NHỮNG TRẢI NGHIỆM CUỘC SỐNG (2)
(Học Đại học)
Gs Nguyễn Thị Tâm


    Nghe lời khuyên của thầy Thọ, tôi đăng ký vào Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Thật ra ba má tôi không muốn tôi học lên cao vì tôi ốm yếu quá. Những người bạn hay đến nhà chơi cờ với ba tôi bảo tôi thi vào kỹ thuật Phú Thọ, học môn nữ công gia chánh. Ba tôi cũng bảo như vậy. Nhưng tôi nhất định học Văn Khoa. Cuối cùng ba tôi cũng chiều tôi để tôi tự quyết định.
    Ở Văn Khoa, năm đầu sinh viên phải lấy chứng chỉ Dự Bị. Học chứng chỉ này trong một năm và cuối năm thi. Còn 4 chứng chỉ nữa chỉ cần học trong 2 năm, mỗi năm có thể lấy 2 chứng chỉ. Muốn tốt nghiệp, sinh viên học giỏi chỉ cần 3 năm. Nếu đậu chứng chỉ Dự Bị xong, 4 chứng chỉ còn lại học theo quy định của trường thì tốt nghiệp Cử nhân Giáo Khoa. Còn không thì đạt cử nhân Tự do. Cử nhân Giáo Khoa ra trường được ưu tiên, dễ kiếm việc làm, lương cao.
    Năm Dự Bị thì hơi vất vả, nhất là lúc dành chỗ ngồi vì thường sinh viên rất đông, có khi phải đứng ngoài hành lang để nghe giảng bài. Khi cửa giảng đường mở, các sinh viên dự bị cứ đứng bên ngoài ném tập sách vào. Chỗ ghế nào có sách hoặc tập là đã có chủ. Khi lên các chứng chỉ cử nhân không còn tình trạng này nữa.
    Ở lớp Dự Bị chúng tôi phải học tiếng Trung Quốc thông qua tiếng Pháp. Nghĩa là chúng tôi học tiếng Trung Quốc với một linh mục người Pháp – Cha Larre. Tài liệu học một bên là tiếng Trung Quốc, một bên là tiếng Pháp. Còn ở chứng chỉ Triết học Ấn Độ, chúng tôi phải học tiếng Sanskrit. Tài liệu một bên là tiếng Anh, một bên là tiếng Sanscrit, do một giảng sư người Ấn Độ dạy.
    Vì là sinh viên thuần túy nên tôi thường vào các lớp Sử, Anh văn thực hành, Pháp văn thực hành để học thêm khi có giờ rảnh. Nói chung chúng tôi học với người nước ngoài nhiều. Vì học Triết nên tôi thường được các linh mục và các thượng tọa dạy.
    - Linh mục Thanh Lãng (Đinh Xuân Nguyên) dạy Văn học ở chứng chỉ Dự Bị. Thầy đỗ Tiến sĩ tại Đại học Fribourg, Thụy Sĩ.
    Lúc đầu học với thầy, phái nữ chúng tôi hơi khó chịu vì nghe thầy đọc nhưng câu ca dao, tục ngữ... nói về thói hư tật xấu của các quan lại thời xưa. Chẳng hạn như hai câu:
        “Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình,
    Ba bộ đồng tình.............................”
    Khi nghe thầy đọc chúng tôi hơi xấu hổ. Nhưng về sau quen dần với tính cách của thầy chúng tôi không còn ngượng nữa.
    - Linh mục Bửu Dường ở Đà Lạt xuống. Nghe đâu thầy là trùm Triết học ở Châu Á lúc bấy giờ. Thầy là hậu duệ của các vua Triều Minh Mạng, Tự Đức.
    Tôi rất có ấn tượng với thầy. Tôi vô cùng thích lối dạy mà tôi cho là rất hay, rất độc đáo của thầy. Và sau này tôi có được một ít tính cách đó, tính cách phân tích tỉ mỉ. Từ một câu tiếng Trung Quốc, thầy dịch ra tiếng Việt Nam, sau đó thầy dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức. Mỗi thứ tiếng thầy cắt nghĩa rất rõ ràng. Chỉ một câu mà thầy giảng rất lâu. Thầy so sánh câu Việt Nam đắc địa ở từ nào, từ tiếng Pháp hay chỗ nào. Một lối giảng thật đặc biệt, chỉ có riêng mình thầy.
    - Linh mục Thích (Nguyễn Văn Thích) ở Huế vào dạy. Lúc đó thầy khá già, ốm yếu, đi đứng lọm khọm một chút. Thầy viết nhiều sách báo về Triết học, tư tưởng, giáo dục, tu đức.
    Thầy và thầy Bửu Dưỡng chỉ đến Văn khoa dạy một thời gian thì về. Sau đó lại có thời khóa biểu mới vào những tháng sau.
    - Linh mục Lê Tôn Nghiêm, tiến sĩ Triết học. Thầy là một nhà triết học lỗi lạc ở miền Nam Việt Nam thời bấy giờ. Sau chúng tôi gọi là thầy, không gọi là cha nữa, vì lý do riêng khá đặc biệt.
