Trích email của cô Ngọc Sương:

Diệp và Tâm:

Gởi đến em bài viết của Cô đến Trịnh Hoài Đức hải ngoại để thay lời cảm ơn với Ban Chấp Hành và các bạn
Cô Nguyễn Thị Ngọc Sương dạy môn văn Trịnh Hoài Đức từ đầu năm 1969.

Trịnh Hoài Đức và tôi
Ngọc Sương

Tôi quyết định về trường trung học Trịnh Hoài Đức, Bình Dương thay vì trường Nguyễn Trải, quận tư, Sài Gòn hoa lệ. Tại sao? Có lẽ là có duyên  với trường tỉnh! Mà tôi cũng là dân tỉnh cơ mà. Tôi đã xa tỉnh Bình Dương từ năm 1960, "du học" cố đô Huế 5 năm. Sau khi tốt nghiệp, tôi lại lên xe hoa  về thành  phố, thế là tôi lại tiếp tục  xa quê. Lại nữa, khi nhận đươc sự vụ lệnh đi dạy, thì trường đầu tiên, tôi bước lên bục giảng lại là trường Trung  Tiểu Học Trảng Bàng thuộc tỉnh Hậu Nghĩa.

Bình Dương ôm nhiều kỷ niệm của tuổi thơ hồn nhiên với  bạn bè thân thương. Dù ở tuổi thất thập cổ lai hi, nhưng tôi vẫn nhớ như in: những lần đến nhà Cảnh ăn bông mít, bưởi, đu đủ … với nước mắm đường. Có khi chúng tôi còn được ông Ngoại để  dành cho trái xoài chín, ngọt làm sao! Ngọt chẳng phải chỉ vì xoài ngọt không thôi, mà cả vì tình cảm của ông Ngoại dành cho. Lại nhớ cả những lần giành nhau trái chín trên cành của nhà Đinh Ngọc Hân. Ai đời!!!. Cả đám quỷ sống học trò đến nhà bạn mà cùng tranh nhau trái khế chín trên cây, không phải là cây của nhà mình. "Người chi vô duyên  lạ” (giống như kiểu gái Huế nói). Người đứng dưới đất, tay vói lên cả nhón gót vẫn chưa chạm cành, mà mặt ngước lên tìm trái chín và chỉ chỏ: "Trái nầy của tao”, "Của tao”... Ôi, biết bao kỷ niệm vui buồn nơi mái trường Trí Đức!

Vậy là tôi trở lại quê nhà sau 8 năm “ly hương”. Khi hết  kỳ nghỉ hộ sản lần thứ ba cũng là lúc chồng tôi đi nhập ngũ với lệnh tổng động viên. Bước  vào trường với quyết định thuyên chuyển, nhưng lại vào giữa năm học 1968 và 1969, nên tôi được ngồi “chơi” ở văn phòng. Có ngồi phải “cái số chơi xơi lương nhà nước" hay không nhỉ ? Nhưng chỉ hơn 15 phút sau tôi được chỉ định lên lớp vì có một cô vắng mặt. Và rồi sau đó cũng được “lệnh” thay giờ cho cô giáo nầy ???  . Tôi bắt đầu với Trịnh Hoài Đức  như vậy đó. Duyên nợ với trường cũng bền bỉ được 10 năm, dù bao thăng trầm “vật đổi sao dời”, thương hải biến vi tang điền”. Tôi đã gắn bó với trường trong ngần ấy năm, các thế hệ học sinh đã qua đời tôi, bao nhiêu em đã trưởng thành và chắc rằng cũng có nhiều em không được  thành công như  thầy cô mong đợi; và cũng không ít em  đã về cõi vĩnh hằng !!!


Và những năm về già, sao tôi cảm thấy an vui quá. Những lớp học trò của tôi có thể ở quanh tôi, cũng có thể bay ra xa hơn nửa vòng trái đất, nhưng cái tên trường Trịnh Hoài Đức không lưu mờ. Tôi vui vì tình cảm của “học trò" giành cho cô giáo già. Những lần họp mặt vui vẻ hằng năm, những cái chào lễ phép, những cái tay bắt mặt mừng thân mật. Lần đầu tiên tôi đến đất Mỹ thăm con gái, hai em Dip và Tâm, Ban Chấp Hành, thay mặt hội học sinh Trịnh Hoài Đức ở hải ngoại đã tìm chào vợ chồng tôi. Trong buổi ăn thân mật, chúng tôi đã thăm hỏi chuyện trò thân mật. Buổi gặp gỡ càng thêm ý nhị nhờ có thêm cặp vợ chồng bạn già thân thiết từ tuổi học trò là Từ Thị Cảnh. Rồi năm nay, tôi lại sang Mỹ để cùng gia đình con gái sống những này tết nguyên  đán. Như nằm trong mơ, khi qua điện thoại: "Cho em địa chỉ, sáng mai tụi em sẽ đến thăm cô”. Không vui nào hơn, nơi đất lạ quê người tôi còn được hưởng  cái vui của người làm nghề "giáo", cái nghề mà người ta thường xem là nghề "bạc" nhất. Sáng chủ nhật (23 tháng chạp năm Nhâm Thìn), bốn trò Trịnh Hoài Đức (xin lỗi Diệp, Hồng, Gái, các em đã học các khóa trên, nào có phải là trò của tôi) đã đến thăm tôi. Vui làm sao, với gia đình Trịnh Hoài Đức, chúng tôi đã rộn rã trò chuyện và các em còn “tết thầy’’ với bánh với trà với rượu. Tôi đã ghi lại phút giây hạnh phúc nầy. Vậy là có vài tấm ảnh kỷ niệm.

Câu kết: cũng vẫn niềm hạnh phúc của người Thầy đã làm tôi ấm lòng trong tuổi về già .


CHS Cẩm Hồng, Vương Gái, cô Ngọc Sương, Tâm, Dip và phu quân cô Sương


CHS Diệp, Hồng, cô Sương, Vương Gái