NHỮNG TRẢI NGHIỆM CUỘC SỐNG
(6)
(Thay đổi công tác)
Gs Nguyễn Thị Tâm
Sau 30.4.1975, các lớp học ở Trịnh Hoài Đức tạm ngưng. Khi lớp
học được mở lại, tôi ra đề luận về Từ Hải “Dọc ngang nào biết trên đầu có
ai”. Thấy tôi ra đề như vậy, cấp trên gặp và bảo tôi nên cẩn thận. Ra đề
phải viết rõ ràng, xác định là thời điểm nào, không thể nói chung chung được...
* Quản lý canteen:
Tôi vẫn ở tại trường Trung học Trịnh Hoài Đức, không qua Thủ Đức
làm việc. Các giấy tờ đã nộp cho bên giáo dục quản lý. Sau tôi có lên khiếu
nại và được trả lại chứng minh nhân dân để có thể đi lại những nơi cần thiết.
Tỉnh tổ chức cho giáo viên cấp 3 toàn tỉnh tập trung học tập chính
trị. Tôi phải lựa chọn giữa việc làm thủy lợi và quản lý canteen phục vụ
cho lớp học chính trị. Sau khi suy nghĩ tôi chọn quản lý canteen cùng với
khoảng 10 giáo sư trường Trung học Trịnh Hoài Đức. Tất cả đều đã tốt nghiệp
Đại học hoặc Đại học Sư Phạm.
Chúng tôi luân phiên làm việc theo ca. Một giáo sư, nhà có quán
cà phê ở Sài Gòn, đã chỉ tôi cách pha cà phê sao cho đúng và ngon. Chúng
tôi cũng nấu thêm chè để phục vụ các học viên...
Tôi phải lo quản lý câu lạc bộ, liên hệ các nơi để mua nhu yếu
phẩm. Việc này cũng khá vất vả nhưng đỡ hơn phải lội xuống nước làm thủy
lợi. Tôi rất sợ đĩa, nhất là sợ nước vì tôi không chịu học bơi nên không
biết bơi.
* Dạy học sinh toàn Thị xã thi Tú Tài:
Tôi được yêu cầu dạy Văn cho các em chuẩn bị thi Tú Tài. Lúc đó
tất cả học sinh Thị xã tập trung tại trường Nguyễn Du (Trường Nam Châu Thành
cũ) để học vào ban đêm. Học trò của tôi rất đông, vì toàn Thị xã tụ họp lại.
Ngày nay tôi thật sự không còn nhớ ai là học trò tôi lúc đó. Chắc các em
cũng không nhớ tôi là ai.
Tôi phải vất vả tự đi tìm tài liệu để dạy. Đầu tiên tôi gặp ông
H. Đ, làm tuyên huấn. Ông căn dặn tôi rất kỹ: cô không nên đá động đến vấn
đề vô thần, hữu thần, các vấn đề về tôn giáo. Nếu có ai đề cập đến nên trả
lời một cách thận trọng, càng ít càng tốt. Rồi ông bảo tôi đến gặp Trưởng
Ty Giáo dục. Lúc bấy giờ là ông Ch. D., tại Ty tiểu học cũ.
Lúc gặp ông ở đó, tôi thấy ông có vẻ rất khó chịu. Tôi đứng tại
cửa ra vào văn phòng. Ông nhìn tôi chằm chằm. Về sau tôi mới biết ông vừa
la rầy một nhân viên nữ. Cô này mặc nguyên bộ đồ quân sự màu trắng, có 2
túi ở bên trên. Tôi bước vào cũng mặc y như vậy nên ông càng bực mình. Ông
nhìn tôi từ đầu đến chân, nhìn kỹ chiếc đồng hồ tôi đang đeo ở tay.
Tôi nói lý do đến gặp ông. Ông có vẻ bớt căng thẳng và bảo tôi
hãy dạy “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Tôi ra về tìm mọi cách viết bài và dạy cho học sinh vì kỳ thi
sắp đến gần...
* Những tranh luận nho nhỏ có tính cách cá nhân:
Có người hỏi tôi:
- Sao cô không mặc đồ bà ba. Con gái mà mặc áo sơ mi còn có 2
túi ở bên trên.
