Họp mặt mini - Mùa thu Toronto
(10/2019)
Phóng viên không chuyên nghiệp
Bài 8
Ngày N + 5 (thứ hai 14/10/2019):
Hôm nay là một ngày dài. Chúng tôi sẽ phải đi trên 700 km để trở lại Toronto.
Dọc đường còn phải nghỉ ngơi, xem cảnh. Nếu đường không kẹt thì tới tối mới
tới.
Cái quên dịu dàng:
Sáng nay, khi ra xe anh Diệp mới nói: "Cái đồng hồ đâu rồi. Chắc để quên
trên phòng. Thế là anh vội vã chạy vào lễ tân nhờ họ cho lại chìa khóa phòng,
rồi lên phòng kiếm. Thế mà vẫn không thấy. Vội vã chạy ra xe vì sợ xe chờ.
Tưởng là đã mất cái đồng hồ rồi. Thật ra, không mất. Mà cái đồng hồ ... nằm
trong túi quần. Ha ha. Đúng là một "cái quên dịu dàng". Dù sao tìm thấy được
là vui rồi.
Đi trễ:
Khách đã lên xe hết, chỉ có Thúy Hồng là chưa thấy. Chị ta tưởng 7 giờ mới
khởi hành (Lấy đâu ra con số 7 nầy ta ?). Khi xuống lễ tân, chị ta thấy mấy
người Tàu (của đoàn khác ngồi đó nên tưởng là đoàn mình) nên cũng ngồi chơi.
Té ra trên xe đã gần chạy và chị Hạnh lo đi kiếm nàng. May có anh Diệp, vì
quên đồng hồ nên chạy ra chạy vô và nàng đã thấy và ra xe. Lúc lên xe thì
hơi "tẽn tò" vì chiếm giải quán quân ... đi trễ.
Minh Tâm gan nhỉ?
Lúc Minh Tâm lên xe thì thấy chị Minh Lan đang xuống xe. Hỏi chỉ đi đâu.
Chị trả lời:
- Chị đi kiếm anh Thưởng. Không biết ảnh đang ở đâu?.
- Chắc ảnh trốn chị, ở lại Quebec rồi.
- Minh Tâm gan nhỉ?
Chị Lan cười và nói như vậy.
Một lúc sau mới biết anh Thưởng vẫn còn ở trên xe, còn chị Lan thì đi kiếm
dưới đất. Thiệt là !!!
Canada chỗ nào cũng đẹp:
Xe khởi hành lúc 7 giờ. Hai giờ sau thì ghé vô chỗ nghĩ. Quanh chỗ nầy, cây
rừng đổi màu đẹp quá. Thế là đoàn có dịp chụp hình tiếp. Mùa thu Canada đẹp
quá. Chỗ nào cũng đẹp. Ngay một chỗ vô danh cũng có thể chụp hình rất đẹp!
Canada mùa thu chỗ nào cũng đẹp.
Ăn trưa sớm:
Hôm nay đoàn ăn trưa sớm. Cũng là nhà hàng Tàu và ăn buffet. Đi tua nầy ăn
uống thì toàn là buffet và hơi thất thường. Như hôm nay ăn trưa lúc 10:30
và sau đó ăn tối lúc ... 9 giờ đêm. Ăn trưa xong đoàn lên đường tiếp tục.
Gần 2 giờ thì tới gần Kingston là nơi chúng tôi đã nghỉ trưa vào ngày đầu
tiên. Khu vực nầy là khu dân cư có vẻ giàu có. Rừng cây hai bên đường có
lá đổi màu rất đẹp. Thấy cảnh đẹp quá, Minh Tâm nói với chị Kim Oanh: "Canada
mùa thu đẹp quá!". Chị trả lời: " Vậy chớ chừng vài tuần nữa, lá rụng hết,
trơ trọi lắm. Và mùa đông Canada thì ai cũng biết rồi. Lạnh lắm. Nhiều người
phải trốn lạnh về các miền ấm áp như California, Florida, Caribbean...".
Đúng là:
Canada đất lạnh tình nồng
Khi mùa đông tới ta về Florida (hay làCalifornia)...
Du ngoạn trên Hồ Ngàn Đảo (Thousand Islands):
Đoàn tới bến tàu sớm 30 phút. Thời tiết Canada rất bất thường. Lúc nầy gió
và nhiệt độ xuống thấp. Lạnh quá!
