NHỮNG TRẢI NGHIỆM CUỘC
SỐNG (11)
(Các công tác kiêm nhiệm)
G/s Nguyễn Thị Tâm
Ngoài việc dạy học ở lớp, thỉnh thoảng tôi được trường cử đến
các cơ quan, các tư gia... để đề nghị họ ủng hộ tiền phát thưởng cho học
sinh vào cuối năm.
* Tiền phát thưởng cho học sinh
Lần đầu tiên tôi đến Ủy Ban Tài Chính ở đường Ngô Quyền.
Hình như lúc đó đang thời kỳ Quân quản. Đến nơi tôi thấy toàn là bộ đội.
Họ đón tiếp vui vẻ, hỏi lý do tôi đến. Tôi trình bày trường
tổ chức phát thưởng cuối năm cho học sinh giỏi, đề nghị vui lòng ủng hộ.
Họ vào trong mang ra rất nhiều tiền, toàn là tiền lẻ.
Thấy tôi đứng ngần ngừ trước số tiền được tặng, một anh
bộ đội hiểu ý nên bảo các anh khác giúp tôi đếm tiền. Sau khi gói lại đàng
hoàng họ giao cho tôi cùng với biên nhận.
Tôi cũng có đến Ủy ban Tỉnh, hãng Mực in gần trường, hãng
nước đá Hồng Đức, hãng gạch Hồng Đức...
Khi đồng nghiệp đi cùng tôi, họ thường ca “bài ca con cá”,
nói là trường nghèo, không có tiền phát thưởng v.v... Tôi bảo các bạn không
cần phải làm như vậy. Chỉ cần trình bày yêu cầu của mình và đưa giấy tờ cho
xem là đủ.
Một lần tôi đến Giao Thông Vận Tải ở Gò Đậu. Họ không giải
quyết, bảo không có tiền. Gặp một chị bạn, chị hỏi tôi đi đâu xuống đây.
Tôi nói cho chị biết đã bị từ chối ủng hộ tiền phát thưởng. Chị bảo để chị
can thiệp. Chị bảo đảm là sẽ có.
Tôi không chờ mà đi về trường. Vì không biết tôi dạy trường
nào nên chị đến Nguyễn Du (Phú Cường 2). Trường Nguyễn Du bảo chị đến Nghĩa
Phương. Đến Nghĩa Phương chị dặn đi dặn lại hai ba lần tiền này phải giao
cho cô T., để phát thưởng (vì lúc đó tôi không có mặt ở trường).
Tôi gặp em H. K. C., học sinh cũ lớp 12B5 Trịnh Hoài Đức
ở nhà một phụ huynh học sinh. Em bảo tôi: “Cô đi xin bên ngoài lẻ tẻ làm
chi cho mệt. Để em chỉ cô chỗ này. Xin một lần được nhiều tiền, có thể đủ
rồi”.
Tôi theo lời của em đến gặp D. lò vôi. Tôi đi cùng hai giáo
viên đoàn viên thanh niên khác. Đến nơi họ cứ đứng ở ngoài cổng, không chịu
vào cơ quan. Tôi một mình vào.
Thấy một bên là một cô gái đang ngồi đánh máy. Còn một bên
là một người đàn ông mặc áo thun ngắn tay đang ngồi. Vì cô gái đang bận nên
tôi đi thẳng đến chỗ người đàn ông. Tôi nói tôi muốn gặp Giám đốc. Ông nói:
“Thì cô gặp ở tại đây nè!”.
Nghe vậy tôi đưa tờ giấy ghi tổng số học sinh được phát
thưởng cho ông xem. Ông lấy giấy bút ra tính toán rồi nói: “Tôi giải quyết
bao nhiêu tiền đây có đủ không?” -“Tùy ông thôi”.
Tôi gọi hai giáo viên cùng đi với tôi vào nhận tiền. Tôi
không ngờ D. lò vôi giải quyết chuyện tiền nong một cách dễ dàng như vậy.
Mọi chuyện đều tốt. Chỉ có một lần làm tôi hơi khó chịu.
