NHỮNG TRẢI NGHIỆM CUỘC SỐNG (12)
(Vướng mắc trong công tác dạy và học)
G/s Nguyễn Thị Tâm


    Rời trường Hiệp Thành 2, tôi về trường Nguyễn Du bây giờ, lúc đó là trường cấp 1, 2 Phú Cường 2. Một ông làm Hiệu trưởng, một bà làm hiệu phó chuyên môn và ông khác làm hiệu phó lao động.

    * Giữa giáo viên và Ban Giám Hiệu.
    Hiệu trưởng phân công cho chúng tôi mỗi người một ngày làm công tác của bảo vệ và nhân viên trà nước (tạp vụ) của trường. Chúng tôi phải đến sớm mở cổng trường, mở cửa các phòng học, quét dọn và nấu nước pha trà trong văn phòng. Tôi là người được phân công đầu tiên, tôi cương quyết từ chối, không làm.
    Hiệu trưởng bảo vì Phòng Giáo dục chưa tìm được người, các giáo viên phải làm thay. Tôi trả lời:
    - Đó là chuyện của Phòng Giáo dục. Khi nào Phòng Giáo dục yêu cầu các hiệu trưởng đến quét dọn và pha trà nấu nước cho Phòng Giáo dục mà các hiệu trưởng đồng ý làm tôi sẽ tính lại.
    Hiệu phó lao động hay xen vào việc dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi của tôi, tôi yêu cầu ông chỉ cần lo việc vệ sinh trường lớp, không cần quan tâm đến chuyên môn của tôi.
    Những người lo đời sống của trường mua các thứ được phân phối và làm không đúng theo sổ sách nên một số chúng tôi can thiệp và chỉnh lại cho đúng.
    Do đó mâu thuẫn giữa Ban Giám Hiệu và giáo viên xảy ra.
    Một buổi trưa, lãnh đạo Phòng Giáo dục, lãnh đạo Công Đoàn và một số nhân viên quan trọng đến trường Phú Cường 2 để giải quyết.
    Tôi hỏi Công Đoàn có nắm bắt được hết chưa mà đến đây giải quyết. Chị X., chủ tịch Công Đoàn, dè dặt trả lời:
    - Chúng tôi chỉ nghe thế chứ chưa đánh giá gì. Giờ đến trường để tìm hiểu.
    Hầu như chỉ một mình tôi đứng mũi chịu sào, đối lại với 3 bên 4 phía: Phòng Giáo dục, Công Đoàn Phòng Giáo dục, Ban Giám Hiệu của trường và Hội đồng giáo viên.
    Ông Hiệu trưởng bảo tôi không chấp hành nhiệm vụ được phân công, tự ý cho học sinh đến nhà tặng quà, vào ngày 20.11 không đến họp đúng giờ...
    Thật ra ông phân công tôi làm chức năng của một bảo vệ và một tạp vụ là sai. Việc để học sinh đến nhà tặng quà là không hề có. Lúc đó vẫn còn khó khăn, nên phong trào này gần như không. Chính vì lãnh đạo lúc nào cũng xài giờ cao su, không thể bắt lỗi tôi được...
    Lực lượng hai bên không hề cân sức. Nói qua nói lại cả một buổi trưa kéo dài đến chiều.
    Cuối cùng trưởng phòng Giáo dục đưa ra ý kiến của mình và câu đầu tiên là nhận xét về chính bản thân tôi:
    - Cô T. là con cưng (của Phòng Giáo Dục). Mà con cưng thì hay hư nên không thể cưng được nữa v.v và v.v...
    Không phải tôi không đủ lý lẽ để bác lại những lời nhận xét của ông. Cả buổi trưa và chiều mệt mỏi quá rồi. Hội đồng giáo viên chỉ im lặng ngồi nghe cũng đã thấy căng thẳng lắm. Buổi họp rồi cũng kết thúc, mọi người thở dài nhẹ nhỏm. Lúc tôi ra khỏi phòng họp, bác Ng.Ph.S. nói với tôi:
    - Cô đã thực hiện đúng tinh thần phê và tự phê. Tôi khen cô. Còn anh L.Th. A. đứng kế bên tôi, chỉ nhìn tôi, không tiện nói gì.
    Tưởng thế là tôi được yên thân. Không ngờ sau này tôi lại phải đối phó với một việc khác nữa. Một giáo viên được về Phòng Giáo dục làm chuyên viên. Lần đầu tiên đến trường tôi, ông xách cặp đi thẳng ra phía sau nhà vệ sinh để quan sát. Bắt chước ai vậy? Tôi tức cười.
    Khi ông lên Văn phòng tôi không tiếp ông vì tôi không phải là ban tiếp tân. Tôi chỉ tiếp một chuyên viên khác. Thấy vậy ông nói: “Tôi là bạn của anh cô”. Tôi giả bộ không nghe, không trả lời.

