NHỮNG TRẢI NGHIỆM CUỘC SỐNG (5)
(Dạy học tại Trung học Trịnh Hoài Đức)
GS Nguyễn Thị Tâm


    Lúc mới về trường Trịnh Hoài Đức, tôi chỉ dạy một ít giờ nên hiếm khi gặp các đồng nghiệp đầy đủ. Hình như giáo sư đệ nhất cấp (dạy từ lớp 6 đến lớp 9) phải dạy 18 giờ 1 tuần. Giáo sư đệ nhị cấp chỉ phải dạy 15 tiếng, ở các lớp 10, 11 và 12. Còn hội họp, rất ít khi. Các giáo sư, chủ yếu là nam giáo sư dạy thêm ở các trường tư thục rất nhiều. Đời sống kinh tế do đó rất thoải mái.

    * Giao tiếp với những người có liên quan

    Tôi chưa bao giờ làm giáo sư hướng dẫn nên tôi không có đệ tử cưng riêng của mình. Tuy vậy đôi khi các em cũng mời tôi đi chơi, đi cắm trại do các em tổ chức... Vậy mà tôi cũng có một cuốn album nhỏ về những kỷ niệm xưa. Các hình này do các em chụp và tặng tôi. Đó là kỷ niệm quý giá. Tôi cũng còn nhiều thiệp chúc Tết của các em...
    Khi dạy ở trường Nam, buổi trưa từ Thủ Đức qua, tôi ghé ăn ở một vài quán gần trường. Sau nầy, khi hai bác Trầm mở quán trong trường, tôi ăn ở đó. Bác Trầm gái nấu canh chua thơm cá lóc rất ngon. Lúc dạy ở trường Nữ tôi thường ghé quán Mỹ Liên. Tôi chỉ ăn nhiều lắm là 3 cuốn bì cuốn, hoặc một dĩa bánh bèo. Không hiểu sao lúc đó tôi ăn quá ít mà vẫn sống được. Là khách hàng thường xuyên nên tôi hay nói chuyện với bác gái chủ quán. Mối thâm tình đó vẫn còn kéo dài cho đến tận ngày nay.
    Tôi thân với chị Hương. Tôi rất có cảm tình với chị ngay từ đầu, khi mới về trường. Chị là người dịu dàng, rất tử tế. Thỉnh thoảng tôi xuống nhà chị chơi, ăn uống cùng nhau. Chúng tôi hay đi chùa Thiện Chơn ở Búng. Đó là chùa của nhà chị.
    Ba tôi đôi lần cùng bạn đến biệt thự Kỳ Hương chơi. Sau này tôi nghe chị Hương kể: “Bác trai nói Tâm cứng đầu lắm. Từ khi Tâm chơi với mình, ít cứng đầu hơn nên bác rất yên tâm”.
    Có tiệc đãi ở Bình Triệu Quán, vào buổi chiều, để chia tay giáo sư nào đó, tôi không nhớ rõ. Tối lại, tôi cùng chị Hương về nhà chị Kỳ (chị của chị Hương) qua đêm.
    Lần đầu tiên tôi gặp và biết anh Phúc chính thức là cùng dự tiệc ở một quán dưới bờ sông Bạch Đằng, Bình Dương. Hôm đó tôi đang ở nhà, anh Phạm Ngọc Đảnh từ Sài Gòn lên. Không biết làm cách nào anh tìm được nhà tôi. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy anh đứng cạnh chiếc Lambretta trước cửa nhà. Anh vào xin phép ba tôi cho tôi đi dự tiệc. Anh bảo tôi xuống quán ở bờ sông. Anh đợi tôi ở đó. Tôi hỏi tiệc ai đãi, anh không trả lời, chỉ cười cười. Anh muốn dành cho tôi sự bất ngờ.
    Khi đến nơi tôi chưng hửng. Toàn là phái nam, chỉ có tôi là nữ. Có lẽ anh muốn giới thiệu để tôi quen với các anh trong trường. Bữa tiệc này do anh Lê Tấn Lộc chiêu đãi, mừng lên chức thì phải. Mọi người đều ngạc nhiên không biết sao tôi quen với anh Đảnh.
    Anh Lộc bảo tôi ngồi cạnh anh Phúc. Vì chỉ có tôi là phái nữ nên anh Phúc ân cần tiếp chuyện. Thấy chúng tôi trò chuyện, anh Lộc đùa: “Thôi ăn đi các nhà triết học. Các nhà triết học cũng phải ăn chứ!”.
    Từ đó chúng tôi như là người nhà của nhau. Anh Đảnh muốn tôi quen thân với các anh để dễ dàng cùng nhau làm việc. Anh thật chu đáo.

