NHỮNG TRẢI NGHIỆM CUỘC SỐNG (8)
(Làm Hiệu trưởng trường Hiệp Thành 2)

G/s Nguyễn Thị Tâm


    Khóa Đào tạo cán bộ quản lý trường học kết thúc. Tôi về trường, hy vọng được làm giáo viên tại trường cũ. Năm học mới sắp bắt đầu. Chưa được bao lâu tôi có quyết định cử làm Hiệu trưởng trường Hiệp Thành 2 từ ngày 13.8.1979.
    Lúc bấy giờ ở Thị xã chỉ có 2 nữ Hiệu trưởng, đều là người miền Bắc. Có thể nói tôi là nữ hiệu trưởng miền Nam đầu tiên ở đây. Nữ hiệu phó người miền Nam có vài người.
    Sau này tôi phải trải qua nhiều khó khăn mới hoàn thành tốt năm học     79-80. Tôi suy nghĩ đặt ra kế hoạch cho năm học của trường tôi.

    * Quy định lại giờ họp Hội Đồng nhà trường hàng tuần.

    Phiên họp Hội đồng nhà trường lần đầu tiên tôi sắp xếp rất kỹ. Cái gì nên duy trì, tôi duy trì. Cái gì cần sửa đổi, tôi cương quyết sửa đổi theo ý cá nhân tôi, miễn là có lợi cho giáo viên. Lúc bấy giờ, họ cũng như tôi đều gặp nhiều khó khăn trong đời sống.
    Tôi yêu cầu họ tự quyết định giờ họp Hội đồng nhà trường hàng tuần vào lúc mấy giờ. Dĩ nhiên họ không dám lên tiếng, mặc dù họ ít e dè vì thấy tôi chỉ là giáo viên lên làm Hiệu trưởng, lại là phái nữ.
    Tôi hỏi các anh chị muốn họp lúc 1giờ30 hay là 2 giờ. Mọi người đều chọn 2 giờ. Tôi cũng cho như vậy là hợp lý, mặc dù các trường theo quy định nhà nước phải họp lúc 1giờ30. Và tôi quyết định 2 giờ họp, trễ nhất 4 giờ tan.
    Cả Hội đồng đều nhất trí nhưng họ ngạc nhiên tại sao tôi dám phá lệ như vậy. Tôi yêu cầu họ phải đáp ứng hai điều kiện: không ai được lấy bất cứ lý do gì để đi trễ, lúc họp phải trật tự, không được phép nói chuyện riêng.
    Về sau này tôi rất hài lòng vì nghe đâu một số Hiệu trưởng của Hiệp Thành 2 tiếp sau tôi cũng đã thực hiện quy định này.
    Trước khi họp Hội đồng, tôi nghiên cứu rất kỹ các công văn, tóm tắt lại nội dung cho gọn. Tôi nói chậm cho họ ghi các ý chính. Sổ họp Hội đồng cũng được kiểm tra đánh giá cùng với các loại sổ sách khác của giáo viên. Tôi nói, ai muốn tham khảo thêm các công văn đã phổ biến cứ lên gặp thư ký.
    Từ 4 giờ trở đi tôi giao cho Công đoàn giải quyết khâu đời sống, phân phối nhu yếu phẩm...
    Bởi vậy, một hôm trưởng Phòng Giáo Dục Thị Xã đến lúc hơn 4 giờ, tôi đã về rồi. Một nhân viên chạy đến nhà báo. Tôi không lên vì phần hành đó là phần hành của Công Đoàn. Tôi hoàn toàn tin tưởng họ, để họ tự phát huy.

    * Thực hiện chuyên môn.

