo nó:
- Thôi, kệ đi, tui đã nghỉ hưu, thằng TQ kia cũng nghỉ làm lâu rồi… À, ông là người TQ nên rành (cái tánh ba xạo của tụi nó) dữ há…
Thằng Phúc híp mắt lại cười tồ tồ nói với giọng giả bộ lơ lớ:
- Hầy, ngộ hổng có phải là người TQ à. Ngộ hầy Coỏn Phủ dành á! (tui là người Quảng Đông!)
Cả bàn cùng cười hỉ hả, rì rào…
Thanh Chí  10-2023

THƯƠNG THẦM
Thanh Chí

Quê hương tôi có con sông Sàigòn hiền hòa uốn lượn chảy ngang tỉnh lỵ, dòng sông đẹp và lặng lẽ như  một công trình thủy lợi thiên nhiên mà tạo hóa ban tặng để tưới mát ruộng vườn. Bên kia sông là quận Củ Chi, vào những năm tháng xa xưa của thế kỷ trước cũng thuộc tỉnh Bình Dương, nhưng rồi sau đó, hình như vào khoảng thập niên 60 thì bị tách ra để sát nhập vào tỉnh Hậu Nghĩa, qua những năm tháng thăng trầm cùng vận nước, cái vùng đất hẻo lánh bên đó bây giờ lại là một phần của thành phố HCM, tên mới của thủ đô Sàigòn hoa lệ ngày nào.
Hồi đó, vùng đất Củ Chi bên kia sông trực thuộc tỉnh nhà, nhưng chỉ ngăn cách có một con sông mà tình hình an ninh lại khác hẳn, bên đó không có an ninh chút nào, cho nên luôn có rất nhiều đồng bào tản cư qua bên chợ Thủ (TDM), nhứt là trai tráng, nếu gia đình có bà con bên nầy sông thì hay gởi qua tạm trú để tránh bị bắt tham gia du kích, dân quân... cho đến khi tình hình yên yên thì lại trở về bên sông chăm lo đồng áng. Nói là nói vậy nhưng cũng có người qua bên nầy rồi là bị vướng cẳng không trở về quê cũ nữa, trong đó có chú Chín Xa.
Khi tôi lớn lên thì đã thấy chú Chín Xa hành nghề phu khuân vác ở đầu chợ dưới. Vác gạo là nghề chánh, nhưng ai kêu làm bất cứ việc gì chú cũng làm. Chú Chín có nước da đen đúa, người dong dỏng cao, hai mắt lớn nhưng hơi lồi, quanh năm suốt tháng chú luôn ở trần trùng trục, chỉ mặc có cái quần xà lỏn đen, hai chân cũng không giầy dép, tôi nghĩ chắc da bàn chân của chú phải dầy lắm mới chịu nỗi hơi nóng của mặt đường nhựa bốc lên vào những ngày hè oi bức đầy nắng vàng nhiệt đới.
Vào cái thuở xa xưa ấy, khi còn là một anh nông dân trai trẻ mới từ bên sông tản cư qua lánh nạn bên nầy, nhờ có người quen gởi gắm nên chú Chín Xa tá túc tạm thời trong nhà của bà Hai trong xóm nhỏ ở trên đường "rạp hát". Gia đình bà Hai có hai người con gái mà hàng xóm thân mật gọi là cô Ba Thấp và cô Tư Cao. Thật ra thì tướng tá cô Ba cũng vừa phải chứ không có thấp bé chút nào, nhưng sau nầy hàng xóm gọi thân mật như vậy là cũng có nguyên nhân… Trong xóm đó có chú Tư Cao bán xe phở ở đầu chợ dưới là người đem lòng yêu thương cô Ba, Hình như cô Ba cũng có thương lại chút chút, nghĩa là hai bên đã có tình cảm qua lại, nhưng rốt cuộc thì… tình chị duyên em! Hổng biết có vì do nguyên nhân thầm kín nào không mà chú Tư Cao lại đi cưới cô Tư, từ khi cô em gái trở thành thím Tư Cao thì hàng xóm thân mật gọi cô Ba là cô Ba Thấp! còn bọn nhỏ như tụi tôi thì đứa gọi bác Ba, đứa gọi bà Ba chứ hổng có đứa nào dám chêm thêm chử Thấp, chữ đó chỉ để nói với nhau mà thôi.
Từ ngày lỡ dở duyên phận thì cô Ba Thấp cương quyết ở vậy, cô nhứt định không vướng vô mối tình nào với bất cứ ai nữa cả, mà đâu phải cô xấu xí gì cho cam, cô Ba thiệt ra cũng có khuôn mặt rất dễ coi với chiều cao vừa phải của người phụ nữ Việt Nam thời đó, cô lại có nghề thợ may nên cuộc sống của hai mẹ con cũng không có gì khó khăn, vất vã... Từ ngày có chú Chín Xa về tá túc thì cô chỉ lo làm thợ may mà thôi còn những công chuyện nhà thì đã có chú Chín Xa quán xuyến lo liệu hết, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ như lau dọn nhà cửa, gánh nước, than củi... hể đi làm về là chú làm hết mọi việc cho cô Ba được thảnh thơi. Mà thiệt ra chú đâu có quởn đãi gì, mỗi ngày ra chợ là chú làm quần quật từ sáng đến chiều mới về lo việc nhà cho cô Ba. Hàng xóm ai cũng khen chú giỏi giang và cô Ba quả là có phước được người… dưng bổng nhiên từ đâu đến lo lắng cho mình.