    * Giữa giáo viên và Phòng Tổ chức.
    Ít lâu sau một chị bạn dạy cấp 1 báo cho tôi biết chuyên viên đó tham mưu với anh Ch. bên tổ chức đưa tôi đi dạy ở Định Hòa vì nơi này đang thiếu giáo viên dạy tiếng Anh. Ông bảo: “Dễ dàng thôi, chỉ việc cắt lương và ra quyết định, cô phải đi thôi”.
    Tôi hỏi chị bạn chuyện này chị nghe ở đâu, lúc nào. Tôi còn biết thêm Hiệu trưởng hiện tại của tôi không có ý kiến gì với việc đề nghị đưa tôi đi dạy ở Định Hòa.
    Sau tôi nghe kể lại một người là bạn thân từ nhỏ của Hiệu trưởng đã nói với ông: “Cô T. hang cùng ngõ hẻm nào cô cũng biết hết. Mày đừng làm như vậy”.
    Tôi đến ngay phòng Tổ chức gặp anh Ch. và hỏi mọi chuyện. Anh dĩ nhiên là không nhận có chuyện này. Tôi kể ra đúng thời điểm và nơi chốn hai bên nói chuyện với nhau. Nghe vậy anh Ch. mới nói:
    - Góp ý là quyền của người ta, tôi không thể cấm cản được.
    Tôi cười và nói:
    - Anh cứ thử cắt lương tôi và ra quyết định điều tôi đi Định Hòa, anh sẽ biết chuyện gì sẽ xảy ra liền.
    Thế là không có gì xảy ra.

    * Giữa giáo viên và giáo viên.
    Tiếp theo tôi đã phải gặp một vướng mắc khác trong khi làm việc. Một nữ giáo viên dạy thể dục trong trường bảo học sinh về nhà cô lấy thùng đựng dầu. Lúc đó nhu yếu phẩm được cấp phát từng đợt tại trường.
    Hai em đi lấy và vô lớp giờ tôi trễ. Tôi hỏi:
    - Tại sao các em đi trễ, không làm bài kiểm tra.
    Các em hãnh diện nói:
    - Tụi em về nhà cô Th. lấy thùng đựng dầu cho cô.
    - Bộ thùng lớn lắm sao mà phải 2 người khiêng. Việc đó là nhiệm vụ của các em sao? Các em có biết hôm nay làm kiểm tra không?
    Nghe vậy hai em yên lặng, không dám trả lời.
    Những lần tôi cho làm bài kiểm tra, nhà trường cho các em đi tập dợt hoặc thi đấu nơi nào đó. Không bao giờ báo cho giáo viên đứng lớp biết.
    Các em không đủ điểm kiểm tra viết. Tôi không đồng ý cấy điểm theo yêu cầu của nhà trường. Điều này không hợp lý.
    Một em nữa, con nhà giàu không đủ điểm thi cũng dựa vào thế lực của Ban Giám Hiệu. Vì không học hành đàng hoàng, điểm số thấp bị khống chế không được thi. Các phụ huynh đến nhà xin điểm. Ai giải quyết cứ tự do. Riêng tôi, không giải quyết trường hợp nào hết.
    Cuối cùng họ tìm cách đối phó. Hiệu trưởng mời đến giải quyết. Tôi yêu cầu lấy sổ học bạ các em ra. Tôi lật từ lớp 6 đến lớp 9 cho Hiệu trưởng và các phụ huynh học sinh xem môn Anh văn điểm số của các em như thế nào. Thế là im chuyện.
    Tôi chỉ dạy thêm cho các học sinh lớp khác, trường khác. Tôi không dạy thêm cho các lớp tôi đang dạy. Trừ khi chính phụ huynh yêu cầu để đào tạo học sinh giỏi tôi mới nhận.
    Đồng thời cũng có một trường hợp khác. Bảng điểm đã lên. Con của một giáo viên trong trường không đạt điểm thi vì bị khống chế môn tôi dạy. Từ trước tới nay tôi hay trốn làm chủ nhiệm nên tôi ít quan tâm đến điểm này.
    Phòng họp ở trên lầu. Tôi có việc xuống dưới lầu để gặp Hiệu phó chuyên môn. Giáo viên có con bị thiếu điểm thi bảo các giáo viên đang họp sửa điểm của tôi. Dĩ nhiên không ai dám làm việc này.
    Cô ấy xuống lầu năn nỉ xin tôi sửa điểm cho con mình. Tôi không bằng lòng vì điểm đã lên rồi, nếu sửa rắc rối lắm. Cô ấy đến Phòng Giáo dục khóc lóc nài nỉ với các cán bộ phòng. Không ai dám can thiệp.
    Cô ấy đích thân đến nhà tôi, gặp tôi và bảo:
    - Hội đồng thi đã nhất trí duyệt cho con cô ấy được thi. Chỉ cần tôi sửa điểm là được.
    Cô ấy lại một lần nữa muốn qua mặt tôi.
    Tôi bảo:
    - Có giấy tờ gì của Hội đồng thi không?
    - Không có.
    - Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm về việc tôi sửa điểm gian lận khi cấp trên khám phá ra.
    Cô ấy không trả lời được nên phải ra về.
    Thế là tôi bị đồn thổi không chịu giúp đỡ học sinh. Còn chuyện phụ huynh xin điểm cho con đạt loại giỏi là chuyện bình thường quá. Tôi không bao giờ giải quyết những trường hợp này, kể cả con của các bạn tôi.
    Tôi thường cho điểm kiểm tra miệng của các em bằng viết chì. Em nào điểm thấp tôi từ từ nâng lên bằng cách đặt các câu hỏi tương đối dễ rồi cộng lại chia đôi. Còn kiểm tra viết không thể nào giải quyết bằng cách này được.

