NHỮNG TRẢI NGHIỆM CUỘC SỐNG
(Học tiểu học và Trung học)
G/s Nguyễn Thị Tâm
Tôi sinh ra ở làng Tương Bình Hiệp, tỉnh Thủ Dầu Một, khi còn
nhỏ tôi học ở trường làng, rồi trường Chánh Hiệp. Lớn lên tôi xuống Phú Cường
ở và chủ yếu là học tại trường Nguyễn Trãi. Cũng có một thời gian ngắn, lúc
nghỉ hè, học trường Trí Đức.
Trước tiên tôi học trường cô Ba Sua ở xóm Ruộng Chùa. Từ chợ Tương
Bình, xuống chùa và đến ruộng chùa. Từ nhà tôi đến đó cũng hơi xa. Dĩ nhiên
là phải đi bộ.
Cô Ba dạy học rất tốt. Nhất là khâu vệ sinh thân thể. Em nào không
sạch sẽ, cô bắt phải đi tắm rồi mới được vào lớp. Có một số bạn hay ăn mặc
nhếch nhác, không sạch sẽ vì ham mê chạy nhảy nên bị như vậy. Bọn con gái
chúng tôi không bao giờ vi phạm điều này.
Chúng tôi rất thích giờ vui chơi tập thể. Đến giờ chơi trò “chim
bay, cò bay”, ai cũng hứng thú tham gia hết mình.
Lớn lên một chút, khi cô Ba Sua không còn dạy nữa, chúng tôi mỗi
ngày phải đi bộ từ chợ Tương Bình Hiệp xuống Chánh Hiệp để học. Mỗi ngày
đi bộ 2 lượt vì lúc đó rất ít xe cộ. Chỉ có xe ngựa.
* Học ở Phú Cường (Bình Dương)
Sau đó vì chiến tranh là nỗi kinh hoàng, nên tôi theo gia đình
xuống Phú Cường ở. Lúc đầu tôi học trường Việt Văn. Trường nằm kế bên trường
Nguyễn Trãi, chỉ dạy các lớp tiểu học, do thầy Kỷ lập.
Chúng tôi được học Pháp văn. Tôi thường dạy các bạn cùng lớp làm
bài. Bù lại các bạn tặng tôi quà bánh và đồ chơi. Vì vậy tôi đi học không
cần phải xin tiền nhà.
Chúng tôi thường nhìn qua hàng rào của trường Nguyễn Trãi và ao
ước một ngày nào đó được học trường này. Sau thầy Kỷ không dạy học nữa vì
già yếu. Chúng tôi chuyển qua Nguyễn Trãi học. Vậy là ước mơ đã thành hiện
thực.
Ở trường Nguyễn Trãi, học ngoại ngữ Pháp với thầy Lang, tôi thích
nhất là giờ viết chính tả. Thầy Lang rất thương tôi. Hôm nào vô lớp thấy
tấm bảng quay ngược lại, tôi biết ngay hôm đó sẽ viết chính tả. Tôi thường
được thầy cho lên bảng viết, còn các bạn khác viết vô tập của mình. Sau khi
viết xong, thầy đọc lại một lần cuối để chúng tôi dò lại. Rồi thầy quay ngược
bảng, sửa những chỗ sai nếu có để các bạn học sinh khác dò theo bắt lỗi.
Vì tôi thích học môn này nên giáo viên dạy đương nhiên rất được tôi yêu mến.
Có một điều đặc biệt là khi nghe các bạn bảo thầy gọi đến nhà
thầy, lần nào tôi cũng muốn trốn. Thầy bắt tôi và Th.V. đến nhà thầy để học
múa. Tôi rất ghét học môn này. Muốn trốn nhưng tôi vẫn phải đến, không thể
nào trốn được. Ba của thầy Lang thường hay ngồi gần đó xem. Ông rất khuyến
khích tôi khi tôi múa một động tác nào đó dịu dàng và khá chính xác.
Tôi cứ phải thỉnh thoảng đến nhà thầy để học múa khi được thầy
gọi. Cuối cùng thầy cũng phải chịu thua tôi và không gọi tôi đến nữa. Thầy
thắc mắc tại sao tôi học tiếng Pháp giỏi, mà múa tôi không múa được dịu dàng
như các bạn. Từ đó tôi thích thú đến xem các bạn múa.
Một thầy nữa cũng dạy Pháp văn cho tôi khi tôi lên lớp đệ nhất.
