Vần thơ tích tự

GS TRẦN ANH


1/. TRỜI TÂY BỖNG NHỚ CHỮ NHO

“Lúa”(禾)vàng màu hoả (火) sắc mùa “thu” (秋) (1)
“Tâm” (心 )nghĩ tới “thu” (秋) mặt ủ “sầu”(愁) (2)
Ba “miệng” (口) hợp nhau thành bình “phẩm“ ( 品) (3)
“Hảo”(好) từ lòng tốt nữ (女 )bên “con” (子)! (4)
Chữ “tình” (情) “tâm” (心) cảm sắc «xanh » (青) (5)
“Ái ân” (愛恩) luôn giữ chữ “tâm” (心) bên mình... (6)
Tuyệt thay rồng vẽ chữ “linh”, (靇) (7)
Dưới mưa (雨), long (龍) nép bóng hình ẩn sâu..
                        TRẦN ANH
             (Canada, 23/10/2020)
(1) 禾(hoà): lúa, ghép với 火(hỏa): lửa, thành chữ 秋(thu): mùa thu. Khi lúa chín vàng như lửa, đó là lúc mùa thu.
(2) 心 (tâm: tim, lòng) ghép với chữ 秋 (thu: mùa thu) thành chữ 愁 (sầu: buồn). Lòng người khi ngắm mùa thu sẽ buồn sầu.
(3) 3 chữ 口(khẩu: miệng) hợp lại thành chữ 品(phẩm: bình phẩm). Miệng 3 người tụ lại sẽ tạo nên lời bình phẩm.
(4) 好(hảo: tốt) là đo ghép chữ 女 (nữ: đàn bà) với chữ 子(tử: con). Người phụ  nữ luôn tốt bên con mình.
(5) Chữ 情 (tình: tình cảm) là do ghép chữ 忄(tâm: lòng người. Đây là chữ 心 tâm viết đứng). Lòng người cảm thấy sắc xanh, màu của sự sống. Đó là tình!
(6) Trong chữ 愛 (ái: yêu) có chữ 心 (tâm:tim, lòng) nằm ở giữa, trong chữ 恩(ân: ơn), có chữ 心 nằm ở dưới. Chuyện ái ân có được là ở trái tim!
(7) Chữ 靇 (linh: linh thiêng) được ghép bởi 2 chữ: 雨(vũ: mưa) và 龍(long: rồng). Rồng dưới mưa đã tạo được điều linh thiêng.

 2/.  HỘI Ý TRONG CHỮ NHO

“Nguyệt”月 giữa chữ “môn”門 tạo cảnh  “nhàn” 閒, (1)
“Nhựt”日 vào thay “nguyệt 月 biến thành “gian” 間.(2)
Bên con 子 phái “nữ“ 女 là tuyệt hảo 好 (3)
“Nữ” 女 dưới mái nhà 宀 (4) nhà, gia tắc “an”安.
Tánh xấu đàn bà thường lắm chuyện,
Ba “nữ”女 chụm vào, tạo chữ “gian” 姦 (5)
Đàn bà ỏng ẹo  hay làm biếng,
Chữ “lãn” 孏 do nàng 女 tựa gốc lan 蘭 (6)
Rỗi rãnh lạm bàn nghĩa chữ nho,
Xem tới, xem lui, thích chữ ”nhàn” 閒
                            TRẦN ANH
                 (Canada,20/09/2020)

(1) Nghĩa bóng: ánh trăng hiện trước cửa, ấy là nhàn.
(2) Nhìn ra cửa 門(môn: cửa) thấy mặt trời 日(nhựt: mặt trời, ngày), đó là 間 (gian: khoảng không, không gian)
(3) Chữ 女(nữ: đàn bà) cạnh chữ 子(tử: con) tạo thành chữ 好(hảo: tốt). Nghĩa bóng: người đàn bà luôn luôn tốt với con.
(4) Nghĩa bóng: dưới mái nhà 宀(miên: mái nhà), có 女 (nữ) người đàn bà sẽ có được 安(an) sự bình an.
(5) Nghĩa bóng: 3 phụ nữ gặp nhau thường bàn chuyện “gian” 姦 (chuyện xấu)
(6) “Lãn” 孏 (làm biếng) tạo thành do chữ 女(nữ) bên cạnh chữ 蘭 (lan: hoa lan). Nghĩa bóng: người phụ nữ bên hoa lan mải mê thưởng thức, biếng nhác công việc.