    Trường thiếu giáo viên Anh văn lớp 9. Tôi phải đảm đương lớp này. Dĩ nhiên cũng phải soạn giáo án và các thứ sổ sách được quy định như các giáo viên đứng lớp khác.
    Đúng theo quy định, Hiệu trưởng phải dự giờ các giáo viên. Vì đây là trường cấp 1, 2 nên tôi phải dự giờ cả 2 cấp. Xưa nay tôi chưa hề dạy cấp 1 nên tôi hơi dè dặt khi góp ý với các giáo viên cấp 1.
    Hình như ở cấp 1, các giáo viên đặt nặng vấn đề góp ý, phê bình các tiết dạy. Có lẽ họ sợ mất điểm thi đua cuối năm. Có những chỗ tôi thấy họ góp ý để đỡ cho các đồng nghiệp hơi không đúng. Tôi chỉ cười và bảo: “Theo tôi, ở cấp 2, chỗ này góp ý phê bình như vậy chưa chính xác lắm”. Họ yên lặng nhìn nhau và không bào chữa nữa.
    Ngoài việc dự giờ ở trường ra, tôi thỉnh thoảng phải đi kiểm tra Anh văn ở các trường khác. Có khi lên tận Tương Bình Hiệp. Phòng thiếu chuyên viên ngoại ngữ nên đôi khi chỉ một mình tôi đi kiểm tra.
    Tôi về trường, thời khóa biểu ổn định xong, Hiệu phó chuyên môn được cử đi học khóa đào tạo cán bộ quản lý ở trường Trịnh Hoài Đức. Tôi phải gồng thêm phần hành của Hiệu phó chuyên môn.
    Ban Giám Hiệu bao gồm 3 nữ và 1 nam. Hiệu trưởng, Hiệu phó chuyên môn và Hiệu phó lao động đều là nữ. Hiệu phó chuyên môn cấp 1 là nam. Do đó tôi không thể nhờ ai phụ giúp phần hành chuyên môn cấp 2 được.
    Trước khi đi học, Hiệu phó đã sắp xếp thời khóa biểu ổn định. Một giáo viên đã từng làm Ban Giám Hiệu đến gặp tôi và đề nghị anh có thể sửa thời khóa biểu ổn hơn, để không bị rơi vào các giờ trống, phải đợi tiết kế. Tôi bảo cứ sắp đi. Biết được tin này hiệu phó chuyên môn vội vàng viết cho tôi một bức thơ. Đại ý cô ấy bảo tôi thời khóa biểu đã ổn định, không cho anh sắp xếp lại.
    Cô ấy sợ tôi bị qua mặt. Vả lại cô không tin tưởng tôi lắm vì nghĩ tôi từ giáo viên lên làm hiệu trưởng ngay chưa đủ kinh nghiệm quản lý.
    Mấy ngày sau anh đem thời khóa biểu đã chỉnh sửa cho tôi xem. Anh khoe là đã sắp được rồi, không bị trống tiết nào nữa. Tôi nói: “Sao anh hay vậy. Nhưng anh có xem kỹ chưa, có đảm bảo đúng các nguyên tắc không?” Anh bảo đảm là đúng, chỉ nghĩ đơn giản tôi là một tay mơ, có thể qua mặt dễ dàng. Tôi buồn cười quá nên nói: “Anh đã từng làm Hiệu phó chuyên môn nhiều năm mà xếp thời khóa biểu như vậy à?”. Anh nói: “Tôi xếp sai chỗ nào?” – “Có quy định rõ ràng một buổi dạy phải bao gồm đủ các môn xã hội và tự nhiên. Chỗ này anh xếp toàn môn tự nhiên, chỗ này xếp toàn môn xã hội. Vậy có đúng quy định chuyên môn không?”.
    Anh yên lặng bỏ ra ngoài. Cô Hiệu phó nghe như vậy mới bắt đầu tin tưởng tôi.
    Bên cạnh đó tôi còn phải theo dõi nhân viên chuyên trách về bổ túc văn hóa. Tôi mới về trường nên chưa biết gì về địa điểm tổ chức dạy bổ túc văn hóa. Tôi tạm để qua một bên để lo về chuyên môn chính trước.
    Về chuyên môn cấp 1 tôi hoàn toàn giao cho Hiệu phó chuyên môn cấp 1 quyết định.

