20/11 TÌNH TRỊNH-HOÀI-ĐỨC
với Thầy TÔN THẤT ĐƯỜNG.
Hà Huỳnh


Ngày Nhà giáo VN 20/11 là ngày TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO. Với tôi, ngày ấy luôn nhắc nhớ những người thầy khả kính đã dạy tôi nên người. Nhưng năm nay, ngày ấy không những nhắc nhớ những người thầy kính yêu đã trực tiếp dạy tôi, mà còn tô đậm hình ảnh người thầy tôi chỉ biết tên nhưng chưa may mắn được học: Thầy Tôn Thất Đường của Trịnh Hoài Đức xưa.

Tôi gặp lại thầy Đường trong dịp Tết năm 2018, khi thay mặt Hội Ái Hữu CGS và CHS Trịnh Hoài Đức ở Cali đến chúc tết thầy.

Sau hơn 40 năm thầy trò THĐ được gặp lại nhau , qua tâm sự của thầy , tôi mới biết thầy bắt đầu nghề “trồng người” của mình ở trường THD trước năm 1975 , qua 5 lần trường thay đổi hiệu trưởng( từ thầy HT Lục qua các thầy HT: Liêm, Lộc, Phúc, Hộ). Và trong suốt khoảng đời dạy học của mình, thầy Đường chỉ duy nhất dạy tại trường THĐ. Có một thời gian thầy làm Tổng giám thị, nhưng rồi thầy xin thôi chức vụ đó để được đi dạy học mà khỏi phải bị động viên vào quân đội. Mà quái ác thay! cái chức vụ cũ đó đã khiến thầy phải ở lại trại “cải tạo” thật lâu sau 1975. Lại cay nghiệt hơn nữa, cũng vì chức vụ TGT đó mà thầy bị buộc “không được làm công việc liên quan đến giáo dục” suốt đời!

Chính cái khúc quanh nghiệt ngã đó của cuộc đời đã o ép thầy phải hành nghề “buôn lậu “gạo , tiêu , đậu , dầu...bằng xe đạp lúc đêm khuya từ BD đến Sài Gòn ,có lần 2-3 giờ khuya trong ánh đèn lờ mờ của đường vườn măng( đi đường lớn dễ bị bắt) học trò cũ cũng “ buôn lậu” thoáng nhận ra thầy vội đạp xe nhanh để chào thầy, thầy cố chạy nhanh , học trò càng nhanh ...cứ thế thầy chạy thụt mạng đến lúc gặp nhau thầy mừng quá vì không phải cán bộ nhà nước dí bắt !!!

Lần đầu gặp thầy ở Búng, tại nhà gia đình thầy - nơi mà thầy về đó 2 ngày tết hàng năm-còn lại thời gian dài của năm thầy ở một mình nơi Bù Đốp núi rừng. Một ông già 84 tuổi cố giữ mảnh vườn” cổ thụ” nơi biên giới của Tỉnh Bình Phước ...Và điều nầy khiến chúng tôi muốn thăm thầy một lần nữa tại nơi mà thầy thực sự sinh sống.

Tuy Bù Đốp xa xôi, cuối tháng 5/2018 , đoàn chúng tôi cũng lên đường. Nói là chúng tôi vì đoàn có cả 2 Cựu GS THĐ( thầy Trần Văn Anh, thầy Thái Thu Thử) và 10 bạn CHS THĐ khoá 15. Gần 4 giờ ô tô vượt rừng, chúng tôi gặp được thầy. Thầy Đường đón chúng tôi với nụ cười tươi, ánh mắt hiền hoà...Hình ảnh ông thầy già nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi, chân mang ủng cao tươi cười chào đón chúng tôi dưới tàng cây vườn “cổ thụ” là hình ảnh khó quên trong mỗi chúng tôi...