Nhưng thường tôi học môn Văn với thầy nhiều hơn. Thấy rất thương tôi. Thầy
khen tôi viết văn giản dị, dễ hiểu... Đó là thầy Lương Văn Minh. Sau ngày
30.4.1975 thầy làm Hiệu phó trường Bồ Đề (Phú Cường 1).
Lúc nhỏ thường mỗi khi tôi đi chợ ngang qua cửa hàng của thầy
và cô, thầy hay gọi tôi vào chơi. Sau này tôi cũng thường xuyên gặp thầy
và cô. Có một ngày sau 1975, tôi đến thăm thầy, thầy cười và nói với tôi.
“Ngày 20 tháng 11, học trò cô đến thăm cô, giờ cô đến thăm tôi, phải không?”.
Ngày tôi thi lấy bằng tiểu học, ngay buổi chiều đó thầy đến tận
nhà thăm tôi để biết tôi làm bài có đúng không. Sau này khi gả con gái thầy
chỉ mời hai học sinh là T. thuế vụ và tôi. Thầy bảo: “Tôi mời hai em đại
diện cho tất cả các học sinh. Em T. đại diện cho học sinh nam, còn em đại
diện cho học sinh nữ”.
Thầy Lang gọi đến nhà thì tôi muốn trốn. Nhưng khi thầy Minh gọi,
tôi rất hớn hở đến nhà thầy. Thường tôi cùng đến với một học sinh nam, bạn
Tr. C. M. Bạn M. gia đình khó khăn, thầy giúp đỡ bằng cách đóng học phí cho
bạn.
Hai chúng tôi giúp thầy cộng điểm cả lớp. Vui nhất là chúng tôi
có thể biết trước chúng tôi được bao nhiêu điểm, xếp hạng mấy. Ngoài ra chúng
tôi còn được trò chuyện cùng thầy. Thầy còn đãi bánh trái và cho chúng tôi
xem hình những cảnh đẹp thầy có. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng tôi
biết thầy rất thương yêu chúng tôi.
Thầy Nguyễn Tiên Sanh cũng dạy Pháp văn. Thầy là một người rất
đặc biệt. Lúc nào vào lớp thầy cũng mặc nguyên bộ đồ tây trắng rất lịch sự.
Thầy thường kêu học trò bằng cả họ lẫn tên. Tôi hỏi thầy: “Sao lúc nào thầy
cũng gọi cả họ lẫn tên học sinh vậy?”. Thầy bảo: “Gọi đầy đủ như thế thì
dễ nhớ hơn”.
Chúng tôi cũng rất thương thầy Trần Văn Hoanh, dạy môn Sử Địa.
Thầy lúc nào cũng ăn mặc tươm tất, dạy dễ hiểu. Lúc sau khi tôi dạy ở Trung
học Trịnh Hoài Đức, tôi khám phá ra em Bằng đang học với tôi là con của thầy.
Cô Khuê, vợ thầy, cũng có lúc dạy nữ công ở trường Nguyễn Trãi. Có một lần
chúng tôi, vào ngày Tết, đến thăm thầy ở tận Lái Thiêu. Sau 1975, thầy làm
ở Sở Giáo Dục Thành Phố.
Thầy Vũ Văn Huệ dạy chúng tôi môn tiếng Anh. Thầy sống ở Sài Gòn,
là người miền Bắc. Chúng tôi cũng rất quý thầy, rất thích học với thầy. Sau
này tôi có gặp lại thầy một lần ở khu chợ Bàn Cờ. Thầy có nhà cho thuê ở
đó.
Nữ Công Gia Chánh chúng tôi học với cô Nguyễn Thị Cho. Tôi không
thích môn học này lắm vì tôi không giỏi may vá thêu thùa. Con gái của cô
sau này là học trò của tôi ở Trung học Trịnh Hoài Đức. Tôi có nhiều dịp gặp
lại cô sau 1975. Có lần tôi đi thăm cô cùng với con gái cô ở Sài Gòn. Dịp
này cô trò chúng tôi có nhiều thời gian để ôn lại những chuyện ngày xưa.
Tôi chỉ học tốt các môn xã hội, còn những môn tự nhiên tôi không
khá lắm. Chúng tôi học Toán với thầy Nguyễn Ngọc Châu, học Pháp văn với thầy
Phạm Duy Nhượng, học Vật lý, Hóa học, Vạn vật với thầy Lê Văn Phổ. Thầy Lê
Thương, nhạc sĩ nổi tiếng một thời dạy chúng tôi môn Công Dân Giáo Dục...