    - Linh mục Lương Kim Định, giáo sư Triết học Đông Phương. Thỉnh thoảng khi đi dạy thầy mặc áo giống như áo dài màu trắng. Chúng tôi có đến Đắc Lộ thăm thầy một lần. Lần đó thầy rất ngạc nhiên và rất vui.
    - Thầy Thích Minh Châu, lúc đó là Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh. Thế danh của thầy là Đinh Văn Nam, du học và đậu khoa Tiến sĩ Phật học.
    Tôi có một kỷ niệm nho nhỏ với thầy. Trong lúc giảng bài, có một lần thầy nói đại khái ý là nếu mình tham, sân, si cũng là nguyên nhân gây ra bệnh... Lúc thầy bệnh, bạn bè rủ đi thăm. Chúng tôi đứng bao vây quanh thầy rất là vui vẻ. Tôi đứng suy nghĩ một hồi rồi hỏi thầy: “Thầy ơi, thầy có tham, sân, si không mà thầy bị bệnh?”.
    Mấy bạn đứng phía sau tôi lấy tay thúc vào lưng tôi. Người thì đạp lên dép của tôi. Ý họ biểu tôi dừng lại đi. Thầy không nói gì mà chỉ mỉm cười hiền lành. Tôi nhớ mãi nụ cười hiền lành đó của thầy.
    Thật ra, câu hỏi của tôi đâu có gì là sai quấy, chỉ là một câu hỏi bình thường. Tôi chỉ muốn biết giữa người tu và người thường có gì khác nhau.
    Thầy Minh Châu khi dạy ở Văn Khoa thường đem các ni sư là sinh viên ở Đại học Vạn Hạnh đến để học chung với chúng tôi. Thầy mặc y phục màu vàng và các ni sư cũng vậy. Cả ly nước để trên bàn thầy cũng có màu vàng. Cả một góc lớp rực rỡ màu vàng. Lớp học vào những giờ này rất có sinh khí vì khá đông.
    - Thầy Nhất Hạnh là thiền sư, giảng viên. Tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo. Thầy cũng là nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu. Tôi chỉ học với thầy vài tháng về Duy Thức học. Sau đó không thấy thầy dạy nữa. Sau mới biết tháng 5 – 1966 Đại đức Thích Nhất Hạnh định cư ở Pháp.
    Lúc thầy bệnh, một phật tử rủ tôi đi thăm thầy. Chị sờ chân thầy để xem bệnh. Tôi hỏi: “Sao không sờ đầu mà sờ chân?”. Chị trả lời: “Không được phép sờ trán thầy”. Chị nói sao thì tôi hay vậy.
    - Thầy Thích Quảng Liên, thế danh là Nguyễn Văn Chính. Học vị của thầy là Tiến sĩ Đại học Yale (Mỹ).
    Có lần thầy bảo thầy sẽ đãi chúng tôi một bữa tiệc. Chúng tôi có thể ăn bất cứ thức ăn nào chúng tôi thích. Thầy cũng bảo chúng tôi ai muốn dạy ở trường Bồ Đề (Cầu Muối) thì đến gặp thầy. Thầy là người sáng lập và xây dựng hệ thống Bồ Đề trên cả nước.
    - Thầy Nguyễn Văn Trung thỉnh thoảng cho chúng tôi đi thảo luận ở vườn Tao Đàn. Những giờ học này cũng khá thú vị. Có thể vừa ngắm cảnh vừa bàn luận một vài đề tài do thầy đưa ra.
    - Thầy Nguyễn Duy Cần viết rất nhiều sách. Sau này khi đến chơi ở nhà một người bạn, tôi có thấy lại một số sách do thầy viết. Thầy khuyến khích chúng tôi lấy cử nhân Triết Đông. Lúc đó Triết Đông mới bắt đầu mở cử nhân.
    Tôi nghiêng về Triết Đông theo lời thầy khuyên. Lúc đang học với thầy, chúng tôi có dịp tiếp xúc với thầy. Thầy hay nói chuyện với các sinh viên. Một hôm thầy bảo chúng tôi nếu thích hãy đến nhà thầy để nhận ảnh chụp có hình chúng tôi trong đó. Đa số các sinh viên học Triết Đông thường là người lớn tuổi, nữ sinh viên lại càng ít hơn. Có một mình tôi là rảnh, nhưng tôi ngại đến nhà thầy một mình. Cuối cùng tôi không có một hình nào kỷ niệm lúc học Đại học.
    - Thầy Khiết đã từng du học ở Pháp về. Lúc ấy thầy đã lớn tuổi. Thầy hơi gầy vì chỉ ăn thức ăn luộc hoặc hấp. Đó là các anh chị nói với tôi như thế. Thầy nói năng nhỏ nhẹ và rất lịch sự. Lúc nào thầy cũng ăn mặc tươm tất.