    * Hội họp và báo cáo.

    Thỉnh thoảng Ban Giám Hiệu cũng phải họp để thống nhất kế hoạch. Tôi không đặt nặng vấn đề họp này. Tôi để cho họ tự phát huy như họ đã làm từ lâu nay.
    Họp hội đồng nhà trường tôi phải cực, mất thời giờ, vì phải đọc tất cả các công văn, nắm cốt lõi để phổ biến.
    Mỗi tháng hiệu trưởng phải đi họp Hiệu trưởng một lần cùng lãnh đạo phòng Giáo dục và các hiệu trưởng khác. Mỗi lần họp ở một trường khác nhau. Có khi đi mãi tận Tân An. Mời họp từ 7g00 nhưng 7g30 mới bắt đầu. Tôi rất bực mình. Hôm họp ở trường Nguyễn Du, lúc đó là trường Phú Cường 2, bao gồm cả cấp 1 và cấp 2, cũng 7g30 mới họp. Tôi đi đúng giờ nên phải đợi gần 30 phút. Lúc tan họp, Trưởng Phòng Giáo dục nói: “Chiều nay đúng 1g30 họp”.
    Buổi chiều 2g tôi mới đến. Tất cả đã họp từ lâu. Tôi lặng lẽ tìm chỗ ngồi. Lãnh đạo chỉ nhìn và sau đó không nói gì với tôi. Chắc là họ không hài lòng.
    Chúng tôi phải báo cáo tháng, tuần... Đối với tôi đây là chuyện nhỏ. Tôi chỉ viết như làm dàn bài, xuống hàng gạch đầu dòng. Việc này không mất nhiều thời gian. Để dành thời gian làm việc khác vì nhiều việc phải giải quyết quá.

    * Sở kiểm tra trường.

