Trường ơi! Tôi nhớ vô
cùng!
Nguyễn thị Hai
Quả không sai khi hoa phượng được ví như hoa
học trò vì cứ đến tháng năm là hoa phượng
lại trổ đầy trên cây từ trong sân trường cho đến
công viên, cây nào cây nấy nặng trĩu
những chùm hoa đỏ rực.
Hè về! Hè về! Hai tiếng nghe sao nhớ thương
và luyến tiếc! Ôi những kỷ niệm thuở học trò chợt
sống lại trong tôi như mới hôm nào, tôi
và các bạn còn tung tăng trong chiếc áo
dài trắng và đôi guốc mộc. Vậy mà đã
40 năm trôi qua, chúng tôi đã xa ngôi
trường Trịnh Hoài Đức thân yêu ấy.
Tôi nhớ hoài con đường từ chợ Búng
vào trường ngày xưa, hễ trễ một chuyến xe đò
và đi chuyến sau, vừa xuống xe là tôi phải ba
chân bốn cẳng mà đi muốn hụt hơi vì vô lớp
trễ sẽ bị trừ điểm hạnh kiểm. Ôi điều nầy khiến ai cũng sợ
quý thầy cô giám thị vô cùng!.
Những đôi guốc mộc ngày xưa cứ khua đều trên
đường với những âm thanh lóc ca, lóc
cóc quên thuộc từ ngày này sang
ngày khác.
Những vành nón lá nghiêng
nghiêng, những tà áo trắng tung bay trong
gió, những giọng nói rôm rã hòa lẫn
tiếng cười giòn tan của đám nữ sinh đã làm
cho con đường nhộn nhịp vui hẳn lên mỗi khi tan trường.
Ngày xưa hai bên đường chỉ lưa thưa những
ngôi nhà ngói của người dân. Chung quanh
ngôi trường là những đám ruộng xanh rì
vào mùa mưa, ở đó những bông lúa nặng
trĩu rì rào trong gió. Đến mùa lúa
chín vàng sau khi đập xong, người ta đốt rơm rạ để lấy
phân mà trồng đồ hàng bông. Nào
là bầu, bí, dưa, cà đủ loại. Khi giáp Tết
thì trồng bông vạn thọ và mồng gà, từ xa
nhìn cũng đẹp lắm.
Ra giêng lại đến mùa củ sắn, ôi xung
quanh toàn là những đám sắn, nhìn đâu
đâu cũng là sắn Đến chiều là những chiếc xe
bò chở sắn từ Gò Đình ra chợ Búng. Xe
nào xe nấy đầy ắp. Hôm nào tiết học trống, mấy đứa
lại rủ nhau ra ngoài để đi mót sắn. Khi đi thì đứa
nào cũng cột hai tà áo dài để phòng
khi chạy không vấp té. Cứ đi trên bờ một đoạn
là giả bộ té xuống đám sắn, tiện tay sẽ nhổ đại
một dây. Nếu hên là được những củ to, có khi
củ nhỏ xíu. Đi mấy đám sắn thì nhổ được có
ba bốn củ thôi. Có lúc không được củ
nào mà còn bị chó rượt nữa chứ! Thật
hú hồn! Nhưng mà vui lắm vậy đó. Nói tiếng
là đi mót sắn chớ thật ra là nhổ trộm đấy.
Trường là một dãy nhà một trệt, một
lầu, hành lang là nơi học sinh hay tụ tập nói
chuyện. Những khi không có giờ học, chúng tôi
hay ra đứng chơi và trông ngóng các Thầy
chạy từ Trường Nam qua. Thoáng thấy xe của Thầy từ xa là
ai cũng ồ lên: “Thầy kìa. Thầy kìa” rồi đợi cho
Thầy chạy tới cổng mới chịu chạy vào lớp học.
Cầu thang cũng là nơi gắn bó với chúng
tôi vì hay ngồi lê la ôn bài. Có
lúc chúng tôi “tám” chuyện quá lớn
nên bị giám thị rầy hoài.
Hộc bàn ngoài việc đựng tập vở còn là
nơi để thư qua thư lại giữa buổi sáng và buổi chiều,
những lá thư kết nghĩa chị em vô cùng thấm thiết.
Cứ vài bữa là có một lá thư mới trong hộc
bàn, ôi thật vui ..
Những tiết học của Thầy Bình dạy vẽ và Thầy
Bé Tám dạy nhạc có lẽ là những tiết học vui
nhất. Mỗi khi Thầy Bình chấm điểm là cả thảy đều chạy
lên bàn Thầy. Thầy vừa xem bài vừa nói
bài nầy 18 điểm, tức thì mấy đứa đồng thanh: “19 đi Thầy,
Thầy , 19 điểm Thầy”. Thế là Thầy hạ bút ngay con số 19
tròn trịa. Cứ thế mà đứa nào cũng được cao điểm
môn vẽ ráo trọi.
Thầy Bé Tám thì sau khi dạy bài
mới xong mà còn dư giờ thì cả lớp ồn ĩ. Thầy cho
tụi em hát đi. Thầy rầy rà nhưng cuối cùng cũng
gật đầu cái rụp mà mặt Thầy thì nhăn nhó
quá trời!!!
Thầy Nguyễn Trường Phán làm chủ nhiệm thật
là tuyệt vời, lúc nào thầy cũng bảo vệ và
bênh vực học trò của mình bằng tất cả tấm
lòng của Thầy, nên ai cũng quý Thầy vô
cùng.
Những khi tan trường nếu ra chợ Búng mà chưa
có xe về là cả bọn hay vào quán nước
đá của Dì Ba, đây là nơi chúng
tôi hay ghé nhất. Quán đơn sơ nhưng có
món nước đá bánh lọt, sương sa hạt lựu, thêm
nước cốt dừa ngon tuyệt. Ngoài ra, còn có cả
món đu đủ thêm miếng đá bào bỏ lên mặt
cũng hết ý luôn. Tôi nhớ có lần tôi
cá với bạn Lệ Hà nếu ăn hết 5 ly nước đá đậu
bánh lọt thì tôi sẽ trả tiền. Sau một hồi vất vả
bạn đã thành công. Tôi đành vét
hết tiền ra để trả. Chiều về, lòng tôi cứ lo lắng, bồn
chồn sợ bạn bị đau bụng. Ngày hôm sau tới lớp thì
thấy bạn vẫn bình yên tôi mới thấy nhẹ lòng.
Thời gian dù đã đi qua không bao giờ trở
lại nhưng những kỷ niệm vẫn còn mãi trong lòng.
Đã mấy mươi năm rồi, mỗi khi nhớ lại trường xưa lòng vẫn
thấy vấn vương một chút buồn man mác ….
Nguyễn Thị Hai