NHỮNG TRẢI NGHIỆM CUỘC SỐNG (10)
(Bồi dưỡng học sinh giỏi (2))
Gs Nguyễn Thị Tâm

    * Chuyện đáng tiếc.
    Khi bồi dưỡng học sinh giỏi môn Anh cấp lớp 9, có một việc mà tôi không thể nào quên. Lần đó tôi dạy em Ch. Ph., một học sinh giỏi của lớp tôi. Em có một người chị và một em gái cùng học. Tôi đến nhà để dạy các em vào buổi tối.
    Em vừa mới thi xong, ba má cho tiền để thầy trò đi giải lao. Tối đó tôi và các em đến phía trong cùng của quán kế bên trường Nguyễn Trãi cũ. Khi vào quán chúng tôi ngồi ở bàn bên cạnh có cây trạng nguyên đỏ rực rỡ. Em Ch.Ph. ngồi đối diện với cây trạng nguyên. Em nói: “Cô, cây trạng nguyên kìa cô”. Tôi đi chấm thi và biết em đậu đầu kỳ này nhưng Phòng Giáo dục chưa chính thức thông báo. Tôi úp mở nói với em: “Nó đang nhìn em đó”. Em cười rất vui nhảy nhót lung tung trong quán. Tôi rất xúc động trước sự vui mừng đó.
    Phụ huynh em được mời đến Phòng Giáo dục Thị xã, vào một ngày chủ nhật để báo cáo kết quả chính thức. Mẹ em rất vui lòng mát dạ vì bà là người ít học. Phòng bảo em thứ hai bắt đầu đi học bồi dưỡng ở Hiệp Thành 1. Lúc đó tôi cùng với một nữ giáo viên ở đây bồi dưỡng tiếp cho em.
    Tối hôm sau tôi đến nhà để dạy các em học. Ra đón tôi là Ch. Ph. như người mất hồn. Tôi hỏi em có chuyện gì. Em tức tối kể cho tôi nghe. Phòng không cho em học bồi dưỡng tiếp nữa. Kể xong em còn thêm một câu: “Mà gia đình em có anh K. là liệt sĩ chế độ này đó cô”.  Ch. Ph. thuộc gia đình người Hoa...
    Em vò đầu bức tai, như điên như dại. Tôi rất đau lòng nhưng không giúp được gì. Tôi trở tay không kịp vì Phòng Giáo dục đã chính thức ra kết quả mới rồi. Tôi thấy mình thật tệ vì đã không bảo vệ được người học trò cưng này.
    Em nói năm sau sẽ ở lại lớp 9 để tiếp tục thi nữa. Tôi giải thích không phải em rớt vì làm bài sai mà vì lý do khác, năm sau cũng vậy thôi. Cuối cùng tôi an ủi em: “Thà người ta cấm mình thi còn hơn cho thì rồi đánh rớt”. Em có nguôi ngoai một ít. Sau đó gia đình em đều định cư ở Mỹ. Em thường xuyên liên lạc với tôi, em học rất giỏi. Khi tốt nghiệp em gởi hình về cho tôi. Rất tiếc sau đó vì bệnh nặng em đã qua đời ở Mỹ.
    Lúc đó cả tôi và em đều buồn lắm. May mắn tôi được một người cùng chia sẻ. Em V.Th.D., học sinh cũ của tôi ở trường Trịnh Hoài Đức, là tổ viên tổ ngoại ngữ của tôi. Em đã viết thư hỏi Đài Truyền hình Bình Dương và một vài nơi có trách nhiệm xem trong điều kiện thi học sinh giỏi có điểm nào dính líu đến lý lịch không. Và đã được trả lời không có vấn đề lý lịch trong cuộc thi này. Nhưng đã trễ. Tôi bảo: “Dẫu sao mình cũng thua rồi. Thua mà không tâm phục khẩu phục”.
    Thế là em dự khuyết hạng 6 của trường khác được đôn lên chính thức. Biết nói sao đây, khi bây giờ em này lại là học sinh được tôi bồi dưỡng tiếp thi vòng Tỉnh. Em là người vô tội...
    Sau khi tốt nghiệp ở Mỹ, Ch. Ph. cho biết có thể sẽ trở về VN làm việc cho một công ty Mỹ với tư cách là một công dân Mỹ. Lúc này tôi đang dạy tiếng Anh cho hai đứa con của em H. Th. H., tại nhà riêng, gần nhà Ch. Ph. Tôi và em H. Th. H xuống phi trường Tân Sơn Nhất để đón rước em khi em về Việt Nam. Đây là người học sinh duy nhất được tôi đến tận phi trường để đón về và đưa đi. Trong em vẫn còn vương lại dư vị đắng cay của ngày nào...
    Để bồi dưỡng học sinh giỏi, tôi chọn một em là con của đồng nghiệp trong trường. Tôi bị rêu rao là làm khó con bà. Nhà nghèo, không học thêm mà bắt đi thi học sinh giỏi. Em đậu nhưng không đứng nhất. Tôi đùa bảo: “Vậy mà thua con gái”. Tôi lại bị rêu rao tiếp: “Nó đậu vậy mà còn bị rầy la”. Lần thi sau em đỗ đầu. Lần này tôi không còn bị rêu rao nữa. Bà ấy phải công nhận là tôi biết chọn người để bồi dưỡng.
    