    * Học thêm các môn học khác

    Trong dịp nghỉ hè, có lần tôi xuống Cần Thơ để thăm bạn bè cũ cùng học Đại học Văn Khoa ngày xưa. Ông anh tôi dạy học tại Trung học Phan Thanh Giản.
    Anh tôi học khóa kế toán, đánh máy, sửa máy chữ với các giáo sư khác tại Đại học Cần Thơ. Đó là khóa Tu nghiệp Giáo dục Doanh thương tổ chức tại Đại học Sư phạm Cần Thơ từ 26.08.1970 đến 22 tháng 9 năm 1970. Tôi xin vào học và cuối khóa cũng được nhận chứng chỉ với danh nghĩa là giáo sư của trường Trung học Trịnh Hoài Đức Bình Dương.
    Có thời gian rảnh rỗi, tôi đến trường tiểu học Nữ Châu Thành do bà Đốc Phạn làm hiệu trưởng để học Nữ công Gia Chánh. Cô Sáu Hoa (chị vợ của nha sĩ Chương) và chị Trương Thị Liên, chị của Louis và Pierre, học trường Nguyễn Trãi cùng tôi khi xưa, dạy ở đây.
    Tôi không thích nữ công gia chánh lắm, nhưng vẫn đến học, chỉ vì muốn biết thêm một thứ mới lạ. Lần đầu tiên tới học, chị Liên bảo: “Bây giờ em lấy miếng vải may một hàng mũi tới”. Tôi ngẩn ngơ không biết may mũi tới là may như thế nào. Trước đó ở Nguyễn Trãi tôi học được những gì mà giờ tôi không nhớ. Chị Liên chỉ tôi mới biết thế nào là may mũi tới...
    Ở trường tiểu học này, tôi học may vá, thêu thùa, nấu các thức ăn Tây và ta, làm bánh mứt... Sau đó tôi còn học nấu ăn và làm bánh với cô Đào. Cô Đào nổi tiếng về bánh trái lúc bấy giờ. Cô cũng có cửa tiệm riêng sau dãy phố làng...
    Tôi thường lên văn phòng chơi với chị Cạng, chị Tiết, chị Xuân... Tôi hay xem các công văn đến. Thấy có công văn thông báo nhà trường cử người đi học trong kỳ hè. Mỗi tỉnh chỉ cử 1 người. Tôi nói với anh Phúc (Hiệu trưởng) cử tôi đi học khóa này. Nghỉ hè tôi xuống Sài Gòn học. Khóa này dạy cắm hoa kiểu Nhật, do 1 giáo sư du học từ Nhật về phụ trách. Lớp cũng dạy nữ công gia chánh, làm các thứ bánh Tây và ta, nấu các món ăn đặc biệt. Một giáo sư du học từ Mỹ về dạy cách nhận dạng các loại vải vóc xem chúng được làm bằng chất liệu gì...
    Đó là khóa Hội thảo về kinh tế gia đình do Bộ Văn Hóa Giáo dục và Thanh niên tổ chức ở Sài Gòn từ 20.7.1974 đến 07.8.1974.
    Sau khi học các khóa này, tôi quyết định học tiếp môn vẽ. Tôi đến trường Mỹ thuật Công nghiệp (bây giờ tên là Mỹ Thuật – Văn Hóa) ở bờ sông Bạch Đằng xin học dự thính. Tôi gặp anh Phạm Vĩnh Khương, dạy ở Trịnh Hoài Đức và Mỹ thuật công nghiệp, xin được học với anh. Anh đồng ý. Thế là tôi thành học trò của anh.
    Được vài tháng, đến ngày 30.4.1975, tôi vẫn tiếp tục học thêm ít lâu. Hiệu trưởng mới nói chỉ nhận những học sinh chuyên nghiệp. Thế là tôi phải nghỉ học ở đây.
    Chị Hiệp cũng dạy ở Mỹ Thuật Công Nghiệp bảo tôi dạy đứa con lai của chị tiếng Anh. Chị sẽ dạy tôi học vẽ. Tôi học với chị. Nhưng sau vì bận rộn quá nên cuối cùng tôi bỏ luôn, không học được nữa.
    Khi muốn học bơi, tôi đến hồ bơi ở trước Nhà thờ Bình Dương để quan sát. Tôi không học. Tôi đến Nhà thờ Bình Dương để xem các em học nhu đạo. Thấy các em quật nhau tôi sợ nên cũng không học. Tôi có đến chỗ dạy Vovinam. Hình như là ở bờ sông Bạch Đằng, từ dưới chợ cá bên trái đi lên gần Miễu Tử Trận. Tôi cũng không thích học.
    Thế là cả đời tôi không bao giờ biết bơi và biết võ thuật.

