TRẦN GIA QUA ĐĂNG LUNG.
 陳家掛燈籠
                                                                              

Sean Nguyen.

Mấy từ “thức khuya dậy sớm” ở đây chắc ý chỉ những người siêng năng, lo làm ăn buôn bán. Chứ còn như tôi đây, làm công ăn lương, công việc bữa đực bữa cái, nằm nhà nghỉ cả tuần nay nghe uể oải lắm. Mệt ngủ, đói ăn, lấy đêm làm ngày. Sáng nay tranh thủ thức dậy cho sớm, bước ra khỏi phòng ngủ để đi đánh răng rửa mặt. Rồi vào bếp pha ly cà phê đen, sau mới trở ra ngoài phòng khách, ngồi trầm tư trên trường kỷ, để nghĩ suy chuyện đời.

Mùa dịch bệnh Covid-2019 này, chắc khó khăn kéo dài cho tới tận năm sau quá, đọc tin tức, thấy có đợt dịch bùng phát lần thứ hai ở Bắc Kinh, mà lòng nghe rầu thúi ruột.

 Bữa rày, chat FaceTime có nghe mấy bà chị ‘guột’ở Bình Dương ‘gủ’ nhau đi coi bói, ở gần đình Tân An - Bến Khế. Mấy bả nói, nơi đây có nhà của một ông thầy nổi tiếng, chuyên coi bói bằng cách “điểm hỏa” . Tức là thầy sẽ cho khách đến xem bói, đốt đèn lồng tre được bao bằng giấy đỏ, bên trong có cây đèn cầy màu trắng. Sau đó thầy sẽ đem chiếc lồng đèn xinh xắn treo lên trong căn phòng tối, rồi bắt đầu nhìn đèn mà xem tình duyên, vận mệnh, tiền tài, hoặc tương lai, thậm chí có người bị ma xui, quỷ ám, vong nhập, giải bùa ngải..... thầy cũng hóa giải luôn. Câu chuyện bói toán này chưa biết có đáng tin hay không, nhưng nó làm tôi chợt nghĩ tới “Trần Gia Qua Đăng Lung” của hơn hai mươi lăm năm về trước.

Trần gia qua đăng lung, dịch theo nghĩa hán việt tức là chuyện treo lồng đèn của nhà họ Trần. Câu chuyện xôn xao ở chợ Thủ một thời, mà cho đến nay, đôi khi nhìn thấy mấy cái lồng đèn treo lên trong đêm đen, bất giác khiến tôi phải rùng mình khiếp sợ, vì nỗi ám ảnh và sức cuốn tâm linh của nó.

Ông Trần ở đây xin được giấu tên, mà chỉ gọi theo họ. Nhà ông nằm ngay trên con đường Nguyễn Thái Học, đoạn gần ngã tư giao nhau với đường Ngô Tùng Châu, cái nhà cổ, một gác lầu, nhìn đối diện sang là thấy khu nhà ăn của chợ Thủ, ngước lên là thấy biểu tượng chợ Đồng hồ bốn mặt, thấy luôn mấy cô bán hàng bún, bán bánh thuẩn, bánh da lợn....nói cười um sùm ngay góc ngã tư.

Con đường Nguyễn Thái Học này, ngày cũng như đêm. Ồn ào náo nhiệt vô kể, nắng mặc nắng, mưa mặc mưa, cánh chị em buôn bán vẫn cứ xoay như cánh hoa dầu thời gian. Từ đoạn giao nhau giữa ngã tư, họ đem con đường thân yêu ra, chia năm xẻ bảy, tẻ thành hai lối đi ngược xuôi, cực nhọc lắm, mới chèo được chiếc xe hai bánh xuống ngã ba nhà lồng chợ Cá, nằm trên sông Bạch Đằng.

Ông Trần năm ấy tuổi đã gần năm mươi mà nhìn bảnh bao lắm. Dáng vóc gọn gàng, bụng không phệ bia, bước chân ra đường là bận quần tây áo sơ mi, tóc muối tiêu chảy gọn nép, râu ria cạo sạch bóng, ông ngồi trên chiếc xe Honda Dream Thái mới  con keng, vì khui thùng chưa được bao lâu, chiếc xe càng làm cho ông tăng thêm phần trưởng giả . Trước đây ông có dạy qua lớp tiếng hoa ban đêm được vài năm cho trường Hoa văn Bồi Anh, nên đa số bạn bè hay bà con buôn bán gần nhà đều xưng hô bằng hai tiếng thầy Trần.

Ông Trần sống cùng vợ và cô con gái rượu vừa mới tốt nghiệp đại học sư phạm, khó khăn lắm ông cũng chạy chọt được một vé cho cô về dạy ở một ngôi trường cấp hai, nằm đối diện bến xe Bình Dương, trước đây là phần đất của chùa Cô Hồn xưa. Một vé chạy cho thầy hiệu trưởng thời ấy chắc phải hơn một cây vàng.

Cô con gái rượu này giống y hệt bà Trần thời còn trẻ, nên nhan sắc mặn mà. Đôi mắt to một mí và làn da trắng vốn có của người hoa, khiến cô càng thêm ăn điểm, vì tuổi thanh xuân đang hồi khai mãn.

Ba đời nhà ông Trần đã định cư ở đất Phú Cường-Thủ Dầu Một, nghe kể đâu gốc gác tổ tiên ngày xưa cũng có họ hàng với ông Trần Đại Định, nên ông Trần mỗi khi thắp nhang, nhìn lên gia phả tổ tiên với mấy tấm bài vị khắc tên bằng chữ hán thì ông tự hào lắm, chỉ tiếc là bà Trần không thể sanh thêm cho ông một người con trai để nối dõi tông đường.

Ông Trần ăn ngay nói thẳng, tánh tình bộc trực, ít rượu chè, không cờ bạc, mà chỉ lo làm ăn rồi trao dồi nhân cách, nên ông được mọi người kính trọng và nể nang.

Căn nhà cổ có một gác lầu, tuy cũ nhưng sạch sẽ và ngăn nắp, mặt tiền trước nhà được chia ra bày bán hai bên. Ông Trần buôn bán đồ cũ, bà Trần bán cà phê rang xay, trà, giấy tiền vàng bạc, nhang đèn.....

Bán buôn để kiếm đồng ra đồng vô cho vui, cho qua ngày, chứ không phải nguồn thu chính. Thực chất hai vợ chồng ông cũng có của ăn của để. Có hai căn nhà mặt tiền đang cho thuê để bán cơm chay gần khu ngã tư Quốc Tế. Chưa kể mấy mẫu ruộng bên Mỹ Hảo do ông bà cha mẹ ngày xưa để lại đang trồng cây ăn trái. Ông bà cũng định bụng chờ thêm vài năm nữa, khi gả  cô con gái rượu theo chồng, thì họ sẽ chuyển nhà về Mỹ Hảo để hưởng thụ cuộc sống tuổi già và vui thú điền viên.

Ông Trần buôn bán ở nhà, thường thì ông hay bận cái áo thun ba lỗ màu trắng, và cái quần ka-ki có hai cái túi hộp màu đen, mà bà con bên Mỹ mua gửi về hơn chục cái.

Ông thảnh thơi, ngồi trên ghế đẩu đưa mắt nhìn ra phía trước đường, thấy chị em bán trái cây, che cây dù to, ngồi dưới lòng đường, thấy khách bộ hành chen chân, đi qua đi lại, thấy khu ăn uống đối diện, nào là cơm, bún, mì, cháo lòng...giải khát, trưa nào cũng đông thực khách.

Cuộc sống an nhàn, tự tại, không lệ thuộc vào đồng tiền để mưu sinh như bao người, nên mặc dù tuổi đã gần ngũ tuần, nhưng nhìn ông càng ngày càng trẻ ra. Mấy chị bán cá tuổi sồn sồn, hay mấy cô bán gạo phía sau chợ Gà nhìn khoái lắm, nhiều khi cần mua giấy tiền vàng bạc để cúng kiến, cũng hay ghé tiệm nhà để mua giùm rồi ‘bẽo’ ông.

-Chào thầy Trần, thầy bán cho tui một bộ vía thần tài nghen!

-Có trà móc câu không ‘anh’ thầy Trần ?

-Tui cần mua cái xẻng và hai cái bẫy chuột !

-Xay cho tui một trăm cà gam cà phê Moka loại một.

Ông Trần luôn nở trên môi một nụ cười, nhìn mặt ông hiền hiền, mồ hôi nhễ nhại, thấy có gì đó tội tội nhưng tiếu tiếu, ông nhã nhặn chào hỏi khách hàng và đặc biệt là mấy người khách quen, đôi khi khách không có tiền lẻ, thiếu một hai ngàn ông cũng cho chịu, bữa sau quanh lại trả cũng không sao. Đó là cách buôn bán của người Hoa, chớ không như mấy chị bán gà phía sau đường Điểu Ong, kỳ kèo trả giá thiếu một cắc cũng không được. Khách bỏ đi, chửi xối xả, rồi còn đốt không lông.

Bà Trần cũng tuyệt vời không kém, bà hiền lành, ít nói, nên cũng ít giao du với chị em hàng xóm. Vì bà đã ngán quá cái cảnh mấy bà bán cá chửi nhau như cơm bữa, rồi thậm chí đánh nhau vì giành giựt khách. Hỏi thì bà trả lời, cười trừ hoặc chào xã giao vài ba câu, rồi bận rộn việc cơm nước, bếp nút cho ba miệng ăn. Sáng ra bà phải mở cửa sớm để dọn hàng buôn bán, chiều tối trước khi đóng cửa tiệm, bà cũng khệ nệ xách hàng vô, xếp cất ngăn nắp vào cái kho nhỏ phía sau nhà, kiểm kê hàng hoá rồi ghi ghi chép chép vào sổ sách. Bà Trần, con gái ‘Ba Tàu’, người Quảng Đông, nhà Sài Gòn đường Hải Thượng Lãng Ông về làm dâu đất Thủ nên siêng năng có khác. Vì ngày xưa, thưở mới lên năm lên sáu, thì bà đã biết phụ cha mẹ buôn bán thuốc đông y tại nhà.

Cô Lan, cô con gái rượu làm nghề giáo, nên ngoài việc dạy học ở trường ra, cô còn phải soạn giáo án, đi sinh hoạt, hội họp....về tới nhà chào hỏi ba má được vài câu, thì cô leo lên lầu đóng cửa phòng lại để nghỉ nghơi, làm việc riêng tư. Trừ ngày chúa nhật, khi ông Trần đi uống cà phê sáng với bạn bè trong bang hội người hoa, hay đi họp bàn ở hội quán Sùng Chính thì cô mới xuống phụ bà Trần đi chợ để lo cơm nước và coi hàng quán.
***
Trung tuần tháng mười ngày ngắn đêm dài, trời mau tối, nhìn lên chiếc đồng hồ bốn mặt lâu lâu lại kêu lên báo giờ, nhưng mấy tuần nay nó bị hư, mặc dù ban quản lý chợ vẫn thu đủ thuế, vậy mà chẳng ai thèm đếm xỉa hay kêu người tới sửa. Bấy giờ cây kim ngắn kim dài chỉ mới hơn năm giờ chiều, mà bên kia sông Bạch Đằng nắng đã tắt lịm. Mây loang đen loang đỏ ở một góc xa xa phía tây, mé về hướng lưng cây cầu Phú Cường bắt ngang sông.

Ngay ngã ba, gần nhà lồng chợ Cá nằm trên sông, sát bến đò, mấy cô bán thịt heo ế cũng kéo ra đây ngồi bán chung với mấy chị bán cá hấp, tiếng kỳ kèo mặc cả, tiếng bô xe Honda, tiếng ghe máy nổ ngay bến đò Phú Cường, cùng dòng người chen chúc sang sông cho kịp chuyến phà chiều, họ tranh thủ kéo nhau đi về Củ Chi . Cảnh quang tấp nập, ồn ào, bận rộn nhất Bình Dương chắc là cái chợ Thủ, khúc ngay chỗ này đây.

Màn đêm buông xuống nhanh, ngay góc ngã ba đường, ngọn đèn vàng đã soi xuống mấy gian hàng bán rau sống. Cánh chị em đẩy xe đạp có khung tre chở rau muống phía sau, ban nảy hô to “rau muống tám trăm đồng một bó” giờ cũng đạp xe chạy về xóm ruộng rau muống nằm gần miễu Tử Trận mất rồi.

Đại lý thuốc tây Nam Bắc Hiệp còn loe hoe vài ba bóng người dưới ánh đèn hắt ra từ bên trong tiệm, ánh sáng trắng chiếu ra con đường nhếch nhác đầy rác của chợ chiều.

 Nhà nhà ở khu chợ dưới đã lên đèn, có vài căn cũng kéo một bên cửa sắt lại... tất cả đã chuẩn bị nhường lại một khoảng không gian náo nhiệt cho khu chợ trên. Đó là khu đầu chợ đối diện nhà Làng, nơi có ba ngọn đèn vàng đang căng mình chiếu sáng giữa vòng xoay trước bãi giữ xe của khu Thương Xá.

Bà Trần một mình lui cui dọn hàng vào trong nhà, một bên cửa sắt cũng đã được kéo lại rồi. Mấy căn nhà kế bên cũng tranh thủ dọn hàng để ăn cơm tối và nghỉ nghơi. Bản tin thời sự VTV phát lúc bảy giờ tối cũng đang lên sóng, bà Trần hâm lại nồi thịt kho dưới bếp, vừa dọn dẹp bà vừa nghe ngóng bản tin vụ Phước tám ngón vượt ngục rồi đi cướp của. Hai bữa trước hắn dùng khẩu súng AK bắn chết một cặp vợ chồng để cướp đi chiếc xe Honda. Nghe tới đây bà cảm thấy lo lắng cho ông Trần vì ông mới bán đi chiếc Honda Cub 81 cũ để mua chiếc Honda  Dream cao nhập từ Thái Lan về cách đây không lâu. Chiếc xe mắc tiền, mua mấy cây vàng lận, chẳng may xui xui đi đâu mà gặp thằng Phước, thì nó lấy súng nả cho mà chết toi. Đầu giờ chiều nay ông lại xách xe đi, tới giờ vẫn chưa thấy ông vác mặt về. Bà nghĩ bụng chắc thằng cha này lại chạy lên nhà ông bảy Triệu Hưng gần chùa Tây Tạng để bàn chuyện hội họp trong bang Quảng Đông. Vì bà nghe nói nghĩa trang Triều Châu nằm ở dốc Nhị Tỳ vài năm nữa sắp bị nhà nước quy hoạch giải tỏa. Rồi còn chuyện thầy Trương hiệu trưởng trường Hoa Văn Bồi Anh, xin nghỉ việc nên họ đang kiếm người thay thế, dạo này ngày chúa nhật là ông Trần bận rộn lắm.