* Học ở Sài Gòn
Sau đó tôi xuống Sài Gòn, học ở trường Nguyễn Khuyến. Tôi cùng
học và ở chung nhà với hai người cháu họ là K. H., B. T. và một vài học sinh
khác ở Bình Dương xuống ở đấy. Đây không phải nhà trọ, chỉ nhận con cái những
gia đình quen thân.
K. H. học cùng lớp với tôi. Còn B. T. học trường Quốc Gia Âm Nhạc.
Nhà chúng tôi ở là nhà của chú Tám. K.H. và B. T. gọi là chú ruột, còn tôi
gọi là anh họ.
Có thời gian, cứ mỗi tối đến, đợi chị Tám lên lầu chúng tôi bắt
đầu chơi cầu cơ. Anh Tám đi làm ăn xa. Lúc đó phong trào này đang nở rộ.
Chỉ có K. H. hay Tr. D. cầu được. Khi hai bạn để tay lên, cơ chạy ngay. Còn
tôi để tay lên cơ với K. H. hoặc Tr. D. không bao giờ cơ chạy. Có lẽ tôi
“nặng bóng vía”. Ngày xưa gọi vậy, nhưng ngày nay đọc báo tôi thấy, gọi là
“người có tần số cao”. Sau chị Tám biết nên cấm không cho chơi cầu cơ nữa.
Ở Nguyễn Khuyến, tôi và K. H. mặc dù là hai học sinh ở tỉnh xuống
nhưng cũng có một ít tiếng tăm. K.H. giỏi các môn thuộc khoa học tự nhiên,
còn tôi thì các môn khoa học xã hội.
Tôi nhớ đến thầy Nguyễn Văn Ngải, dạy môn Công dân giáo dục. Một
hôm tôi ngồi học trong lớp, giờ học của thầy. Vì môn này không được chú trọng
lắm nên lúc ở lớp học sinh thỉnh thoảng hay nói chuyện riêng với nhau. Khi
thầy quay lên bảng để ghi bài, tôi nói chuyện với bạn. Chẳng may thầy quay
xuống bắt gặp và bảo tôi lên bảng.
Sau khi tôi đứng cạnh thầy, thầy hỏi: “Trên thế giới này có bao
nhiêu nước có tổ chức quân đội”. Tôi ngẩn người ra suy nghĩ vì tôi không
biết chính xác là có bao nhiêu nước. Tôi ít quan tâm đến chuyện này. Cuối
cùng tôi trả lời: “Thưa thầy, mỗi nước đều phải có quân đội để bảo vệ biên
cương”. Thầy ra lệnh: “Chị về chỗ đi. Đừng có nói chuyện trong giờ học nữa
nhé!”. Thế là tôi thoát nạn.
Khi học ở Nguyễn Khuyến, tôi thường trốn không dám gặp mặt thầy
dạy Văn. Không hiểu sao cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nhớ lại được
tên thầy. Học bạ tôi còn giữ nhưng không hiểu sao trong đó không có ghi tên
các thầy dạy.
Thầy khá lớn tuổi, người miền Bắc. Một hôm thầy giảng truyện Kiều,
tình cờ thầy bảo tôi đọc một đoạn. Tôi đọc xong đoạn ấy thì thầy gật gù bảo:
“Phải thuộc thế chứ”. Rồi thầy bảo tôi đọc từ đầu truyện xuống. Tôi đọc xong
khoảng mấy chục câu, thầy bảo: “Được rồi. Chị ngồi xuống đi”.
Từ đó về sau, thỉnh thoảng, lúc ra chơi gặp tôi thầy hay kêu tôi
lại đọc truyện Kiều cho các học sinh khác nghe. Vì thế tôi thường hay tránh
gặp thầy.
Trong lớp K. H. luôn đạt điểm lớn về các môn tự nhiên. Khi các
học sinh cùng lớp biết chúng tôi từ Bình Dương xuống nên họ có hơi khó chịu.
Hết năm đó, chúng tôi sang trường Trường Sơn của nhà văn Nguyễn
Sỹ Tế. Ở đây chúng tôi được học với các giáo sư có tiếng tăm ở các bộ môn.
Thầy Nguyễn Ngạc và thầy Nguyễn Ngọc Diễm dạy Pháp văn. Thầy Phạm Duy Nhượng
dạy Lý Hóa. Tôi đã học thầy ở Nguyễn Trãi, Thủ Dầu Một. Thầy Nguyễn Xuân
Kỳ và thầy Đỗ Khánh Hoan dạy Anh văn...