Trường cho Trung tâm dạy nghề Thị xã thuê mặt bằng để dạy vào ban đêm. L.V.H.
cũng làm ở trung tâm đó. Hiệu trưởng bảo tôi L.V.H. nói cứ đến, họ sẵn sàng
ủng hộ.
Tôi đến Trung tâm gặp L.V.H. Anh bảo tôi gặp giám đốc ở
bên trong. Tôi vào gặp, chị ấy nói vài câu có ý phàn nàn làm gì có tiền mà
ủng hộ trong lúc khó khăn này. Tôi nói lại “Vì nhà trường cử tôi đến, vả
lại anh L.V.H. có hứa trước rồi. Tôi yêu cầu là yêu cầu cho học sinh, không
phải cho bản thân tôi. Chị có quyền cho hay không cho là tùy chị. Chị không
nên nói thế”.
Chị ấy có ý xin lỗi và cuối cùng cũng giải quyết. Khi chị
bảo tôi nhận tiền, tôi không chịu nhận. Tôi bảo để người khác đến nhận sau.
* Kiểm tra Phòng Giáo Dục Lộc Ninh
Sở Giáo dục yêu cầu tôi đi kiểm tra phòng Giáo dục Lộc Ninh
cùng phái đoàn của Sở. Khi được trường báo, tôi hơi lo lắng nên đến gặp Phó
Giám Đốc Sở Giáo Dục là ông N. X. Th. Ông Th. là người miền Bắc. Ông là người
khá cởi mở và vui vẻ. Khi gặp ông, tôi nói: “Tôi không muốn đi kiểm tra Phòng
Giáo dục Lộc Ninh cùng Sở Giáo dục.”
- Tại sao vậy?
- Tôi sợ bị sốt rét. (Nhiều người bảo nếu tôi đi thế nào
cũng mang “tủ lạnh” về, nên tôi sợ).
- Con bé này. Thành phố của người ta là thành phố cách mạng
làm gì có sốt rét mà lo. Không lôi thôi gì hết. Có quyết định phải đi thôi.
Sau này tôi mới biết vì Sở muốn cử tôi đi nên Trưởng Phòng
Phổ Thông lúc bấy giờ là anh B. B. phải hai ba lượt liên hệ Phòng Giáo Dục
Thị Xã. Cho đến khi danh sách đề bạt là tên tôi mới xong.
Lúc tôi đi kiểm tra về, Hiệu phó ở trường thanh minh: “Vì
tôi tưởng Sở cần người trẻ tuổi hơn nên tôi không đề cử chị. Tới chừng biết
yêu cầu của Sở là cần người có kinh nghiệm nên tôi đã đề cử chị”.
Tới Phòng GD Lộc Ninh, cũng chiều tối rồi. Các anh chị ở
đó trêu ghẹo tôi. Họ hỏi tôi có đem bình sữa theo không... Tôi gặp anh L.
lúc trước dạy cùng trường với tôi ở Thị xã, trong ban lãnh đạo Phòng Giáo
dục Lộc Ninh.
Vợ anh rất tử tế. Vừa thấy tôi lên chị bảo nghỉ ngơi một
lát rồi chị nấu nước cho tắm. Anh L. nghe nói tôi sợ bị sốt rét nên trêu
tôi: “Lên đến đây một tuần lễ sau mới được tắm. Tắm liền là bị sốt rét đó”.
Tôi hơi nghi ngờ câu nói của anh, nhưng tôi có vẻ lo. Thấy
vậy mọi người cười xòa, trêu chọc tôi.
Nhìn cái giếng ở bên ngoài, tôi rụng rời. Trời ơi làm sao
xách nước lên để xài. Lúc chúng tôi lên các lu nước đều đầy. Vào buổi tối
chúng tôi kiếm không ra nước. Tôi và Ng. V., sau này làm Phó Giám đốc sở
Giáo dục, lấy thùng xách nước lên. Lúc đó không còn ai ở chỗ này vì đã tối
rồi. Chúng tôi xách được một hai thùng gì đó, chưa đủ xài. Bỗng nhiên cái
thùng rớt luôn xuống giếng. Không biết làm sao để lấy thùng lên. Lấy cây
khều đi khều lại hoài không được. Thế là hai chúng tôi cùng trốn về phòng
luôn, làm như không có chuyện gì xảy ra.