    Một hôm vào lúc tan học, tôi nghe tiếng la hơi lớn bên ngoài hàng rào trường.
    “Tại sao không đi cổng chính, mà chui rào vậy. Hiệu trưởng trường này là ai? Phải cô T. không?”
    Nhìn ra đúng là Trưởng Ty Giáo Dục, ông Ch. D.
    Ít lâu sau trường có giấy báo đoàn kiểm tra Sở Giáo dục về.
    Tôi phải lập tức tìm hiểu mọi mặt để trả lời họ. Tôi cho gọi người phụ trách bổ túc văn hóa đến. Anh chỉ trả lời ầu ơ ví dầu vài câu hỏi của tôi. Tôi mới đến Hiệp Thành 2 có vài tháng làm sao nắm bắt được hết. Các chuyên môn ở trường còn dễ tìm hiểu. Riêng bộ phận bổ túc văn hóa hơi khó. Tôi không rành địa bàn Hiệp Thành. Tôi kín đáo hỏi một vài nhân viên về các điểm học bổ túc văn hóa và số học viên rồi ghi lại. Tôi chỉ biết tên, không biết các địa điểm ấy thực sự nằm ở đâu.
    Đoàn kiểm tra của Sở đến. Sau khi chỉ đạo họ định ra về. Tôi yêu cầu được trả lời. Có hai ý chính, một là hàng rào trường tôi không ngay, có nhiều lỗ hổng. Do đó học sinh hay chui ra chui vào, không dùng cổng chính. Hai là học sinh ở đây không lễ phép lắm với người lớn. Khi đưa gì cho người lớn chỉ đưa bằng một tay.
    Tôi xin khi về các anh rót kinh phí xuống, hàng rào trường tôi bảo đảm ngay liền và không còn lỗ hổng nữa. Còn việc học sinh chỉ đưa bằng một tay là do các em sống ở ngoại ô, có khác với nội ô. Điều đó không có nghĩa là các em không tôn trọng người lớn tuổi. Quan trọng là các em nghĩ gì trong đầu.
    Đoàn kiểm tra yên lặng, không nói gì và ra về. Hiệu phó chuyên môn nghe đoàn kiểm tra đến rồi về mà trường không bị gì nên rất yên lòng. Cái vướng mắc về các lớp bổ túc văn hóa được giải quyết dễ dàng. Đoàn kiểm tra hỏi sao không thấy người phụ trách bổ túc văn hóa đến. Tôi trả lời nhà anh có việc riêng, không đến được. Họ chỉ hỏi đại khái Bổ túc văn hóa có bao nhiêu điểm, những điểm ấy nằm ở đâu, bao nhiêu người học. Cái này trong tầm tay tôi.
    Thật ra người phụ trách bổ túc văn hóa không đến là để tôi tự đối phó với đoàn kiểm tra. Lúc phòng Giáo dục bảo kê khai văn bằng, người này khai sao tôi không biết. Đến lúc phòng bắt nộp văn bằng anh không có để nộp. Anh giải quyết bằng cách báo bằng cấp đã bị cháy lúc hỏa hoạn và nhờ tôi xác nhận. Tôi không xác nhận nên anh không về trường họp khi đoàn kiểm tra đến. Vì là chỗ quen biết nên tôi yên lặng bỏ qua. Tôi để anh tự kiểm điểm lại lòng mình.
    Trường Hiệp Thành 2 rất được sự quan tâm của chủ tịch phường Hiệp Thành lúc bấy giờ, anh M. Anh nói với tôi nếu học sinh làm điều gì sai quấy, nhà trường cứ phạt, giáo viên cứ giải quyết. Có gì anh sẽ can thiệp, khỏi phải bận tâm. Việc này làm tôi nhớ đến một giáo viên khác. Trước 1975, ông là giáo sư Triết. Sau 1975 ông làm Ban Giám Hiệu ở Thuận An (Lái Thiêu). Chuyện này do một người khác kể lại nên tôi không biết là chính xác bao nhiêu phần trăm. Không biết học sinh làm sai gì đó bị ông phạt. Lúc họp hội đồng để kiểm điểm về điều đó, ông nói đại khái là: “Bộ Giáo Dục chỉ đạo không được đánh học sinh, nhưng không nói là không được đánh học sinh hư hỏng”.

    * Trưởng ban đời sống

    Có vài người lợi dụng đi mua thêm nhu yếu phẩm bằng cách đánh máy các thứ đề nghị mua, phía dưới để một khoảng trống. Rồi tự thêm vào các thứ khác, khi tôi đã ký tên. Lúc đó đang khó khăn. Tôi biết nhưng không nói gì. Tôi quản lý họ rất kỹ vì tôi biết rõ họ muốn gì, làm gì. Nhưng họ nghĩ tôi không biết.
    Sau khi họ mua, tôi đến tận nơi yêu cầu cho bản sao giá tiền và các thứ họ đã mua. Dĩ nhiên chỗ bán đáp ứng yêu cầu của tôi vì người bán biết tôi là hiệu trưởng. Tôi lặng lẽ kêu riêng những người vi phạm ra và yêu cầu làm kiểm điểm, sau khi tôi có bằng chứng rõ ràng.
    Tôi chỉ giữ bản kiểm điểm để sau này tôi không chịu trách nhiệm về việc làm của họ. Tôi không báo cho Phòng Giáo Dục biết vì lúc đó đời sống khó khăn quá, tôi thông cảm. Tôi chỉ tự bảo vệ mình. Nếu những chuyện này đổ bể ra, tôi có bằng chứng đã phạt họ làm kiểm điểm rồi. Vậy mà người bên ngoài cũng biết và đồn thổi khá nhiều.
    Khi gặp tôi  anh L. Th. A. bảo: “Ở các quán cà phê, người ta đồn Hiệu trưởng Hiệp Thành 2 cứng tay với nhân viên quá. Nhất là với S.” S đã từng làm ban giám hiệu ở một trường khác được điều về đây làm giáo viên. Thật ra tôi tự đưa anh về trường tôi vì trường đang thiếu giáo viên môn anh dạy. Đó là lớp 9, năm thi của học sinh cuối cấp. Tổ chức phòng Giáo Dục hỏi tôi có nhận anh không, tôi trả lời đồng ý vì trường tôi đang cần.
    Các trường khác biết rõ anh nên không chịu nhận. Sau này anh ngầm phá tôi nhiều lần nhưng lần nào tôi cũng giải quyết êm xui. Nghe anh L. Th. A. nói vậy, tôi hơi khó chịu nhưng không kể thật hết cho anh nghe. Tôi chỉ trả lời: “Các anh phải học tôi. Một học sinh không có lỗi sẽ không bao giờ chịu làm kiểm điểm. Huống chi anh đã từng làm ban giám hiệu. Anh đã phạm lỗi nặng, có chứng cứ đàng hoàng. Tôi chỉ giơ cao đánh khẽ”.
    Lúc đó Hiệu trưởng là trưởng ban đời sống, nên trách nhiệm rất nặng nề.