Tuy chú Chín không bao giờ bày tỏ tấm lòng nhưng ai ai cũng hiểu nỗi lòng của chú, nếu không có bụng thương thầm cô Ba thì chú đâu có ở miết nơi đó mà không chịu trở về quê cũ như bao nhiêu người khác. Chú Chín Xa tuy ít học nhưng cũng có tấm lòng thương nhớ quê hương, chú cũng thèm muốn được cày bừa trên mảnh ruộng quê nhà, cũng mơ ước được hít thở hương thơm mùi lúa chín. Hết mùa lúa thì tát cá, soi ếch, bẫy chim, bắt chuột… Chú sống cuộc đời cơ cực vất vã bên nầy là vì đã lỡ thương cô Ba, thương mà không dám nói, chú chỉ ráng sức làm cho cô Ba được vui bằng cách lo làm hết những công việc nhà cho cô Ba được thảnh thơi, còn cô Ba có đoái hoài tới chú hay không thì chú không bao giờ dám nghĩ tới.
Có những buổi trời chiều chạng vạng, chợt ray rức với nỗi niềm thương nhớ chốn cũ quê xưa, chú Chín Xa ra đứng nơi bến đò Chợ Cá, nhìn qua phía bên kia sông, thả hồn về nơi chân trời xa thẳm, mơ mộng về nơi chốn mà chú được sanh ra và lớn lên trong thời chiến loạn, ở đó có ruộng đồng, vườn tượt… với những công việc đồng áng quen thuộc hằng ngày… Nhớ nhà thì mơ mông, thả hồn về quê vậy thôi chứ chú Chín vẫn nhất quyết ở lại bên nầy để hàng ngày được nhìn ngắm, gần gũi với người mà mình thầm yêu trộm nhớ, cho dù cuộc sống có khó khăn cơ cực bao nhiêu thì chú cũng cắn răng chịu đựng, miễn hằng ngày còn được nhìn thấy cô Ba là chú Chín vui lòng. Biết tánh cô Ba thích uống cà phê sữa giống như mình cho nên mỗi buổi trưa, hể mà có được chút tiền là chú mua một ly, ôm khư khư từ chợ về nhà, đi ngang bến xe ngựa trước ngôi nhà cổ, có bóng mát và băng ghế đá, là chú ngồi lại nghỉ chân, chẩm rãi mở nắp ra trịnh trọng uống vừa đúng hai hóp, từ từ thưởng thức hương vị cà phê thơm lừng, rồi cẩn thận đậy nắp lại, chú đem về nhà cho cô Ba uống sau giấc ngủ trưa.
Bao năm tháng trôi qua mà tấm lòng yêu của chú Chín vẫn không hề thay đổi, nhưng tiếc thay mấy chục năm rồi mà cô Ba cũng chưa chịu xiêu lòng, cô vẫn nhất quyết không vướng vào chuyện yêu thương với bất cứ ai nữa kể từ ngày xảy ra chuyện tình chị duyên em. Bấy giờ quê hương đất nước đã không còn chiến tranh nữa, ruộng vườn bên kia sông đang chờ đợi bàn tay người nông dân lam lũ, yêu mến ruộng đồng, nhưng chú Chín Xa thì coi như đã vướng cẳng luôn ở bên nầy với mối tình thầm lặng của suốt một thời trai trẻ. Bây giờ thì chú và cô Ba đều đã bước vào tuổi già, chuyện yêu đương cùng với bao nhiêu mộng ước một thời thanh niên của chú coi như đã không thành, ước nguyện được kết tóc xe duyên với người mình thầm yêu trộm nhớ coi như tan vào mây khói với thời gian, với tuổi đời chồng chất.
Tuổi già cũng ập đến thật nhanh với người phụ nữ, vào những tháng ngày còn lại của đời mình bổng nhiên cô Ba bị bịnh kiết lỵ rất nặng, cơn bịnh hành hạ cô phải nằm một chổ… hôi hám… mấy đứa cháu ngày càng ngại ngần... xa lánh. Rốt cuộc thì cô Ba đành phải chấp nhận để cho chú Chín Xa săn sóc cho mình trong những ngày đau ốm cuối đời.
Có lẽ trong cuộc đời lam lũ của chú Chín, chưa có bao giờ chú làm công việc gì mà cảm thấy sung sướng hạnh phúc như công việc nầy. Người ta nói “được săn sóc cho người mình yêu là điều hạnh phúc nhứt”, thì... coi như ở tuổi cuối đời chú Chín Xa cũng được ông Trời đền bù cho niềm hạnh phúc đó. Dù không được lâu!
Thanh Chí  05-2015