Sáng hôm sau chúng tôi thức dậy, ra giếng xem động tĩnh.
Cái thùng đã được cột vào giây rồi. Các lu cũng đã đầy nước. Hai đứa nhìn
nhau cười.
Buổi chiều lúc ngồi trong nhà nghỉ, nhìn ra thấy một cái
cáng đem người bệnh đi trạm xá, tôi càng nẫu ruột, nẫu gan. Trong đoàn toàn
là người của Sở Giáo dục. Trưởng đoàn là anh Bảy. V., ông Hai V., anh Bảy
B. phòng Phổ thông... Ngoài Ng. V., còn có thêm một bạn nữ nữa.
Những ngày ở Lộc Ninh chúng tôi làm việc khá vất vả. Nhất
là tôi vì tôi chưa từng đi xa để kiểm tra như vậy bao giờ. Cũng có lúc vui,
nhưng đến chiều phong cảnh thê lương làm sao. Lúc đó mới sau 1975 không lâu
lắm.
Sở Giáo dục rất tin tưởng tôi nên cũng không hướng dẫn gì.
Khi tôi dự giờ và viết nhận xét góp ý phê bình, có một anh đến thu bảng đánh
giá để tổng hợp. Xem xong anh ấy hỏi tôi: “Chị có nói cho những người được
đánh giá tiết dạy biết chị đã nhận xét thế nào về những tiết dạy đó không?
Nếu chưa, chị gặp họ để trao đổi thống nhất rồi đúc kết ngắn gọn lại trước
khi nộp cho tôi. Nếu chị không thống nhất với họ trước, lúc tổng hợp kết
quả cuối cùng có thể bị phiền”.
Nhớ có lần đến một trường hơi xa một chút ở trong xã để
kiểm tra, không khí không vui mấy. Lúc ra về còn nghe một câu nói tiễn theo:
“Thật là khách không mời mà đến”.
Buổi họp cuối sắp kết thúc, tôi là người chuẩn bị chạy ra
xe trước. Không phải vì tôi gấp về mà vì tôi muốn trốn phía trong cùng xe
để khỏi bị bụi phủ đầy người. Lần đi lên tôi không có kinh nghiệm nên dành
ngồi mé bên ngoài cho thoáng và để ngắm cảnh. Chẳng ngờ bị bụi bám đầy mình.
Qua chuyến đi này tôi học hỏi thêm một số kinh nghiệm quý
báu nữa.
* Hướng dẫn giáo sinh Cao Đẳng Sư Phạm thực tập.
Tôi hướng dẫn các giáo sinh Cao Đẳng Sư Phạm về thực tập,
nhưng ít thôi. Tôi là tổ trưởng chuyên môn, chuyên dạy lớp 9. Vì muốn các
em yên ổn học hành thi cuối cấp, khi nào cần lắm mới phải cho các giáo sinh
thực tập những lớp này.
Chỉ những người trực tiếp hướng dẫn mới có phụ cấp. Tổ trưởng
không có phụ cấp vì không trực tiếp hướng dẫn. Tuy nhiên để làm tròn nhiệm
vụ của mình, tôi thỉnh thoảng cũng dự một vài giờ để nắm tình hình chung
hoặc ngồi nghe các giáo viên hướng dẫn góp ý cho giáo sinh như thế nào. Nhất
là lúc một em giáo sinh là học sinh giỏi Anh văn lúc trước, học trò cưng
của tôi, tôi càng tham dự kỹ càng hơn.
Lúc Nga Văn đang trong thời kỳ vàng son, một giáo viên dạy
Nga văn, anh Đ. đưa giáo sinh đến trường tôi thực tập. Anh còn khá trẻ. Tôi
và anh không liên hệ vì phần hành 2 bên không dính líu gì với nhau.
Một giáo sinh giao cho tôi một xấp giấy khá dày và nói rằng
thầy Đ. nhờ tôi phát cho các giáo viên của tổ tôi điền vào. Tôi nhìn sơ qua
xấp giấy rồi bảo: “Tôi không đồng ý cho giáo viên làm việc này. Đây không
phải là nhiệm vụ của họ”.
