Tình thầy trò
Huỳnh hữu Thế (K13)



Quê tôi ở Lái Thiêu, cách bờ sông cái và đình thần xã Phú Long một con rạch nhỏ. Lúc còn nhỏ tôi học tiểu học ở Lái Thiêu. Trong thời gian hè lại đi học ở Trường Văn An trên Bình Dương với thầy Nguyễn trung Thu, cô Phú, cô Loan … Sau đó tôi có học Nông Lâm Súc hai năm. Đến khoảng thập niên 1970 thì gia đình ở Sài Gòn nhưng tôi lại được thu nhận vào học Trịnh Hoài Đức.

*****

Khoảng năm 1971, cứ mỗi sáng, tôi thức dậy thật sớm khi Sài Gòn còn ngủ yên, vắng lặng. Tôi còn nhớ trên đường Lê Lợi, từ bùng binh chợ Sài Gòn chỉ có tiếng chổi quét đường đều đặn như đánh thức con phố dài tận đến nhà hàng Continental trên đường Tự Do. Tôi chạy xe đạp từ đường Cô Giang qua Đề Thám, Trần Hưng Đạo, rồi Lê Lợi, Thống Nhất, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Thanh Giản, qua Hàng Xanh lên cầu Bình Triệu, Quốc Lộ 13 thẳng lên Bình Phước, Lái Thiêu, Búng để đến trường Trịnh Hoài Đức đúng giờ vào cổng.

Nhớ làm sao cảnh sân trường rộn ràng trước giờ vô học. Tôi học ban A, học sinh có nhiều nữ hơn nam. Lớp tôi nằm cạnh hàng rào gần trường Nông Lâm Súc. Để vào lớp phải băng qua một sân rộng nên nếu đi trễ thì thật là một điều không nên làm. Tôi nhớ thầy Giàu dạy Pháp Văn, thầy Lộc dạy Lý Hoá, thầy Thọ dạy Việt Văn … Bạn bè thì nhớ anh Võ văn Tần là một tu sĩ, Đỗ Duy Hùng là con bà Đốc Phạn, Nguyễn Thái Hoà nhà ở Lái Thiêu… Bên nữ có Nguyễn thị Hồng Giang nổi tiếng hát bài Ngày Xưa Hoàng Thị rất hay, Âu Muối nổi tiếng là một người đẹp, còn Hạnh “Phù Thuỷ” lại rất giỏi Pháp Văn - học trò cưng của thầy Giàu…

Nhớ lại trên đường đi học, có một đoạn gần tới Bình Phước có tên là Đồng Chó Ngáp. Cái tên thật ngộ. Ông nội tôi kể rằng hồi xưa vùng nầy không có ai ở, hoang vu lắm, buồn hiu hắt, đến nổi con chó còn phải ngáp dài. Quả thật người mình vừa chất phác chân thật, vừa có óc lãng mạn. Buồn gì mà đến nổi chó cũng phải ngáp thì chắc là “buồn thúi ruột”. Ở đoạn nầy có hai câu cầu đúc nhỏ và một hãng nước mắm ở phía tay phải.

Một hôm, khi vừa tránh một ổ gà khi vừa xuống dốc cầu, thì tôi thấy thầy Bé Tám chạy qua mặt chiếc xe đạp cũ mèm của tôi. Sau đó thầy quay xe vespa lại ngoái cổ nhìn. Tôi gật đầu chào thầy. Khi thầy thấy phù hiệu Trịnh Hoài Đức trên túi áo của tôi, chẳng nói, chẳng rằng, thầy biểu tôi nắm vai thầy để thầy kéo. Hai thầy trò chạy đến Lái Thiêu thì chia tay vì đường từ Lái Thiêu lên Búng là đường hẹp và có nhiều học sinh. Cứ thế, ngày nào đi học mà may mắn gặp thầy thì cũng được thầy kéo một đoạn dài cũng đỡ mệt.

Tôi còn nhớ cô Võ Hồng Cúc dạy lý hoá (năm nào thì không nhớ). Cô thường hát bài Diễm Xưa cho học trò nghe. Cô hát rất hay và luôn mặc một chiếc áo dài rất hợp thời trang.

Đến gần cuối năm Đệ Nhị, một hôm thầy Phúc gọi tôi lên văn phòng. Tôi cũng hơi lo trong bụng. Tôi vẫn còn nhớ như ngày hôm qua mà thôi, Thầy Phúc ngồi sau bàn giấy đang nhìn ra cửa sổ, trầm tư nghĩ ngợi gì đó. Thầy dạy môn Triết mà!. Chẳng nói chẳng rằng, thầy đã có sẵn một thơ viết tay trên bàn và biểu tôi trao tận tay thầy Nguyễn Trung Quân đang là Hiệu Trưởng trường Nguyễn An Ninh ở Sài Gòn. Thầy còn chỉ dẫn đường đi đến trường mới gần hãng thuốc lá MIC. Té ra đó là thơ giới thiệu để tôi được chuyển về học ở Sài Gòn cho gần nhà. Lúc đó tôi chào thầy, cám ơn lí nhí chắc không ai nghe được. Tôi rất mừng nhưng không thổ lộ ra được. Hồi đó, gặp được thầy Hiệu Trưởng ai mà không sợ. Mới đây nhờ đọc trang nhà Trịnh Hoài Đức, tôi biết thầy đang du lịch ở Canada nên có gọi điện thoại để thăm hỏi và cám ơn thầy. Một lời cám ơn muộn màng sau hơn 40 năm!.

