NHỮNG TRẢI NGHIỆM CUỘC SỐNG (9)
(Bồi dưỡng học sinh giỏi (1))
Gs Nguyễn Thị Tâm

    Tôi ra đứng lớp một thời gian, vẫn dạy ở Phú Cường 2. Phòng Giáo dục yêu cầu các trường bồi dưỡng học sinh giỏi Anh văn cấp 2. Năm đầu tiên Thị xã không có học sinh giỏi nào. Phòng Giáo dục đổi người bồi dưỡng. Tôi được mời cùng với anh Tấn Thạnh, giáo viên chuyên dạy Anh văn từ xưa đến nay. Có lần tôi bồi dưỡng với cô Phụng, một giáo viên ở Hiệp Thành 1.
    Năm thứ nhì bắt đầu có học sinh giỏi và từ đó trở đi năm nào cũng vậy. Về sau Phòng Giáo dục Thị xã thấy đa số các em vào vòng Thị là học sinh trường tôi nên giao hẳn cho một mình tôi bồi dưỡng các em thi vòng Thị, vòng Tỉnh.

    * Bồi dưỡng học sinh giỏi cấp 2
    Lúc đó tỉnh Bình Dương có 7 Huyện và 1 Thị xã. Nghĩa là có tất cả 8 Huyện Thị. Ở trường, học sinh các lớp đấu với nhau. Những em giỏi nhất của trường sẽ được đưa đi thi vòng Cụm, giữa các trường với nhau. Về sau vòng Cụm bỏ, không thi nữa. Các học sinh giỏi trong Thị, thi vòng Thị. Các học sinh giỏi trong Huyện, thi vòng Huyện.
    Riêng ở Thị xã, vòng Thị nhận 10 em đậu điểm cao nhất, có thêm 1 dự khuyết. 5 em đậu điểm cao nhất và 1 dự khuyết sẽ được thi vòng Tỉnh.
    Tôi dạy học sinh thi vòng Tỉnh ngay tại Phòng Giáo dục Thị xã. Tất cả các em giỏi của các trường vào được vòng Thị đều phải tập trung về đây. Lúc này ngoài học sinh giỏi của trường, tôi dạy thêm một số học sinh giỏi của các trường khác.
    Trong 8 Huyện Thị này, mỗi huyện thị sẽ đưa ra 5 học sinh giỏi Anh văn nhất. Tổng cộng tất cả 40 em. 5 em cao điểm nhất sẽ đi thi vòng Tỉnh và thêm 1 em dự khuyết nữa là 6.
    Tôi hoàn toàn không được hướng dẫn gì về các kỳ thi, cách thi, nội dung thi. Tôi phải tự mình lo liệu tất cả. Coi như phòng Giáo dục giao hoàn toàn trách nhiệm cho người bồi dưỡng.
    Tôi phải đi đến tất cả các tiệm sách ở Bình Dương để tìm sách dạy. Các sách cũ đã bị tịch thu hết rồi. Khi thấy chương trình mà tôi tự đề ra dạy, một giáo viên dạy tiếng Anh đã từng du học ở Úc về phải kinh ngạc. Cô ấy hỏi: “Sao nội dung nhiều và khó quá vậy?”. Mình phải bao đầu bao đuôi vì đâu có chương trình hướng dẫn nào. Phải tự quy định nội dung thi.
    Sau khi nhận học sinh đậu vào vòng Thị của các trường tập họp lại, tôi cho các em làm một bài luận để đánh giá tổng quát. Tôi chấm điểm, trả lại bài và chỉ dẫn những chỗ còn sai sót. Tôi báo cho Phòng Giáo dục biết các em có những ưu khuyết điểm nào.
    Có 1 năm, một em lớp 8 đậu vào vòng Thị. Nhiều người khen vì em mới học lớp 8, thi với lớp 9 vẫn đạt. Sau khi chấm bài luận của em tôi rất thất vọng. Tôi bắt đầu tìm hiểu và khám phá ra em này làm được những phần thi nằm ở lớp 8. Những nội dung còn lại ở lớp 9 là do các em lớp 9 giúp.