Bà Trần hâm xong nồi thịt kho, chưa kịp bắt nồi canh bí đỏ thịt băm lên trên bếp lửa, thì có tiếng người kéo cánh cửa sắt trước nhà. Bà vội chạy lên xem, thì ra là cô Lan, cô con gái rượu, cô chào bà rồi vội vã dắt chiếc xe đạp Trung Quốc vào trong nhà. Đúng lúc này thầy Trần cũng vừa về tới, ngọn đèn xe của chiếc Honda Dream cao, pha ánh sáng vào trong nhà, ông Trần tắt máy, ông bước xuống xe, đá chóng, rồi đưa tay kéo mở rộng thêm cánh cửa sắt ra, để dắt chiếc xe cưng vào nhà, vì ông sợ cọ quẹt làm trầy bửng xe.

Sau khi kéo cửa lại, ông Trần cẩn thận khoá chốt trong, lấy sợi xích sắt khóa bánh xe, trùm mền cho chiếc Honda . Rồi mới vội vã lên lầu thay cái quần sà lỏn, sau bước xuống nhà bếp để phụ bà Trần dọn cơm lên, cả ba cùng ngồi quây quần bên nhau để ăn cơm nơi phòng khách, gần đó có chiếc tivi Hanel 16 inch đang phát bản tin lịch sử cách mạng tháng mười Nga vào năm 1917,với giọng đọc hùng tráng của cô nữ phát thanh viên Hà Nội. Bà Trần nghe tin thời sự thì không thích nên bà vói tay lấy chiếc rờ-mote điều khiển, rồi bấm nút chuyển sang đài khác để kiếm phim kiếm hiệp Hồng Kông.

Ngoài trời, mưa bắt đầu nhiễu hột, bà Trần nghe tiếng mưa thì vội đặt đôi đũa tre và cái chén cơm đang ăn dang dở xuống bàn, bà bước nhanh về hướng chân cầu thang để chạy lên lầu gom mớ quần áo đang phơi phía ngoài ban công hướng trước đường, vì sợ mưa tạt ướt. Cô Lan và ông Trần vẫn ung dung tiếp tục lùa cơm vào miệng, hai cha con húp cạn luôn tô canh bí đỏ.

***

Cơn mưa lớn vội vã đi qua trong bữa cơm tối, rồi nhè nhẹ tạnh dần, lất phất trong làn mưa bụi kèm theo tiếng gió từ con sông Bạch Đằng thổi bay lên, mưa tạt vào mái hiên, ban công. Dưới ánh đèn vàng vàng mờ nhạt của ngọn đèn đường đứt quãng màu sáng tối, ngay góc ngã ba có một đống rác to tướng nằm chắn lối.

 Con đường Nguyễn Thái Học dẫn về hướng bờ sông, một bên hữu ngạn là dãy phố nhà cổ của dân đã có từ thời Pháp thuộc, một bên tả ngạn là khu chợ Đồng Hồ được xây vào năm 1935, cả thẩy ẩn mình sáng tối dưới làn mưa mờ.

Sau bữa cơm, ông Trần đi tắm rửa rồi bước ra trước cửa nhà kiểm tra khoá chốt cẩn thận, sau mới leo lên lầu, bà Trần thì đang lu bu rửa chén dưới bếp. Cô con gái rượu sau khi ăn cơm no xong, đã xách đít leo lên trên lầu để soạn giáo án từ khi nảy rồi.

Hai căn phòng ngủ nhỏ trên gác lầu nằm kề nhau, căn phòng đầu tiên gần đầu cầu thang là của cô con gái rượu. Căn phòng thứ hai sát đó là của vợ chồng ông. Phía ngoài là phòng thờ nhỏ để bài vị ông bà tổ tiên, và mấy bộ lư đồng cổ được đặt trên đầu tủ thờ đóng bằng gỗ cẩm lai. Hành lang phía ngoài có cánh cửa gỗ, mở ra để đi ra ngoài ban công.

Cái ban công nhỏ này có chiều rộng khoảng hơn một mét, chiều dài gần năm mét, được tận dụng để phơi đồ, bà Trần kê thêm mấy chậu hoa giấy kiểng và hoa mai chấn thủy để trang trí cho đẹp, nhưng bà làm biếng tưới nước chăm sóc. Mỗi khi chiều tối hoặc những lúc buồn buồn, ông Trần cũng hay mở cửa bước ra đây để đứng hóng gió, nhìn phố xá đông vui, ông đi qua bà đi lại dưới đường hoặc để hút thuốc lá. Cô Lan chỉ ra đây phơi đồ và dắt bạn bè về coi lễ hội rước Cộ Bà Thiên Hậu du xuân vào ngày rằm tháng giêng, ngoài ra đây vẫn là chỗ sinh hoạt để hút thuốc lá chính của ông Trần. Mặc dù nhiều lần bà Trần đã cảnh cáo ông về thói quen xấu, ưa vứt tàn thuốc bừa bãi vào chậu hoa.

***
Đồng hồ bốn mặt của chợ đã chỉ chín giờ ba mươi phút tối.

Ông Trần môi ngậm điếu thuốc lá có đầu lọc màu vàng hiệu con mèo, tay phải ông đưa chiếc hột quẹt gas lên chẹt, ông rít khói phì ra mũi, rồi trầm tư đưa mắt nhìn xuống con đường loang nước mưa.

Mấy cái bịch ni-lông chứa rác nằm chặn ngay lối thoát nước nơi miệng cống, trước chỗ nhà thuốc đông y Thiên Thọ Đường, tạo thành một vũng nước to đọng lại gần ngay ngả tư.

Làn mưa mỏng bay lất phất dưới ánh đèn vàng, ngay lối nhỏ bên hông cửa, trước chợ Đồng Hồ bốn mặt dẫn qua bên kia con đường Đoàn Trần Nghiệp, bỗng lù lù xuất hiện một cái bóng trắng đang đứng im giữa đường, khiến ông Trần giựt mình. Ông nghĩ rằng mình đang hoa mắt vì ánh đèn vàng choá lên phản chiếu từ vũng nước loang. Nhưng không, cái bóng người đứng ngay dưới đường đang từ từ ngước mặt lên nhìn chầm chầm về hướng ông.

 Ông Trần ú ớ, khi chưa  nhận ra cái dáng người quen thuộc đang dứng dưới màn mưa mỏng kia, ông chẳng kịp kêu lên thì bóng người con gái ấy cúi đầu xuống, rồi lủi thủi bước đi hướng về phía ngã ba dẫn ra sông Bạch Đằng.

Trong chớp nhoáng, ông Trần nhìn không rõ thực hư, mau quá, người hay ma, nhưng ông cảm thấy cô gái ấy quen quen, cái dáng người mảnh khảnh và cái khuôn mặt ấy, bất giác làm ông Trần rùng mình khiếp sợ, ông vội vã dụi đầu điếu thuốc lá vào chậu bông giấy, rồi kéo cửa lan can bước nhanh vào phòng.

Cả đêm ông mất ngủ, nằm xoay qua xoay lại, ông nhìn lên bức tranh họa hình sơn vân phong thủy treo trên tường rồi lo sợ, ông Trần lẩm bẩm nói thầm một mình :

-Chẳng lẽ lại là cô ta sao ? Đã hơn ba năm rồi còn gì ?

Ông Trần dường như không tin vào mắt mình, ông đứng dậy chấp tay sau lưng đi tới đi lui quanh chiếc giường, trong khi bà Trần đang ngủ say.

***
Đồng hồ bốn mặt của chợ đã chỉ hai giờ năm mươi phút sáng.

Dưới đường đã có tiếng xe ba gác nổ máy chạy ngang, tiếng chổi của người lao công dọn rác, tiếng ghe máy chỗ bến đò cũng đã bắt đầu chạy để chuẩn bị đưa đón khách sang sông....ông Trần lúc này mới bắt đầu chợp mắt ngủ.

Mấy chiếc xe tải chở hàng, đã tụ tập ngay trên con đường Trần Hưng Đạo cập bên hông nhà Làng. Chỗ đường Hùng Vương hoặc bên đường Đinh Bộ Lĩnh, chị em bạn hàng cùng thương lái tranh nhau mua hàng nông sản từ Củ Chi hoặc miền Tây chở lên. Từng giỏ cần xé bầu, bí, dưa leo, mướp, chanh, tỏi, hành tây.... trái cây thì theo mùa như chôm chôm, xoài, nhãn, măng cụt....bày la liệt ra đường. Họ khẩn trương vì trước năm giờ sáng là phải trả lại đường cho người lưu thông.

Sau năm giờ sáng thì cánh đạp xe ba bánh hoặc ba gác máy sẽ được họ thuê chở hàng xuống chợ dưới, nằm cuối con đường Nguyễn Thái Học hoặc chở đi phân phối ở các sạp rau củ quả xung quanh thị xã như chợ Cây Dừa, chợ Cũ, chợ Phú Dân, chợ Đình......

Bà Trần dọn hàng ra bán bắt đầu vào lúc sáu giờ sáng, bà thức dậy thì thấy ông Trần vẫn còn đang ngủ say nên bà bước nhẹ ra khỏi phòng rồi khép cửa lại.

Mấy năm trước đây, ông Trần có thói quen thức dậy sớm để đi bộ tập thể dục và đánh cầu lông ở đường bờ sông Bạch Đằng. Sau đó, cùng mấy người bạn qua đường Ngô Quyền, để ra ngả tư Picsin ngồi quán cà phê Cẩm Xương, uống cà phê với mấy ông bạn già trong bang Phước Kiến. Sau này họ lại chuyển địa điểm về uống cà phê Phước Sanh nằm lán gần bên hẻm vào câu lạc bộ Hưu Trí.

Gần một năm nay ông Trần chỉ uống cà phê ở nhà do vợ pha, trừ ngày chúa nhật ra thì thời gian ở nhà cũng nhiều hơn trước.

Ông Trần ngủ đến hơn chín giờ sáng thì bước xuống nhà, đi vào phòng tắm rửa mặt. Ông nghe đôi mắt mình cay cay và người mệt mỏi vì giấc ngủ không sâu, bà Trần thấy ông bước ra thì lên tiếng hỏi :

-Tối qua ông ngủ không được hả hay nghe trong người không khỏe ? Có cần tui xuống nhà ông Lý tiệm Thiên Ích Thọ hốt về nấu cho ông vài thang thuốc không ?

Nghe bà Trần hỏi thì ông Trần lắc tay nói.

-Tui không sao, bà pha giùm tui ly cà phê, rồi sang kêu con Út  bưng qua cho tui tô hủ tíu mì, nhớ đừng bỏ giá trụng nhe !

Bà Trần nghe ông nói xong, bà bước sang đối diện đường là khu nhà ăn uống của chợ Thủ, bà kêu con Út làm sẵn ly cà phê đá đem qua luôn cho ông Trần để khỏi mắc công bà pha chi cho nó mệt.

Nhà nằm ngay trong chợ nên thật tiện lợi, bởi ít khi thấy bà Trần đi chợ, chỉ trừ khi ông Trần thèm ăn món gì thì ông dặn trước để bà mua về nấu.
***
Chiếc đồng hồ bốn mặt của chợ chỉ sáu giờ mười lăm phút tối.

Bữa cơm tối diễn ra như thường lệ, ngoài món sườn xào chua ngọt ra còn có thêm một dĩa cá bạc má hấp, ba con được chiên tỏi vàng xếp nằm ngay ngắn. Kế bên là nồi canh gà ác tiềm thuốc bắc của bà Trần hầm nấu từ trưa để tẩm bổ cho ông chồng yêu. Tuy biết vậy, nhưng cô con gái rượu vẫn lăm le, rồi húp gần hết nửa nồi canh.

Ăn xong cơm bà Trần lui cui ra trước nhà dọn măm cúng và đốt giấy tiền vàng bạc, vì hôm nay là ngày mười sáu tháng mười âm lịch. Phần chén dĩa dơ sẽ do cô con gái rượu phụ trách rửa, vì đã nhiều lần ăn no xong thì cô chỉ biết xách đít bỏ đi lên lầu.

Bản tin thời sự lúc bảy giờ cũng chẳng có tin gì mới ngoài vụ Phước Tám Ngón, nhưng bữa giờ nó lặn đâu mất tiêu rồi, nên cũng chẳng có tin gì gay cấn, ông Trần rảnh quá vừa ngồi hút thuốc lá trên ghế đẩu, ông vừa xem chương trình thiếu nhi Những Bông Hoa Nhỏ.

Con đường Nguyễn Thái Học kéo dài từ khúc đầu gần nhà Làng cho tới đuôi chợ, chỗ giao ngã ba, giáp sông Bạch Đằng, hầu như tới ngày cúng các đảng là nhà nhà đều đem măm ra kê trên chiếc ghế đẩu, đặt trên vỉa hè sát đường để cúng kiến.

Nhang đèn đỏ lửa, gạo muối rải đầy đường, giấy tiền vàng bạc đốt xong, tàn tro theo gió bay lơ lửng khắp con đường vắng của chợ đêm, tạo nên một quang cảnh u ám và lạnh lẽo.

Mảnh trăng tròn núp ló sau mây, rồi hiện ra  mỉm cười trên cái biểu tượng đồng hồ bốn mặt cao cao của chợ. Tối nay trời không mưa, nhưng có gió từ sông thổi vào, tiếng gió rít bên tai nghe thôi cũng đủ lạnh.

-Ông ơi ! Ra bưng măm cúng vô giùm tui cái coi.

Tiếng bà Trần đang ngồi chồm hổm đốt giấy tiền vàng bạc trước nhà, vọng vào trong lấn át cả tiếng tivi.

Ông Trần, áo thun ba lỗ quần sà lỏn, tay vẫn còn cầm điếu thuốc lá, bước đi ra nhìn.

-Ủa sao bà không rải gạo muối ?

-À tui quên, ông sẵn tay rải luôn đi mà !

Ông Trần vứt nửa điếu thuốc lá xuống đường, tay trái bưng chung gạo muối, tay phải bốc từng nắm nhỏ, rải tứ hướng ra đường.

Rồi bỗng dưng ông khựng lại, đưa mắt nhìn sang bên kia đường, ngay gần cái vị trí đêm hôm qua, chỗ cô gái đứng, có một thằng nhỏ khoảng ba tuổi, trần truồng như nhộng, thân hình ốm đen, đầu to, nó chạy qua chạy lại chỗ mấy bịch rác, nó nghịch giấy tiền vàng bạc, giấy trắng giấy vàng bay lên bay xuống, xen lẫn tiếng cười giòn tan của thằng nhỏ vang lên lanh lảnh trên một đoạn đường. Ánh đèn vàng mờ nhạt, lại có màu sáng tối nơi góc khuất của lối nhỏ dẫn sang bên kia đường Đoàn Trần Nghiệp, nên ông Trần đứng căng mắt ra để nhìn cho rõ, trông ông giống như người đang bị thôi miên.

-Sao ông không bưng măm cúng vô nhà đi ? Mà còn đứng thừ người ra đó ?

Tiếng bà Trần làm ông tỉnh hẳn, ông chỉ tay về hướng thằng nhỏ.

-Bà....bà....nhìn kìa ! Con cái nhà ai mà đêm hôm trần truồng chạy giỡn ngoài đường vậy.

Bà Trần nhìn sang đường thì thấy có con mèo đen đang cào bịch rác, nó lục lọi thức ăn thừa còn sót lại, vương vãi bên mấy cái giỏ tre đựng cá hấp.

