TÌNH THẦY TRÒ
LƯU THANH BÌNH

Mấy hôm rày đọc báo, thấy có nhiều tin không vui về ngành giáo dục Việt Nam, làm những người nặng lòng với sự nghiệp trồng người hoặc cựu giáo chức như mình cảm thấy buồn. Nào là học trò đánh nhau như xã hội đen, nào là học trò đâm thầy vì bị thầy quở trong giờ học. Rồi cô giáo mẫu giáo quay bé như quay dế, kẹp đùi tát, đánh, đá …đối xử như với kẻ thù. Rồi cô giáo dạy toán “cấm khẩu”, lên lớp không thèm giảng bài suốt ba tháng. Rồi phụ huynh vào trường lộng hành,  bắt cô giáo quỳ suốt 60 phút không bớt 1 phút. Rồi học trò lớp bảy nhảy lầu tự tử vì áp lực học tập, mới đây nhất là cô giáo dợt lái xe trong sân trường làm chết một học sinh. Vụ việc này xảy ra chưa yên thì việc kia lại xuất hiện, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nhớ vài năm trước, đọc tin các cô giáo bị quan huyện điều đi tiếp bia cho quan khách, mình trợn tròn mắt vì không tin nổi có thể xảy ra chuyện như vậy (sau đó các quan còn thách thức dư luận rằng, ai được điều đi tiếp bia là một vinh hạnh) thì nay có vẻ như đó chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ.      

Duy vật biện chứng pháp có nhấn mạnh mối quan hệ giữa lượng và chất. Đừng nhìn hiện tượng mà đánh giá bản chất, có khi đó chỉ là những hiện tượng cá biệt. Nhưng chính thuyết biện chứng cũng nói lượng phát triển đến một lúc nào đó sẽ phá vỡ chất để tạo nên một “chất” mới. Có thể có người chống chế so với 65 tỉnh thành thì số lượng những hiện tượng đau lòng kia chưa phải là nhiều, nhưng đám cháy nào cũng bắt đầu từ một tia lửa nhỏ. Một con sâu làm rầu nồi canh, nhưng một bầy sâu thì đem đổ nồi canh luôn cho rồi. Mình tin còn rất nhiều cảnh không vui khác, nhưng vì bệnh thành tích, chỉ tiêu thi đua mà người ta ém nhẹm đi, nhất là ai cũng biết ngành giáo dục bị bệnh này hơi bị nặng. Cứ mỗi một nhiệm kỳ (tự đục bỏ) mình lại hy vọng có thay đổi theo hướng tốt lên , nhưng cứ hy vọng rồi lại thất vọng.

Thôi bỏ chuyện buồn, nói chuyện vui. Mình có người bạn thân, là giáo viên dạy Anh văn nay đã về hưu nhưng vẫn còn “kiếm cơm” được. Đến chơi nhà bạn, mình vẫn hay nửa đùa nửa thật chỉ bức thư pháp trên tường do học trò tặng mà rằng “nhà này chỉ có cái này là giá trị nhất” : Chữ ÂN trang trọng nằm giữa hai hàng NHẤT TỰ VI SƯ và BÁN TỰ VI SƯ. Mấy bạn trêu mình “hán thâm” và đòi giải thích. Tương kế tựu kế, mình cũng đùa lại, vế đầu có nghĩa là ông thầy chỉ biết có một chữ (tiền) thôi, còn vế sau nghĩa là ông thầy đem chữ đi bán nốt. Các bạn cười ầm ầm, có biết đâu thật ra trong thâm tâm mình có phần ghen tỵ vì bạn đã làm tốt thiên chức nhà giáo, làm tròn bổn phận đến ngày về hưu trong khi mình đứt gánh giữa đường, bỏ nghiệp vì miếng cơm manh áo. Bạn cũng cười, nói đỡ cho mình là thật ra trong thời ăn độn ấy bạn cũng muốn bỏ nghề nhưng bỏ (nghề giáo) ra không biết làm cái gì mà sống, nên đành bám theo chứ cũng không phải yêu nghề mến trẻ gì.

Lái Thiêu xưa chỉ có một trường tiểu học, con trai học riêng con gái học riêng. Tuy thầy cô nghiêm khắc nhưng rất tận tâm. Nghiêm khắc nên chữ mới đẹp, vỡ mới sạch. Giữ cẩn thận từng tờ giấy thấm, từng ngòi viết, từng cái bình mực tím, nắp bình có cái quai xách. Sắp hàng vô lớp phải đọc hết bản cửu chương, lỗi chính tả phải bị khẻ thước. Có ai oán trách thầy cô đâu, học trò có gia đình rồi, gặp thầy cô vẫn khoanh tay cúi đầu. Thầy cô cấp 2, cấp 3 có thể quên nhưng mấy ai quên được thầy cô tiểu học, những người khai tâm mở trí cho mình.

Năm rồi Lý Thường về chơi, có rủ mình đi thăm thầy N. dạy lớp nhứt (lớp 5 bây giờ) năm 64-65. Thầy vẫn còn tráng kiện, minh mẫn và nhanh nhẹn. Nhớ lại bức thư pháp nói trên, mình tiếc không biết mua ở đâu tặng thầy để tri ân. Thầy trò hàn huyên không dứt, mãi đến giờ nghĩ ngơi của thầy mới thôi. Vui chuyện, mình có nhắc lại hồi học thầy, dù học giỏi nhưng không được thầy thương bằng Liêu Bửu Khương vì nó học giỏi hơn. Thầy “à” ra rồi trầm ngâm một lúc. Hồi đó bọn tôi thường ghép tên bạn với tên tiệm của gia đình bạn cho dễ nhớ. Khương “Thiên Xương”, Thành “Xuân Thu”, Minh “Thẩm Mỹ”, Chương “Lê Hồng”…Đến bây giờ mình vẫn còn giữ Bằng khen Hạng Nhì lớp nhứt có chữ ký của thầy. Học giỏi vậy mà thi vô THĐ, mình rớt cái ạch, năm sau thi lại. Nhưng nhờ thi rớt mà sau này mới hội ngộ với các bạn B5 khóa 12 thật tuyệt vời, không có gì phải tiếc (mời xem hồi ký “Tình bạn B5” trên trang nhà).

Mình không theo đạo Phật, nhưng tin thuyết Nhân & Quả của nhà Phật. Gieo cái hột nào thì ăn cái trái đó. Gieo trái đắng mà đòi ăn trái ngọt sao được. Những hành vi bạo lực trong nhà trường hiện nay đâu phải ngẫu nhiên, từ trên trời rơi xuống hay bộc phát nhất thời. Đó chính hệ quả, là tập thành của cả một hệ thống từ nhiều năm trước tích lại. Nghe nói bạo lực đã lan sang cả lãnh vực y tế,  thầy thuốc cũng bị người nhà bệnh nhân “xử” ngay tại bệnh viện, đến nổi có vị quan chức lên tiếng yêu cầu có công an trực tại bệnh viện. Nếu mỗi trường học, bệnh viện đều có ít nhất một công an thì bạn có biết cả nước cần thêm bao nhiêu công an không ?