    Trường của tôi lúc đó là trường điểm của Thị, lúc nào cũng có học sinh giỏi, kể cả các bộ môn khác. Sau kỳ thi vòng Thị mỗi năm, các phụ huynh học sinh trường tôi thường mời tôi dạy kèm thêm cho con em họ, ngoài giờ đi học bồi dưỡng ở Phòng Giáo dục. Họ hy vọng con em họ sẽ thắng những em còn lại vì được học đến 2 phần.
    Tôi sợ nhất là khi đi thi, lúc đó đầu óc các em trở về số không. Các em nói không hiểu sao đầu các em trống rỗng, không nhớ gì hết nên không làm bài được. Có em học rất giỏi nhưng không bao giờ đạt được vì các em choáng khi thay đổi môi trường. Ở nhà học rất giỏi, đến nơi khác không nhớ gì hết.
    Có em gặp câu hỏi khó không ai làm được đều làm đúng hết. Các câu hỏi dễ lại làm không được. Một số em ở trường khác cùng dự thi, phô trương nói tiếng Anh với nhau làm cho đối phương e ngại. Tôi bảo các em cứ bình tĩnh, chưa gì đã sợ dễ thua lắm.

    * Nghĩa vụ và trách nhiệm
    Các giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi ở tất cả các bộ môn chỉ được lãnh phụ cấp tượng trưng. Một số giáo viên các bộ môn khác cho rằng như vậy mình bị thiệt thòi. Tôi an ủi họ: “Chỗ nào để lấy tiếng thì lấy tiếng, chỗ nào để lấy tiền thì lấy tiền. Cố gắng bồi dưỡng nhiều học sinh đậu. Có tiếng thì tha hồ dạy thêm”.
    Thi vòng Tỉnh môn Anh, các học sinh Thị xã có thể chiếm từ 1 đến 4 em. Có khi chiếm luôn cả hạng dự khuyết là hạng 6. Đây là thời kỳ vàng son của Phòng Giáo dục Thị xã Thủ Dầu Một.
    Bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 9 một số các môn do tôi và 3 cựu học sinh Trịnh Hoài Đức đảm nhận:
    - Em Huỳnh Kim Cương khóa 12 THĐ bồi dưỡng Đại số.
    - Em Lê Thị Trung, khóa 13 THĐ bồi dưỡng môn Lý.
    - Em Lê Minh Chánh khóa 15 THĐ bồi dưỡng môn Hóa.
    - Tôi bồi dưỡng môn Anh.
    Trước khi các em thi vòng Tỉnh, tôi phải dự báo cho Phòng Giáo dục sẽ có bao nhiêu em đạt điểm vào vòng này. Làm sao có thể biết được 35 em học sinh giỏi của 7 Huyện như thế nào để so sánh, đánh giá với học sinh của mình. Đó là do tiên đoán theo kinh nghiệm. Và tôi đoán khá chính xác.
    Nếu các em đậu ít người bồi dưỡng chịu trách nhiệm trước Phòng và Trường. Các em đậu nhiều đương nhiên Phòng Giáo dục được hưởng trước, được cấp trên khen thưởng. Nhiều khi vừa thi xong, những người có trách nhiệm hỏi, các em khiêm tốn nói tạm được, họ thất vọng ra mặt...
    Sau này trường tôi biến thành trường bán công, tập trung những học sinh thường, yếu kém nên không còn học sinh giỏi nữa. Tôi vẫn tiếp tục bồi dưỡng cho Phòng. Vài năm sau giao lại cho các trường có học sinh giỏi.
    * Đố vui để học
    Ngoài việc bồi dưỡng học sinh giỏi, tôi còn được yêu cầu báo cáo cách dạy một tiết học tiếng Anh cho đồng nghiệp khác minh họa.
