NHỮNG TRẢI NGHIỆM CUỘC SỐNG (7)
(Học khóa đào tạo cán bộ quản lý trường học)
GS Nguyễn Thị Tâm


    Tôi dạy 2 ngoại ngữ Pháp và Anh tại trường Phổ thông cấp 1, 2 Phú Cường 1 các niên khóa 1976 – 1979.
    Niên khóa đầu tiên tôi dạy học bình thường. Có lúc thiếu giáo viên dạy môn Sử, nhà trường yêu cầu tôi dạy thêm môn Sử. Ở trường Trịnh Hoài Đức tôi dạy Văn, Công Dân Giáo Dục và Triết học. Ở Phú Cường 1 sau đó tôi cũng có dạy Văn, nếu thiếu giáo viên. Sử và Văn chỉ dạy một ít tiết.

    * Dạy lớp, kiêm nhiệm Thư ký Hội đồng nhà trường.
    Ban đầu tôi chủ nhiệm lớp. Nhưng đối với tôi đây là một việc bất đắc dĩ. Mỗi khi lớp tôi chủ nhiệm làm lao động, các giáo viên lớp khác hay phàn nàn. Tôi để cho học sinh tự quản nên không đạt yêu cầu.
    Khi ông NVTh ở Sở Giáo dục về làm Hiệu trưởng, tôi xin đổi công tác chủ nhiệm bằng cách làm Thư ký Hội đồng nhà trường. Sau này gọi là Thư ký thi đua. Tôi trực tiếp nói với ông Hiệu trưởng mới trong lần gặp đầu tiên, khi ông về trình diện:
    - Nếu có thể ông để tôi làm thư ký hội đồng.
    Ông rất kinh ngạc mở to mắt nhìn tôi. Sau cùng ông nói: “Để tôi suy nghĩ lại”.
    Tôi được cử làm Thư ký Hội đồng. Cả trường đều ngạc nhiên. Mọi người tưởng tôi quen biết với ông. Thật ra tôi không hề biết ông là ai.
    Ông hay bảo tôi làm giúp một số công việc. Tôi làm báo cáo do Phòng Giáo Dục yêu cầu. Lần đầu tiên ông hướng dẫn tôi cách báo cáo, tôi im lặng không nói gì. Khi tôi nộp lại, ông bảo: “Sao cô không làm theo hướng dẫn của tôi”.
    Tôi nghĩ báo cáo là để cho cấp trên biết mình đã làm gì, sắp làm gì và đưa ra các biện pháp thực thi. Tôi viết như tôi làm dàn bài lúc tôi học ở trường khi xưa. Tuy hỏi tôi sao không làm theo hướng dẫn của ông, nhưng thấy tôi yên lặng, ông nhìn tôi và nói: “Thôi vậy cũng được”.
    Đôi khi ông bảo tôi cùng họp với Ban Giám Hiệu. Có lần ông bảo tôi thử điều khiển phiên họp thay ông. Lúc đó ông ngồi lui ra bên ngoài. Tôi có cảm tưởng ông như người ngồi để lược trận. Tuy không nói gì nhưng tôi nghĩ thầm: “Ông Hiệu trưởng này sao làm biếng quá, cái gì cũng biểu mình làm”.
    Tôi làm được tất cả những công việc một ban giám hiệu phải làm. Ông còn bảo tôi học cách xếp thời khóa biểu. Tôi than thầm: “Chẳng lẽ học kỳ sau mình phải xếp Thời khóa biểu”. Tôi nắm được tất cả những nguyên tắc cần thiết. May quá, tôi không phải xếp thời khóa biểu. Đó là công việc của Hiệu phó chuyên môn.
    Xem như những việc mà Ban Giám Hiệu phải làm tôi đều biết rành hết. Tôi có đủ khả năng chẳng những làm hiệu phó, mà còn đủ sức làm cả Hiệu trưởng.
    Thấy tôi yên lặng và ngoan ngoãn làm những công tác ông yêu cầu, ông tỏ vẻ rất hài lòng.
    Tuy có bực mình nhưng tôi có chút thoải mái vì tôi không phải hướng dẫn học sinh làm lao động như khi còn làm giáo viên chủ nhiệm.