Không biết em giáo sinh về nói lại như thế nào. Hôm sau
Hiệu trưởng mang xấp bài đó bảo tôi cho giáo viên điền vào. Tôi từ chối:
“Anh Đ. cũng là giáo viên hướng dẫn thực tập như chúng tôi, không có quyền
yêu cầu chúng tôi làm việc cho anh ấy”.
Hiệu trưởng thuyết phục nhưng tôi cương quyết từ chối! Cuối
cùng ông phải trả xấp bài lại cho anh Đ. Nếu anh trực tiếp nhờ tôi giúp đỡ
để có thể hoàn thành các thống kê đó, tôi rất sẵn lòng. Đàng này anh bảo
giáo sinh trực tiếp nói với tôi. Sau đó còn mượn oai của Hiệu trưởng để áp
đặt công việc cho chúng tôi.
Từ đó về sau các giáo viên hướng dẫn thực tập môn ngoại
ngữ khi về trường chúng tôi rất e dè trong giao tiếp.
Ông Phó chủ nhiệm khoa tiếng Anh đưa giáo sinh Cao Đẳng
Sư Phạm Bình Dương về thực tập ở một số trường. Trong số đó có trường chúng
tôi.
Tôi được nhà trường yêu cầu gặp mặt ông lần đầu tiên vào
lúc 3 giờ, sau khi họp Hội đồng nhà trường. Hơn 3 giờ ông vẫn chưa đến. 3g30
tôi phải họp Ban Chấp Hành Công Đoàn. Tôi đang họp, Hiệu Phó chuyên môn lên
lầu mời tôi xuống gặp ông Phó Chủ Nhiệm. Tôi không chịu xuống vì ông không
đến đúng giờ quy định.
Hiệu phó xuống dưới lầu báo cáo với Hiệu trưởng. Hiệu trưởng
bảo Hiệu phó lên gặp tôi lần thứ hai. Tôi không chịu xuống vì tôi bận họp.
Cuối cùng Hiệu trưởng đích thân lên và bảo ông Phó Chủ Nhiệm chỉ xin gặp
5 phút thôi.
Tôi thấy không xuống cũng hơi quá, nên bằng lòng. Khi tôi
và Hiệu trưởng đến trước cửa Văn phòng, ông Phó Chủ Nhiệm đứng lên đón tiếp
chúng tôi. Ông nói vì bị lạc đường, từ Sài Gòn lên nên đến trễ. Rồi ông lịch
sự ra dấu mời tôi ngồi.
Tôi ngồi ở cái ghế giữa nhìn ra sân trường. Bên trái tôi
là bàn làm việc lớn và bên phải tôi là bàn nước nhỏ sát tường. Ông ngồi ở
bên phải tôi, sau khi tôi đã ngồi xuống trước.Tôi yên lặng nhìn ra sân đợi
ông nói.
Thấy tôi yên lặng, ông mở lời:
- “Cô có gì yêu cầu tôi không?”
Tôi quay lại nhìn ông:
-“Ông yêu cầu gặp tôi chắc có gì phải trao đổi, vậy ông
nói trước đi”.
- Ở Dĩ An, nhà trường bắt chúng tôi phải làm giáo án đúng
5 bước lên lớp. Ở đây không biết cô có yêu cầu đó không?
- Ở đây tôi không yêu cầu như thế. Giáo sinh của ông dạy
xong, học trò tiếp thu được là tốt. Còn mấy bước là tùy theo sự sắp xếp của
họ.
Tôi bao giờ cũng dặn học sinh khi có tiết dạy của tôi ở
lớp, các em phải đề ngày sẵn trên bảng kèm theo báo cáo sĩ số hiện diện,
số vắng mặt trong lớp trước khi tôi vào. Đến lớp tôi chỉ liếc sơ qua bảng
để kiểm tra xem các em viết có đúng không. Bởi vậy học trò tôi, em nào cũng
phải biết đề ngày, tháng bằng tiếng Anh. Nếu tiết học hôm đó có kiểm tra
viết, tôi cho các em lấy giấy viết ra làm ngay, sau khi bảo các em ngồi xuống.