Thầy đưa chúng tôi đi qua mấy cây điều, sầu riêng cao chót vót lửng lơ vài trái...đến một mái tôn xập xệ mà chúng tôi không biết gọi nó là gì. Một mái chòi chăng? Không! chưa đủ! Một túp lều chăng? Không phải! nó nhỏ quá! Chỉ là vài tấm tôn cũ ghép lại , 1 tấm nylon phủ qua làm nóc. Thôi, hãy gọi như cách gọi của Thầy Đường:”lâu đài của tôi”. Thầy lạc quan giải thích cái tiện lợi của “lâu đài” nầy: “đêm ngủ trong đó, tôi nghe được tiếng sầu riêng rụng, rọi đèn pin ra lượm, kẻo nó mất trước trời sáng”...Thầy sống ở đây như một người độc thân đơn giản nhất: 1 cái chén, một đôi đũa, một chai nước mắm, một cây đèn pin...

Thầy đãi chúng tôi một bữa sầu riêng ngon tuyệt với những trái sầu riêng thầy để dành được trong một tuần lễ. Sầu riêng truyền thống ngon thật, nhưng mà trái nhỏ nhắn( một người có thể ăn hơn 2 trái 1 lần). Trái nó nhỏ là đúng, bởi vì nó được sinh ra từ những gốc sầu riêng “cổ thụ” thiếu phân( thầy cho biết là thầy chỉ có đủ phân bón cho những cây ốm yếu).

Thầy trò chúng tôi đi ăn trưa ở trên một bè ăn thơ mộng giữa sông nước, say sưa chuyện trò cho đến chiều... Người ta ngạc nhiên khi biết rằng đây là ông thầy, một GS cựu trào của Trường THĐ có tiếng xưa kia! Mà chỉ biết đó là ông già giữ vườn hiền lành lâu lâu có ra chợ , vậy thôi !

Chúng tôi phải chia tay thầy vì trời đã về chiều mà đường thì còn quá xa...Lại một hình ảnh nữa mà mãi mãi chúng tôi vẫn nhớ: Thầy Đường dưới tàng cây bên đường vẫy tay chào dài đến khi xe chúng tôi mất hút sau khúc đường quanh...

Trên đường về, mấy bạn khoá 15 chúng tôi đề nghị thầy Anh đứng ra “chủ xị” để mọi người cùng góp sức xây 1 mái nhà nhỏ để gọi là có chỗ ăn chỗ ngủ cho thầy...Thầy Anh đồng ý : “các em cứ đóng góp, được bao nhiêu cũng quyết tâm làm , thầy sẽ “bao đuôi” tất cả để hoàn thành”. Công việc tiến hành chớp nhoáng, ngay ngày hôm sau,thầy Anh trao đổi qua điện thoại với thầy Đường . Tất nhiên thầy Đường từ chối đề nghị nầy, thầy nói:”tôi đã sống trong lâu đài nầy hơn 10 năm quen rồi, không muốn học trò, bạn bè tốn kém... vì mình.” Nhưng với lý do tế nhị thầy Anh trao đổi với thầy Đường: “Chúng tôi mượn đất anh xây 1 cái nhà để thỉnh thoảng người THĐ lên thăm anh có chỗ để hàn huyên...” Lý do nầy có vẻ thuyết phục, thầy Đường bảo: “tôi hoan hô chào đón mọi người THĐ...” Thế là thầy đạp xe đi tìm thợ để thợ trao đổi với thầy Anh qua điện thoại về cách xây ...giá cả để xây nhà ngay. Sáng hôm sau, thầy Anh nhờ bạn Cúc đến ngân hàng ứng chuyển 1 ít tiền trước để thầy Đường mua vật liệu và trả tiền công thợ...Vài ngày sau, nhận được tiền đóng góp và tiền thầy Anh đóng bù cho đủ theo hợp đồng với thợ, bạn Cúc chuyển nhanh toàn bộ cho thầy Đường.
Trao đổi qua điện thoại, thầy Anh nói thật và thuyết phục thầy Đường hãy nhận vì đây là nghĩa tình , thầy Đường xúc động nghẹn ngào : “84 tuổi tôi còn nằm mơ sao ông Anh , có mơ tôi cũng không dám mơ như thế ông Anh à !”