    Một hôm ông hỏi về gia đình tôi. Nghe những câu ông hỏi tôi biết ông rất rõ về gia đình tôi. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng không quan tâm đến điều này lắm.
    Ít lâu sau ông trực tiếp nói với tôi:
    - Bây giờ cô sẽ được cử đi học khóa đào tạo cán bộ quản lý trường học. Sau khi học xong về cô sẽ làm Ban Giám Hiệu, phần chắc là làm Hiệu Trưởng. Tôi đã đề bạt cô với tổ chức.
    - Tôi không thích làm Ban Giám Hiệu.
    - Thế tại sao lúc đầu cô xin làm Thư Ký Hội Đồng nhà trường.
    Thật ra tôi không biết Thư ký hội đồng là đội ngũ tiếp cận của Ban giám hiệu.
    - Tại vì tôi sợ phải làm giáo viên chủ nhiệm, phải cho học sinh lao động. Tôi không quản lý được. Tôi không quen lao động tay chân. Tôi thường cho học sinh tự quản.
    - Giời ạ! Lại còn thế nữa. Chắc là cô mắng thầm tôi bắt cô làm công việc của Ban giám hiệu lúc trước chứ gì.
    Quả có vậy thật. Đã có sự hiểu nhầm giữa hai bên. Ông tưởng tôi muốn làm Ban giám hiệu, trong khi tôi chỉ muốn trốn làm chủ nhiệm.
    Cuối cùng ông dứt khoát:
    - Tôi đã đề bạt cô với tổ chức, cô sẽ làm Ban giám hiệu. Trước mắt cô đi học khóa đào tạo cán bộ quản lý trường học, ở trường Trịnh Hoài Đức.

    * Trao đổi công tác với phòng tổ chức Giáo dục.
    Khi đó, hiệu phó lao động trường tôi xin định cư ở Pháp. Tôi lo lắng hơn bao giờ hết. Chẳng lẽ tôi đi học khóa quản lý về thay thế cho anh chàng này. Trời ôi, làm Hiệu phó lao động càng dễ chết hơn.
    Tổ chức mời lên trao đổi. Ông V. nói tôi đi học lớp đào tạo cán bộ quản lý. Khi tôi về có thể sẽ chuyển công tác đến Sở, Phòng, hoặc về trường làm Ban Giám Hiệu, cũng có thể vẫn ở trường cũ làm giáo viên như trước. Ông đưa giấy tờ bảo tôi điền vào rồi nộp lại tổ chức càng sớm càng tốt.
    Khi đó trưởng và phó phòng Giáo dục Thị xã đang đi đi lại lại trước phòng Tổ chức, nhìn tôi cười cười và nói gì đó với nhau. Tôi bực mình quá nói với tổ chức:
    - Ông mời tôi đến để “trao đổi” công tác mà ông mới “trao” tôi chưa “đổi” lại bảo tôi về là sao?
    - Vậy cô muốn trình bày gì cứ trình bày đi. Nhưng trước sau gì cô cũng phải tuân theo tổ chức.
    Ông ta thuyết phục tôi và cuối cùng nói đã được đề cử không thể từ chối. Tôi suy nghĩ cứ đi học. Sau đó nhờ Sở giáo dục can thiệp trở về cấp 3 trở lại.
    Tôi ủ rủ mang giấy tờ về. Lòng nặng trĩu lo âu. Tôi tự an ủi, dẫu sao cũng được về Trịnh Hoài Đức học vài tháng.
    Tôi rời trường xuống An Thạnh học từ 5.4.1979 đến ngày 5.7.1979. Sau khi học xong khóa này, tôi có lệnh điều động làm Hiệu trưởng trường Phổ thông cơ sở cấp 1 – 2 Hiệp Thành 2 từ ngày 13.8.1979.

    * Học khóa đào tạo cán bộ quản lý trường học
    Trước khi tôi đi học khóa quản lý, ông Th. nói với tôi:
    - Tôi đã gởi cô cho L., nó quản lý trường đào tạo. Nó rất lành. Đến đó học cô đừng làm phiền nó. Đừng làm mất mặt tôi. Khi cô đi học về, tôi đã về quê vợ để lo công việc đồng áng, cải thiện đời sống. Nếu tổ chức cử làm Ban giám hiệu, cô phải nhận. Chính tôi đã đề bạt cô, cô không nên từ chối.
    Tôi tự trách: Bụng làm dạ chịu. Chạy đi đâu cho thoát.
    Tất cả các học viên khóa này đều là Ban Giám Hiệu, không Hiệu trưởng cũng là Hiệu phó. Chỉ có tôi là “phó thường dân”, làm giáo viên.
    Lúc có dịch cúm, nhà trường yêu cầu chúng tôi nhỏ mũi bằng nước tỏi. Tôi nói với các bạn cùng khóa, tôi đã có uống thuốc ở nhà rồi nên không cần nhỏ mũi nữa. Nào ngờ cán bộ quản lý đứng sau lưng tôi mà tôi không biết. Ông đứng đợi tại chỗ cho đến khi tôi nhỏ mũi rồi mới chịu đi.
    Ông B, cũng là cán bộ ở đó, bảo chúng tôi đi lao động ở Sóng Thần vào một ngày chủ nhật. Chúng tôi di chuyển bằng xe gắn máy. Chủ yếu là đi xe đạp từ thị xã Thủ Dầu Một qua đến Sóng Thần để trồng hom mì. Có người còn ở xa hơn cũng phải đi.
    Chúng tôi tới nơi mới biết đây là đất riêng của nhà ông B. Sáng thứ hai vào trường tôi thấy ông B. giận dữ nói chúng tôi đã đến phá hoại chứ không phải giúp ông cải tạo đất đai. Tôi thấy ông la lớn như vậy tức cười quá nên cười hơi nhiều. Một anh cùng lớp đến nói với tôi: “Chị cười gì mà cười. Ổng đang chửi chị đó”.
    Tôi ngạc nhiên: “Tôi làm gì mà chửi tôi”. Sau khi anh giải thích tôi mới hiểu. Tôi đã trồng ngược các hom mì vì không phân biệt cái nào là đầu, cái nào là đuôi. Tôi không biết cuốc đất, mà cũng không cuốc nổi. Vả lại tôi không có cuốc nên không thể mang theo. Nhà tôi làm gì có cuốc. Tôi nhờ các anh trong nhóm cuốc giùm phần đất của tôi. Vì các anh chỉ cuốc sơ sơ, đất không tơi ra. Tôi đặt hom mì xuống, lấy một cục đất chặn lên trên. Tôi nghĩ khi tưới nước hoặc khi trời mưa đất bên trên sẽ tan ra lấp các hom mì lại.
    Các anh làm phía đất bên kia thấy tôi trồng ngược hom mì tức cười nhưng không nói. Vậy là tôi bị oan rồi.
    Tình cờ tôi gặp ông M. Ngh, ông hỏi tôi đi học khóa quản lý như thế nào. Ông là Trưởng Ty Giáo dục lúc bấy giờ. Tôi cho ông biết ông B. mới bảo chúng tôi trồng hom mì ở Sóng Thần để cải tạo đất đai cho ông ta. Không biết ông M. Ngh nói gì với ông B. Khi gặp tôi ông B. hỏi: “Bộ cô nói cho ông M. Ngh. biết là tôi yêu cầu cô đi lao động ở Sóng Thần hả?”. Tôi nói: “Tôi có nói vì đó là sự thật. Tại ông ấy hỏi tôi”. Ông B. yên lặng nhìn tôi 1 lúc rồi bỏ đi không nói gì.

    * Nhận nhiệm sở mới.
    Sau khi học xong khóa đào tạo cán bộ quản lý, tôi được bổ nhiệm ngay làm Hiệu trưởng. Có thể nói tôi là nữ hiệu trưởng người Miền Nam đầu tiên ở Thị xã lúc bấy giờ.
    Trường có 2 cơ sở, một ở Mũi Dùi, một ở đường Phạm Ngũ Lão. Đó là trường cấp 1, 2, kèm theo một trường mẫu giáo ở cơ sở 1.