Tôi vẫn còn nhớ đầy đủ tên các thầy khác vì các học bạ tôi vẫn
còn giữ cho đến bây giờ.
Ngày xưa các môn Vạn vật, Toán, Anh văn, Pháp văn, Quốc văn...
các thầy đều tự in sách viết riêng của mình để dạy. Không giống như ngày
nay chỉ học sách do Bộ Giáo Dục in sẵn. Sách nào viết hay được các học sinh
thời đó mua thêm để học...
Đến năm lớp 11 tôi học trường Thủ Khoa. Ở đây tôi học Văn với
thầy Phạm Mạnh Cương. Thầy là người Trung, cũng là nhạc sĩ. Tiếng Pháp tôi
được học với thầy Nguyễn Văn Linh và thầy Roch Cường...
Đến lớp 12, tôi vào trường Trưng Vương vì lúc đó lớp 12 ban C
ít người học nên trường tuyển thêm học sinh bên ngoài vào. Hình như ngày
xưa người ta ít quan tâm đến trường công. Có gia đình muốn con cái học ở
trường tư để không bị lệ thuộc nhà nước.
Tuy chỉ học ở đó một năm thôi nhưng tôi có nhiều kỷ niệm. Tôi
học Triết với thầy Nguyễn Ngọc Thọ. Thầy là người Mỹ Tho, theo Thiên Chúa
Giáo. Sau này nhờ thầy và bạn của thầy cũng là giáo sư Triết nhưng có học
bổng đi du học ở Đức về, tôi vào làm ở Trung tâm Giáo Hóa Thiếu Nhi Thủ Đức.
Môn Triết cũng có một linh mục dạy. Đó là thầy Trần Văn Hiến Minh.
Thầy là một người khá có tiếng tăm về dạy Triết lúc đó. Đặc biệt là cô Nguyễn
Thị Lan, du học từ Mỹ về, rất thương tôi. Tôi cũng rất thương cô ấy. Một
hôm tôi không muốn trả bài. Tôi ra đứng trước cửa lớp đón cô và nói nhỏ:
“Hôm nay cô đừng gọi em trả bài nha”. Cô Lan lúc đó đã lớn tuổi, cỡ tuổi
mẹ tôi. Cô lấy tay nhẹ nhàng đẩy tôi ra và cười: “Chị thiệt là. Tôi không
biết”. Tuy nói vậy nhưng hôm đó cô không gọi tên tôi lên bảng trả bài. Thỉnh
thoảng ở trong lớp cô hay nhờ tôi giúp việc này, việc kia, nhất là trong
việc chuẩn bị sắp xếp hình ảnh các bài thuyết trình theo chủ đề tiếng Anh.
Ở Trưng Vương, chúng tôi còn học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp với
người nước ngoài. Giáo sư tiếng Anh do hội Việt Mỹ cung cấp, còn tiếng Pháp
do Trung tâm Văn hóa Pháp. Chúng tôi học miễn phí vì hai nơi này muốn phổ
biến văn hóa của họ.
Thường sau mỗi khóa học, để từ giã các thầy cô người nước ngoài,
chúng tôi đóng góp tiền lại để mua quà tặng. Đối với giáo sư nữ chúng tôi
thường tặng áo thêu bằng tay. Các nam giáo sư chúng tôi tặng thuốc hút.
Cuối năm chúng tôi thi Tú Tài 2. Khi chấm điểm về, thầy Thọ bảo
bài thi của tôi được chọn đưa ra Hội đồng chấm điểm chung. Trước khi chấm
chính thức, một số bài được chọn để chấm thử. Thầy biết là bài của tôi vì
thầy nhận ra chữ viết của tôi rất đặc biệt. Tôi nhớ lúc đó môn Triết, Sử
hệ số rất cao. Chỉ cần đạt những môn chính rồi nhân với hệ số thì các môn
phụ được qua luôn dễ dàng. Miễn là các môn phụ này không bị điểm liệt. Môn
toán là môn tôi học tạm được. Tôi không phải lo vì lúc đó toán ban C chỉ
thi vấn đáp.
Sau khi đậu Tú Tài 2 rồi tôi do dự không biết học Đại học nào.
Thầy Thọ bảo môn Triết tôi đạt điểm khá cao nên khuyên tôi học Triết. Thế
là tôi đăng ký vào học ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn.