NHỮNG TRẢI NGHIỆM CUỘC SỐNG (4)
(Làm việc ở Trung Tâm Giáo Hóa Thiếu Nhi)
GS Nguyễn Thị Tâm


    Trước khi về dạy ở Trung học Trịnh Hoài Đức, tôi đã được Bộ Xã Hội nhận và ký hợp đồng riêng với người Đức. Họ tài trợ cho Trung Tâm Giáo Hóa Thiếu Nhi Thủ Đức. Chúng tôi lãnh lương cả 2 bên. Các nhân viên ký hợp đồng với Đức được 20% lương của Bộ Xã Hội và 80% lương của Đức. Các nhân viên chính thức của Bộ Xã Hội thì ngược lại. Họ lãnh 20% lương của Đức và 80% lương của Bộ Xã Hội – nếu tôi nhớ không nhầm.
    Nhân viên ở đó khá đông. Trên hết có viên Quản đốc, kế đó là Phó Quản đốc, các cán sự xã hội, các trưởng xưởng, các cán bộ, ban đời sống...
    Những người lớn tuổi nói chuyện với người Đức bằng tiếng Pháp. Giới trẻ nói bằng tiếng Anh. Tôi thấy hình như họ thích nghe tiếng Anh hơn. Tôi là nữ nhân viên độc nhất làm việc cho họ. Bên phía Đức cũng có một cô người Đức.

    * Tìm hiểu về trung tâm cũ:

    Trung tâm khá rộng lớn. Ở trong đó có trường học, các xưởng trại như xưởng máy, trại mộc, trại may, trại hớt tóc... nhà ăn, khu vực ban đời sống..., khu tập thể cho nhân viên.
    Trường học, các xưởng trại và văn phòng của ban Quản đốc, và các nhân viên còn thô sơ, cũ kỹ.
    Ban ngày các em được tự do đi lại. Ban đêm bị nhốt lại trong các phòng dài như tù nhân. Sáng đến các em ra xếp hàng theo nhóm đi đến trường học, đến xưởng mộc, xưởng máy, đến trại hớt tóc, đến trại may, phục vụ ở bếp. Một số sẽ theo ban cấp dưỡng đi chợ để mua thức ăn.
    Lúc mới đến, có lần tôi đã làm cho quản đốc và các cán bộ phải kinh hoàng. Buổi tối lúc tôi đi quan sát các phòng vì tôi hiếu kỳ muốn biết sinh hoạt của các em. Khi tôi đến trước một phòng, các em nài nỉ: “Cô mở cửa cho tụi em ra. Tụi em lấy cái này rồi vô liền”.
    Tôi mở cửa, một vài em đi ra. Lúc đó các cán bộ giám sát đi bên ngoài thấy. Họ hoảng hồn xô các em vào phòng khóa cửa lại. Còn ông quản đốc nghe tin này vô cùng tức tối. Ông vò đầu bức tai, thiếu điều nhảy dựng lên. Ông sợ bọn trẻ leo tường trốn, ông phải chịu trách nhiệm vì các em là những kẻ phạm pháp đang bị giam giữ.
    Tôi cũng phải một phen hoảng sợ vì thấy hành động giận dữ của ông quản đốc. Sở dĩ tôi thả các em ra vì tôi thấy tội nghiệp và vì nghĩ rằng cho ra một chút rồi cho vào phòng ngay sẽ không sao.
    
    * Ở lại trung tâm:

    Tôi thường xuyên di chuyển từ Bình Dương đến Sài Gòn khi có công tác liên hệ ở Sài Gòn. Sáng hôm sau từ Sài Gòn lên Thủ Đức. Trưa lại đón xe ra chợ Thủ Đức để đi xe đò về Bình Dương dạy học. Mỗi ngày phải di chuyển nơi này đến nơi khác như vậy làm tôi muốn phát sốt luôn.
    Do vậy lúc đầu tôi ở chung với các chị em trong khu tập thể. Sau bác ba Tây là trưởng xưởng máy có nhà riêng trong trung tâm mời tôi đến nhà bác ở cho có không khí gia đình ấm áp. Bác nói: “Cô đừng ngại, chỉ thêm một cái chén, một đôi đũa thôi”. Hai bác có 4 người con gái và 3 con trai. Chị lớn nhất làm ở Pháp Á Ngân hàng. Anh kế làm ăn ở miền Trung. Còn lại các em đang đi học. Thêm hai bác nữa là 9 người, tính cả tôi là 10 người. Nhưng thật sự chỉ có 9 người ở nhà này.
    Nhờ vậy bác có dịp dạy cho tôi cách quản lý và biết rõ tâm lý của bọn trẻ. Bác đã làm việc ở đây lâu rồi và có nhiều uy tín cũng như kinh nghiệm. Thỉnh thoảng tối nào rảnh bác bảo tôi theo bác đi một vòng xem các em sinh hoạt. Có lần bác và tôi đang đứng trao đổi công chuyện. Một nhân viên rầy la, phạt 1 em. Bác lại khuyên nhủ em và bảo em xin lỗi người nhân viên. Đồng thời bác cũng xin tha cho em.
    Bác dạy tôi: “Cô thấy em nào bị rầy la hay bị phạt cô nên can thiệp để giúp nó. Nó sẽ cảm tình với cô. Sau này nó sẽ thật lòng giải bày tâm sự với cô...”
    Bác chu đáo tỉ mỉ dạy tôi từng chút một. Bác gái chủ yếu lo cái ăn cho cả nhà. Gia đình bác đã giúp đỡ tôi rất nhiều, cho tôi bầu không khí gia đình ấm cúng...
    


Cùng con dâu và các con của bác Ba Tây
   
* Được đào tạo thêm:


    Lần lượt cả trung tâm chúng tôi được đào tạo thêm. Hai anh em sinh đôi ở Sài Gòn rất giỏi về sinh hoạt tập thể được mời lên để dạy các trò chơi tập thể. Nếu rảnh rang chúng tôi đến xem để học hỏi.
    Chúng tôi được dạy cách xếp hình bằng giấy theo kiểu Nhật. Lúc đó phong trào này đang thịnh hành. Cũng có người đến dạy chúng tôi cách làm những đồ thủ công bằng gỗ, bằng gáo dừa...
    Những môn học này dùng để phục vụ cho việc tìm hiểu các em. Các em thích học môn nào, chúng tôi dạy môn đó. Trong lúc cùng làm, trò chuyện tôi có dịp tìm hiểu rõ những ngóc ngách trong tâm hồn các em. Từ đó tìm ra biện pháp giáo dục thích hợp. Nói đơn giản là như vậy. Chứ thật ra khó mà biết một cách chính xác các em cảm nghĩ gì. Các em rất khôn lanh, ma mãnh, cảnh giác cao nên không dễ gì biết rõ tâm tình của các em.
    Chúng tôi cũng được học thêm với các thầy Trần Văn Quế, thầy Lý Chánh Trung (Trung Lý)... Lúc ở Văn Khoa tôi không được học với thầy Trung. Khi lên làm ở đây tôi mới được học. Tôi cũng đi nhờ xe của thầy mấy lần ra chợ Thủ Đức để về Bình Dương. Tôi rất thích nói chuyện với thầy. Thầy cũng từng du học Pháp. Thầy tôi, ông Nguyễn Ngọc Thọ cũng được mời lên đây làm việc một thời gian.
    Người Đức muốn phổ biến văn hóa của họ nên mở lớp dạy tiếng Đức cho các công nhân viên vào mấy buổi chiều trong tuần. Tôi thỉnh thoảng tham dự được một số giờ. Vì công việc tôi phải di chuyển thường xuyên nên cuối cùng tôi phải nghỉ, không học nữa.

    * Công việc làm của tôi:

    Lúc mới công tác ở đây, tôi có một thời gian để làm quen với công việc, với trung tâm, với môi trường sống với các công nhân viên cùng làm và với các em. Lúc này chủ yếu làm một buổi.
    Tôi thường có những công tác giao dịch bên ngoài. Giờ giấc không bắt buộc phải 8 tiếng như các nhân viên thuộc Bộ Xã Hội. Vì thế tôi có thể về Trịnh Hoài Đức dạy thêm vào các buổi chiều.
    Người Đức giao cho tôi một số sách viết về tâm lý thanh thiếu niên bình thường bằng tiếng Anh. Tôi đọc kỹ các sách này rồi tóm tắt lại cũng bằng tiếng Anh. Dựa vào đó có thể đối chiếu được sự khác biệt giữa trẻ em bình thường và trẻ em phạm tội. Tôi có thể mang về nhà làm, miễn là công việc trôi chảy.
    Công tác đọc sách tâm lý và tóm tắt hoàn thành, tôi giao lại cho người Đức.
    Vì trung tâm chưa có thư viện để phục vụ việc đọc cho các em, tôi được yêu cầu lập danh sách các đầu sách phù hợp từng loại tuổi. Tôi nghiên cứu và lập xong danh sách cần mua. Tôi liên hệ một vài thư viện ở Sài Gòn như Thư Viện Quốc Gia... để tìm hiểu cách sắp xếp, điều hành. Nhưng sau đó không biết vì lý do gì việc này tạm ngưng lại. Tôi rất lấy làm tiếc vì mất cơ hội thử sức mình trong lĩnh vực mới này.
    Lúc chưa quen với các em, tôi bắt đầu quan sát các em từ trường học. Những em còn đang đi học nhỏ tuổi, dễ bắt chuyện. Trong lúc các em chờ giờ vào lớp và lúc ra chơi, tôi đến nói chuyện. Đúng là với các em nhỏ tương đối dễ tiếp xúc. Các em không thích người Đức và ngay cả những nhân viên làm việc cho Đức. Các em e ngại không biết họ đến đây để làm gì, nên dè dặt đối với tôi.
    Nhờ tôi quen bác ba Tây, sau đó ở nhờ nhà bác, công việc quan sát và tìm hiểu các em thuận lợi hơn nhiều. Bọn trẻ ở xưởng máy rất thương mến và vâng lời bác ba.
    Từ trường học tôi bắt đầu tiếp tục làm quen các em ở xưởng máy. Nơi này hơi khó, vì tôi không biết gì về máy móc, đôi khi tôi không biết mở lời thế nào. Tôi giải quyết bằng cách xem bác ba dạy các em. Rồi tôi cũng biết chút đỉnh. Tôi đứng kế bên bác để nghe bác giải thích cho các em và ngầm quan sát tìm hiểu tính cách của từng em một.
    Mỗi khi bác ba thấy tôi vào xưởng máy bác chào tôi và bảo các em cũng phải chào tôi. Làm khách nhiều lần như vậy, sự hiện diện của tôi ở xưởng máy trở thành quen thuộc.
    Các em là trẻ bụi đời phạm tội nên rất thông minh, nhanh nhạy, tinh quái, biến trá... Tay mơ khó mà nói chuyện và làm quen được. Muốn được các em nói chuyện, giải bày nỗi lòng của mình phải qua thời gian dài lâu quan sát tìm hiểu và đặc biệt phải được các em yêu mến và tin cậy.
    So với các cán sự, các nữ cán bộ đã làm việc rất lâu ở đây tôi còn thua xa về bề dày kinh nghiệm. Họ thân với các em, được đọc những gì các em viết và nghe những gì các em tâm sự. Tôi cố gắng làm quen, chơi thân với họ. Tôi hy vọng nhờ thấy như vậy các em sẽ tin cậy tôi hơn, có thiện cảm với tôi từ từ... để tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.
    
    * Nghĩ về các em:

    Trung tâm được Đức tài trợ xây rất đẹp. Thường mỗi góc nhà chứa các em theo số lẻ để giúp các em tránh được tình trạng đồng tính luyến ái.
    Bắt đầu từ lúc các em chuyển qua nhà mới, được tự do ra vào. Buổi tối các em không còn bị nhốt nữa. Các em được đối xử có tình người hơn nhiều...
    Các nhân viên người Đức rất nhiệt tình giúp đỡ các em bao tập vở... Làm những việc mà các em không làm được một cách ân cần. Họ chơi đùa, đánh banh hoặc đá bóng với các em. Lần lần các em bớt kỳ thị họ. Tuy họ giúp các em những việc nhỏ thôi, nhưng tôi chắc các em phải cảm động và lòng ấm áp hơn.
    Hoàn cảnh gia đình các em rất đáng thương: cha mẹ ly thân, ly dị, say xỉn, bài bạc, đề đóm, trộm cắp, đánh nhau, chửi nhau, sống bất cần đời... đối xử tệ bạc với các em... đã làm ảnh hưởng đến các em rất nhiều. Rồi xã hội... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các em...
    Trong số các em, cũng có nhiều em thuộc gia đình giàu có, có địa vị trong xã hội. Vì gia đình quá nuông chiều nên các em trở nên hư hỏng, xì ke, ma túy... dẫn đến phạm tội. Các em tâm sự nếu ngày xưa gia đình (ba, mẹ, ông, bà...) cho em một tát tai chắc các em không hư hỏng như ngày nay.
    Sau 1975, tôi áp dụng biện pháp này với một em học sinh, nhưng chỉ để dọa thôi. Ba má em là học trò cũ của tôi. Nhà rất giàu có, tạo mọi điều kiện cho em học. Môn tiếng Anh do giáo viên người nước ngoài đến tận nhà dạy, nhưng chẳng có chút kết quả nào. Các bạn của ba má em bảo đem em đến cho tôi dạy.
    Em không quậy phá gì, nhưng mặt lúc nào cũng lầm lầm lì lì. Hễ tôi đến gần em, em gầm mặt xuống. Tôi bảo em chép bài. Lúc tôi quanh trở lại thấy em mới viết có một hàng. Toàn bộ các chữ trong hàng dính lại hết. Đầu câu không hoa, cuối câu không dấu chấm. Cả đời dạy học của tôi, đây là lần đầu tôi trải nghiệm việc này. Tôi hỏi em: “Sao viết kỳ vậy?” – Em yên lặng không nói gì hết, như thách thức tôi.
    Tôi quyết định để bàn tay phải tôi gần gò má trái của em và nói một cách nghiêm túc: “Em có tin tôi sẽ tát em một cái không?”. Nghe tôi nói vậy, mặt em xanh dờn. Đứa em gái ngồi cạnh em cũng vậy. Nói xong tôi bỏ đi. Một lúc lâu tôi trở lại. Em chép bài đàng hoàng. Từ đó trở đi vô lớp em học hành siêng năng, không phải để tôi nhắc nhở nữa.
    ...Tôi thấy các em ở trung tâm có nghĩa khí, đạo lý của riêng mình. Dù chỉ là “đạo lý giang hồ”. Bị bắt không khai, không làm ảnh hưởng đến anh em cùng nhóm. Các em rất biết giữ chữ tín, giúp đỡ nhau, bênh vực nhau, yêu thương nhau. Không phải các em đều xấu, dù bị phạm tội và bị bắt giữ. Các em cũng có tình cảm, cũng có những điểm tốt như bất cứ thanh thiếu niên nào ngoài đời. Chẳng qua là do hoàn cảnh gia đình. Vì thế tôi không hề coi thường các em. Nếu được giáo dục tốt, đúng cách, có điều kiện sống các em sẽ là những thanh thiếu niên đàng hoàng, rất có ích cho xã hội.
    Tuy các em ở trung tâm nhưng tình hình bên ngoài các em nắm khá rõ. Ban đầu tôi không biết tại sao. Khi tiếp xúc với nhà bếp tôi mới biết. Ở nhà bếp có một số em xuống phụ giúp, cùng đi chợ mua thức ăn với các nhân viên. Tin tức lan truyền từ đó.

    ***
    Việc người Đức tài trợ xây nhà, chăm sóc, giáo dục các em theo lối mới, không giam giữ như tù nhân làm tôi thấy lòng mình nhẹ nhỏm. Tôi nghĩ đối xử nhân ái giữa người với người bao giờ cũng là biện pháp tốt nhất để giáo dục...
(HT 15.3.2017)