-Tui có thấy đứa nào đâu ? Ông hoa mắt rồi hả, mấy con mèo hoang mà !

Rồi tiếng mèo kêu lên văng vẳng trên mấy cái sạp gỗ trống phía dưới khu chợ mắm, tiếng càu cấu đánh nhau của lũ mèo hoang trên mái tole của khu nhà ăn. Trăng  tròn vừa thoát ra khỏi đám mây đen, chiếu sáng soi xuống chiếc đồng hồ bốn mặt, ông Trần lấy tay dụi mắt, rồi bưng chiếc măm cúng bước vô nhà.
***

Ông Trần thấy trong người không khỏe, ông đun một nồi nước sôi, bỏ thêm vào mấy cái lá bưởi cho thơm, rồi pha với nước lạnh cho ấm để tắm.

Ông Trần tắm xong thì leo lên lầu, chui rúc vào phòng để đi ngủ sớm, ông nằm trùm mền chỉ chừa có mỗi cái đầu. Trong khi đó bà Trần thì ở dưới nhà kiểm kê hàng hoá, tay bà ghi ghi chép chép, miệng lẩm bẩm nhẩm tính mấy món hàng đã bán hết để kêu thương lái sáng thứ hai từ Sài gòn giao lên. Cô Lan thì ngồi trong phòng, ngay chỗ chiếc bàn học có ngọn đèn bàn sáng trưng, chắc cô đang viết thư tình vì ngày mai là ngày chúa nhật không cần phải soạn giáo án.
***

Đồng hồ bốn mặt của chợ chỉ hai giờ hai mươi phút sáng.

Ông Trần đi ngủ sớm, nhưng không ngờ lại thức dậy cũng quá sớm, ông bước xuống lầu để đi toilet, lúc bước ra nhìn đồng hồ treo tường thì mới biết chưa tới ba giờ sáng, ông định bụng leo lên phòng để nằm ngủ tiếp, nhưng lại thèm thuốc lá. Ông tính ra ban công đứng hút thuốc cho mát, chợt nghĩ lại, sợ gặp hồn ma.

Ông ngồi trên chiếc ghế đẩu nơi phòng khách dưới nhà, tay móc ra một điếu thuốc lá từ trong gói thuốc con mèo màu đỏ để trên đầu tivi, ông chẹt hột quẹt lên đốt, rồi ngồi trầm tư nhả khói trắng. Ánh đèn sáng từ toi-let soi ra đủ để thấy căn phòng khách đầy ắp đồ hàng, nào là thùng giấy car-ton, ba cái đồ lạc-xoang, cà phê, giấy vàng mã, nhang đèn...nhưng ngăn nắp và thứ tự. Rồi bỗng dưng có tiếng gõ cửa, âm thanh vang lên nghe rõ mồn một từ thanh kéo cửa sắt phía ngoài.

-Cộc......cộc......cộc !

Ông Trần định bụng, thiệt là lạ, ai mà đêm hôm canh ba lại gõ cửa vào giờ này ? hay là có chuyện gì đột xuất trong Bang ? hay thương lái giao hàng từ Sài Gòn lên ? nhưng hôm nay là ngày chúa nhật, mà sao giao hàng sớm vậy ? hay ai gõ cửa lộn nhà ? hay đứa nhỏ nào phá đám ?...

-Cộc......cộc.......cộc !

Tiếng gõ lần thứ hai lại vang lên, ông Trần đứng dậy vói tay lấy xâu chìa khoá treo phía sau cây cột gỗ nằm kế chân cây cầu thang, ông bước ra mở cửa, tiếng gõ lại tiếp tục vang lên dồn dập. Ông Trần lúc này mới lên tiếng :

-Ai đó ? Chờ Tui tí xíu ! Tui ra mở cửa đây !

Ông Trần vừa chạm tay kéo lớp cửa sắt thứ nhất ra, thì tiếng gõ chợt ngưng lại. Ông tra chìa khoá, rồi kéo mở hé lớp cửa sắt thứ hai ra, lúc này ông bực mình vì chẳng thấy có ai đứng trước cửa nhà cả.

Bên ngoài, làn sương trắng mù mờ âm u rũ xuống ngọn đèn vàng, sương làm ướt cả mặt đường. Ông Trần định kéo cửa lại thì ông chợt nghe có tiếng con nít cười, tiếng cười giòn tan, lanh lảnh bên tai, rồi ông sững sờ chết lặng khi trông thấy đối diện bên kia đường là bóng dáng của hai mẹ con đang dắt tay nhau, họ đứng đối mặt nhìn về phía ông.

 Đôi mắt người phụ nữ ấy bây giờ đã quá quen thuộc, gương mặt tuy tiều tụy, hốc hác và trắng bệt, mái tóc dài xoã xuống che nửa đôi gò má cao, tay trái cô ta nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của đứa con trai đang trần truồng, thằng nhỏ khoảng ba tuổi, người ốm tanh ốm teo, nó nhìn ông rồi cười thành tiếng. Lúc này, người phụ nữ ấy giơ bàn tay phải lên vẫy gọi ông, tiếng kêu chợt vang lên, âm thanh phát ra nghe thật rùng rợn.

-Anh Trần ơi ! Anh về với mẹ con em !

-Anh Trần ơi ! Anh nhớ về với mẹ con em !

****

Bỗng đâu có tiếng xe ba gác máy từ ngã ba sông chạy ngược lên, rồi tiếng xe rác đậu ngay gần ngã tư trước nhà thuốc đông y Thiên Thọ Đường, làm hai cái bóng ma biến mất trong làn sương mù. Hai người lao công vội vàng đẩy thùng rác nằm ngay góc đường, đỗ lên thùng xe.

Lúc này ông Trần đã tỉnh người ra, ông đưa tay sờ lên trán, thấy mồ hôi lấm tấm chảy xuống mũi, ông kéo cửa sắt, định khoá lại nhưng xâu chìa khoá rớt xuống đất từ lúc nào không hay, ông liền cúi xuống lượm, sau mới nhanh tay khoá cửa rồi leo cầu thang trở lên trên phòng ngủ, bà Trần bấy giờ đang xoay lưng vào tường và ngáy khò khò thành từng tiếng một.
***
Giữa đêm canh ba, ông Trần nằm gác tay lên tráng và nhớ về câu chuyện buồn của hơn ba năm về trước.........

Ngày ấy, ông Trần dạy lớp tiếng hoa ban đêm của trường Hoa Văn Bồi Anh, ban ngày thì phụ vợ buôn bán, cô con gái rượu khi ấy đang học đại học năm nhứt, của trường đại học Sư Phạm TP.HCM, nên ông bà Trần gửi cho cô ở trọ nhờ nhà người dì ruột, nhà ở bên Quận 5. Một hoặc hai tháng thì cô Lan mới đón xe về thăm nhà để xin tiền trang trải phí sinh hoạt và học phí.

Khoảng thời gian ấy tuy bận rộn, nhưng ông Trần vui khỏe lắm. Buổi sớm, ông thức dậy vào lúc năm giờ sáng để tập thể dục, khi thì đi bộ hoặc chạy bộ một vòng quanh đường Bạch Đằng nằm cập bờ sông, khi thì đánh cầu lông cùng ông Phát Tân, nhà ở cuối con đường Đoàn Trần Nghiệp, gần nhà bảo sanh Bà Năm Chi.

Sau đó họ kéo nhau về góc ngã tư Piscine để uống cà phê Cẩm Xương. Đúng bảy giờ sáng, khi dòng người bắt đầu đông lên từ trước cổng nhà thờ chánh tọa Phú Cường đỗ ra hướng vòng xoay ngã Sáu, thì ông Trần mới chịu đứng dậy tính tiền đi về nhà  để phụ bà Trần bán hàng. Rồi cả hai vợ chồng lu bu bận rộn mãi cho tới gần sáu giờ chiều, thì ông mới có thời gian ăn vội chén cơm, tắm rửa thay đồ, xách cặp, đi bộ qua trường Hoa Văn Bồi Anh để dạy học.

Lớp hoa văn từ bảy giờ tới chín giờ tối năm ấy, chỉ dạy miễn phí cho con em bốn bang người hoa trên địa bàn đất Thủ.
***
Rồi trong một lần cùng nhau đi ăn dạ tiệc hội ngộ bằng hữu, chung với ông Phát Tân ở nhà hàng Nổi Bình Dương, thì ông Trần mới quen biết với cô Thanh, khi ấy cô đang làm phục vụ ở nhà hàng này.

Số là ông Phát Tân có người bạn thân tên Đức, ngày xưa nhà chung xóm ở Lò Heo. Sau giải phóng được một năm thì ông Đức dắt cả nhà trốn đi vượt biên, giờ đã định cư ở tiểu bang Mas-sa-chu-sét, thành phố Bos-ton, Huê Kỳ. Gần hai mươi năm sau, ông Đức mới có dịp quay trở về cố hương để thăm lại bằng hữu, và vui chơi gần một tháng cho thỏa lòng mong nhớ chốn quê nhà.

Ngày đầu tiên hai người gặp nhau chỗ ngã ba cuối con đường Đoàn Trần Nghiệp gần bến đò Phú Cường, vì ông Phát Tân đã chuyển nhà từ xóm Lò Heo lên đây mở tiệm buôn bán chén dĩa gần tiệm vàng Nhật Tân, hai người tay bắt mặt mừng, ông Phát Tân nói trong đôi mắt ngấn lệ.

-Tao tưởng mày đi đứt rồi chứ ! Ai dè vẫn còn sống tốt, mà trở về để thăm lại bằng hữu và cố hương.

Ông Đức nghe thì cười sảng khoái.

-Mạng tao lớn lắm ! Mà lỡ có hoá thành ma, thì tao cũng phải về kiếm mày chớ !

Cả hai ông bạn già vui lắm, họ hân hoan cùng nhau, sẻ chia những nỗi niềm, cũ mới đan xen sau những tháng năm dài xa cách. Biết ông Trần và ông Đức cũng là bạn học chung với nhau thời còn học tiểu học, nên ông Phát Tân bèn rủ thêm ông Trần cho đủ mặt anh hào, vì một cây làm chẳng nên chi, ba ông tụ lại tưng bừng Bình Dương.

Bà Trần từ lúc ấy một mình bận rộn với việc buôn bán mà chẳng ai phụ giúp. Tuy bà có hay nổi nóng hoặc điên tiết lên vì những lúc ông Trần uống quá chén rồi về quá nửa khuya để bà ngồi trông cửa. Nhưng đôi khi nghĩ lại, thấy ông Trần cực khổ bấy lâu nay, giờ thì bà cho nghỉ xả hơi để đi chơi đây đó với bạn một tháng, cũng tạm chấp nhận được .

Nhà hàng Nổi Bình Dương nằm trên sông Bạch Đằng, đối diện là nhà khách tỉnh ủy Bình Dương, nơi ông Đức lưu trú.

Gần cả tháng nay, hầu như thứ bảy chúa nhật nào, cả ba người cũng đều ra đây ăn cơm tối, hoặc uống cà phê ở nhà Thủy Tạ gần đó. Vì quang cảnh nhà hàng Nổi khá đẹp, khá bắt mắt, giá cả chưa chắc phải chăng, nên nơi này chỉ dành cho giới quan chức nhà nước, tiệc cưới, đám, lễ....hoặc dành cho Việt kiều chiêu đãi đồng hương mỗi khi về thăm quê.

Xa xa nhà hàng Nổi trông chẳng khác gì một con thuyền màu xanh, nó bồng bềnh muốn trôi đi lang thang trên con sông Sài Gòn để du ngoạn, nhưng bị xích lại bởi chiếc cầu dây. Cây cầu dây có phau nối từ bờ để đi ra nhà hàng Nổi. Và còn những vòng cáp xích sắt, mắc thành hai sợi dây to giăng ngang hai bên, để giữ chặt con thuyền bướng bỉnh kia lại. Cái biểu tượng con chim, kẹt vào giữa vòng tròn màu xanh dương, chẳng biết là chim cò hay chim bồ câu, đã đôi lần khiến ông Đức phải thắc mắc, nhưng chẳng biết hỏi ai. Những lúc này ông lại nhìn sang mấy cô phục vụ xinh đẹp trẻ tuổi, dáng vóc căng tròn nở nang, đẩy đà thướt tha trong chiếc váy màu xanh dương ngắn, mấy cô nhẹ nhàng rót từng chai bia 333 vào ly cho khách.

Ông Trần thì đưa mắt nhìn ra sông Bạch Đằng, ông cảm thấy tầng một nhà hàng Nổi mát mẻ hơn, vì vào buổi trưa sẽ ít chói nắng hơn tầng hai, mặc dù ngồi ở tầng hai vào lúc trời chiều, nắng bên kia sông sẽ bám một màu hồng nhạt trên mấy rặng dừa, rồi cái lòng đỏ trứng gà đó sẽ ru giấc hoàng hôn bên cái lưng cong cong của cây cầu Phú Cường bắt ngang sông.

Đã đôi lần ông Đức ghép đôi cô phục vụ trẻ tuổi tên Thanh cho ông Trần, điều này có hơi quá nếu so về tuổi tác, nhưng đối với ông Đức thì chuyện này là bình thường, bởi vì ông Đức sống ở trời tây đã gần hai mươi năm rồi còn gì. Ngay cả cô vợ bé mà ông vừa mới cưới cách đây hai năm, cô này thua ông Đức tới hơn hai con giáp.

Ông Trần ngại lắm, mỗi khi cô Thanh rót bia rồi đứng sát bên ông, nhiều khi cô khom xuống lượm cái đồ khui bia, do cô lỡ tay làm rớt xuống sàn, lúc ấy cô lại vô tình để chiếc váy ngắn nâng lên bó sát vào mông, rồi lộ ra cặp đùi trắng muốt như vải lụa, khiến bao nhiêu kẻ mày râu thèm khát, riêng ông Đức và ông Phát Tân thì đơ người ra, tay tuy năng ly bia nhưng ánh mắt thì  châm châm nhìn vào cái mông căng tròn của cô Thanh.

Cô Thanh từ dưới quê lên, xin một chân vào đây làm phục vụ được hơn ba tháng, cô hiền lành chân chất, nước da vừa hết mùi phèn, tuổi cô Thanh chưa tròn đôi mươi, khuôn mặt khả ái, xinh xắn, trời ban cho cô một nét đẹp thuần tuý tự nhiên, không gượng gạo. Khi cô cười lên, chiếc đồng điếu hé nở ra, làm người đối diện ngây ngất. Xưa nay, người ta bảo người đẹp Bình Dương đẹp lắm, nhưng ít ai biết cô Thanh lại đến từ miệt vườn Long An. Nếu so ra về sắc đẹp, chắc cô Thẩm Thuý Hằng phải thua cô Thanh một bậc. Chỉ tiếc rằng cô Thanh là một cô gái nghèo, sinh nhằm thời và không có người nâng đỡ.

Còn nhớ cái lần đầu cô Thanh đứng khép nép rót bia cho ông Đức, rồi nhìn thấy cô đẹp và nổi bậc nhất trong các cô phục vụ nên ông Đức gạ hỏi :

-Em tên gì ? Nhà em ở đâu ?