    Chúng tôi tổ chức đố vui để học theo yêu cầu của Phòng. Chấm điểm có nhiều giám khảo, sau cùng tôi phải gồng gánh tất cả. Thường các giáo viên chỉ dạy một cấp lớp nên hiếm khi nghiên cứu nội dung các lớp khác. Dạy lớp 6 chỉ cần biết lớp 6. Các lớp khác họ không dạy nên không rành. Tôi là tổ trưởng chuyên môn nên nắm tất cả chương trình từ lớp 6 đến lớp 9.
    Chẳng hạn đội A trả lời:
    - Em thứ nhất đúng.
    - Em thứ hai đính chính sai.
    - Em thứ ba cũng đính chính sai.
    Đội B trả lời:
    - Em thứ nhất sai.
    - Em thứ hai đính chính đúng.
    Giám khảo điều khiển cuộc thi ở trước mặt cấp trên, đồng nghiệp, các bậc phụ huynh học sinh phải giải đáp tất cả. Muốn giải đáp đúng phải tập trung cao, nghe kỹ, nhớ kỹ và chấm kỹ.
    Ở đội A em thứ nhất nói đúng, mình cho qua. Em thứ nhì đính chính sai mình phải giải thích rõ ràng. Em thứ ba sai, mình phải giải thích sai chỗ nào.
    Ở đội B, em thứ nhất sai như thế nào... Tôi là người chịu trận, giải quyết từ đầu đến cuối. Các giám khảo khác chỉ ngồi cho có mặt vì nội dung câu hỏi không nằm trong chương trình dạy của họ.
    Sau buổi đố vui để học, tôi thật rã rời. Nhưng bù lại qua những công tác như vậy, tôi học hỏi thêm rất nhiều kinh nghiệm mới và hữu ích.

    * Mối liên hệ tình cảm giữa thầy, trò và phụ huynh học sinh.
    Tôi bồi dưỡng học sinh giỏi thường được các phụ huynh học sinh tặng quà để cảm ơn, kể cả phụ huynh của những em không học trường tôi, chỉ được tôi bồi dưỡng khi thi. Vì vậy nhiều khi họ đến nhà tôi không biết họ là ai. Đôi khi họ làm tiệc ăn mừng cùng tôi.
    Một em, con chị bạn, đến gặp tôi ở nhà. Tôi bảo em vào nhưng em cứ đứng bên trong cửa. Trong lúc nói chuyện với tôi, em thỉnh thoảng nhìn vào giỏ của mình. Thấy vậy tôi bảo nếu em có mua cá tôm gì để trong giỏ hãy về nhà làm đi. Hôm khác đến chơi. Em rụt rè cúi xuống giỏ và xách ra 2 trái bưởi và nói: “Má con bảo đem tặng cô hai quả bưởi này, do nhà trồng”.
    Tuy là quà tặng đơn sơ, tôi rất cảm động. Tôi vui lòng nhận vì đó là tấm lòng của họ. Nói chung trước 1975 mỗi khi các em mời dự tiệc ở lớp, thầy cô hay tặng tiền để các em mua sắm thêm các thứ cần dùng. Sau 1975, các em hay tặng quà cho các giáo viên yêu thích của mình.
    Tôi và các em, dù không học ở trường tôi, chỉ được tôi bồi dưỡng, đều có nhiều tình cảm với nhau. Mỗi khi các em đi thi, dù là đi đâu tôi cũng đi theo các em. Các em yêu cầu như vậy vì có tôi các em sẽ vững lòng hơn, tự tin hơn. Khi nào làm bài không được, các em giả bộ đứng lên để nhìn thấy mặt tôi. Như thế các em mới đủ can đảm làm bài tiếp. Thường tôi ngồi chờ đợi các em thi với một đống linh tinh các em để lại khi lên phòng thi: áo khoác, sách vở...
(còn tiếp)
(HT 4.5.2017)