Nhờ thầy Phúc giới thiệu mà năm sau tôi ôm cặp về học lớp Đệ Nhất ở một ngôi trường mới, đẹp hơn, thành thị hơn nhưng sao tôi vẫn thương trường Trịnh Hoài Đức của mình. Mái trường nằm giữa cánh đồng đầy củ sắn. Tôi nhớ những người bạn của mình làm bộ té để nhổ sắn trộm. Bây giờ già rồi, nghĩ lại biết rằng những người chủ các cánh đồng sắn ấy làm sao họ không biết đám học trò quỷ nầy nhưng họ làm ngơ mà thôi. Tình quê miền Nam của thôn xóm mình chất phát như vậy đó!

Tôi vẫn biết: Thầy cô tôi thương học trò mình một cách vô điều kiện, vô cùng bao la ngay cả với những học sinh họ không có dạy mà chỉ cần biết là học sinh Trịnh Hoài Đức là đủ. Em xin mượn bài viết nầy để cám ơn quý thầy cô!

Trong cuộc đời học sinh của mình, chắc các bạn cũng giống tôi có hình ảnh và việc làm của thầy cô mà mình nhớ hoài. Tiện đây, tôi xin kể chuyện hai người thầy mà tôi luôn ghi nhớ dù rằng hai người nầy không dạy Trịnh Hoài Đức.

Người thứ nhứt là cô giáo Tám dạy ở Trường Tiểu Học Lái Thiêu. Hồi đó nơi đây là ngôi trường lớn ở quận nầy. Trường nằm đối diện với Quận Đường. Tôi không biết họ của cô. Cô Tám rất thương học trò. Cô có một cây roi mây dài để trên bàn nhưng tôi chưa từng thấy khi nào cô cần tới. Có thể cô là cô giáo lâu năm nhứt ở Lái Thiêu lúc đó. Tôi học lớp năm với cô. Tôi có người bạn là Lưu Thanh Dương, em của Lưu Thanh Bình. Tôi còn nhớ trong lớp trên tường mỗi bên có trang hoàng những giây trầu bà cắm trong những bóng đèn điện tròn chứa nước để lá trầu được xanh tươi. Ngoài ra, còn có các câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” và “ Tiên học lễ, hậu học văn”. Trường cũ lắm, mái ngói rêu phong, tường vôi ngã màu nhưng cô Tám luôn tươi cười dạy cho đám trẻ. Tôi không biết cô Tám lúc đó bao nhiêu tuổi nhưng chỉ biết cô đã cao niên vì cô hay gọi ông nội tôi là anh Ba. Nay nhớ lại cô Tám thì chắc cô đã ra người thiên cổ …

Người thứ hai là một người thầy can đãm và tận tuỵ của tôi khi tôi học đại học. Thầy dạy rất hay, có lúc đã làm khoa trưởng của một khoa ở Trường Đại Học Cần Thơ. Tôi còn nhớ như in ngày 28/4/1975 là ngày thứ hai đầu tuần. Lúc đó vào buổi chiều. Tuy trong khuôn viên trường đại học vẫn còn yên tĩnh thì bên ngoài Sài Gòn rất náo loạn. Có tiếng pháo kích ở phi trường. Khu Nguyễn cư Trinh không xa trường tôi đang cháy lớn. Trong hoàn cảnh như vậy mà thầy vẫn lo chu toàn nhiệm vụ. Thầy không chạy về nhà mà đến từng lớp học, từng phòng thực tập để coi sóc học trò. Khi tụi tôi ra về thầy còn khuyên là lúc nầy không yên ổn, các em ra về thì đi thứ tự, thẳng về nhà cho cha mẹ không phải lo lắng. Ông đứng bên cửa phòng thí nghiệm im lặng nhìn ra bãi đậu xe cho đến đứa học trò cuối cùng. Sau nầy nghe tin thầy chết ở ngoài Bắc. Bây giờ lớn khôn, già đi, nhớ tới thầy thấy thương thầy quá và nghĩ lại cuộc đời thật “vô thường”.

*****

Hôm nay ngày nghỉ, tình cờ đọc được trang nhà Trịnh Hoài Đức, đọc được nhiều bài viết của các bạn, tâm tư ngược dòng thời gian, chợt thổn thức nhớ thầy cô bạn bè quá đi thôi. Chợt nhớ hai câu thơ của Vũ Đình Liên:

Năm nay hoa đào nở
Chẳng thấy ông đồ già …
Hồn người năm cũ, bây giờ ở đâu …

(7/2012)