Cô bẽn lẽn trả lời miễn cưỡng.

-Dạ thưa chú, con tên Thanh, quê con ở Long An.

Ông Đức nghe xong thì cười lớn, sau ông mới nhẹ giọng nói :

-Sao lại là chú ? Em phải xưng bằng anh nghe chưa, lần sau mà gọi bằng chú là anh phạt em đó !

-Dạ ! Con xin lỗi chú ! ý quên....con xin lỗi anh !

Thật ra ban đầu ông Trần chỉ xem cô Thanh như con gái, vì cô cùng trang lứa với cô Lan, cô con gái rượu của ông Trần.

Nhưng thật bất công, vì ở đời vốn dĩ là một dòng sông với nhiều ngã rẽ trớ trêu, cuốn theo từng số phận. Một người thong thả được ăn học, hết tiền thì về xin cha xin mẹ, trong khi đó, có người lại phải tự vất vả để kiếm sống nuôi lấy bản thân, mà còn phải lo ngược lại cho cha mẹ và mấy đứa em ở quê.

Ông Đức mang tiếng Việt kiều, lại vung chi mạnh tay nên là vị khách sộp của nhà hàng, nhưng ít có ai biết rằng người quân tử im lặng không lên tiếng, không cần tỏ vẻ, thì lại là ông Trần đây.

Nhiều lần ông Trần giả bộ đi vệ sinh rồi nhét tiền tips vào tay cô Thanh, hay bỏ tiền vào một tấm khăn giấy, rồi khéo léo nháy mắt để cô Thanh biết mà không quăng vào sọt rác. Và cũng vài lần ông Trần đã thanh toán tiền trước khi ông Đức móc bóp ra giành thanh toán hoá đơn với ông Phát Tân.

Người khác thì háu sắc, thích buông lời ong bướm để trêu ghẹo hoặc thậm chí lợi dụng lúc say sỉn lên, để sờ mó các cô tiếp viên, nhưng với ông Trần thì ông luôn giữ chừng mực và giữ tư cách, thế nên ông rất được lòng mấy cô phục vụ.

Đứng rót bia cho ông Trần thiệt là khỏe, vừa không bị sàm sở mà còn nhận tiền típs nhiều, chỉ tiếc là ông đã có vợ, nếu không thì bất cứ cô gái nào cũng dễ dàng sa vào vòng tay ấm áp của ông để được che chở.

Ông Trần một người hào phóng....được nhiều cô phục vụ trẻ thích đứng gần để rót bia.
***

Bẵng đi một tháng, thời gian như đám bèo lục bình trôi trên sông Bạch Đằng theo con nước ròng chảy mau, rốt cuộc ngày giã từ cũng đã đến.

Sáng hôm ấy, cả ba người ngồi uống cà phê sớm ở quán cà phê Cẩm Xương, sau đó ông Đức đòi ghé ăn phở Năm Danh ở xóm miễu Tử Trận lần cuối.

Trước khi chia tay ông Đức, cả hai ông Trần và ông Phát Tân đều tỏ vẻ tiếc nuối và buồn đau dữ lắm, vì phải xa người bạn thân từ thưở thiếu thời, nhưng khi ông Đức vừa leo lên xe taxi để đi ra sân bay, thì cả hai ông lại thấy khỏe re như vừa tiễn vong xong, bởi vì cả tháng nay ông Đức cứ rủ rê nhậu nhẹt, làm cả hai mệt mỏi và đuối sức.

 Và dĩ nhiên, người mừng nhất lại là bà Trần, bà vui ra mặt, vì từ nay bà không cần phải thức khuya trông cửa để chờ ông Trần đi nhậu về. Thật ra mà nói, thì thân phận người phụ nữ Bình Dương, lúc nào cũng tội nghiệp và đáng thương hơn bao giờ hết.
***
Một tuần trôi qua đầy nhạt nhẽo, chiều chúa nhật, nhìn trời mưa bay bay dưới con phố chợ, nơi có những mảnh đời gánh gồng mưu sinh, nơi có những ngày dài xôn xao và nhộn nhịp. Nhưng ông Trần không biết, khi nhìn mưa rơi trên mặt sông, hay đứng châm bia cho khách trên chiếc tàu của nhà hàng Nổi, thì cô Thanh có nhớ tới ông hay không ? Chắc cô đã quên đi một gã già tội nghiệp, ngàn năm đang đứng chờ bên chiếc đồng hồ bốn mặt của chợ Thủ, để mong tìm vượt thời gian mà về với chuỗi ngày yêu trẻ.

Rồi những ngày nắng vương trên nóc phố, nắng chói chang, nắng soi xuống chiếc đồng hồ bốn mặt, chiếc đồng hồ đầy hãnh diện của xóm chợ, hay chiếc đồng hồ thời gian si tình của ông Trần.

Người bán buôn chỉ mong được nghe tiếng chuông đồng hồ đó đỗ vào lúc năm giờ chiều, để trời nhạt nắng, để họ chuẩn bị quải gánh, dọn hàng đi về nhà, sum vầy quây quần bên  người thân.

Nhìn chiếc đồng hồ kêu lên trong một chiều lộng gió, gió từ bờ sông Bạch Đằng thổi vào, từng cơn, từng cơn nghe buồn trong kỷ niệm, ông Trần lại nhớ về đôi mắt của cô Thanh mỗi khi cô rụt rè e thẹn nhìn ông.

Rồi ông Trần gạt đi những ý nghĩ trần tục, bay bướm, nhưng khi đưa mắt nhìn sang thì ông lại thấy bà Trần ngồi co ro trên chiếc ghế mây như một con khỉ già sợ nước, da mặt bà nhăn nheo, có nhiều tàn nhang và vết thâm, đôi mắt bà sụp xuống như muốn ngủ bất cứ lúc nào, tóc tai thì đã ngã hai màu mưa nắng. So với cô Thanh chẳng sao mà bì được, thế là ông Trần quyết định đẩy chiếc xe Honda Cub 81 ra khỏi nhà, ông đạp máy nổ xe rồi đá số, rồ tay ga, ông chạy hướng về phía đường Bạch Đằng để ra nhà hàng Nổi, kiếm cô Thanh.
***
Sông Bạch Đằng về chiều, trời lộng gió, một con đường chạy dọc theo bờ sông được trồng những hàng dừa xanh, một bên là nhà Khách tỉnh Ủy Bình Dương với khuôn viên rộng rãi, có lồng sắt nuôi khỉ, nuôi gấu chó, có mấy con nai đúc bằng tượng đá nằm bên lối đi mọc đầy cỏ xanh, lối cửa sau dẫn lên Dinh Tỉnh Trưởng cũ với nhiều cây dầu cây sao mọc như rừng cây cổ thụ, nay đã bị cách mạng về chiếm hữu nên đã đổi họ thay tên.

Ông Trần đứng dưới gốc cây dừa, sát bờ sông, gần nhà hàng Nổi, chiếc Honda Cub 81 dựng kế bên chiếc ghế đá, ông đứng phì phà khói thuốc, rồi đưa mắt nhìn về hướng cánh cổng và cây cầu dẫn ra nhà hàng Nổi.

Ông định bụng sẽ gửi xe, rồi vào hỏi thăm cô Thanh, nhưng ngại người ta sẽ chê cười, còn nếu vào đó uống bia một mình thì cũng không hay, vì điều đó sẽ khiến mấy cô phục vụ khác dị nghị, tiến thoái lưỡng nan, già rồi mà còn vướng phải bệnh tương tư nên ông ưu sầu ủ rũ như chiếc lá dừa khô trên cây đang chờ rụng. Ông ném đầu tàn thuốc xuống sông, trong khi lũ con nít gần đó có đứa ngụp lặn, đứa bì bỡm bơi lội, đứa nhảy từ trên bờ kè xuống..... những đứa trẻ vô tư để mặc cho con nước lớn ôm chúng vào lòng.

Rồi ông Trần, mắt bỗng sáng lên khi nhìn thấy cái bóng dáng quen thuộc, không ai khác, đó chính là cái dáng đi nhỏ nhắn của cô Thanh, cô vừa bước ra khỏi cái cổng nhỏ của nhà hàng Nổi, cô xoay lưng đi về hướng ngã ba giáp đường Ngô Quyền, trên tay cô còn xách theo một túi đồ. Ông Trần mừng như bắt được vàng, ông lập tức phóng lên xe, nổ máy và chạy rà rà theo sau.

-Chào Thanh ! em về đâu ? Lên xe anh chở về một đoạn.

Cô Thanh xoay lưng lại thì giật nảy người khi nhìn thấy ông Trần, cô không ngờ từ nảy giờ ông Trần chạy kè kè theo phía sau, mà thật lạ, tại sao ông Trần lại xuất hiện vào lúc này. Thoáng thấy đôi mắt cô long lanh ướt, ông Trần cũng chưa biết chuyện gì đang xảy ra với cô.

-Dạ em chào anh Trần ! Sao anh lại ở đây ?

Vừa nói cô Thanh vừa cúi đầu chào ông Trần một cách lễ phép, ông Trần dừng xe sát bên cô rồi bảo.

-Em lên xe trước đi, rồi mình nói chuyện sau, sẵn anh đưa em về nhà luôn.

Cô Thanh bẽn lẽn, hai tay ôm cái túi xách rồi leo lên ngồi phía sau cái baga inox của chiếc Honda Cub 81.

-Nhà em ở đâu ? Sao hôm nay em về sớm vậy ?

-Anh cho em chạy thẳng qua cầu Ông Kiểm nghen, ngay chỗ bên gần xóm Miễu, chỗ cổng chùa Phổ Thiện Hoà, anh quẹo dô nghe anh!

Từ cổng chùa Phổ Thiện Hoà chạy vô tới chùa, rồi cập sát hông chùa chạy ngoằn ngoèo trong con hẻm nhỏ, hẻm thông ra đường Nguyễn Văn Tiết, chính xác căn trọ của cô Thanh nằm sâu trong đây. Căn nhà trọ lụp xụp được dựng lên từ ván gỗ và mái tole cũ, căn phòng có bề ngang bằng hai chiếc giường, bề dài chừng năm mét, sàn trán xi-măng, bên trong phòng không có toilet. Muốn đi vệ sinh phải dùng nhà vệ sinh và nhà tắm chung nằm gần đó. Cũng may trước phòng trọ có trồng một cây mận to, nhánh cây phủ cao che trên mái tole, nên trưa nắng cũng mát mẻ nhờ bóng râm.

Cô Thanh cùng mẹ ruột từ dưới quê lên, hai mẹ con thuê trọ ở đây đã hơn bốn tháng trước. Bà Liên, mẹ ruột cô Thanh sống bằng nghề rửa chén dĩa cho một quán ăn ở ngoài chợ Thủ. Một tuần nay bà nghỉ việc ngang, vì bị chủ tiệm bắt ép làm thêm giờ, không cho ăn cơm mà vẫn chưa trả tiền công, nên nay bà chuyển sang đi bán vé số dạo.

Mỗi ngày, lúc từ bảy giờ sáng bà đội nón lá, bận bộ bà ba đen, chân mang dép nhựa, đi ra đại lý lấy vé số rồi loanh quanh khắp cùng ngõ hẹp của chợ Thủ, bán dạo cho tới chiều. Tính ra, tuy phải dãi nắng dầm mưa, hơi cực tí xíu, nhưng ít ra lại được tự do tự tại, không bị chủ mắng chửi và tiền lời cũng đủ ăn, đủ trả tiền thuê trọ.

Từ ngày cô Thanh, con gái bà xin được một chân vô làm phục vụ cho nhà hàng Nổi Bình Dương, thì cuộc sống của hai mẹ con có phần khá hơn. Tới cuối tháng, trừ tất cả tiền phí trọ, phí ăn uống cũng còn dư tiền để gửi về quê cho chồng bà Liên và năm đứa con, đứa lớn nhất mười hai tuổi, đứa nhỏ nhất cũng gần năm tuổi.

Trước đây chồng bà Liên làm ruộng, nhà cũng trồng được hơn chục công lúa, chưa tính ao vườn cũng được hai công. Chẳng may, chồng bà hai năm trước leo cây hái dừa mướn cho người ta, trượt tay té xuống bờ mương, bị cọc tre đâm, liệt nửa người.

Rồi cả nhà chạy chọt, bán đi hơn chục công ruộng, để thuốc thang cho ông. Tới nay, tuy ông giữ được mạng sống, chống gậy đi ra đi vô và tự nấu cơm được, nhưng mất khả năng lao động và mất đi vốn liếng làm ăn. Cũng may là còn giữ được căn nhà, nếu không cũng phải đi ở thuê là chết dở.

Cô Thanh là con cả, năm ấy đang học cấp ba cũng đành phải bỏ ngang vì không có tiền đóng học phí. Mấy năm nay, cô phụ mẹ thay cha để đi làm kiếm tiền nuôi mấy miệng ăn ở quê.

Chiều nay, cô lại nghe tin dữ vì nhà hàng sẽ cắt giảm nhân viên, trong đó có tên cô. Bởi mùa này khách khứa không nhiều, tiệc cưới, sinh nhật, đầy tháng cũng không có ai thèm đãi vì mùa cưới đã qua, mùa mưa và mùa bệnh tới, nên trại hòm Tấn Phát nằm trên đường Yersin làm ăn ngày càng phát đạt.

Cô vừa gom xong đồ, cô buồn lắm, nhưng không dám khóc, cô vừa bước ra khỏi cổng nhà hàng để đi bộ về nhà trọ thì gặp ông Trần chạy theo sau, rồi ông đưa cô về. Cô muốn cảm ơn ông Trần đã lâu vì số tiền tips mà ông đã cho riêng cô, nay ông lại đưa cô về nhà, nên cô cảm thấy mắc nợ ông.
***
Chiếc xe Honda Cub 81 dừng ngay trước hàng rào bông bụp nằm sát hẻm, cô Thanh bước xuống xe nói lời cảm ơn rồi để ông Trần ra về, nhưng ông còn do dự nên cô mới mời ông ghé vào phòng chơi, vì mẹ cô, bà Liên chắc giờ này đi bán vé số vẫn chưa về.

Căn phòng chẳng có gì ngoài chiếc giường gỗ trãi manh chiếu cũ kê sát tường và chiếc tủ quần áo, một cái bàn tròn. Ông trần ngồi trên giường đưa mắt nhìn xung quanh căn phòng, trong khi đó cô Thanh rót nước từ trong chiếc ca nhựa ra ly nhỏ để mời ông.

-Nhà em hỏng có nước đá hay nước trà, anh Trần uống nước lạnh đỡ nghen.

-À không sao ! Cám ơn em, mà em sống ở đây một mình hay sao ?

-Dạ hông, em ở dưới má !

-Vậy bác gái đâu em ?

-Má em đi bán dé số từ sớm, chút chiều tối má em mới dìa.

Nhìn đôi mắt cô Thanh thiệt là trong trắng, ngây thơ, hỏi gì là trả lời liền mà không cần phải suy nghĩ.

-À mà nè ! Sao hôm nay là chủ nhật mà em đi làm về sớm vậy ?

Cô Thanh đưa đôi mắt nhìn ra sân rồi buông giọng buồn buồn nói.