Đúng 2 giờ, chúng tôi lên tàu. Tàu có hai tầng nhưng đa số ngồi bên trong
ngắm cảnh nói chuyện. Ai khỏe thì ra phía ngoài để chụp hình. Khu hồ Ngàn
Đảo nầy có rất nhiều đảo lớn nhỏ. Có đảo chỉ có một ngôi nhà mà thôi. Đặc
biệt ở đây có một cây cầu cong cong bắc ngang hai hòn đảo có tên là đảo Zavikon.
Trước đây người ta hay nói : Đường biên giới hai nước Canada và Mỹ nằm ngay
giữa cầu nầy. Đây là biên giới đặc biệt nhứt thế giới vì qua lại tự do không
ai xét hỏi? (Thật ra, hai hòn đảo nầy hoàn toàn nằm trên lãnh thổ Canada)
Có một hòn đảo khá lớn có tên là đảo Boldt. Trên đảo có một lâu đài kiểu
Châu Âu rất đẹp.
Hôm nay trời nắng nhưng lạnh. Dạo chơi ở đây cũng thú vị.
Có người hỏi phóng viên: "Cảnh đẹp quá, hay là mình mua một đảo để làm "chúa
đảo" chơi". Thật ra, phải giàu lắm mới mua đảo ở đây. Cảnh thì đẹp thật đó,
nhưng tới mùa đông, sông đóng băng hết, không biết làm sao di chuyển và làm
sao sinh sống?. Ngoài ra, có đảo nhỏ xíu, xây cái nhà là hết chỗ. Ở trên
đảo sao giống ở tù, không có ai để chơi hết! Làm "chúa đảo" đảo nầy coi bộ
không vui.
Tính mua hòn đảo nầy làm chúa đảo chơi, mà thấy tù túng quá.
Cây cầu bắc ngang biên giới Canada - Mỹ và không
ai xét hỏi
Đường về còn xa:
Rời hồ Ngàn Đảo, chúng tôi thẳng tiến về Toronto. Trước đây dự định khoảng
6:30 là tới nhưng hôm nay Canada còn lễ Tạ Ơn nên người ta đi chơi về rất
nhiều gây kẹt xe trầm trọng.
Viết bài thu hoạch:
Trên xe, Minh Tâm đưa sổ nhật ký để mọi người viết cảm tưởng về chuyến đi.
Có người nói: Vụ nầy giống "Viết bài thu hoạch quá!". Thúy Hồng (đi Mỹ năm
1975) hỏi "bài thu hoạch" là gì?. Phóng viên mới giải thích: Sau năm 1975,
mọi người đều phải đi học chánh trị ngắn ngày hay dài ngày. Học xong phải
viết một bài luận về điều mình đã học. Thường là "ba xạo" hơn là nói thật.
Đó là bài thu hoạch.
Chúng tôi về tới Missisauga hơn 5 tiếng sau, tức là gần 9 giờ tối.
Tối nay chúng tôi ăn tối tại Nhà Hàng Phở 99. Tại đây, Anh Dương Dục Tài
và chị Liên đã có mặt chờ đoàn về và cùng ăn chung. Chị Liên cho biết chị
học 7 năm Trịnh Hoài Đức. Bạn học của chị là chị Lê thị Bạch, nổi tiếng là
người đẹp của lớp. Chị cũng là chị ruột của anh Vương Thế Đức. Anh Đức cũng
rất năng nổ và muốn tham gia hội ngộ. Rất tiếc vào giờ chót anh bị bịnh khá
nặng nên không tham dự được. Chúc anh Đức mau bình phục !
Ăn tối xong Thầy Phế cho biết Thầy Thành đã trả tiền cho cả đoàn. Tối nay,
một số anh chị sẽ từ giã thầy Phế. Chương trình tua cũng kết thúc. Mọi người
từ giã trong lưu luyến. Riêng đoàn Nam Cali sẽ tới nhà thầy Phế ngủ một đêm
nữa, trưa mai mới ra phi trường.
Tiền phạt bịnh quên:
Nhà hàng gọi dùm 4 chiếc taxi để đưa khách của đoàn về nhà hay khách sạn.
Khi xe taxi về tới nhà thầy Phế thì nhận được điện thoại của nhóm Thúy Hồng,
nói rằng đã quên một bọc hành lý trong đó có cái laptop. Hỏi ông tài xế xe
nầy, ổng cho số điện thoại của xe taxi chở Thúy Hồng. Nhờ đó liên lạc được
với ông tài xế taxi. Ông ta quay trở lại khách sạn và trả lại gói đồ để quên
nhưng tính tiền xe là 30 CAD. Đó giống như "tiền phạt bịnh quên"!
Dù sao cũng may mắn là tìm lại được laptop. Nếu không sẽ mất nhiều dữ kiện
ở trong đó...
(Mời đọc tiếp ngày mai)