Tôi hỏi lại vì tính tôi vốn vậy:
- Sao ông không mặc đồ bà ba?
- Đồ bà ba tôi để cho các ông già mặc.
- Vậy tôi cũng để đồ bà ba cho các bà già mặc.
Sau đó tôi hỏi lại:
- Giờ tôi bận đi dạy học. Nếu muốn tìm người giúp việc, tôi phải
trả lương như thế nào?
- Cô phải trả bằng số lương mà cô lãnh.
- Ông nói vậy chắc tôi phải nghỉ dạy thôi.
Sau ngày 30.4.1975, chúng tôi phải trình diện ở Ty Tiểu học cũ.
Có người nói với tôi:
- Ở đây phụ nữ người nào cũng trang điểm. Họ không tự nhiên trông
như là hoa giả.
- Vậy chớ ông tiếp xúc với những người sửa mắt, sửa mũi ông có
biết không?
Người nào kết hôn với nữ sinh cũ của tôi, tôi hay gọi bằng “học
trò rễ”. Còn người nào kết hôn với cựu nam sinh của tôi, tôi gọi bằng “học
trò dâu”. Có người không thích được gọi thế, tôi cứ mặc kệ.
* Chấm thi Tú tài ở trường Võ Trường Toản:
Tôi dạy học sinh toàn Thị xã chuẩn bị thi. Không biết tại sao
đến bây giờ tôi vẫn không nhớ lại được tôi đã dạy những gì. Và cũng không
nhớ học sinh được học với tôi những gì.
Kỳ thi Tú Tài đến. Tôi xuống Sài Gòn để chấm thi. Lúc làm đáp
án chấm điểm. Hai bên giám khảo cũ và mới, chủ yếu là phái nam, tranh cãi
nhau quyết liệt. Tôi chỉ yên lặng ngồi đó nghe. Tôi không nhớ họ đã tranh
cãi nhau những gì vì hội trường quá rộng lớn, tôi không nghe rõ. Tôi có cảm
tưởng họ sắp đánh nhau vì không đồng quan điểm. Cuối cùng đáp án cũng được
đưa ra ổn thỏa.
Năm đó chúng tôi phải chấm thi rất vất vả. Chánh chủ khảo quy
định mỗi ý nghĩ sai trái về chính trị nào của thí sinh trình bày ra đều phải
dừng lại làm biên bản. Thật là biên bản chồng đống. Nhiều em đưa ra những
ý nghĩ thật buồn cười, lẫn lộn cái này với cái kia. Tôi không biết được do
đâu mà các em có những ý nghĩ đó.
Tôi chấm thi ở Võ Trường Toản, chung với anh Tr. V. Ph., anh của
anh Tr. V. A. Cuối cùng lần chấm thi này cũng đơm hoa kết trái: anh Tr. V.
Ph. cưới cô K. Đ., nữ giám khảo cùng chấm thi chung với anh ấy.
* Chuyển công tác về Phú Cường 1 (Bồ Đề):
Sau đó có lệnh sắp xếp lại nhân sự. Ai ở đâu về chỗ đó một cách
trật tự. Tôi được anh Ph. Th. H, ban điều hành trường lúc bấy giờ phê vào
đơn những nhận xét quá trình công tác đã qua và tôi về Thị xã Thủ Dầu Một.
Tôi đến trình diện tại Ty Tiểu học cũ.
Ít lâu sau tôi được mời lên giải thích bây giờ tôi phải dạy ngoại
ngữ. Tạm thời tôi dạy cấp 2 ở Thị xã. Lý do là trường cấp 3 đã đủ giáo viên.
Nếu muốn dạy cấp 3, tôi phải đi xa như Tân Uyên... chẳng hạn. Vậy là tôi
đồng ý, dạy cấp 2 để được gần nhà. Tôi yêu cầu sau này nếu có chỗ, Ty điều
tôi về cấp 3 trở lại.