-Dạ ! Em bị đuổi diệc gồi anh, chắc có lẽ nhà hàng đang gặp khó khăn, mà thời buổi này đi xin diệc cũng khó quá, chắc mai em theo má em, đi bán dé số.

Vừa nói cô Thanh vừa cười, nụ cười xuân điểm nhẹ trên đôi môi, buông ra những lời nói thật, vì xưa nay cô chưa bao giờ biết mắc cở, từ cuốc đất trồng cây, lội ao bắt cá, rửa chén thuê, bưng măm, dọn chén, rót bia...miễn là có công ăn chuyện làm để phụ giúp gia đình.

Nghe cô Thanh nói, ông Trần đủ kinh nghiệm nhìn đời, để mà nhìn ra con đường và hoàn cảnh của mẹ con cô bây giờ, mặc dù ông chưa biết cha cô bị liệt, và còn năm đứa em nhỏ ở quê đang ngóng chờ từng đồng tiền gửi về để chi trãi.

-Thôi, em đừng buồn ! Tạm thời em không cần phải đi bán vé số với mẹ em đâu. Vài hôm nữa anh sẽ xin cho em một công việc tốt hơn.

Ông Trần vừa nói dứt câu, mắt cô Thanh như sáng lên, cô mừng rỡ nhìn ông Trần rồi reo lên.

-Thiệt hả anh ? Mà là diệc dì ? Có khó hông ? Nhưng mà diệc dì thì em cũng gáng làm !

-Ừ ! Thôi em cứ ở nhà vài hôm, nghỉ cho khỏe, ba bữa sau anh sẽ ghé chở em tới chỗ làm để nhận việc.

Nắng chiều ngã xuống tàn cây mận nằm trước căn trọ cũ, có nóc nhà bằng mái tole gỉ sét, mấy cái bông mận trắng vừa rơi khi chiếc Honda Cub 81 của ông Trần nổ máy chạy ra con hẻm nhỏ. Nhìn bóng dáng của ông Trần khuất xa xa sau phía hàng rào bông bụp, mắt cô Thanh như sáng lên một tia hy vọng. Nhưng chỉ độ nửa tiếng sau thì ông Trần quay lại, ông tắt máy dựng xe trước cửa trọ, rồi xách hai cái bịch ni-lông đem vào trao tận tay cô Thanh.

-Ủa sao anh quay lại ? Anh bỏ quên dì hả ? Hay là anh đã xin được diệc cho em gồi ?

Nhìn nét mặt ngây ngô của cô Thanh, ông Trần cười.

-Không đâu ! Làm gì mà có việc lẹ cho em tới như vậy ! À mà chắc giờ em đã đói bụng, anh vừa ghé chợ mua một con vịt quay và mấy ổ bánh mì không, anh nghĩ chắc bác gái cũng sắp về, có gì chút em hâm nóng lại, rồi hai má con cùng ăn.

Cô Thanh ngạc nhiên, cô chưa kịp nói lời cảm ơn thì ông Trần đã bỏ lại đồ trên chiếc bàn nhỏ rồi nổ máy xe Honda chạy đi mất.
***
Bà Liên về tới nhà thì trời đã chạng vạng tối, từ cổng chùa Phổ Thiện Hoà nằm trước đường, bà đi bộ về tới hàng bông bụp nằm ngoài cổng rào, thì đôi chân đã rịu. Bởi từ mơ giờ, bà có ăn uống gì đâu, sáng có ghé mua ổ bánh mì không, đi bán cho tới xế trưa bà mới dám lấy ra ăn với đường tán và chai nước mang theo.

Nhìn thấy bà Liên từ cổng bước vào, cô Thanh vội vàng chạy ra cửa hỏi thăm rồi rót ly nước mời bà uống. Bà Liên gặp đứa con gái yêu thì vui lắm và quên cả mệt mỏi  nhưng bà thắc mắc trong lòng rằng tại sao cô lại ở nhà.

-Ủa sao hôm nay con dìa sớm dậy ?

-Dạ ! Con xin nghỉ diệc gồi má, nhưng mà má đừng lo nghe, ba bữa nữa con sẽ đi làm chỗ mới tốt hơn, mà không cần phải rót gượu châm bia cho khách như ở nhà hàng nữa !

-Ờ ! Thôi con cố gắng làm, gáng kiếm ít dốn thì má con mình dìa quê buôn bán.

Nói đoạn bà Liên bỏ đi tắm, ngoài kia ánh đèn vàng mờ nhạt rũ soi xuống bóng cây mận, trong lòng bà Liên miên man suy nghĩ về một mớ mơ hồ hỗn độn nào đó, bà nhớ chồng, nhớ năm đứa con ở quê, thương nhứt là đứa con gái út chưa tròn năm tuổi. Bà chỉ mong có tiền để mua kẹo mua quà về thăm các con, rồi có thêm một số vốn để nuôi gà nuôi vịt, nuôi con heo nái để làm vốn và mở một tiệm tạp hoá nho nhỏ, nhưng chắc có lẽ giấc mơ của bà còn xa vời lắm. Bà cũng chẳng lo gì được cho con Thanh, đứa con gái đầu lòng tội nghiệp, nó đã cùng bà vất vả mấy năm nay. Bà chỉ biết nhìn con rồi an ủi, động viên chớ bà chẳng thể nào làm được gì hơn.

-À ! mà má ơi ! Cái ông Trần mà con hay kể cho má nghe đó, hôm nay con có gặp ổng, gồi ổng chở con dìa dùm, đã dậy còn mua cho hai má con mình một con dịch quay đó má ! Má coi nè !

Bà Liên nhìn con vịt quay da căng vàng óng màu mật ong với mấy ổ bánh mì bày sẵn ra bàn trên tờ giấy báo, bà có vẻ không vui.

-Lần sau đừng có nhận đồ dì của người ta nghen con ! Mình mắc nợ người ta như dậy là hông tốt.

Hình như đã lâu lắm rồi, hai má con bà Liên chưa có được một bữa ngon lành như vậy. Bà để dành hai cái đùi vịt cho con gái, bà chấm bánh mì không ăn với nước sốt vịt quay thôi cũng đủ ngon, những thớ thịt nạt của vịt quay thơm lừng, lớp da giòn giòn béo béo, lớp mỡ vịt thơm khiến bà nhớ tới mấy đứa con nhỏ còn nheo nhóc ở quê, không biết giờ này tụi nhỏ đã ăn cơm chưa hay là còn ngồi ngoài sân để chờ mẹ về. Nghĩ tới đây bà Liên rưng rưng nước mắt.

Đã mấy tháng nay hai má con bà chỉ ăn uống qua loa, rồi đi ngủ. Khi thì bắt nồi cơm lên để ăn với chao hoặc rau muống luộc, sang lắm thì có thêm hai cái trứng chiên. Hoặc có khi nấu mì gói giấy, hiệu mi-li-ket chan với cơm trắng để ăn....trán miệng thì có mấy trái chuối bơm mua rẻ rề ở dưới chợ gạo, chỗ gần mấy chiếc ghe ở miền tây lên đậu ngay bến sông Bạch Đằng.
******
******
Ông Trần giới thiệu cho cô Thanh làm phụ việc, trong một quán cơm tấm, nằm trên con đường Thích Quảng Đức gần chùa Tây Tạng, quán chỉ bán buổi sáng và nửa buổi trưa. Sau khi phụ dọn dẹp xong, thì tầm khoảng hơn ba giờ chiều là cô Thanh kết thúc công việc để đi về nhà.

Thật ra, ông chủ quán cơm là ông bảy Triệu Hưng bên bang Quảng Đông, bạn thân của ông Trần. Ngay cả phần công việc nhẹ nhàng, tiền lương cao hơn người khác, hay chiếc xe đạp mà ông chủ tiệm cơm cho cô Thanh mượn để đi lại, tất cả đều có phần trợ giúp của ông Trần.

Từ ngày đó, ông Trần cũng thường hay tới lui để thăm nhà trọ của cô Thanh, khi thì một giỏ trái cây, khi thì một hộp bánh sô-cô-la, mấy bộ đồ bộ mua ở đầu chợ trên hay quà cáp để tặng bà Liên.

Mới đầu bà Liên không dám nhận vì ngại ngùng và sợ mang ơn, nhưng rồi ông Trần cứ năn nỉ và bày tỏ thật lòng tấm chân tình, nên cả hai mẹ con cô đều xiêu lòng trước người đàn ông chu đáo này.

-Má em Thanh đừng ngại, mà hãy xem tui như là một người anh trai của em Thanh.

Tuy bà Liên nhỏ tuổi hơn ông Trần, nhưng bà vẫn phải ngồi vai trên và xưng hô ông Trần bằng tên.

-Thầy Trần tốt với má con tui quá ! Tui không biết lấy dì đền ơn thầy !

Mỗi lần bà Liên ốm đau hay có chuyện gì cần, thì ông Trần chạy đôn chạy đáo. Hai má con quê mùa ngày nào, giờ đã biết thế nào là phở Năm Danh, hủ tiếu mì cây Dừa, bánh bèo bì Mỹ Liên, bánh bao Năm Cheo...thịt heo quay hay gà nướng, vịt quay thì hầu như mỗi tuần ông Trần đều mang đến cho.

Bà Liên thích món cháo gà Hà Phương ở gần ngã tư Piscine, riêng cô Thanh thì sướng lắm. Bởi mỗi tối thứ bảy hoặc chúa nhật thì ông Trần sẽ chạy xe Honda đến chở cô đi ăn kem, ăn chè bưởi ở quán kem 29, quán kem 53, quán kem Ngọc Lan...nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, ở xóm Giếng Máy khu Bưng Cải.

Quán kem 29 ở xóm Giếng Máy, khu Bưng Cải thời điểm bấy giờ khá nổi tiếng, quán có sân vườn rộng rãi, bên ngoài để bảng đèn điện tử “Kem 29”chá đèn thiệt đẹp. Trên mấy cành cây sơ ri hoặc nhánh cây bưởi cũng được quấn đèn chùm màu đỏ xanh vàng chớp nháy, chiếu lấp lánh trong đêm. Ngoài món kem ký kem ly ra, còn có chè bưởi, chè thập cẩm...ngon bá chấy, tối nào thực khách cũng đến mua về ăn hoặc ngồi thưởng thức tại quán. Ông Trần và cô Thanh hay ngồi ăn kem ở khoảng sân vườn phía sau, nơi có tiếng nhạc Bolero  và giọng ca trầm ấm của nam ca sỹ hải ngoại Tuấn Vũ cất tiếng hát vang lên, hầu như cả miền nam thời bấy giờ, nhà nhà đều nghe nhạc của anh Tuấn Vũ hát. Riêng ông Trần thì thích nghe bài Ai Cho Tôi Tình Yêu.

“..Ai cho tôi tình yêu

của ngày thơ ngày mộng.

Tôi xin dâng vòng tay mở rộng

và đón người đi vào tim tôi

bằng môi trên bờ môi.”

Còn cô Thanh thì thích mùi kem sầu riêng ăn với dừa kèm đậu phộng, thêm ly trà đá gừng mát lạnh, thật là thích. Đến lúc về, cô cũng không quên mua cho bà Liên một bịch chè bưởi đem về.
***
Rồi một chiều mưa, cơn mưa cuối tháng tư đến mau để về mau như những tiếng ve âu sầu nỉ non trong từng cánh phượng. Ông Trần tới căn trọ để thăm cô Thanh, chiều hôm ấy bà Liên đi bán vé số vẫn chưa về, bên ngoài trời mưa lớn. Cây mận trước căn trọ rụng lá vàng lá xanh trãi khắp cả mặt sân sỏi đá, mấy trái mận non kết thành từng chùm đong đưa theo gió, treo lơ lửng dưới mưa.

Ông Trần ngồi nói chuyện cùng cô Thanh, rồi cả hai bốn mắt nhìn nhau thật lâu, ánh mắt thơ ngây ấy làm ông Trần xao xuyến.

Nhìn làn da trắng và cặp ngực căng đầy của tuổi đôi mươi, mái tóc thề xõa xuống thướt tha bên bờ vai nhỏ. Nhìn đôi môi đỏ mộng của cô Thanh, ông đã không cưỡng lại được ham muốn dục vọng của bản thân. Ông nhè nhẹ vòng cánh tay ôm ngang hông, rồi xiết lấy chiếc eo thon. Ông hôn nhẹ lên trán cô, cô Thanh nhẹ nhàng nhắm đôi mi cong lại. Rồi chuyện gì đến cũng đã đến, cô Thanh lúc này chỉ biết nằm im để hiến dâng tất cả những gì quý giá nhất của cô. Đơn giản, vì cô cảm thấy thật an toàn và ấm áp mỗi khi cô gần gũi với ông Trần.
***
Những ngày mặn nồng ân ái cũng qua mau, bến Bạch Đằng chỗ gần nhà hàng Nổi, nơi hai người ngồi ghế đá hôm nào, nay đã không còn vương nắng. Ly kem, ly chè hay ly cà phê sân vườn vào những buổi trưa chúa nhật đã không còn. Từ ngày cô Thanh nghe cơ thể mình khác lạ, dường như có thêm một trái tim nhỏ nữa đang len lỏi đập chung nhịp trong cơ thể cô, cô Thanh đi khám thì mới biết mình đã có thai gần hai tháng với ông Trần.

Dạo ấy, ông Trần trở nên bận rộn, ít ghé nhà trọ để thăm hai mẹ con cô Thanh. Công việc của ông bên hội quán Sùng Chính, việc dạy học, rồi ông phải đi coi sóc thợ hồ đang xây sửa lại hai căn nhà mà trước đây đang cho thuê để bán cơm ở ngã tư Quốc Tế, vì đã xuống cấp.

Chuyện tình cảm mèo mỡ vụng trộm của ông, đã sớm bị mấy bà bán cá ở dưới nhà lồng chợ Cá phanh khui ra, họ đồn khắp cả chợ Thủ, rồi học lại cho bà Trần. Bà Trần cũng giả bộ dò hỏi khéo ông, nhưng ông không lên tiếng trả lời. Bà Trần là người đủ thông minh, suy nghĩ đủ sáng suốt nên không làm lớn chuyện, bà cứ để mặc cho ông Trần được tự do trong một phạm vi nhất định, nhưng bà cũng nhắc khéo ông, nên tu tâm tích đức sau này còn để phúc lại cho cô con gái rượu, đó chính là cô Lan.
***
Nửa đêm nằm gác tay lên tráng, ông Trần nhìn lên bức họa hình sơn vân phong thủy treo trên tường ở phòng ngủ, ông thấy cuộc đời có nhiều lối rẽ mà không biết do ông tạo ra, hay do ông trời mặc định. Ông yêu cô Thanh thật lòng, nhưng khi chiếm được cô rồi, thì ông có phần xao lãng, nhất là khi biết tin cô đã mang thai với ông.