    * Tiếp khách liên hệ.

    Tôi quy định hai trường hợp không tiếp khách, bất kỳ khách là ai. Lúc tôi đang dạy học và lúc tôi đang dự giờ.
    Tôi đang dự giờ ở cơ sở 1, nhân viên chạy xuống báo cáo có một vị chức sắc đến viếng trường, có việc cần giải quyết. Tôi không nói gì, cứ tiếp tục dự giờ. Nhân viên lại chạy lên chạy xuống nhăn nhó, lo lắng.
    Tôi nhìn lên phía văn phòng thấy ông khách đang đi đi lại lại, vẻ bực dọc. Đến khi có kẻng đánh báo giờ hết, tôi mới lên gặp ông. Ông đưa tay ra, tôi bắt lấy tay ông. Ông bảo: “Trước khi đến đây, tôi đã xem lý lịch của cô”.
    - Mời chú vào văn phòng. Cháu về đây làm việc mấy tháng nay rồi, không có rảnh để thăm ông anh họ cháu ở gần đây.
    Sau khi biết anh ấy là ai, ông nói: “Vậy à”. Giọng ông dịu lại và hỏi tôi: “Em P. làm việc ở đây có tốt không cô?”. Tôi trả lời thẳng thắn: “Dạ cũng tạm được”.
    Ông đến đây để làm gì tôi không tiện nói ra. Đây cũng là một đòn trả đũa của S. Anh ta xúi giục người nhà ông bảo ông làm vậy. Trước khi ra về, ông vui vẻ nói: “Kỳ họp lần này, tôi sẽ mang bằng cấp từ ngoài đó về để cô hoàn thành hồ sơ cho em nó”.
    Mọi người tưởng tôi sẽ gặp rắc rối to. Họ đã nhầm. Khi thấy ông vui vẻ trò chuyện và bắt tay tôi trước khi ra về. Một số ít ngạc nhiên và thất vọng tràn trề.

    * Vấn đề xếp lương.