    Tôi không chịu rời nhiệm sở vì tôi không thích làm Ban giám hiệu. Tôi liên hệ với Trưởng Phòng giáo dục Thị xã để được trở về trường cấp 3 như lời hứa ban đầu của Sở Giáo dục. Gặp Trưởng Phòng tại nhà ông, ông bảo: “Sao cô muốn trở về cấp 3, cô không nói với tôi lại đi gặp Phó Giám Đốc Sở Giáo dục? Bây giờ cô cứ nhận nhiệm sở mới đi. Khi nào Sở Giáo dục cho quyết định về cấp 3 trở lại tôi sẽ cho cô rời chức vụ Hiệu trưởng”.
    Tôi lên Sở Giáo dục. Sở trả lời: “Cô bây giờ là người của Phòng Giáo dục, khi nào Phòng cho đi, chúng tôi sẽ nhận”. Tôi biết vậy là tôi sẽ không bao giờ có cửa trở về cấp 3 trở lại.
    Anh L. Th. A., bạn của anh tôi, là người Miền Nam. Lúc trước làm ở Phòng Tổ chức, giờ về thế ông Th. làm Hiệu trưởng Phú Cường 1. Thấy tôi do dự không chịu rời trường đi trình diện ở trường Hiệp Thành 2, anh liền khuyên tôi sớm rời nhiệm sở. Nếu tôi không đi Phòng sẽ nói anh không cho người đi.
    Một tuần lễ sau tôi lên Hiệp Thành 2, lần đầu tiên. Lúc đó học sinh đến đăng ký rất đông vì sắp nhập học. Thấy có một chiếc xe đạp rất đẹp và mới tinh để ngoài sân, tôi bảo các nhân viên đang đăng ký: “Xe đạp để vậy không sợ mất sao?”. Họ cười và nói: “Không sao”.
    Một lúc sau chiếc xe đạp biến mất, cả trường nhốn nháo lên. Không biết ai đó đi báo phòng Giáo dục nói đại ý là Hiệu trưởng mới đến, trường bị mất xe. Thế rồi đích thân Trưởng Phòng Giáo dục lên và gặp tôi hỏi: “Sao mất xe đạp vậy cô?”.
    Tôi trả lời: “Tôi là người mới, tôi đã cảnh báo mà họ không chịu nghe. Tôi không liên quan gì đến việc này. Họ phải tự chịu thôi”.
    Tôi ở ngoài sân nhìn ngó trường một lúc rồi về. Lúc đó tôi chỉ xem trường, chưa chính thức trình diện.
    Tôi biết rất rõ cái ghế Hiệu trưởng được nhiều người lăm le ngồi vào. Hiệu trưởng ở trường xa hơn muốn về trường này. Các hiệu phó thì mong lên hiệu trưởng. Chẳng những thế khi tôi làm Hiệu trưởng ở đây, một số nam hiệu trưởng thẳng thừng tuyên bố: “Không cần thắng ai, chỉ cần thắng Hiệu trưởng Hiệp Thành 2 thôi”.
    Trước khi làm hiệu trưởng, tôi gặp ông Th. Tôi hỏi ông: “Khi làm Hiệu trưởng, tôi phải làm gì?”.
    - Cô không bao giờ xếp thi đua mà để cô đứng đầu danh sách. Cô là người quản lý cả trường, dù cô ở vị thứ nào Phòng cũng sẽ tự động đưa cô lên trên”.
    Tôi gặp anh L. Th. A. cũng hỏi như hỏi ông Th. Anh bảo: “Khi lên nhận nhiệm sở, cô không được hứa hẹn với bất cứ giáo viên nào điều gì nếu họ có yêu cầu. Cô không nên lúc nào cũng đến trường theo một quy trình cố định. Có khi cô đi thật sớm, có khi cô đi đúng giờ, có khi cô đến cơ sở 2 trước, rồi đến cơ sở một sau...”
    Hơn một tuần lễ sau khi có quyết định chính thức tôi phải rời trường Phú Cường 1 để về Hiệp Thành 2, nhận nhiệm sở mới. Năm học sắp bắt đầu rồi, tôi không thể trì hoãn được nữa. Đó là năm học 1979 – 1980.
(HT ngày 18.4.2017)