3/ CHỮ NHO

Chữ Nho thường đọc để đừng quên:
Cổ học thâm sâu, nghĩa vững bền...
Chữ “nhẫn”: (1)”đao” đâm “tim” 1 nhát,
Trơ gan chịu đựng chẳng hề rên...
Chữ “nhàn”: (2)giữa cửa trăng vằng vặc,
Chữ “cổ”: (3) 10 lần miệng nói lên...
Hội ý, chữ nho đầy thâm thuý,
Chỉ buồn phận nó quá lênh đênh!...
                         TRẦN ANH
             (18/10/2028, Canada)

Ghi chú:

(1) Nhẫn(忍): (chịu đựng) gồm chữ “đao”(刀) là dao và chữ “tâm”(心) là tim, nghĩa là: dao đâm vào tim vẫn cố chịu được ấy là “nhẫn”.
(2) Nhàn (閒): nhàn nhã, gồm chữ “môn”門(cửa) và chữ “nguyệt”月(trăng), nghĩa là qua cửa thưởng thức  được ánh trăng, đó là “nhàn”.
(3) Cổ 古 (xưa, cũ) gồm 2 chữ: “thập”十(mười) và “khẩu”口(miệng), nghĩa là điều gì được từ miệng nói lên 10 lần ấy là xưa, là cũ rồi!

4/. TỰ BẠCH

Ban đêm trời vẽ chữ “nhàn”, (1)
Giữa khung cửa rộng bạc ngàn ánh trăng!...
Ban ngày nhẹ bước lang thang,
Ngắm hồ thơ mộng, viết trang “thơ nhàn”...
Trời cao ban tặng chữ “an”, (2)
Mái nhà đầm ấm với nàng vợ yêu,
Cháu con hiếu (3) thảo, sớm chiều
Thong dong hạnh phúc, tình yêu đậm đà!...
Chốn trần rèn luyện vị tha,
Người thân, khách lạ... chan hoà mến thương...
Trời Tây cách trở quê hương,
Tháng năm viễn xứ, vấn vương tình nhà!...
                        TRẦN ANH
          (Canada, tháng 9/ 2020)

(1) Trong chữ Nho, “nhàn” 閒 là từ “hội ý” được tạo thành bởi 2 chữ: 門(môn) là “cửa” và 月(nguyệt) là trăng. Nghĩa là: “trăng đến cửa là nhàn”.
  Nguyễn Công Trứ từng có 2 câu thơ chiết tự chữ nổi tiếng:
 a/    市  在  門  前    閙
    Thị tại môn tiền náo
  b/  月   來   門    下    閒
 Nguyệt lai môn hạ nhàn

Nghĩa là:

   a/ “Chợ ở trước cửa là náo” (Chữ  “巿“(thị: chợ) đặt ở chữ “門“ (môn: cửa) thành ra chữ 閙(náo: ồn ào)
   b/ “Trăng đến cửa là nhàn“ ( chữ 月nguyệt: trăng, đặt ở chữ 門 môn: cửa, thành ra chữ 閒 nhàn)
2/ Chữ “安”(An) gồm bộ Miên 宀 ( mái nhà) ở bên trên và bộ Nữ 女 ( đàn bà, con gái, phụ nữ ) ở bên dưới. Đây là chữ hội ý, bao hàm ý nghĩa: “Người phụ nữ ở trong nhà là an toàn nhất”.
3/ Ý nghĩa của chữ “Hiếu”:
Xét theo từ nguyên, có ý kiến cho rằng chữ Hiếu 孝 bắt nguồn từ hình ảnh một người con gánh cha mẹ già đi đường, nghĩa là “hiếu thuận”, vì chữ “Hiếu”孝 gồm hai bộ phận, phía trên là 1 phần của chữ Lão 老 chỉ cha mẹ già, phía dưới là chữ Tử 子 chỉ con cái, nét sổ từ phải qua trái là hình cây đòn gánh. Hiểu rộng ra, chữ “Hiếu” còn thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa lớp người trưởng thượng và con cháu của họ, một mối quan hệ chặt chẽ: con cháu luôn tôn kính, hiếu thuận với bậc sinh thành.
   Lại có ý kiến nhận định chữ Hiếu 孝 được kết hợp bởi chữ thổ 土 là Đất, nét sổ xiên từ phải sang trái là hình cây roi, và chữ Tử 子 là con, nghĩa là đứa con chịu nằm xuống đất và để cây roi trên mình cho cha mẹ đánh để dạy dỗ. Đó là đứa con có hiếu. Lối giải thích từ nguyên này cũng có những nét đặc sắc và gần gũi với nền giáo dục trẻ tại Việt Nam ngày trước “Thương cho roi cho vọt”. Dù hiểu theo cách nào thì chữ “Hiếu” cũng là phạm trù đạo đức, thể hiện quy tắc ứng xử hết lòng thờ cúng cha mẹ, tổ tiên.
 Ca dao ta có câu:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
                      TRẦN ANH