Ông Trần mong có đứa con trai để nối dõi tông đường, để sau này khi ông chết đi thì ít ra mớ gia sản mà tổ tiên để lại cũng không bị người ngoài đứng tên, cách suy nghĩ có phần hạn hẹp đó, đã bó ông vào một khuôn khổ tối tăm, không còn ánh sáng để dẫn lối thoát. Còn nếu như cô Thanh sanh cho ông một đứa con gái thì coi như xong, công sức đổ biển. Con gái đối với ông Trần chẳng khác nào như một quả bom nổ chậm, không hơn không kém, không nhờ vả được, sau này lại xách gót về nhà chồng mà thôi.

Từ ngày cô Thanh có thai, ông lại bị xóm giềng đàm tiếu, vì mấy bà bán cá ở dưới chợ đã loang tin ông đi ăn vụn, cặp bồ nhí bằng tuổi con gái mình, mà họ còn biết rõ là mẹ con cô Thanh đang ở trọ trong đường hẻm vào chùa Phổ Thiện Hoà nữa chứ. Mấy bà bán cá làm ông bực mình lắm, nhưng miệng đời mà, chuyện của họ nói sao thì kệ họ, miễn sao là ông không làm gì trái với lương tâm của mình. Ở đời, chuyện tình cảm khó lòng mà phán xét, cứ mang đôi dép lào của mình, rồi phán chuyện lung tung, thì tội cho người trong cuộc.

Ông Trần suy nghĩ đã mấy ngày nay, ông định bụng sáng mai sẽ đến bàn bạc với bà Liên và em Thanh. Ông sẽ cho hai mẹ con cô Thanh về quê, tạo vốn cho bà Liên mở một tiệm tạp hoá nho nhỏ, bởi vì ông quen biết rộng, nên nguồn hàng mỗi tuần sẽ có xe tải từ Sài Gòn chở xuống tận nhà ở Long An, hàng hóa thiếu thứ gì là cứ báo cho họ, rồi mỗi tuần họ sẽ chở xuống giao một lần. Bà Liên chỉ việc ngồi nhà mà buôn bán để thu tiền lời, riêng em Thanh thì mỗi tháng ông sẽ gửi tiền chu cấp để cô nằm nhà ăn uống, nghỉ nghơi và tẩm bổ cho cái thai. Chuyện nuôi gà, nuôi heo... và chuyện học hành của mấy đứa em cô Thanh, ông cũng hỗ trợ phần nào. Tạm thời trước mắt là vậy, chờ tới khi nào sanh nở xong thì ông Trần sẽ liệu đường mà nói với bà Trần để cho cô Thanh một danh phận.
***
Bến xe khách Bình Dương, mặc dù là sáng chúa nhật, nhưng dòng người vẫn tranh nhau lên xuống bến, chỗ mấy chiếc xe đò vừa đỗ, mấy đứa trẻ bán dạo bu đông đen chèo kéo khách, cánh xe ôm thì ngồi chờ chực sẵn gần đó, hễ trông thấy khách nào vừa bước xuống xe mà ngơ ngác nhìn dáo dác, là mấy chú chạy lại hỏi liền, “xe ôm không cô hai ?” “Lên xe đi anh Tư, dìa đâu tui tính rẻ cho ?” “ Tui dìa đường Nguyễn Tường Tam, gần nhà ông Cả Luận chú tính nhiêu ?”

Gần đó, chỗ kế bên cổng trường Bồ Đề cũ, mấy quán cơm bán đắc như tôm tươi, cái bảng đen viết phấn phía ngoài để năm ngàn đồng một dĩa cơm mà còn thêm một chén canh khuyến mãi, trà đá thì phía trước quán có đặt một cái thùng trên chiếc ghế đẩu gỗ, thọt ca nhựa vô múc là uống vô tư mà không cần tiền, nên mấy quán cơm bình dân lúc nào cũng đông khách.

Khu Bến Xe Bình Dương kéo qua ngã tư Quốc Tế, vòng qua chùa Ông Ngựa(Thanh An Tự) rồi về khu Trần Hà náo nhiệt không kém gì xóm chợ Cá. Mấy tiệm tạp hoá bán sữa, thuốc lá, rượu bia....làm ăn phát đạt cũng nhờ vào cái bến xe. Riêng tiệp sách báo Châu thì cũng đông không kém, hễ muốn mua sách báo hay dụng cụ văn phòng phẩm thì cứ chui đầu vào đây là chắc cú.

Hành lý và đồ đạc của bà Liên và cô Thanh không nhiều, tất cả đã được chất lên trần xe khách. Ông Trần ngồi trên yên chiếc Honda Cub 81, ông dặn dò hai mẹ con cô Thanh trước khi lên xe.

-Em về dưỡng thai, nhớ kỹ là không được làm việc nặng nghe chưa! rảnh rỗi thì phụ má ngồi coi tiệm tạp hoá. Sáng thứ hai lúc mười giờ thì ra bưu điện gọi điện thoại lên cho anh. Anh ráng thu xếp nửa tháng sau anh sẽ xuống thăm em !

Nói đoạn ông lại nhìn sang bà Liên rồi dặn dò thêm.

-Má em Thanh cần gì thì cứ nói cho tui biết, nhớ là phải cho mấy đứa nhỏ ở nhà đi học lại, sau này học xong cấp ba thì mình tính sau.

Bà Liên thấy ông Trần thật hiền từ, nhân hậu và chu đáo, hơn ba tháng nay, kể từ ngày ông Trần đến nhà chơi rồi làm quen với cô Thanh con gái bà, thì đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của hai má con.

Ngoài số tiền mỗi tháng ông Trần cho bà để gửi về quê lo cho mấy đứa nhỏ, ông còn chỉ bà cách thức buôn bán, nếu muốn mở tiệm tạp hoá thì phải bắt đầu như thế nào. Chồng bà Liên cùng thằng con trai thứ, mười hai tuổi, giờ cũng có nuôi được năm con heo để làm vốn, ngoài ra còn trồng trọt và nuôi thêm gà vịt, sấp nhỏ còn lại cũng đã có đủ  tập vở và quần áo do chính tay ông Trần chở cô Thanh đi mua để gửi về quê. Lần trước bà về thăm, mấy nhỏ mừng lắm, đứa con gái út nay vừa tròn năm tuổi, lần đầu tiên trong đời được ăn kẹo sô-cô-la M&M nó khoái chí.

Nhìn chiếc xe khách từ từ lăn bánh rồi khuất xa xa theo hướng xuôi về ngã ba Lò Chén, ông Trần chạy xe máy theo để tiễn, tới đây thì ông rẽ phải chạy về hội quán Sùng Chính để kịp giờ họp hội trong bang.
***
Đồng hồ bốn mặt của chợ đã chỉ sáu giờ ba mươi phút tối.

Mấy cái dù tròn nằm chắn ngang lối đi của chị em bán trái cây vừa được kéo xuống, rồi cột dây cẩn thận. Tiếng rao của mấy cô bán thịt heo ế, nghe khan cả giọng mà vẫn không ai để ý hay đoái hoài gì tới. Mấy chiếc ghe ngay bến đò Phú Cường, đang nỗ lực đưa người sang sông, tiệm bán chén dĩa, sành sứ cuối con đường Đoàn Trần Nghiệp cũng dẹp tiệm sớm.

Một đám mây to chảng kéo dài trên bầu trời, nó bay từ xóm Lò Heo lên, chắc sắp có mưa, đám mây mưa từ Lái Thiêu kéo về. Khách đi chợ chiều, người bán hàng rong, chủ sạp...lần lượt thưa giãn ra rồi cuốn gói. Họ tản đi về các hướng khi đám mây đen bắt đầu phủ dày đặc và gió bên kia sông lần lượt thổi lên, từng hạt mưa nặng sà xuống con đường Bạch Đằng và đường Nguyễn Thái Học, người ta nghe tiếng mưa dồn dập trên mái tole của khu nhà ăn, rồi cơn mưa bao trùm xuống chợ Thủ.

Bà Trần dọn hàng vô từ sớm rồi kéo cửa sắt lại, dọn xong bà bắt nồi cơm điện lên, hâm lại nồi măng hầm giò heo, rồi ít phút sau chờ ông Trần tắm xong mới dọn cơm lên cùng ngồi ăn với ông Trần, bên ngoài tiếng mưa ngày càng nặng hạt.

Bản tin thời sự thế giới phát lúc bảy giờ tối. Sau đó, mới tới bản tin trong nước và bản tin an toàn giao thông.

Ông Trần gắp cục giò heo cho vào chén nước tương ớt để chắm, sau mới gắp vào chén cơm, vừa dùng đũa kẹp miếng giò, ông định cho vào miệng cắn thì bỗng có tiếng sấm sét bên ngoài nổ lớn lên một tiếng khiến ông ù tai. Bà Trần ngồi kế bên giật thót cả tim ra ngoài, bà Trần định bụng “tiếng sấm sét đánh gần quá, chắc nó lại đánh trúng cái đồng hồ bốn mặt của chợ rồi, xong...ngày mai tiếng chuông lại tịt ngòi, khỏi kêu!”

Ông Trần vẫn tiếp tục ăn, rồi ông buông đũa há hốc mồm sững sờ khi nghe bản tin giao thông về một vụ tai nạn giữa xe tải và xe khách đâm trực diện nhau, xảy ra trên đoạn Quốc Lộ 1, gần chỗ cầu Bến Lức- Long An vào sáng nay.

Tai nạn xảy ra làm chiếc xe tải móp đầu, tài xế chết ngay tại chỗ, phụ lơ đưa đi cấp cứu và cũng không qua khỏi. Còn chiếc xe khách thì lao thẳng xuống ruộng, nằm lật ngang, người dân quanh đó kéo các nạn nhân ra khỏi xe, trong số đó có bốn hành khách tử vong tại chỗ, nằm đấp chiếu bên lề đường, sát bờ ruộng, số còn lại tất cả mười ba người đã được đưa vào bịnh viện cấp cứu.
*****
*****

Câu chuyện xảy ra đã hơn ba năm, mà giờ đôi khi nằm nhắm mắt nghĩ lại, ông Trần cứ ngỡ chỉ như là ngày hôm qua. Cái chết thương tâm của cô Thanh cùng đứa con trong bụng, đã khiến ông Trần đau buồn trong suốt một khoảng thời gian dài. Sau cái ngày đau thương ấy, ông Trần nghỉ dạy học ở trường Hoa Văn Bồi Anh, ông từ chức phó bang cứu tế của hội quán Sùng Chính, ông không còn chơi và qua lại với mấy người bạn thân, ngay cả ông Phát Tân ở gần nhà và ông Triệu Hưng bên bang Quảng Đông cũng ít uống cà phê sáng với ông Trần.

Những chiều vàng nhạt nắng trên sông Bạch Đằng, ông Trần thường đi lang thang một mình, rồi ngồi thơ thẩn trên chiếc ghế đá gần nhà hàng Nổi Bình Dương, để nhìn về phía dòng sông đang cuồn cuộn chảy xiết, nơi đó ông như được tìm về trong kỷ niệm, bóng hình cô Thanh đã in hằng trên dòng sông xanh, mặc dù những đứa trẻ tắm sông chỉ thấy hàng dừa in bóng xuống mặt nước, rồi chúng thi nhau ném từng miếng miễn sành lướt trên mặt nước, để đếm số lần thắng thua.
***

Rồi bây giờ, nhờ thời gian trôi mau, nên nỗi đau đã vơi đi phần nào, có lẽ một phần vì cái không gian buôn bán tấp nập của chợ Thủ, và một phần vì cô con gái rượu, cô Lan đã tốt nghiệp đại học rồi về sống chung và đi dạy học, nên không khí gia đình có phần ấm áp hơn.

Ông Trần đã thoát khỏi cú sốc tâm lý và áp lực tinh thần, nên hai năm nay ông dần dần lấy lại phong độ. Nhưng hôm qua nay, thì hồn ma cô Thanh cùng đứa con lại hiện về, họ xuất hiện ba lần trong ba ngày và còn gọi tên ông Trần đi theo để về bên kia thế giới xum họp gia đình. Nếu chẳng may không có chiếc xe ba gác máy từ ngã ba sông chạy lên rọi đèn và chiếc xe chở rác đến kịp lúc, thì ông đã sớm đi theo mẹ con cô Thanh để về cõi âm mất rồi !

Nhớ lại tiếng kêu thảm thiết, ngân vang âm vọng, dội lên trong nửa đêm canh ba giữa quang cảnh âm u, mịt mù sương khói, hai má con cô Thanh với gương mặt trắng bệt hiện ra mù mờ dưới ánh đèn vàng lay lắt đứt quãng sáng tối.

-Anh Trần ơi ! Anh về với mẹ con em !

-Anh Trần ơi ! Anh nhớ về với mẹ con em !

Ông Trần chợt rùng mình, mồ hôi hột trên trán ông lại lấm tấm ướt và chảy xuống cái gối đang nằm gối đầu. Bà Trần nằm kế bên giờ cũng đã xoay mình uốn éo, vì bà đã tỉnh giấc và chuẩn bị một ngày mới như bao ngày, đó là dậy pha cà phê và dọn hàng ra bán.

Đồng hồ bốn mặt của chợ đã chỉ năm giờ hai mươi phút sáng.

Bà Trần ngồi dậy, bước nhè nhẹ ra khỏi phòng, vì bà tưởng ông Trần đang nằm ngủ say, chứ nào ngờ đâu, từ đầu canh ba, ông nằm ngửa, tay gác lên trán, hai mắt mở trao tráo nhìn lên trần nhà, để nhớ lại chuyện cũ, cho nên tới giờ ông vẫn chưa ngủ lại được.

***
Mùi cà phê từ bếp bay ra, bà Trần sau khi rửa mặt xong, bà bưng ra một ly cà phê sữa nóng còn bóc khói, rồi ngồi nơi chiếc ghế mây, gần cái bàn tròn hay ăn cơm, cạnh tivi.

Ông Trần giờ này còn ngủ nghơi gì được nữa, nghe mùi cà phê nên ông cũng mò đầu bước xuống lầu, để đi đánh răng.

Như thường lệ, sau khi rửa mặt xong thì ông Trần hay có thói quen bước lên lầu, ra nơi phòng thờ để thắp nhang cho cha mẹ, ông bà tổ tiên. Phần cúng kiến thần tài thổ địa thì đã có bà Trần lo, vì ngày nào bà cũng mua trái cây để cúng ông địa, bởi công việc làm ăn buôn bán.

Thắp nhang cho gia tộc họ Trần đã hơn ba đời di cư đến đất Phú Cường lập nghiệp, trước thời thực dân Pháp cho tới nay, mấy tấm bài vị bằng gỗ quý khắc tên Trần gia, càng để lâu năm thì càng sáng bóng theo thời gian. Nhất là cái tủ bằng gỗ cẩm lai và bộ lư đồng xưa, có tuổi đời hơn cả trăm năm.

Thắp nhang trong phòng thờ xong, ông Trần mở cửa ban công, để bước ra thắp nhang nơi bàn thiêng, vừa đẩy cửa ra thì ông Trần xanh mặt và hét lên một tiếng lớn, tiếng “Á...” vang lên, khiến bà Trần ngồi ở dưới nhà cũng nghe thấy.