    * Giữa giáo viên và học sinh.
    Con của một chuyên viên là học sinh bình thường, môn Anh học tạm được. Vô lớp hay nói chuyện, quấy phá các bạn. Thấy em cần được dạy dỗ, tôi bảo em làm bản kiểm điểm.
    Em về nhà nói cho cha mẹ nghe. Mẹ em bảo em không được làm bản kiểm điểm. Đó là lời em kể cho các bạn cùng lớp. Tình cờ tôi nghe được. Tôi cương quyết yêu cầu em làm kiểm điểm.
    Không biết em về nhà nói gì với mẹ. Bữa tôi đang họp Hội Đồng nhà trường, anh Ch. ở tổ chức, đích thân qua trường gặp tôi. Anh nói xa nói gần có ý khuyên tôi không nên làm như vậy. Tôi còn biết một số giáo viên “lưng hơi cong” đến gặp cô. Ý của họ là tổ chức chẳng lẽ thua một giáo viên thường. Anh Ch. nói cô đang buồn bực không làm việc được. Tôi yên lặng không nói gì.
    Ngày hôm sau tôi vô trường gọi em lại. Tôi bảo nếu em không muốn làm kiểm điểm cũng được. Em chỉ cần viết theo lời tôi đọc thôi. Em này đang học lớp 9. Tôi bảo em bên dưới ngày tháng ghi là bảng tường trình.
    Sau đó em ghi theo lời tôi:
    Từ đây về sau em hứa sẽ không bao giờ làm những việc sau đây nữa:
    - Nói chuyện trong lớp.
    - Giỡn hớt trong giờ học.
    - Không quậy phá các bạn v.v... và v.v...
    Rồi tôi giao bản này cho nhà trường để nhà trường xử lý. Tôi không can thiệp nữa.
    Làm như vậy là tôi muốn tự bảo vệ mình, nhất là để giáo dục em. Lúc làm Hiệu trưởng với giáo viên tôi cũng vậy. Khi bắt họ kiểm điểm không phải để tỏ ra uy quyền với họ mà là để tự vệ cũng như để giúp họ nhận ra sai trái của mình.
    Người nữ cán bộ này có lần đã nói với D.Th.Ph., cựu học sinh Trịnh Hoài Đức, học trò cũ của tôi, khi em là Hiệu trưởng trường tôi:
    - Ông nghe lời cô ông.
    Em Ph. đã trả lời:
    - Vì cô tôi đúng.
    Tôi biết được chuyện này là do em L., vợ của em, kể lại cho tôi nghe.

***

    Năm học sau tôi vẫn tiếp tục dạy ở trường cũ. Một số chị em đồng nghiệp nói với tôi:
    - Chị em tụi tui cứ nghĩ là vì chuyện đó chị sẽ bị đổi đi nơi khác.
    Tôi cười và không nói gì.
    Thế là sóng lặng gió yên...

(HT 12.6.2017)