    Sau 1975, khi làm giáo viên, việc xếp lương không đáp ứng yêu cầu của tôi. Tôi đã đến Phòng Giáo dục gặp lãnh đạo trao đổi. Tôi không đồng ý mức lương nên nói sẽ nhờ cấp trên giải quyết. Hôm sau tôi mặc áo dài đàng hoàng lên Tỉnh Ủy. Gặp ông D., sau này tôi mới biết là Chánh Văn Phòng. Vợ ông cũng là giáo viên. Nhà ông ở gần trường Trịnh Hoài Đức. Tôi nói rõ lý do muốn gặp lãnh đạo. Ông bảo tôi cứ yên tâm về, nhất định ông sẽ giải quyết tốt. Tỉnh sẽ chỉ đạo cho Sở, Sở sẽ chỉ đạo cho Phòng giải quyết ổn thỏa về lương bổng để không ai lên tỉnh hay lên sở khiếu nại nữa.
    Khi tôi làm Hiệu Trưởng, lúc xếp lương mới, tôi không hiểu vì sao lương tôi không được điều chỉnh. Làm việc cực quá, một mình một chợ, tôi bực mình nộp một cái đơn cho tổ chức phòng Giáo dục báo một tháng sau tôi sẽ rời nhiệm sở.
    Anh Ch., phòng tổ chức, mời tôi ra Phòng Giáo dục và trả lại tờ đơn cho tôi. Ngay chỗ tôi viết một tháng sau tôi sẽ rời nhiệm sở, anh Ch. ghi đại ý sẽ giải quyết, cứ yên lòng tiếp tục nhiệm vụ được giao. Tôi hỏi anh: “Chỗ này do ai ghi?”. – “Tôi viết theo đúng nguyên văn lời của Trưởng phòng”.
    Tôi lắc đầu: “Đây không phải là nguyên văn. Ông không bao giờ có cách hành văn như thế. Tôi biết lối hành văn của ông”. Cuối cùng anh Ch. cười vả lả nói: “Tôi viết theo ý của ông”. – “Anh nói như vậy còn nghe được”.
    Mấy tháng sau tôi biết rõ lương tôi không chỉnh sửa là do lỗi của phòng tổ chức xếp lương. Bác D., thư ký đánh máy kể hết đầu đuôi cho tôi nghe, không phải lỗi của bác. Chuyện rất tế nhị nên tôi không muốn kể ra. Cuối cùng danh sách đề nghị điều chỉnh lương mới chỉ có tên một mình tôi được gởi về Sở Giáo dục.

***

    Năm học rồi cũng qua đi. Lần này tôi cương quyết từ nhiệm. Cũng may, nhờ anh L. V. H., làm chuyên viên ở Phòng, vì lý do riêng tư nào đó nên muốn xin ra và được chấp nhận về thay thế cho tôi.
    Trước đó, tôi nghe Phòng có ý định đưa tôi về thay thế nữ Hiệu trưởng (người miền Bắc ở Chu Văn An, trường Hiệp Thành 1). Bà này sắp đi học Chính Trị. Bằng mọi cách tôi phải rời nhiệm sở càng sớm càng tốt.
    Bây giờ tôi không trông mong trở về cấp 3 trở lại.
    Phải nói sau một năm trường Hiệp Thành 2 đã tiến bộ nhiều, có học sinh giỏi cấp 1. Hình như từ xưa đến nay trường chưa từng có học sinh giỏi bao giờ. Cuối niên khóa 1979 – 1980 tôi được giấy khen của Sở Giáo Dục vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.
    Khi L. V. H. đến Hiệp Thành 2 để bàn giao tôi nói: “Lúc tôi đến đây, trưởng Phòng bảo hãy bàn giao từ từ, cho đến bây giờ không có biên bản bàn giao chính thức. Trước đây đã không “bàn” làm sao bây giờ “giao” được”.
    Vậy là khi đến và khi đi, tôi không có biên bản bàn giao nào hết.

***

    Tôi được về trường Nguyễn Du, lúc bấy giờ gọi là Phú Cường 2, bao gồm cả cấp 1 và cấp 2. Vì tôi về đây nên một học sinh cũ của tôi ở Trịnh Hoài Đức xưa, cũng dạy Anh văn bị đổi đi Hiệp Thành 1 (Chu Văn An). Em cương quyết không chịu đi vì mới được về đây không lâu.
    Được các anh khuyên, tôi đến Phòng Giáo dục lấy quyết định ngay kẻo “đêm dài lắm mộng”...
    * Có người hỏi tôi:
    - Cô làm Hiệu trưởng nổi lắm. Sao cô không làm tiếp mà từ chức.
    - Tôi sợ nổi lắm. Thế nào cũng có ngày bị vớt...

(HT ngày 3.5.2017)