Những trải nghiệm cuộc sống (13)
(Rèn luyện thân thể)
G/s Nguyễn Thị Tâm


    Ngày 31-12-1998, tôi chính thức về hưu, khi đến Phòng Giáo Dục Thị Xã để nhận giấy tờ, tổ chức Phòng bảo:
    - Sao trong quyết định chị được nghỉ thêm 2 tháng nữa ngoài những tháng qui định mà vẫn lãnh lương đầy đủ?
    - Làm sao tôi biết được. Muốn rõ hãy lên tổ chức Sở Giáo dục hỏi

* Tiếp tục dạy thêm ở nhà
    Sau khi về hưu tôi vẫn tiếp tục dạy thêm tại nhà. Lúc này tôi không nhận làm gia sư nữa.
    Tôi dạy thêm tiếng Anh từ Mẫu Giáo đến lớp 9, nhất là các em mất căn bản. Từ lớp 10 trở lên tôi không nhận để đỡ bị áp lực, phải chịu nhiều trách nhiệm. Thật ra nếu từ lớp 6 đến lớp 9, học đàng hoàng, lên lớp 10 các em có thể tự học được.
    Tôi dạy chủ yếu vì tôi rất yêu thích công việc này. Lúc mới về hưu, tôi dạy theo thời khóa biểu kín mít. Bây giờ tôi dạy ít lại. Ngày dạy ngày nghỉ, để có thời gian thư giãn, thảnh thơi và thong thả. Chỉ nhận những chỗ quen biết. Ông bà, cha mẹ các em trước là học trò của tôi. Nay dẫn con cháu lại học với tôi.
    Có lần tôi nghe một mẩu đối thoại nhỏ:
        - Sao, được không?
        - Dạ, được. Không già quá như con nghĩ.
    Thường các em nghe nói tôi là cô giáo của ông bà hoặc cha mẹ mình nên sợ tôi già quá không dạy được. Vả lại bọn trẻ bao giờ cũng thích học với các thầy cô trẻ. Có lẽ dễ tiếp xúc, dễ hòa đồng hơn …!
    Phụ huynh bảo tôi đăng bảng để họ dễ biết, dễ tìm. Tôi bảo:
    - Từ xưa đến nay tôi không bao giờ đăng bảng. Nếu ai nuốn cho con em học với tôi, tự họ sẽ tìm ra được nhà thôi.