Ánh sáng từ ngoài cửa chiếu vào, ông Trần tay run run cầm mấy cây nhang đang cháy, rớt cả tàn nhang xuống đất, mắt ông nhìn chầm chầm vào mấy dấu vết bàn chân người, in bằng máu, rõ ràng là hai vết bàn chân máu, của một người lớn và một con nít, in xuống nền gạch, từ trong phòng thờ dẫn ra ban công, bây giờ khi cúi xuống mở cửa, thì ông Trần mới phát hiện ra.

Bà Trần lúc này cũng vừa chạy lên lầu, bà lên tiếng hỏi.

-Có chuyện gì vậy ? Ông không sao chứ ? Tui tưởng ông bị điện giựt ! Làm hết cả hồn.

Cô con gái rượu, cô Lan nằm ngủ ở phòng kế bên, nghe ồn ào cũng mở cửa bước ra nhìn.

-Có chuyện gì mà ồn ào vậy má ?

Ông Trần nói lấp bấp rồi chỉ tay xuống nền nhà, tay ông run run .

-Bà..... bà......nhìn kìa, nền nhà in toàn vết chân người, dính đầy máu !

Bà Trần và cô Lan cúi xuống nhìn, thì chỉ  thấy mấy dấu chân mèo, in xuống nền gạch bông, mấy dấu chân sình đất của lũ mèo hoang.

-Mấy dấu chân mèo mà ! Ông đang nói gì vậy ? Ông hoa mắt rồi hả? Tối qua chắc là ông ra hút thuốc, rồi không khoá chốt cửa ban công lại, nên mấy con mèo hoang nó chui vô phòng chứ gì !

Cô Lan nghe bà Trần nói thì bồi thêm một câu.

-Nhiều lần con thấy ba ra đứng hút thuốc rồi quên khoá cửa lại, lần sau ba nhớ khoá, mấy con mèo hoang phía sau chợ Gà dạo này lộng hành dữ lắm !

Thật oan cho ông Trần, nhìn gương mặt tái xanh như tàu lá chuối của ông, lúc này trông thiệt thảm hại. Bà Trần lắc đầu rồi leo trở xuống cầu thang, để xuống nhà dọn hàng ra, mở cửa bán. Cô Lan đóng cửa lại để nằm ngủ nướng thêm chút nữa, vì hôm nay là ngày chúa nhật. Riêng ông Trần lù khù đi lấy cái khăn ướt, rồi lau từng dấu chân mèo, mắt ông bây giờ hoa nhoè lên vì thiếu ngủ, có lẽ ông suy nghĩ nhiều nên đầu óc trở nên bất thường.
***

Ăn sáng xong, ông Trần leo lên phòng ngủ, ông nằm đóng một giấc cho tới chiều, cái cảm giác sợ sệt bóng đêm đã bắt đầu ám ảnh trong tâm trí ông Trần.

Ông ngồi một mình trong phòng ngủ cũng phải bặt đèn, ông không dám ló mặt ra ban công đứng hút thuốc, vì sợ cái bóng ma của cô Thanh đứng dưới đường để dòm lên, nhất là khi trời tối đỏ đèn. Mặc dù, tiếng chợ búa, tiếng rao, tiếng người qua lại tấp nập, trước ngay cửa nhà, rồi tiếng khách khứa, chui ra chui vô mua đồ, họ đứng nói chuyện với bà Trần, nhưng thỉnh thoảng ông lại nghe thấy tiếng cười của con nít vọng ra từ bức tường nhà, hay ngoài phòng thờ tổ tiên, tiếng cười con nít giòn tan ấy làm ông rùng mình khiếp sợ.
***
Đồng hồ bốn mặt của chợ đã chỉ tám giờ ba mươi phút tối.

Sau bữa cơm tối, ông Trần ngồi hút thuốc coi tivi, cánh cửa sắt đã kéo khoá lại từ lúc bảy giờ, bà Trần đang lom khom dọn đồ ở sau bếp. Bỗng có tiếng gõ cửa phía ngoài, làm ông Trần giật mình, ông làm rớt điếu thuốc xuống đất. Tiếng gõ cửa vang lên nhưng ông Trần chỉ biết nhìn ra ngoài rồi sợ hãi, trán ông lấm tấm mồ hôi, nét mặt thì căng thẳng như dây đàn sắp đứt.

-Ai đó ông ? Sao ông không ra mở cửa ?

Tiếng bà Trần đang lục đục dưới bếp vang lên, vì bà nghe tiếng cửa gõ lần thứ hai.

-Ba ơi ! Mở cửa cho con !

Cô Lan nãy giờ dựng xe đạp đứng ngoài, tay vừa đập cửa, miệng vừa kêu khang cả cổ họng mà ông Trần nảy giờ vẫn ngồi im re run sợ, ông cứ tưởng là ma nên tâm thần hoảng loạn. Giờ thì ông mới nghe rõ giọng con Lan, cô con gái rượu đi chơi mới về.

-Sao nay khoá cửa sớm vậy ba ? Chưa chín giờ mà!

-Ừ thì tao sợ trộm ! Dạo này trộm cướp dữ quá !

-Nhà mình nằm ngay chợ mà ba lo gì ? Xưa nay có trộm cướp gì đâu ! Ba chỉ khéo lo xa !

Nói dứt câu, cô Lan bỏ lên phòng thay đồ, để mặc ông Trần dựng chiếc xe đạp ngay ngắn và sau đó ông bước trở ra khoá cửa nhà lại.
***
Đồng hồ bốn mặt của chợ đã chỉ ba giờ hai mươi phút sáng.

Suốt cả đêm ông Trần không ngủ, ông lục đục pha cà phê uống, rồi ngồi hút thuốc ngay chân cầu thang, ông đưa mắt nhìn ra cửa nhưng sợ tiếng gõ cửa.

Cảm giác lo lắng thấp thỏm trong ông ngày một lớn dần, dường như có một thế lực siêu nhiên nào đó, đang dẫn dụ và lôi kéo ông bước ra khỏi nhà trong đêm khuya.

Ông tuy đang ngồi hút thuốc nơi chân cầu thang, nhưng bụng thì biết chắc hai cái hồn ma, đang đứng ngoài kia, họ đứng bên kia đường để chờ ông. Rồi thỉnh thoảng ông lại nghe tiếng cười, tiếng kêu ai hờn ai oán trên mái ngói, hay tiếng khóc con nít vang lên từng hồi. Ông cũng không dám tâm sự hay nói cho bà Trần nghe, người bạn đời của ông nghe xong, thì lại bảo đó là tiếng mèo kêu. Rồi bà lại chửi ông là hoa mắt, là trông gà hoá cuốc, là ông già rồi lẩm cẩm!

Ngồi rít khói thuốc rồi suy nghĩ cả đêm, lúc này trong đầu ông Trần chợt loé lên một tia sáng giữa đêm canh ba. Ông Trần chợt nhớ tới cái ngôi đình, đó chính là đình thần Tân An ở Bến Thế.

Bởi vì có một lần ông đã cùng ông Phát Tân lên gần đây coi bói vào đúng ba tháng trước. Khi ấy, ông Phát Tân đi xem ngày giờ bốc mộ cho ba má ông, hai ông bà cụ ngày xưa chết chôn ở nghĩa trang Triều Châu đã hơn mười năm. Nay nhà nước có công văn sắp qui hoạch nghĩa trang, nên gia đình và con cháu muốn di dời hài cốt về Truông Bồng Bông. Nhưng sau đó, thầy Huỳnh Lưu phán, phải tái hỏa thiêu, rồi lấy tro cốt đem gửi vào chùa, thầy còn chỉ định rõ ràng là chùa Hội Sơn nằm ở công viên Vườn Điều.

Ngay tối hôm đó, ba má ông Phát Tân hiện hồn về và báo mộng y như vậy. Họ còn dặn dò kỹ càng rằng : “Ba má muốn vào chùa Hội Sơn nằm ở Truông Ông Đức, đừng cho ba má về Truông Bồng Bông nghen con, đừng cho ba má về Truông Bồng Bông nghen con, lạnh lắm ! lạnh lắm !”

Câu chuyện sau đó được ông Phát Tân kể lại, làm náo loạn cả đám người trong bang Triều Châu. Về sau, tiếng tâm thầy Huỳnh Lưu ngày càng vang dội. Ông Trần định bụng, sáng mai sẽ lên cầu cứu thầy Huỳnh Lưu để nhờ thầy giải trừ hai cái bóng ma kia.
***

Ông Trần chạy chiếc Honda Dream Thái, từ ngã ba Suối Giữa ông rẽ trái chạy vô cầu Bà Sảng, lên ngã ba chợ Cũ, lại rẽ trái đi thẳng về hướng Tân An-Bến Thế.

Nhà thầy Huỳnh Lưu phải đi ngang qua cổng đình Tân An, rồi chạy vòng vo cập theo con đường đất đỏ, hai bên đường là vườn trồng cây ăn trái và ruộng mía. Trước cổng nhà thầy Huỳnh Lưu có trồng một hàng cây tràm bông vàng để làm rào. Lúc ông Trần đến nơi thì đã hơn chín giờ sáng, mặt trời mọc cao trên mấy ngọn cây cau, thân cây quấn lá trầu, trồng trước sân.

Ông Trần dựng xe Honda gần trước cửa chánh có mái che bằng tole cũ. Ông định bụng đi vào trong căn nhà ba gian, để kiếm thầy Huỳnh Lưu, nhưng gần ngay đó có chiếc ghế đá và hai cô gái khoảng tầm hơn ba mươi đang ngồi chờ, nên ông đứng gần chiếc xe, ông móc gói thuốc lá con mèo và cái hột quẹt gas ra, chẹt lửa lên, để đốt thuốc lá hút. Nhìn gương mặt hốc hác và đôi mắt thâm đen của ông Trần, càng ngày càng hiện rõ lên, như hai cái đốm đen trên mắt con gấu trúc.

Tiếng gió ngoài sông thổi nhẹ vào, hàng cau trước sân nghiêng bóng dưới nắng sáng. Gần chỗ hàng ba, có gốc trâm bầu, cây cao khoảng hai chục mét, gốc cây có bán kính hơn một vòng tay người lớn ôm.

Con chó mực chạy tới chạy lui quanh khoảnh sân, nó dòm khách ra vào mà không sủa, chắc có lẽ nó đã quá quen với cảnh người lạ tới lui để xem bói. Phía sau vườn nhà, lưa thưa vài bụi chuối, xa xa là rặng tre già thưa lá, mấy con gà con cứ kêu chíp chíp vang lên bên hông nhà, chỗ gốc cây mít.

Hai cô gái ban nãy ngồi chờ ở ghế đá, giờ cũng vừa coi xong, từ cửa hai cô bước ra, rồi dắt xe đi về. Tới lượt ông Trần, lúc này đã gần giờ ngọ, nhà chẳng có ai ngoài thầy Huỳnh Lưu và ông Trần.

Ông Trần chưa bước vào cửa nhà thì thầy Huỳnh Lưu đã bước ra, trên tay thầy có cầm ba nén nhang, đang ngún khói bay lên. Thầy Huỳnh Lưu mỉm cười chào ông Trần, rồi xỏ đôi dép mũ dưới bậc thềm, thầy bước ra sân chỗ cái bàn thiên, thầy khấn vái, sau mới cấm ba cây nhang vào chiếc lư sành. Trông bộ dạng thầy Huỳnh Lưu chẳng khác một nhà sư, tóc thầy đã cạo trọc, gương mặt hiền từ nhân hậu, với đôi chân mày rậm và cái miệng lúc nào cũng mỉm cười. Tuy dáng người thầy ốm và làn da hơi đen nhăn rám nắng, nhưng thứ ấy không làm mất đi vẻ thần bí và hiền đạo của thầy.

Thầy Huỳnh Lưu bước ra khoá cửa rào cẩn thận, rồi treo lên cổng một tấm bảng đen đề ba chữ “Miễn Tiếp Khách”. Chắc bây giờ là giờ cơm trưa và ông Trần có lẽ là vị khách cuối cùng.

-Chào ông ! Ông là ông Trần phải không ?Xin mời ông vào nhà !

Ông Trần cũng không ngờ sau hơn ba tháng không gặp, mà trí nhớ thầy Huỳnh Lưu vẫn còn tốt.

-Dạ chào thầy Huỳnh ! Cám ơn thầy !

-Mời ông Trần đi theo tui vào trong.

Thầy Huỳnh Lưu đi trước, thầy Trần chân bước lững thững, nối gót theo sau.

Đáng lẽ ra mấy người khách coi bói khi nảy, chỉ ngồi ngoài gian phòng khách, có cái bàn tròn và tấm rèm mủ che, từ khoảnh sân bên ngoài nhìn vào thì cũng thấy họ sau bức rèm mỏng, nếu cánh cửa cái không đóng. Nhưng sao bây giờ thầy Huỳnh Lưu lại dắt ông Trần đi vào buồng, vén bức rèm vải ra, là một căn phòng tối om, ngoài bốn bức tường bằng ván gỗ ra thì chỉ có cái bàn vuông và bốn chiếc ghế đẩu. Tối quá, vừa từ chỗ sáng chui vào trong nên không thấy gì, lạ chỗ ông Trần định lên tiếng hỏi thì thầy Huỳnh Lưu bảo.

-Mời ông Trần ngồi trước ! ông bị ma ám đã lâu chưa ?

Giọng thầy vừa dứt, thì ông Trần như muốn ngồi sụp xuống chiếc ghế đẩu mà không cần mời. Ông Trần giờ mới biết chắc chắn rằng bản thân ông đang bị ma ám, giọng ông đứt quãng vì sợ.

-Dạ.....mà....sao thầy biết ? Tui...tui.. gặp ma đã bốn..năm bữa nay rồi !

-Xin ông Trần chờ tí xíu, để tui đốt đèn lên trước, rồi mới nói chuyện sau.

Nói đoạn thầy Huỳnh Lưu vói tay lấy chiếc lồng đèn treo trên tường gần đó và chiếc hộp quẹt diêm trao cho ông Trần rồi nói.

-Đây là lồng đèn âm dương, bên trong có cây đèn cầy, mời thầy chẹt hộp quẹt diêm rồi đốt lên giùm tui.

Ông Trần chẹt một que diêm cháy sáng lên rồi mới “điểm hỏa” cho chiếc lồng đèn. Hình ảnh giống như khai nhãn âm dương, chiếc đèn lồng hình tròn, có kích thước to hơn cái ấm nước, nó được làm bằng tre và bên ngoài dán giấy đỏ, loại giấy cách nhiệt khó cháy. Thầy Huỳnh Lưu  sau mới đem nó, treo lên giữa căn phòng.

Một cảnh tượng rùng rợn diễn ra khi ngọn lồng đèn sáng.

Dưới ánh sáng đỏ, mờ mờ ảo ảo của chiếc lồng đèn soi ra, ông Trần và thầy Huỳnh Lưu ngồi đối diện nhau. Bấy giờ ông Trần mới nhìn thấy rõ căn phòng có treo mười hai chiếc lồng đèn đỏ, tượng trưng cho mười hai con giáp. Và ông càng ngạc nhiên hơn là vì, cái lồng đèn mà ông vừa điểm hỏa để khai nhãn âm dương cho nó, thì đáy lồng đèn có treo lủng lẳng hình của một chú chó, trùng với năm sinh của ông, tức năm Bính Tuất 1946.