    * Đi chấm thi

    Đến các kỳ thi, chúng tôi được cử về Sài Gòn để chấm thi. Mỗi lần đi chấm thi tôi được rất nhiều tiền: công tác phí, tiền chấm thi... Được cử đi học cũng vậy, rất nhiều tiền.
    Ăn hàng, ăn quán đối với tôi là chuyện thường tình. Chẳng hạn từ Chợ Lớn tôi phải đến trường Hồ Ngọc Cẩn ở Bà Chiểu chấm thi. Buổi trưa phải ăn bên ngoài rồi về trường thi nghỉ ngơi. Sau đó chấm tiếp, đến chiều mới về nhà ở Chợ Lớn. Khi chưa dạy Triết, chấm thi ít vất vả hơn. Bắt đầu dạy Triết mới được cử đi chấm Triết.
    Học ở Văn Khoa, các giờ học để lấy chứng chỉ Triết, rất thoải mái vì ít sinh viên. Những người học Triết đa số đều lớn tuổi. Họ vừa đi học vừa đi làm nên ít có thời giờ vào giảng đường.
    Đặc biệt các sinh viên Triết sống theo 2 thái cực khác nhau. Một là diện ngất trời, hai là ăn mặc rất đơn giản. Tôi luôn thấy có sự trái ngược này.
    Khi đi chấm thi Triết, chúng tôi rất buồn tẻ vì đa số là các nam giáo sư. Đang chấm nữa chừng tự nhiên họ nghỉ, lấy ống píp ra hút. Khói mịt mù. Chúng tôi thường chỉ có 2 người nữ, phải đi ra ngoài hành lang đứng. Khi họ hút ống píp và bàn luận đã đời rồi chúng tôi mới dám vào phòng.
    Các chánh và phó chủ khảo thấy các môn khác đã chấm xong, môn Triết chưa xong nên phải chạy lên chạy xuống nhắc nhở một cách nhẹ nhàng. Họ mà cứ ỳ ra đó làm sao ráp phách, vô điểm kịp ngày quy định.

***
    Tôi không hiểu tại sao ngày xưa tôi đi học đủ thứ như vậy, hết thứ này đến thứ kia. Rốt cuộc sau này không có bằng cấp nào được chính thức sử dụng.
    Sau 1975 cho đến nay tôi dạy môn học mà tôi không có bằng cấp, nhưng dạy rất có kết quả, rất thành công. Nghĩ cũng kỳ thật!
    Tuy nói vậy, tôi cũng phải thừa nhận tất cả các thứ mà tôi học đều hỗ trợ lẫn nhau, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Không môn học nào là thừa mứa, không giúp ích được gì.
    (HT 22.3.2017)