“XIN CẢM ƠN nhà thơ XUÂN QUỲNH”
GS Trần Anh

 Chàng và nàng thật xứng đôi. Họ yêu nhau từ hồi còn học trung học. Lớn lên, khi đã đi làm, tình yêu của họ vẫn tiếp tục thăng hoa...và họ cưới nhau. Nàng về làm dâu nhà chàng. Chàng là con một của một gia đình khá giả. Ba chàng mất khi chàng còn nhỏ, còn mẹ chàng quyết không "đi bước nữa”, mà nguyện sống trọn vẹn phần đời còn lại bên cạnh người con trai duy nhất của mình. Mẹ cưng chàng vô cùng, và chàng thương mẹ vô hạn!
     Nàng làm dâu trong nhà một cụ bà 80 tuổi, cưng con trai, nghiêm khắc với mọi người, trừ con trai mình...
     Cuộc sống của vợ chồng nàng sẽ hoàn hảo, nếu như không có sự hiện diện của mẹ chồng. Bà nghiêm khắc thật! Mà nói là bà khó tính cũng đúng! Một tiếng cười lớn của nàng, cách úp chén của nàng, kiểu quét nhà của nàng, món trứng chiên của nàng ...đều bị mẹ chồng góp ý; thậm chí nàng âu yếm chồng cũng làm bà chẳng hài lòng! ...
     Tất cả điều đó làm nàng chịu đựng,  đau khổ và khóc ...Có lần, nàng thổ lộ với chồng mọi đau khổ của mình vì mẹ chồng, chàng bảo: “Em đừng để ý đến điều đó, hãy yêu thương và làm theo ý mẹ, mẹ già rồi, người già nào cũng vậy thôi!...”
     Mà rõ ràng là nàng không chịu nổi, nên có lần nàng "bật" lại với chồng:  “Bao giờ anh cũng bênh vực mẹ, chẳng yêu em. Kiểu nầy mà cứ tiép tục có lẽ đến một ngày, chúng ta sẽ phải chia tay..."
      Từ đó, nàng phàn nàn gì về mẹ chàng, chàng cũng yên lặng. Tất nhiên, chàng không góp ý với mẹ, bởi chàng hiểu mẹ mình: tuy khó tính, nghiêm khắc, thẳng thắn, nhưng rất thương con dâu. Mà người già là thế!...Còn giải thích với nàng về mẹ, về sự "khó tính” của mẹ đối với nàng dâu thì chàng không thể, bởi nàng đang nặng mang “thành kiến”: chàng luôn bênh vực mẹ chàng. Cho nên, chàng yên lặng, và chịu đựng...với nỗi buồn giấu kín.    
Ngoài giờ đi làm, chàng thường sang tác thơ, văn...Bài viết của chàng thỉnh thoảng cũng có bài hay, đăng báo... Nàng rất thích đọc thơ văn của chồng, nhất là " đọc trộm " bản thảo của chàng, đọc lén những bài mà chàng chưa công bố... Chàng biết điều đó, nhưng giả vờ như không biết là vợ đọc lén những bản thảo của mình ...Có lẽ nàng cũng tin là chồng không biết sáng tác mình đã bị vợ đọc lén khi nó còn nằm trên bản thảo...
      Một hôm, trong bản nháp của mình, thay vì làm thơ, chàng lại chép thơ. Chàng chép lại trọn vẹn, viết nắn nót thật đẹp, bài thơ "Mẹ của anh” của nhà thơ Xuân Quỳnh:
   “Phải đâu mẹ của riêng anh,
 Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi!
  Mẹ tuy không đẻ, không nuôi,
 Mà em: ơn mẹ suốt đời chưa xong.
Ngày xưa, má mẹ cũng hồng,
Bên anh, mẹ thức lo từng cơn đau,
Bây giờ, tóc mẹ trắng phau,
Để cho mái tóc trên đầu anh đen .
 Đầu con dốc nắng , đường quen ,
 Chợ xa, gánh nặng, mẹ lên mấy lần.
 Thương anh, thương cả bước chân,
 Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao.
Lời ru mẹ hát thuở nào,
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh.
Nào là hoa bưởi, hoa chanh,
Nào là quan họ, mái đình,cây đa ..
Xin đừng bắt chước câu ca,
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau!
Mẹ không ghét bỏ em đâu,
Yêu anh, em đã là dâu trong nhà...
 Em xin hát tiếp lời ca,
 Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn.
 Há tình yêu của chúng mình,
 Nhỏ nhoi giữa một trời xanh không cùng...
 Giữa ngàn hoa cỏ núi sông,
Giữa lòng thương mẹ mênh mông, không bờ...
Chắt chiu từ những ngày xưa ,
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.”
                                (1942 - 1988)
Chép xong bài thơ của Xuân Quỳnh, chàng xếp tập nháp lại như thường ngày, giống như mình vừa sáng tác xong một bài thơ...
      Trưa hôm sau, khi đi làm về, chàng vừa đặt chân vào nhà, nàng đã vội bước nhanh ra, lao thẳng vào, ôm chặt cổ chàng và thì thầm vào tai chàng: “Anh ơi! em đã hiểu rồi:
  Phải đâu mẹ của riêng anh ,
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi ! ..."
        Chàng nghe niềm vui sướng chạy dài từ đầu đến chân mình. Vậy là mình đã thành công, và xin cảm ơn nhà thơ Xuân Quỳnh ...
                               TRẦN ANH