Bước kiểm tra miệng tôi lồng trong tiết dạy mới, bất cứ chỗ nào có thể.
Còn giáo án tôi soạn trong giờ ra chơi hoặc lúc có giờ trống
trong trường. Bộ môn ngoại ngữ, Phòng không đủ chuyên viên để kiểm tra. Phòng
giao cho trường. Trường giao cho tổ bộ môn nên chúng tôi cũng dễ thở.
Ông Phó Chủ Nhiệm xem đồng hồ và thấy hết 5 phút. Ông đứng
dậy và nói: “Tôi sẽ có dịp gặp lại cô sau”.
Một vài ngày trôi qua. Hôm đó tôi không có tiết dạy ở trường
nhưng vì có việc riêng nên tôi đến trường. Tôi nhờ bạn chở đi công việc.
Ông Phó Chủ Nhiệm muốn dự một số giờ giáo sinh đang thực
tập tại lớp. Thấy tôi, Ban giám hiệu yêu cầu tôi hướng dẫn ông đến lớp. Tôi
bảo bạn tôi: “Mày lấy xe ra cổng đợi tao một chút”.
Tôi đưa ông vào một lớp có cửa phía trước và một cửa hậu
cuối lớp, thông ra sân sau trường. Tôi mời ông ngồi bàn phía trên gần cuối
lớp. Tôi ngồi ở bàn phía sau ông. Khoảng 15 phút sau tôi đi ra ngõ cuối.
Lúc chúng tôi trở về trường ông đã đi rồi. Dĩ nhiên Ban Giám Hiệu không hề
biết gì về chuyện này.
Đến hôm tổng kết đợt thực tập, thấy Hiệu trưởng cứ khen
anh Lê Thuận Tùng trong bộ môn Anh văn, tôi mới nói nhỏ: “Thuận Tùng là con
gái”. Ông Phó Chủ Nhiệm quay lại nhìn tôi vì tôi ngồi ngay phía sau.
Ông viết một tờ giấy rồi đưa ra sau cho tôi. Trong đó đại
khái ghi là tôi thực tập bao nhiêu tiết, mỗi tiết bao nhiêu tiền và một vài
điều mà ông cần biết. Tôi nghĩ chắc có vấn đề gì không ổn. Tôi viết vào tờ
giấy đó trả lời. Tôi là tổ trưởng bộ môn không thực tập tiết nào hết. Tôi
không có chân trong ban chỉ đạo thực tập. Tôi trả lời thêm vài điều ông cần
biết rồi trả tờ giấy lại.
Họp tổng kết xong, ông quay lại phía sau và mời tôi lên
Văn phòng để ông trao đổi một vài điều cần. Khi tôi và hiệu phó chuyên môn
vào chỗ ngồi, ông nói ý là: Trước mặt một bên là hiệu phó và một bên là tổ
trưởng, ông giao số tiền phụ cấp những tiết hướng dẫn cho nhà trường. Nhà
trường giải quyết thế nào là tùy ý, ông không can thiệp. Riêng hai lần mời
và tiếp rước Phòng và Sở về, ông không có trách nhiệm chi tiền vì ông không
mời Phòng và Sở đến. Thì ra vấn đề là ở đây.
Sau tổng kết tôi qua Phú Cường 1 chơi, gặp hiệu phó chuyên
môn là bạn tôi. Chúng tôi nói chuyện về ông Phó Chủ Nhiệm. Khi nghe tôi kể
mọi chuyện, cô ấy cười và nói: “Vậy cũng vừa, ông đến trường tôi không thèm
đếm xỉa tới ai, kể cả Hiệu phó chuyên môn. Ông chỉ nói chuyện với Hiệu trưởng.
***
Tôi bao giờ cũng vậy, làm tận tụy hết mình, một khi tôi
đã nhận việc. Và người ta đã nói về tôi: “Cô ấy làm việc rất tốt. Việc nào
cô ấy không nhận lãnh đạo nói thế nào cũng không làm”.
(HT ngày 17.5.2017)