NHỮNG TRẢI NGHIỆM CUỘC SỐNG (3)
(Lựa chọn việc làm)
Gs Nguyễn Thị Tâm


    Ngày xưa văn bằng cử nhân rất có giá trị chứ không như ngày nay. Có thể kiếm việc làm một cách dễ dàng mà lương lại cao. Dĩ nhiên đã tốt nghiệp thì phải đi làm. Nhưng trước khi đi làm có thời gian vui chơi thỏa thích là đúng lý.
    Tình cờ tôi và các bạn sinh viên khác vào một ngôi chùa. Đây là lần đầu tiên tôi đến chùa Ấn Độ. Ở đấy tôi chỉ thích các tượng đồng đen. Thật ra tôi chưa từng đi chùa từ khi tôi lớn và biết suy nghĩ. Lúc nhỏ ở trên quê thỉnh thoảng tôi cũng theo mẹ tôi đến chùa. Chùa ở gần nhà, chỉ đi bộ một chút là tới.
    Tôi nhớ có lần nhà chùa cúng rằm tháng 7 tôi theo các bạn cùng xóm xuống đấy chơi. Cúng xong nhà chùa cho “giựt cộ, giựt giàn” gì đó. Tôi nhớ hình như là vậy. Những cái cộ có hình như cái phễu lật ngược xuống. Ở phía ngoài nhà chùa gắn bánh cúng, bánh cấp... gần đầy hết. Chung quanh các vật cúng này tôi nhớ có cắm nhang đang cháy.
    Chúng tôi còn nhỏ không dám chen vào giật với những người lớn. Nhưng đứng bên ngoài có khi mình cũng lượm được. Người ta giật, chúng văng ra rớt tung tóe. Có thứ rơi gần chúng tôi. Chúng tôi hớn hở lượm. Tôi mừng rỡ đem về nhà khoe với mẹ tôi. Mẹ tôi mắng cho một trận, bảo không được đi lượm như vậy. Lúc đó tôi còn quá nhỏ nên không hiểu tại sao người ta lượm được, còn tôi thì không.
    Nên từ đó khi có “giựt giàn”, tôi không bao giờ dám đến chùa. Vả lại tôi cũng rất sợ những ông tiêu có cái lưỡi màu đỏ dài thòn, gió thổi phất qua phất lại...
    ... Chúa Ấn Độ mà chúng tôi vào, tôi nhớ là ở chợ Sài Gòn. Đa số các bạn đi chơi với tôi hôm đó theo đạo Phật. Các bạn đốt nhang khấn vái, cầu xin... Sau cùng các bạn xin xăm. Thấy tôi cứ đứng đó nhìn, không đốt nhang, không lạy Phật, các bạn bảo: “Vào đi...”.
    Các bạn hào hứng xem xăm của mình. Quay qua thấy tôi vẫn đứng yên lặng ngắm các bức tượng bằng đồng đen một cách say mê, các bạn kéo tôi vào xin xăm. Chiều bạn, tôi cũng xin xăm nhưng rất bỡ ngỡ. Có thể đây là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng tôi làm việc này.
    Xăm của tôi rất tốt. Các bạn nói thuộc loại thượng thượng gì đó... Theo xăm đến mùa thu tôi muốn gì sẽ được nấy. Lòng tôi dửng dưng, không buồn cũng không vui khi nghe các bạn nói thế.
    Nhưng sau này nghiệm lại hình như đúng y như vậy. Tôi hơi bâng khuâng tự hỏi: “Ngẫu nhiên chăng?”.
    Sau khi ra trường, về nhà tôi bị bệnh gần cả tháng, có lẽ vì áp lực học hành quá nhiều. Vì tôi tự ý chọn môn Triết học nên tôi phải gắng sức để ra trường cho bằng được. Sau khi khỏi bệnh tôi đi tìm việc làm. Tôi liên hệ với các thầy của mình. Vì thế tôi được biết:
    - Nha Khảo Cổ Sài Gòn đang cần một cử nhân Triết, thuộc Triết Đông càng tốt.
    - Trung tâm học liệu Sài Gòn cũng đang cần một cử nhân Triết.
    - Bộ Xã hội được nước Đức tài trợ, lập trung tâm nghiên cứu tâm lý Thanh Thiếu Niên Phạm Pháp cũng cần người có cử nhân.