Phía trên bức tường gỗ, có dán nhiều tấm phù, khổ giấy dài hình chữ nhật, giấy màu vàng, mực đen mực đỏ, chữ viết nguệch ngoạc khó coi. Rồi phía sau bức tường chỗ ông Huỳnh Lưu ngồi, có treo một bức họa hình một ông lão, tay trái cầm sách, tay phải cầm cây bút lông ngỗng, vẻ người thiết diện vô tư, châm chú nhìn xuống cuốn sách để điểm tên, kêu người trần về cõi âm phủ. Người  trong tranh đó, không ai khác chính là ông Phán Quan.

Ông Trần ngồi nói chuyện với thầy Huỳnh Lưu, trong vòng khoảng thời gian hơn một canh giờ. Khi ấy đã qua giờ mùi, mặt trời chiếu một góc, xoay hai mươi độ trên đầu ngọn cây mít, bên hông nhà. Dĩ nhiên câu chuyện xem bói của thầy Huỳnh Lưu sẽ được ông Trần giữ kín, để phòng ngừa những chuyện xui xẻo hay tai ương ập đến với ông, đơn giản bởi vì “Thiên cơ bất khả lộ.”

Thầy Huỳnh Lưu trao cho ông Trần hai chiếc lồng đèn và bỏ vào hộp giấy car-ton đóng gói cẩn thận, bên ngoài còn trùm bọc ni-lông vì sợ nước ướt. Đó là hai chiếc lồng đèn đỏ, một lớn một nhỏ, có dán lên hai lá bùa màu vàng, sau đó thầy còn dặn đi dặn lại.

-Ông Trần hãy nhớ lấy lời tui nói, ông đem về treo trước cửa chính hoặc gác lầu vào đúng sáu giờ tối hôm nay, và phải treo cho tới đúng hoặc hơn ba ngày sau thì mới được tháu xuống, khi tháu xuống hãy nhớ đem đốt hai cái lồng đèn vào giờ ngọ giữa trưa. Nhớ là giờ ngọ giữa trưa !

Ông Trần, sau cuộc trò chuyện tâm sự, giải mã những khuất âm mà chỉ có một mình thầy Huỳnh hiểu, chuyện này nếu nói ra cho bà Trần hoặc người khác nghe thì họ sẽ bảo ông điên, ông lú lẫn....Giờ như được mở cờ trong bụng, thì dĩ nhiên ông Trần vui lắm, ông như nhẹ gánh, và chỉ chờ thêm ba bữa nữa thôi, ông sẽ tiễn hai mẹ con cô Thanh đi về trời, để họ khỏi theo ám ảnh ông.

Ông Trần dùng sợi dây ni-lông buộc hai cái thùng giấy car-ton đựng lồng đèn ở phía sau yên xe cho thiệt chắc, sau mới vẫy tay chào tạm biệt thầy Huỳnh. Ông Trần leo lên yên xe trước ngồi, mở chìa khoá xe, đề ga nổ máy, rồi đạp số phóng xe đi ra khỏi khoảnh sân đất, ông quẹo trái theo đường cũ để về chợ Thủ.

Thầy Huỳnh Lưu tiễn ông Trần ra sân, mắt thầy đâm chiêu buồn nhìn theo ba cái bóng khuất xa xa, rồi biến mất theo khúc cua, thầy ngước lên nhìn trời xanh, đau lòng mà phán.

-Ai sẽ cho hai má con cô một danh phận ?

Gió ngoài sông thổi lồng lộng vào căn nhà ba gian nằm giữa ruộng đồng, đâu đó có tiếng gà gáy trưa, có con đường đất đỏ cong cong uốn uốn theo mé sông nằm nghiêng nghỉ. Bên phía ngoài bờ rào là bãi mía vườn dâu, chắc có lẽ nơi đây là Bến Chành, “Bến” của một khoảng đời buồn hay “Chành” của chạnh lòng xưa cũ, với bao nỗi niềm ủ rũ, theo mây cuốn đi về đâu ?
******
******
Ông Trần về tới nhà với khuôn mặt vui vẻ khác thường, ông còn ân cần hỏi han bà Trần đã ăn cơm chưa. Sau khi đẩy chiếc xe Honda vô nhà, ông tháu dây ni-lông, bưng hai cái thùng car-ton đựng lồng đèn rồi khệ nệ xách lên trên lầu.

Ông coi đó như hai món bảo vật và dặn trước với bà Trần là không được đụng tới, sau mới đem cất vào một góc nơi gian phòng thờ, để chờ tối nay, khi mặt trời lặn, ông sẽ treo nó lên.
***
Đồng hồ bốn mặt của chợ đã chỉ năm giờ bốn mươi lăm phút chiều.

Ngay ngã tư giao nhau giữa hai con đường Nguyễn Thái Học và đường Ngô Tùng Châu dòng người bị kẹt dồn ứ lại vì hai chiếc xe ba gác máy đang bốc đồ hàng bông lên xe. Mấy chị mấy má đi chợ, đẩy xe đạp hướng từ trong chợ Gà ra, la lên chí choé, “tới đi chú ơi !” “Ai mà đứng giữa đường giữa xá như dzậy.” Mấy cô hàng bún không biết có rửa tay hay chưa, mà dùng tay trần bốc bún từ giỏ cho vào túi ni-lông, rồi bỏ lên cái cân để cân cho khách. Cảnh người xe tấp nập kéo dài xuống ngã ba giao nhau với đường Bạch Đằng thiệt nhộn nhịp.

Bà Trần ngồi dưới nhà đưa mắt nhìn ra đường, khung cảnh của chợ chiều làm bà quên cả nồi canh chua cá bông lau đang sôi ùng ục trên bếp.

Ông Trần thấy nắng chiều đã tắt dần trên đầu của cái đồng hồ bốn mặt, nên ông mở thùng giấy car-ton đem hai chiếc lồng đèn màu đỏ, một lớn một nhỏ đem ra treo gần trước cửa ban công nằm trên lầu.

Hai chiếc lồng đèn đỏ nhìn xa xa trông thật ngộ nghĩnh, nếu để ý kỹ sẽ thấy hai lá bùa màu vàng dán lên trên đầu của hai chiếc lồng đèn. Gió chiều từ hướng sông Bạch Đằng, từng cơn từng cơn thổi vào làm chúng dập dìu rung rinh, rồi xoay tròn như hoa chóng xoay.

Bà Trần thấy hai chiếc lồng đèn đẹp và ngộ đến lạ lùng, bà thắc mắc hỏi, thì ông Trần bảo của ông Triệu Hưng bên bang Quảng Đông cho, nghe xong bà Trần cũng không tin bà nghĩ bụng “ ông Triệu Hưng xưa nay keo như quỷ, lại có bà vợ là người  Triều Châu trùm kiết, nay tự dưng mắc phong hay sao mà tặng cho chồng bà hai cái lồng đèn.” Và rồi bà cũng mặc kệ, vì ông Trần kêu bà đừng đụng tới thì bà cũng chẳng thèm quan tâm chi nữa. Riêng phần cô Lan, cô con gái rượu cũng ít khi ra ngoài ban công đứng, nên ông Trần cũng yên tâm phần nào.

Ông Trần nội bất xuất, ngoại bất lí. Ông ở nhà ăn no rồi đứng nhìn lồng đèn, ông canh giữ khư khư hai cái lồng đèn chẳng khác gì một món bảo vật, vì nó liên quan tới sinh mệnh của ông. Ông Trần chỉ mong sao cho ba ngày trôi qua thật mau để ông tự tay đem hai cái lồng đèn kia ra giữa đường đốt vào giữa trưa giờ ngọ.

Ngày thứ nhất khi treo chiếc lồng đèn lên khiến nhiều người hiếu kỳ, nhất là mấy bà mấy cô bán cá dưới nhà lồng chợ Cá cứ xôn xao, họ bàn tán. Người thì bảo chắc cô Lan sắp lấy chồng nên nhà ông Trần treo đèn lồng đỏ, người thì nói chắc ông Trần làm ăn phát đạt nên năm nay treo liền hai cái lồng đèn Sinh Ý Hưng Long lên cùng một lúc. Tất cả đoán non ra già, đoán già ra non, riêng chỉ có thầy Huỳnh Lưu  và ông Trần là hai người biết rõ, hai chiếc lồng đèn kia đang nhốt vong hồn của hai mẹ con cô Thanh.

Ngày thứ hai cũng ít người chú ý, vì hàng xóm lo buôn bán và người đi chợ qua lại dưới đường cũng ít khi ngó lên trên lầu, chỗ ban công nhà ông Trần. Chiều hôm ấy có con mèo đen cứ lảng vảng trên mái ngói nhà ông Trần, gần chỗ treo hai chiếc lồng đèn, nó đứng lì mặt ra đó, đuổi mãi mà không đi, nó kêu lên từng tiếng “meow...meow” như than khóc, làm ông Trần nổi điên. Ông vác đá rồi chọi lên mái nhà, đá lăn xuống xém trúng đầu cô bán trái cây dạo dứng dưới đường, lúc này con mèo đen khốn kiếp kia mới nhảy vọt biến đi đâu mất xác.
***

Đồng hồ bốn mặt của chợ đã chỉ mười giờ ba mươi phút tối.

Dưới nhà cửa đã khoá, bà Trần sau khi dọn dẹp bếp nút và tắm rửa xong, bà bước lên lầu đi vào phòng ngủ và nằm chuẩn bị vỗ giấc sau một ngày buôn bán vất vả. Bà tranh thủ ngủ nghỉ sớm, vì sáng mai còn phải kiểm kê hàng hoá và cộng sổ sách. Cô Lan phòng kế bên cũng đã ngủ say, bởi ngày mai cô có cuộc họp ở trường. Riêng ông Trần thì vẫn còn ngồi hút thuốc lá xem tivi dưới nhà.

Trên con đường Nguyễn Thái Học giờ này đã không còn người qua lại, cây đèn vàng lay lắt màu sáng tối ngay góc ngã tư gần nhà thuốc đông y Thiên Thọ Đường bỗng kêu lên mấy tiếng “xẹt xẹt” như chập điện, nó chớp nháy vài cái sau đó tắt luôn.

Gió ngoài sông Bạch Đằng thổi lên, bầu trời đen cuồn cuộn như biết nói, thỉnh thoảng có một cơn sấm chớp nổ lên. Trên nền trời đen, lóe sáng hình nhánh cây, bầu trời đen đỏ ửng rồi vụt tối. Mấy cái bịch xốp, lá khô...bị gió thổi bay tốc lên giữa đường, rồi cuốn bay cao theo đợt gió thứ hai mất hút vào khoảng không đen sau mái ngói cũ.

Ngoài trời đang báo hiệu một cơn mưa sắp đến, cơn mưa đêm.

Ông Trần nghe tiếng sấm chớp liền vội dụi đầu thuốc lá vào cái gạt tàn thuốc trên bàn, chưa kịp tắt tivi ông nhanh chân chạy lên lầu, hướng ra phía ban công để thâu hai chiếc lồng đèn vô, vì sợ mưa ướt.

Vừa mở cửa bước ra ban công, nhìn lên trần của mái hiên thì ông xanh mặt, vẻ lo âu ngơ ngác vì không thấy hai chiếc lồng đèn đâu. Ông Trần nhìn dáo dác xung quanh rồi nhìn xuống đường, thì mới hoảng hồn khi trông thấy hai chiếc lồng đèn đang bay lơ lửng phía dưới con đường Nguyễn Thái Học.

Dưới con đường mờ mờ sáng có hai chiếc lồng đèn đỏ đã điểm hỏa chiếu sáng bay lơ lửng qua lại trước cửa nhà ông Trần.

Ông Trần sợ gió sẽ thổi hai chiếc lồng đèn bay mất nên ông chạy ngược xuống cầu thang, ông chụp lấy xâu chìa khoá treo phía sau cây cột gỗ nằm kế chân cây cầu thang, rồi bước nhanh ra mở cửa.

Ông Trần chạy theo để nắm lấy hai chiếc lồng đèn đang bay lơ lửng, nhưng khi giơ tay ra định chụp lấy thì chúng lại bay đi, chúng bay về hướng ngã ba gần nhà lồng chợ Cá, ông Trần lúc này như bị thôi miên, đôi mắt ông lờ đờ như người mất hồn, chân ông bước theo hai chiếc lồng đèn rồi đi về hướng mé sông, ông bước lên nhà lồng chợ Cá.

Ông Trần một mình đứng hai chân trên lan can sắt của nhà lồng chợ Cá, ông hét lên một tiếng thật lớn, rồi nhảy chúi đầu xuống sông, trong đôi mắt ông loé lên hai cái bóng màu đỏ. Con nước lớn bồng bềnh  trên sông cạnh nhà lồng chợ Cá, chỗ ông Trần vừa nhảy xuống, cũng hiện rõ hai cái bóng của hai chiếc lồng đèn đỏ sáng lung linh trên mặt nước, rồi biến mất sau làn mưa rơi.

Cơn mưa đêm ào ạt rơi xuống, cả phố chợ....cả con đường...cả khung trời...ngập tràn trong tiếng mưa đêm.

***

Ba hôm sau, vào một buổi sáng sớm, những người đi tập thể dục trên con đường Bạch Đằng, đã nhìn thấy xác ông Trần nổi lên gần nhà hàng Nổi. Xác ông nằm ngửa, cái bụng phình to ra, căng chật cứng cả chiếc áo thun ba lỗ màu trắng, cái quần ka-ki có hai cái túi hộp màu đen quen thuộc. Mặt ông Trần có vết  thương to giữa trán như vết dao chém. Sau đó, khám nghiệm pháp y cho biết là đầu ông va vào trụ cọc bê tông dùng để buộc ghe thuyền, có lẽ trong lúc ông nhảy từ trên nhà lồng chợ Cá xuống nước.

Những tin đồn xôn xao của xóm chợ Cá, và những câu hỏi tại sao xác ông Trần lại không trôi xuôi dòng, theo con nước để về xóm Lò Heo gần cây cầu Thủ Ngữ, hoặc vào rạch Hương Chủ Hiếu, mà lại trôi về chiếc ghế đá gần nhà hàng Nổi. Có phải ông muốn tìm về kỷ niệm của những ngày yêu cũ, bên chiếc ghế đá và ngôi nhà hàng Nổi thân thuộc, đã cùng cô Thanh chăng ? Rồi có người lại giải thích rằng xác ông vướng vào cọc khi con nước ròng, rồi hai ba bữa nay do trời mưa lớn nên khi nước sông dâng lên thì xác ông trôi ngược về lại đây.

***
Câu chuyện Trần gia treo lồng đèn đã hơn hai mươi lăm năm trôi qua, nhưng chưa bao giờ nó làm con tim của những người con, sinh ra và lớn lên trên ngôi chợ Thủ này quên đi vùng đất ấy. Dù có chen chân hay mọc rể ở một phương trời xa lạ nào của năm châu lục, thì họ vẫn nhớ về đất Thủ, cũng như tôi đang nhớ và viết về một câu chuyện.....TRẦN GIA QUA ĐĂNG LUNG.