* Tập dưỡng sinh
    Sau khi nghỉ hưu một thời gian, khoảng 5 năm sau tôi bị bệnh. Có lẽ sức dồn nén sau bao năm cật lực làm việc công và việc tư, bây giờ mới bắt đầu bung ra … chanh đã hết nước đương nhiên phài khô héo …
    Tôi mua rất nhiều sách về y học, dưỡng sinh, thể dục thể thao, yoga, kể cả hip hop để xem … Sách của Ấn độ, Nhật, Trung quốc, Việt nam, Mỹ, Pháp. Ngoài ra tôi cũng tìm được những cuốn sách chỉ phát hành trong nội bộ.
    Cuốn đầu tiên tôi đọc là “Suối nguồn tươi trẻ” của Peter Kelder. Tôi rất thích cuốn này. Kế đến là cuốn “Đi bộ với sức khỏe” Kuzuhara Kenmi cũng rất khoa học, hay và tỉ mỉ.
    Gần như mỗi cuốn sách hay tôi đều mua 2 quyển. Một quyển dành cho bản thân tôi. Một quyển tôi cho người khác mượn. Nếu họ làm mất, làm hỏng, thậm chí không trả lại, tôi vẫn còn quyển mà tôi cần, hoặc ưa thích. Đôi khi tôi cũng mua tặng bạn, những người thân quen. Họ giàu quá nên chỉ cần sách hay, sách quí. Hơn nữa tôi muốn bù đắp lại những gì họ đã tặng tôi.
    Trước tiên tôi chưa mua sách để tập luyện. Mỗi sáng dậy sớm đi bộ ra bờ sông Bạch Đằng, vòng vòng ngoài chợ xem người ta mua bán … , chỗ này chỗ kia để xem các Câu Lạc Bộ Dưỡng Sinh tập. Dần dần tôi làm quen, mượn được nhiều sách, cả những sách đã xuất bản từ lâu đời để tham khảo. Đa số những người trong Câu Lạc Bộ là phụ huynh học sinh, học sinh cũ, hoặc những người quen với gia đình, có khi là họ hàng … Tôi mượn sách, dù là sách quí hiếm, họ vẫn vui lòng,
    Câu Lạc Bộ đầu tiên mà tôi tham gia do sự giới thiệu của bạn học cũ. Là một Câu Lạc Bộ có tiếng, khá đông người tham dự. Vô xong tôi mới thấy ngại. Họ, ngoài việc tập luyện mỗi ngày, trừ sáng chủ nhật, đi dự tiệc liên miên. Sinh nhật, tân gia, thôi nôi, đầy tháng, đám giỗ, đám cưới, thượng thọ, các chùa … Tôi mới vào 1 tháng mà đã đi dự hàng chục đám tiệc. Người này đãi 5 bàn, người kia tổ chức hoành tráng hơn đến 10 bàn. Thi đua nhau mà tổ chức. Đi dự không tốn kém tiền nhiều vì có qui định riêng, nhưng rất phiền toái.
    Tôi không biết đi xe. Họ ân cần cho người đến đón. Đa số những người đến đón là phái nam. Thấy bất tiện quá nên tôi giã từ …
    Mỗi sáng thứ hai, Câu Lạc Bộ làm lễ chào cờ nghiêm túc, hát quốc ca … Sáng thứ bảy học hát tập thể … để chuẩn bị cho các ngày thi đua văn nghệ có người cao tuổi tham dự. Xong rồi tụ tập, đi ăn uống … Đến những nơi đó, họ hát ca om sòm, nô đùa cười giỡn tự do … Tập ít, mà đi ăn uống nhiều … chao ôi!
    Đến Câu Lạc Bộ khác. Khi tập chung với họ, tôi có niềm vui riêng, họ cũng vậy. Ai cũng thích và nhiệt tình làm sư phụ của tôi. Người này nắm tay, người kia nắm vai, người xoay đầu tôi, người xoay lưng tôi, người nọ bẻ chân tôi theo các động tác mà tôi chưa quen … Tôi thấy choáng váng cả người. Sao mà họ tận tình giúp đỡ tôi quá!
    Thế là tôi trốn họ luôn. Nghe có nhóm tập ở bờ sông, dạy rất hay, rất đúng. Tôi hồ hỡi đến tham quan và sau đó tham gia. Lần lần tôi nhận ra các Câu Lạc Bộ dưỡng sinh, cũng có cái hay, cũng có cái dở. Thường tập các động tác chung chung cho tất cả mọi người.
    Tôi đã quen dần với việc đi bộ và đi tập chung như vậy. Sức khỏe có đỡ hơn. Có lẽ vì xưa nay tôi lười lao động, cũng như vận động tay chân nên bây giờ hoạt động, có cải thiện cơ thể được chút ít.
    Tôi bắt đầu chú ý đến các chiêu thức họ đọc khi tập. Tôi buồn cười quá nhưng không dám cười. Họ đọc tôi chẳng hiểu gì cả. Sau tôi mượn được cuốn sách quí của 1 thân chủ của gia đình tôi và nghiên cứu.
    Ông thầy dạy đọc:
        - Ngọc Nữ xuyên thao
Nhờ có quyển sách đó tôi mới biết:
        - Ngọc Nữ xuyên thoa ( người đẹp, người ngọc gì đó cài trâm)
        “xuyên thoa” không phải “xuyên thao”
    Tôi giã từ hết các câu lạc bộ mà tôi đã tham dự, chủ yếu tôi đi bộ và tập theo những động tác trong các sách tôi đã mua.
    Một lần tôi đi đến công viên, đứng xem họ tập. Người hướng dẫn đọc:
    - Bạch hạc thượng sĩ.
    Tôi cảm thấy chới với. Muốn cười cũng không dám cười. Mà cười cũng không nổi nữa.
    Tôi đọc trong sách là:
    - “Bạch hạc lượn xí”, có nghĩa “hạc trắng xòe cánh”
    Tôi cảm thấy thất vọng tràn trề!
    Đã vậy, một hôm tôi đi lãnh lương ngoài Phường Phú Cường (bây giờ lãnh ở bưu điện Thành Phố Thủ Dầu Một, bờ sông Bạch Đằng), em L, học trò cũ cũa tôi hỏi 1câu làm tôi ngạc nhiên. Em cười cười:
    - Cô còn đi tập dưỡng sinh nữa hôn cô?
    Nói xong, em và những nhân viên trong phòng cười rộ lên. Em tiếp:
    - Một ông trong cơ quan em đi tập dưỡng sinh sao hổng biết. Bà vợ đến cơ quan thưa kiện, làm dữ …
    Thật mất mặt quá!
    Sau đó, tôi còn gặp 1 người quen hỏi:
    - Cô biết nhóm tập ở công viên … không? Một con gà trống ngày nào cũng dẫn một bầy gà mái đi …
    Tôi không biết nhóm này. Sau hỏi ra cũng biết chút chút …
    Thế là tôi quyết định tập ở nhà một mình. Không ra ngoài nữa. Tôi xem kỹ những động tác thể dục trong sách. Sách viết rõ, nhất là sách yoga của Ấn Độ, ai bệnh gì tập động tác gì, không được tập động tác nào …
    Qua vụ đi tập dưỡng sinh này, tôi đã tốn 1 mớ tiền để mua 3 cái áo thun, 3 cái quần thể thao và 3 đôi giầy thể thao, gậy tập ..
    Từ dạo đó đến nay, tôi tự tập một mình. Mỗi khi gặp tôi, họ hỏi:
    - Sao không thấy cô ra tập với chúng tôi cho vui.
    Tôi nghĩ thầm: Thật là vui muốn chết! Nhưng lại trả lời:
    - Tôi tự tập ở nhà.
    - Tập một mình buồn lắm cô ơi     
    - Nhưng tôi có tự do. Muốn tập động tác nào là tùy thích, không bị bắt buộc theo ý người khác.
    Bây giờ, tôi đặc biệt quan tâm các xoa bóp huyệt đạo của sách Trung quốc.
    Nói đi rồi cũng phải nói lại. Có nhiều Câu Lạc Bộ Dưỡng sinh rất đàng hoàng, rất tốt … Dĩ nhiên là phải như vậy. Tôi chỉ có ý nêu lên mặt trái, mặt không đẹp, mặt tiêu cực để có vài phút giây thư giãn … ngoài ra không có ý xấu gì hết.
    Mong các Câu Lạc Bộ Dưỡng sinh tích cực khác thông cảm. Nghiêm túc quá cuộc đời hết hứng thú vì nó khô cằn sỏi đá.

( HT  15-06-2017)