    Trước tiên tôi đến Bộ Giáo Dục, xin gặp bà Đinh Thị Thu Ba. Tôi trình bày với bà tôi muốn đi dạy học. Bà bảo tôi về nhà đợi ít hôm. Mấy hôm sau tôi đến nhắc bà về sự vụ lệnh. Bà đưa cho tôi sự vụ lệnh đi dạy ở Phú Hòa Đông. Vì tôi tưởng nhầm là trường An Mỹ nên tôi nhận. Khi đến trường An Mỹ trình diện Ban Giám Hiệu, họ bảo tôi sự vụ lệnh này cử đi Phú Hòa Đông.
    Thấy xa xôi, phải qua một con đò, mà tôi không biết bơi nên tôi gặp bà Thu Ba để trả sự vụ lệnh. Bà ấy cằn nhằn: “Vì cô tốt nghiệp cử nhân nên tôi mới ưu tiên cho cô. Vậy mà cô còn đòi trả sự vụ lệnh. Nhiều người muốn về đây tôi không giải quyết. Tôi ưu tiên dành cho cô vì cô là phái nữ. Sao cô lại không nhận. Chỗ nhà cô băng qua sông đi một lúc thì tới trường. Cô nên nhận đi. Trả sự vụ lệnh rồi mai mốt khó có sự vụ lệnh mới lắm”.
    Lúc đó một trường tư thục mời tôi làm Hiệu trưởng nhưng tôi không thích. Vả lại tôi đang chuẩn bị ký hợp đồng với người Đức. Bạn của thầy tôi, cũng là một giáo sư Triết. Tôi gọi là anh vì em trai của anh là bạn thân của anh tôi. Anh Phạm Ngọc Đảnh có học bổng đi du học từ Đức về, dạy tiếng Đức, làm cố vấn cho Trung tâm Thủ Đức.
    Trong lúc chờ đợi ký hợp đồng chính thức, tôi đi đến Viện Khảo Cổ, theo lời khuyên của thầy Nguyễn Ngọc Thọ. Tôi thấy không thích nơi này. Thầy bảo tôi hãy đến Trung tâm học liệu xem sao.
    Ông Lê Thanh Hoàng Dân, đang làm ở đây cần một cử nhân Triết để thay thế cho ông. Hình như ông có ý định chuyển đến nơi khác tốt hơn nhiều thì phải. Tôi có liên hệ, trực tiếp gặp ông, nhưng cuối cùng tôi quyết định từ chối lời mời.
    Về Bình Dương, lúc đó tôi đã làm ở Thủ Đức, tôi liên hệ với người cháu họ đang dạy nhạc ở Trung học Trịnh Hoài Đức. Tôi xin địa chỉ ông Hiệu trưởng, lúc bấy giờ (Ông Nguyễn Trí Lục). Cháu tôi cho địa chỉ xong, hỏi tôi có ý định làm gì. Tôi bảo để liên lạc chớ để làm chi. Nó hết hồn năn nỉ tôi đừng xuống Phú Nhuận. Ông cụ khó lắm, giống như ông Bảy nhà mình. Tôi mặc kệ nó nói gì. Tôi nghĩ mình cần việc, phải trực tiếp gặp để nói chuyện rõ ràng.
    Đến Phú Nhuận, quả thật vậy, người tôi gặp là ông cụ. Tôi có trình bày cho ông cụ ý muốn của tôi. Tôi thấy ông cụ đâu có khó khăn gì như nó nói. Tôi xin phép ngồi đợi Hiệu trưởng một chút. Rồi tôi ra về.
    Tôi cũng thỉnh thoảng đến Nha Trung học Sài Gòn. Tôi đến chơi với người bạn cùng xóm (ở Sài Gòn) đang làm thư ký ở đây.
    Cuối cùng tôi cũng được về Trung học Trịnh Hoài Đức dạy với tư cách là tư nhân dạy giờ. Tôi quả thật rất may mắn!
    Mấy tháng sau, văn phòng báo cho tôi biết chị Lương Thanh Kiệm tìm và muốn gặp tôi. Chị là vợ của ông Chánh án tỉnh Bình Dương đương thời. Chị nghỉ hộ sản, mới vào dạy lại. Chị muốn gặp tôi để biết mặt và cũng có ý cảm ơn tôi đã dạy thay chị lúc chị nghỉ hộ sản.
    Từ đó về sau cho đến 1975, tôi “một kiểng hai huê” đi về. Hai bên tôi đều rất yêu thích và làm việc tận tình. Tính ra được 8 năm. Một khoảng thời gian không dài cũng không quá ngắn...
(13.3.2017)