    Một hôm tôi đang ngồi trong giảng đường. Lúc ấy giảng đường vắng lắm, chưa có ai vào. Chỉ có thầy và tôi. Thầy thường đi sớm trước giờ giảng. Thầy chắp tay sau lưng đi tới đi lui thư giãn chờ giờ lên lớp. Thầy đến gần tôi và bảo: “Cô tốt nghiệp xong thì làm cao học với tôi nhé”. Tôi hơi ngạc nhiên vì từ trước đến nay thầy chưa từng nói chuyện riêng với tôi.
    - Thầy Lê Thành Trị, tiến sĩ Triết học, Đại học Fribourg. Một sinh viên đi trễ, nhảy từ cửa sổ vào. Thầy Trị bắt anh ta phải đi từ cửa chính ra ngoài. Rồi vô lớp trở lại bằng cửa chính. Thường các thầy nói đi học phải đúng giờ. Nếu thấy giáo sư dạy không hay có thể ra khỏi lớp bất kỳ lúc nào. Các thầy không chấp nhận các sinh viên vào giảng đường trễ.
    Còn một số thầy nữa nhưng tôi không nhớ hết. Tôi chỉ ghi lại những thầy đã dạy mà tôi còn nhớ, do có nhiều ấn tượng.
    Tuy tôi học với các linh mục, thượng tọa, đại đức nhưng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ theo bất cứ tôn giáo nào. Tôi chỉ sống theo những gì tôi cho là tốt, là đúng, là hay... mà thôi. Tôi muốn sống một cách độc lập theo ý riêng của mình...
    Lúc học Đại học chúng tôi cũng có một số thu vui nho nhỏ. Chủ yếu là ráng học để ra trường sớm. Chúng tôi cũng có những áp lực nhưng cố gắng để vượt qua.
    Để có bạn, tôi phải chơi với các sinh viên ban Văn, ban Ngoại ngữ... vì ban Triết ít có nữ giới trẻ là sinh viên thuần túy như tôi.
    Chúng tôi hay đi dự những giờ học khác ở Văn Khoa, như giờ của thầy Đông Hồ, thầy Trần Trọng San... Thỉnh thoảng cũng đến các Đại học khác như Khoa học, Đại học Sư phạm để tham quan, để thỏa tánh hiếu kỳ. Chúng tôi vào những giờ học ở giảng đường Khoa học để nghe giảng và đợi bạn học xong cùng đi chơi với nhau.
    Thường chúng tôi hay vào thư viện của Văn khoa hay thư viện Quốc gia để đọc sách, học bài, tìm tài liệu cần thiết cho chương trình học. Chúng tôi cũng hay lang thang ở các tiệm sách để tìm sách hay, mới xuất bản...
    Đi “bát phố” cũng là một trong các thú vui thời sinh viên. Chiều thứ bảy, chiều chủ nhật, nhất là những ngày lễ, Tết,... Chúng tôi thường đi dạo quanh phố phường Sài Gòn, chợ Bến Thành. Bọn tôi thường đi thành từng nhóm để tự bảo vệ mình. Các chàng trai tinh nghịch thường hay lén lấy tay vuốt nhẹ lên mai tóc dài mượt mà, óng ả của các cô gái đi lẻ một mình.
    Có lần chúng tôi đang đi bỗng nghe tiếng một cậu trai nói hơi lớn: “Cô này lạ thật!  Tự nhiên cô nắm tay tôi, rồi cô quăng đi là sao?”. Hai cô bạn nọ nắm tay nhau len vào đám đông. Đi được một đoạn, một cô quay lại nhìn thấy đang nắm lộn tay một anh chàng khác nên cô bực mình ném tay anh chàng.
    Vì vậy mỗi lần chúng tôi đi “bát phố” thường hay nói với nhau: “Nhớ nắm tay cho đúng người”.
    Đi “bát phố” ngày xưa cũng là một thú vui tao nhã. Trai thanh gái lịch đầy đường. Nhìn xe cộ dập dìu cũng là một cách để thư giãn.
    Chúng tôi cũng thỉnh thoảng đi xem một vài phim hay. Còn có thú vui đi uống trà, ăn các món ngọt..., các món ăn ngon trong chợ.
    Đi học ở Văn Khoa, chúng tôi cũng có lúc bị ăn lựu đạn cay. Lựu đạn cay được ném để giải tán các đám biểu tình. Đi xem kết quả về, mắt tôi đỏ hoe, người nhà tưởng tôi thi hỏng. Sau đó, lúc đi học chúng tôi hay mang theo bịch ni-lông lớn để chui vào tránh khói cay.
    Rồi Văn Khoa có thêm cơ sở 2 là thành Cộng Hòa gần Thảo Cầm Viên... Cuối cùng chúng tôi cũng hoàn tất việc học và ra trường, chuẩn bị đi làm.
    Đó là tất cả những gì tôi còn nhớ khi học ở Văn Khoa. Thời kỳ này cũng là thời kỳ đẹp, vô tư vô lự của tuổi học trò. Mỗi khi nhớ lại, lòng thấy rất vui. Niềm vui không bao giờ tìm lại được!
(10.3.2017)