Trở về!
Dong Trinh

Cây cầu Champlain thật dài, nằm trên dòng St. Lawrence nối liền hai thành phố Montreal và Brossard. Từ trên xe nhìn xuống, con sông rộng mênh mông, mấy chiếc tàu lớn nằm yên sát bờ, nước chảy êm đềm, từng ngọn sóng nhấp nhô. Tôi lại nhớ đến cây cầu Bình Lợi quê nhà, những vòng sắt hình cung, dần đưa chúng ta tới Saigon.
Mấy toà nhà cao ngất ngưỡng sừng sững trước mắt. A! Cái building cao nhất đây rồi. Tôi e dè bước vô trong hỏi người thư ký. Sau khi nói rõ tên họ người muốn tìm và tên tôi, cô gọi điện thoại để xác nhận rồi chỉ thang máy cho tôi đi .
Tới trước cửa, vừa gõ một tiếng nhỏ, anh đã xuất hiên. Tôi thật sự xúc động, không nói được gì ngoài cái gật đầu! Bình Dương của tôi đây rồi, vườn bông, hồ sen, con đường Đoàn Trần Nghiệp, Thái Lập Thành, những chiếc xe ngựa lốc cốc, xe lam khói mịt mù...đang nhảy múa trước mặt tôi! Phải một phút sau tôi mới nói được hai tiếng ‘thưa anh’!
Mừng lắm, tôi thật mừng lắm! Mấy chục năm rồi, có đến gần hai phần ba thế kỷ tôi mới gặp lại anh!
Lúc đó, tôi mới chỉ là đứa con nít, tóc bôm bê. Cứ vài ba ngày, má biểu tôi qua nhà thuốc bác Năm mua thuốc, gói Nguyễn Ngọc Trang nho nhỏ, bên trong những viên thuốc tròn li ti. Riết rồi hể thấy mặt tôi là bác Năm không cần hỏi, đưa ngay gói thuốc, miệng cười hiền từ:-Nguyễn Ngọc Trang phải hong nè! Tôi ‘dạ’ thiệt lớn, trả tiền rồi chạy u qua đường.
Nhà tôi và nhà anh đối diện, cách nhau bởi cái vườn bông, giang sơn của đám con nít nhà làng hằng đêm. Thỉnh thoảng, tôi bắt gặp mấy anh chị trong nhà đi học về, mấy anh chị khoanh tay thưa bác Năm trai và bác Năm gái rất lễ phép. Ngày đó, tôi còn nhỏ lắm, không biết tên mấy anh chị, chỉ nhìn ngơ ngác mà cũng chẳng dám làm quen.
Tôi vẫn triền miên mua thuốc cho má tôi hằng tuần, từ tiệm nhỏ cho đến khi bác Năm cất lên căn nhà lầu xít lên phía trên một chút, tôi cũng vẫn là khách hàng quen thuộc nơi đây. Bây giờ tôi đã biết tên hết mấy anh chị trong nhà rồi nhưng vẫn không biết ai là ai, ngoài cô bạn gái nhỏ vì tôi học chung lớp liên tiếp mấy năm tiểu học với cô nàng, em gái kế út của anh. Đây là một gia đình có nề nếp, hai bác Năm hiền từ, bác trai lúc nào cũng áo chemise trắng ngắn tay, quần tây đen, bác gái luôn giản dị với bà ba vải trắng, quần sa teng đen, tóc bới gọn. Các anh chị học hành giỏi giang, trong cái tỉnh lỵ nhỏ này ai cũng biết và khen ngợi.
Vật đỗi sao dời, dần theo năm tháng. Bấy giờ gia đình tôi đã dọn về ngã tư piscin. Tối tối, tôi cùng chị tôi hay dẫn mấy đứa nhỏ ra chợ ăn tàu hủ nước đường, gánh tàu hủ quen thuộc trước nhà thuốc xưa mà giờ đây đã bị thuộc về kẻ khác. Trời tối, cúp điện, ngồi chồm hổm dưới đất, bưng chén tàu hủ nóng bốc hơi, thơm lừng mùi gừng, vừa múc từng muỗng nhỏ đưa vô miệng, vừa ngó vô ngôi nhà quen thuộc ngày nào. Tên bảng hiệu vẫn ngạo nghễ trên cao mà bên trong tiệm hoàn toàn vắng lặng, tối tăm. Miếng gừng làm tôi cay hay cái đổi thay làm tôi nghe cay đắng?
Qua Mỹ, định cư tại một thành phố nhỏ, người Việt Nam thưa thớt. Hai mươi năm trước đây, sách báo tiếng Việt là một sản phẩm hiếm quý nơi tôi ở. Thỉnh thoảng đi thư viện, bắt gặp tờ báo, quyển sách tiếng nước mình là mắt tôi sáng lên, không cần biết nội dung, vội vã đem ra ký mượn làm như sợ chậm trễ sẽ có người giành.
Một tình cờ, cũng tại nơi này, tôi mừng hết lớn khi mở vài trang đầu một quyển sách ...chợ Thủ, vườn bông, đường Đoàn Trần Nghiệp, Thái Lập Thành, tiệm giày Vũ Văn Lư, rồi hủ tíu Cây dừa, Lò chén , Búng , Cầu Ông Đành,đã từng làm mòn gót chân tôi. Trời đất ơi...Bình Dương của tôi đây nè! Thiệt tình mà nói, Không làm sao diển tả lên được cái vui cái khoái của tôi lúc đó. Tôi quính quáng, ký mượn cho lẹ. Đem cuốn sách về, trọn một đêm, nuốt hết từng câu, từng chữ của cuốn sách dày năm trăm trang. Tôi đã trở về Bình Dương của tôi, tôi đã gặp lại những người quen lối xóm, bác Hai Hiệp Thành, cô Hai Hiệu, chú Tư tiệm giày. Tôi đang nhảy nhót tung tăng chạy giỡn với Liễu, với Ken, với Phượng ngoài vườn bông, tôi đang tắm mưa dưới hồ sen, giành nhau mấy con cà cuống từ trên cao bay xà xuống! Thú vị nhất là khi biết tác giả, nhà ngay bên kia đường. Tôi đã liên lạc được với anh, để rồi từ đó, từ bên này nước Mỹ, tôi thỉnh thoảng gọi qua xứ tuyết để thăm hỏi anh, một đồng hương, một ông anh , một ông thầy đáng kính.
Nhân dịp đi Canada, tôi xin phép được thăm anh sau hơn sáu chục năm trời biết mặt mà chẳng biết tên. Anh đang trước mặt tôi là hình ảnh thân thương, nhân từ của bác Năm trai đứng sau quày thuốc.
Rất vui, vui lắm ! Trong những ngày ta bà nơi cái xứ tuyết phủ ngập trời mỗi khi đông tới, tôi đã gặp lại rất nhiều anh chị, bạn bè cùng quê. Tôi như đang trở về dòng sông chợ Thủ với xóm làng quen thuộc.
Tôi sẽ trở lại nơi này! Nhất định tôi sẽ trở lại nơi này!
Dong Trinh
Fort Smith Oct 23, 2018.