    * Bồi dưỡng học sinh giỏi cấp 1

    Lúc ngoại ngữ Anh đem xuống lớp cấp 1, tôi dạy thêm các em học sinh ở trường cấp 1. Các học sinh phải học 3 loại sách khác nhau:
    - Sách do Việt Nam biên soạn.
    - Let’s go của Mỹ.
    - Let’s learn English do Việt Nam biên soạn cùng Singapore.
    Có 3 hệ thống sách như vậy dành cho các em. người ta làm thí điểm: Một số trường học sách này, một số trường học sách kia và một số trường học sách nọ. Lúc thì theo kiểu Anh, lúc thì theo kiểu Mỹ.
    Do đó muốn bồi dưỡng và đào tạo một học sinh giỏi cấp lớp 5, tôi phải cho các em học hết 3 chương trình này mới bảo đảm. Người dạy đã mệt mà học sinh còn mệt hơn vì quá tải.
    Lần này tôi không bồi dưỡng cho Phòng Giáo dục, mà theo yêu cầu riêng của phụ huynh học sinh. Thế là tôi lại có thêm một số học sinh giỏi cấp lớp 5.
    
    * Viết sáng kiến kinh nghiệm và làm đồ dùng dạy học.

    Tập họp các kinh nghiệm trên tôi viết sáng kiến kinh nghiệm về việc dạy và học ngoại ngữ Anh từ lớp 6 đến lớp 9 về 3 mặt: ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng. Những kinh nghiệm này khoảng cuốn tập 100 trang.
    Phòng Giáo dục không đầu tư đủ chuyên viên có tầm cỡ để đánh giá các sáng kiến kinh nghiệm. Còn làm đồ dùng dạy học, các giáo viên chỉ làm một ít để phục vụ cho công tác giảng dạy của mình vì có nhiều vướng mắc.
    Phải lên kế hoạch, viết ra giấy đàng hoàng. Ban Giám hiệu duyệt xong, chuyển lên Phòng Giáo dục. Phòng Giáo dục xét rồi gởi trở về trường. Người giáo viên thực hiện đồ dùng dạy học. Trường xem xét đánh giá, chuyển lên trên và đợi. Rất lâu sau giáo viên mới được nhận lại “kinh phí” mà mình bỏ ra để làm, nếu đồ dùng dạy học được phòng duyệt. Vì thế ít giáo viên mặn mà với việc làm này.
    Năm 1976, lúc tôi dạy ở trường Phổ thông cấp 1 - 2 Thị xã, đã tham dự trong tổ chức triển lãm đồ dùng dạy học của Sở Giáo dục và các trường trong Tỉnh.
    Tôi đến phòng triển lãm lúc chưa khai mạc. Phòng được đặt ở trường Nguyễn Du. Tôi làm một ít đồ dùng dạy học đơn sơ, những tranh vẽ, đại diện cho trường Phú Cường 1 để cùng các bạn tham gia triển lãm bộ môn ngoại ngữ.
    Tôi đứng xem các bảng lớn ghi tất cả số giáo viên có ở tỉnh Bình Dương (Sông Bé). Rảnh rỗi nên tôi thử cộng lại xác xuất xem có chính xác không. Cột trước nhất đúng. Cột kế là tổng cộng số giáo viên có ở Thuận An.
    Tôi tức cười quá nên gặp người có trách nhiệm và nói: “Mấy ông làm sao mà để cho mấy giáo viên ở Thuận An bị thất lạc, bị mất tích vậy”. Họ ngạc nhiên hỏi: “Như vậy nghĩa là sao?” - “Là mấy ông cộng sai chớ còn gì nữa”.
    Họ không tin và cộng lại. Thấy sai thật. Ban đầu họ không định sửa. Chỉnh lại mất công quá vì bảng bằng gỗ và sơn vẽ khá đẹp. Tôi nói: “Mấy ông để sai như vậy không được. Nếu có người nào giống như tôi thử cộng thì sao?”
    Cuối cùng họ đành phải sửa lại.
***

    Từ khi ra lớp, tôi bắt đầu dạy gần như suốt ngày: ở trường và ở nhà phụ huynh học sinh.
    Tôi làm gia sư ở các gia đình chức sắc và giàu có trong Thị xã... dạy cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Chủ yếu là tiếng Anh. Phần lớn các nơi này do Phòng Giáo dục Thị xã giới thiệu. Còn lại là các phụ huynh học sinh biết tiếng, hoặc các bạn quen biết mời.
(HT ngày 04.05.2017)