Sau khi trao đổi công tác, thay vì quyết định của tôi dạy Pháp
văn thành dạy Anh văn theo ý muốn của tôi. Tôi đến Phòng Giáo dục Thị xã
Thủ Dầu Một để liên hệ tổ chức.
Anh L. Th. A. tiếp tôi. Tôi trình bày thẳng với anh tôi muốn dạy
tiếng Anh và dạy gần nhà vì tôi không biết đi xe. Thật ra tôi chỉ biết đi
xe đạp, không biết đi xe gắn máy. Lần đầu tiên đi xe gắn máy tôi ủi vào nhà
người ta. Do sợ quá nên không dám đi xe gắn máy nữa.
Anh L. Th. A. là chỗ quen biết cũ, ở gần nhà tôi. Anh nhẹ nhàng
phân tích cho tôi rõ nếu tôi dạy Anh Văn phải đi xa như Phú Thọ... Còn nếu
tôi tạm thời dạy Pháp văn sẽ được dạy ở Bồ Đề, có thể đi bộ được. Sau này
nếu thiếu giáo viên Anh văn tôi sẽ được chuyển qua dạy Anh văn. Tôi nhất
trí với anh ấy. Tôi nhận nhiệm sở mới từ đó.
Tôi về trường Phổ Thông Cấp 1 – 2 Thị Xã kể từ ngày 14.10.1976.
Như vậy niên khóa 1976 – 1977, 1977 – 1978, và 1978 – 1979 tôi vẫn tiếp tục
dạy tại trường Phổ Thông cấp 1 – 2 Phú Cường 1 (Bồ Đề).
Tôi cố gắng nhớ hoài mà không ra. Tôi dạy môn Pháp Văn ở Thánh
Giuse một thời gian. Các học sinh cũ ở đó cũng nói với tôi như vậy. Tôi không
rõ là thời gian nào.
Tiếp đó, tôi bắt đầu tự bồi dưỡng tiếng Anh cho mình.
(Phần này tôi đã viết trong một bài riêng: “Bức thư muộn cho người
đã khuất”).
(HT 26.3.2017)
Bức thư muộn gởi người đã
khuất
(Kính gởi hương hồn cố giáo sư Nguyễn văn Mẹo )
Khi em Huỳnh Xuân Khai báo tin cho tôi biết anh đã qua đời!. Tôi thật
xúc động!. Đã từ lâu, tôi gần như không tiếp xúc với thế giới bên ngoài qua
các phương tiện thông tin hiện đại. Tôi nói với em Khai nếu có tổ chức gì
thì cho tôi hay như lễ truy điệu chẳng hạn.
40 năm nay, từ 1976 đến 2016, tôi ít khi viết tiếng Việt vì đâu có
dịp nào để viết. Tôi chỉ biết dạy tiếng Pháp và tiếng Anh cho học sinh theo
giáo trình do nhà nước biên soạn. Rồi các học sinh thân thương đã đánh thức
và làm tôi tỉnh dậy. Bỗng dưng tôi muốn được viết cái gì đó bằng tiếng Việt
Nam.
Tôi còn nhớ, trước khi bắt đầu dạy môn tiếng Anh và Pháp - theo yêu
cầu của nhà nước . Tôi đã đến gặp anh và nói :
- Hôm nay tôi có việc nhờ anh.
- Nếu chị có gì muốn tôi giúp thì tôi sẵn lòng.
Tôi ít khi nói chuyện với anh nhưng thật lòng rất quý mến anh. Không
hiểu sao tôi là “đàn em” nhưng lúc nào anh cũng kêu tôi là “chị”. Gia đình
chị Mẹo với gia đình tôi không xa lạ gì nhau. Anh có cách nói chuyện rất
đặc biệt. Anh hay cười, có lối nói dí dỏm đặc biệt. Tôi đưa cho anh một
tờ giấy trắng có viết một từ tiếng Pháp bình thường thôi.