Vì là chuyện của THĐ nên tôi thông báo cho chị Kim Nên - anh Minh Tâm ( hội THĐ hải ngoại ) và anh Xuân Khai - Hoà Hạnh ( THĐ BD) để biết .

Nhà dự định xây xong trong 3 tuần, trước khi tôi rời VN. Nhưng do mưa gió nhiều nên công việc bị chậm trễ, tôi trao đổi với các bạn: “khi xây xong nhà, các bạn đến mừng và các bạn sẽ mua sắm những cái cần thiết cho thầy “.

Hơn 1 tháng xây, căn nhà mới hoàn thành , giờ không chỉ có chỗ ăn, chỗ ngủ cho thầy, mà còn lớn hơn dự tính, bởi vì: ngoài nhóm CHS của khoá 15, chúng tôi còn nhận được sự đồng cảm của nhiều người THĐ nữa, nên đã thành 1 căn nhà lớn hơn , đầy đủ hơn,đầy ắp nghĩa tình THĐ.

Ngày về nhà mới không có tôi, nhưng những bạn thân của tôi đã đến chung vui với thầy, đồng thời bổ sung những vật dụng cần thiết trong nhà: giường nệm, gối mùng mền, nồi niêu, tủ, chén đĩa, tivi, tủ thuốc..., mọi vật dụng cần thiết trong nhà. Mái nhà đó bây giờ đã đủ tiện nghi và ấm tình THĐ. Nhìn hình bạn gửi sang : nước mắt tôi rơi .Hạnh phúc- tự hào : hs THĐ.

Thầy Đường vui mừng không tả được, cảm động nói : “ Bây giờ là thật rồi , không phải mơ nửa . Tôi được ở trong 1 ngôi nhà sâu đậm tình nghĩa : ngôi nhà TRỊNH - HOÀI- ĐỨC.Cám ơn nhiều lắm, trân trọng lắm cái ân tình của thầy trò trường THĐ đã cho tôi .”

Mái ấm THĐ trên được xây dựng bằng sự đóng góp tuỳ khả năng vật chất mỗi người, nhưng cùng chung với nhau 1 điều trân quí : đóng góp cả tấm lòng . Cám ơn ...rất cám ơn ...rất ..rất cám ơn thầy cô , các chị , các bạn đã giữ tốt đẹp mãi truyền thống : Tôn sư trọng đạo , nghĩa tình THĐ .

Xin được xướng danh những thành viên đồng cảm:

Cựu Giáo sư:
- Cô Hương , cô Kỳ ( trường Gia Long ) thầy Anh , thầy Thử .

Cựu học sinh :
- Chị Kim Oanh k9 , chị Ngọc Dung k8, chị Kim Nên k9, Nga con gái , Phượng cháu và Jennifer đồng nghiệp của chị Nên.
- Chị Trần Ngọc Sương k11, Chị Trần Hạnh Ngộ k7.
- Học trò thân của thầy Anh : My Duong k19, Bá Luận k19.
-Học trò của thầy Đường : Minh Chí k15 (Ngoc Anh) Huỳnh Anh Tuấn k16, Thanh Danh k15.
-Ban liên lạc Cựu HS THĐ BD.
-Nhất là các bạn cùng lớp của tôi , chưa 1 lần gặp thầy suốt thời nữ sinh THĐ : Thi Cuc Luu - Lieu Nguyen - Nguyen Thi Phung - Nguyễn Thu Loan - Huong Nguyen - Suong Ha
- Hoà Bình ( cháu gái của Hà Huỳnh)


Xin kết thúc bài viết nầy bằng niềm vui đặc biệt của tôi ngày 20-11 và xin chia sẻ những hình ảnh quí giá : TÌNH TRỊNH HOÀI ĐỨC .

Gửi đến tất cả thầy trò THĐ chúng ta để chia sẻ niềm vui nầy nhân ngày 20-11 .


(Canada, 20/11/2018)


Xem thêm hình ảnh về GS Tôn Thất Đường