Một tuần lễ sau, anh mới gặp lại tôi, giải nghĩa từ đó một cách rõ
ràng, thận trọng. Tại sao phải một tuần lễ anh mới giải thích một từ đơn
giản? Tôi rất hiểu, Anh không nói thẳng vào trọng tâm nhưng tôi ngầm hiểu
ý của anh: dù chỉ là một từ đơn giản thôi nhưng mình phải nghiên cứu cho
kỹ. Một khi đã nói, đã dạy thì phải chính xác. Tôi nhớ mãi câu nói sau đây
của anh: “Chị đừng bao giờ dịch ra hoặc nói với học sinh” “người giàu kẻ
nghèo”, mà chị phải nói “người giàu và người nghèo”.
Tôi có thể tra tự điển từ đó một cách dễ dàng để biết rõ các nghĩa của
nó, nhưng tại sao tôi lại không? là người thông minh nên anh rất hiểu: tôi
muốn được học những kinh nghiệm giảng dạy ngoại ngữ của anh. Anh là người
đầu tiên cho tôi những kinh nghiệm quý báu đó. Về sau khi tôi dạy ở trường
Phú Cường 1 (Bồ Đề) anh lúc đó là chuyên viên ở Sở Giáo Dục, đã cùng phòng
giáo dục đến dự một số tiết do tôi dạy. Anh góp ý những tiết dạy đó một
cách chân tình …. Từ những kinh nghiệm đó, sau này khi tôi là tổ trưởng bộ
môn, bồi dưỡng học sinh giỏi cho Phòng và Sở Giáo Dục. Tôi đã gặt hái nhiều
kết quả tốt đẹp trong công tác chuyên môn của mình. (Khi làm Hiệu trưởng,
tôi phải dự giờ ở các trường. Cũng có lần tôi đi kiểm tra phòng giáo dục
Lộc Ninh với Sở Giáo Dục.)
Ngay sau 1975, các tài liệu nghiên cứu môn ngoại ngữ còn rất hiếm, Thầy
Chuân và cô Hằng lên Bình Dương, hướng dẫn chúng tôi cách dạy mới. Họ là
những người biên soạn sách giáo khoa tiếng Anh. Bộ giáo dục ra quyển sách
nào bằng tiếng Anh tôi đều mua xem và nghiên cứu rất kỹ. Cuối cùng tôi đúc
kết lại tất cả những sai sót trong sách giáo khoa và sách giải từ lớp 6 đến
9. Tôi quyết định đi Sàigòn gặp thầy Chuân để cùng thầy chỉnh sửa những
chỗ sai sót trong sách. Tôi cầm một bảng và thầy cũng cầm một bảng chỉnh
sửa do tôi cung cấp.Chúng tôi miệt mài làm việc đến tận trưa mới xong.
Thày nói với tôi: “Tôi chưa từng thấy một giáo viên ngoại ngữ nào kỹ
lưỡng, chu đáo như chị. Trung tâm vẫn có bộ phận để rà soát lại những sai
sót, tại sao vẫn còn sai sót nhiều quá”.
Rồi thầy Chuân giới thiệu tôi với cô Hằng - người chủ biên sách giáo
khoa Anh lúc bấy giờ . Cô Hằng hỏi tôi ở tại Saigòn chỗ nào?. Sau khi biết
tôi từ Bình Dương xuống, họ vô cùng kinh ngạc và hỏi thăm rất nhiều về Bình
Dương.
Thưa anh Mẹo ,
Vậy là tôi đã làm đúng những gì mà anh đã hướng dẫn cho tôi, có phải
không anh?
Sáng nay, ngày 07-07-2016, tôi đang tập thể dục thì nghĩ có lẽ tôi
nên viết về anh sớm hơn dự định. Bởi đến khi hồi ký của tôi hoàn chỉnh thì
thời gian đã quá muộn.
Tuy hiện nay anh không có mặt ở đây, anh Mẹo. Nhưng tôi tin rằng trong
lòng mọi người, các đồng nghiệp và các học sinh của anh, đều có hình ảnh
vui vẻ, rộng mở của anh.
Đây là nén hương lòng mà tôi kính gởi đến anh, dù đã muộn.
*TB: Anh chị Mẹo đã đóng góp để có quà cho các bạn ở Việt Nam trong dịp
Tết. Chúng tôi xin “rất cám ơn” tình cảm của anh chị đã gởi cho chúng tôi.