Tìm hiểu về ý nghĩa chữ Thuyền trong địa danh An Nhất Thuyền

Từ Minh Tâm


    Trong bài viết mới nhất của mình là: “Về tên gọi An Nhất Thuyền ở huyện Bình An, Thủ Dầu Một xưa”, TS Huỳnh Ngọc Đáng đã sửa lại sai lầm của mình khi đã cho rằng An Nhất Thuyền là một đơn vị hành chánh cấp cơ sở tương đương với xã phường của triều Nguyễn trong tập sách “Phú Cường, Lịch sử - văn hóa và truyền thống cách mạng” cũng do ông chủ biên, được xuất bản năm 1990.  
    Theo nhận định mới của ông, chữ thuyền có nghĩa là tàu thuyền và địa danh An Nhất Thuyền là một căn cứ thủy binh cấp nhỏ nhứt của triều Nguyễn đóng ở khu vực sông Bình Giang (sông Sài Gòn ngày nay) để tuần tra và  bảo vệ an ninh thủy lộ quan trọng nầy. Vị trí của An Nhất Thuyền dựa vào ghi chép địa bạ dưới đây:
    “An Nhất Thuyền, ở xứ Đặc Du (Dầu Đặc). Đông giáp địa phận thôn Phú Lợi Đông. Tây giáp sông lớn. Nam giáp thôn Phú Lợi Đông, có rạch nhỏ làm giới. Bắc giáp thôn Chánh An, có lập cột gỗ làm giới. Thực canh thổ trạch 1 mẫu 2 sào, bản thuyền đồng canh. Đất gò đồi 1 khoảnh. Đứng tên bẩm trình và đóng dấu ký tên là Thuộc binh Tiền súng An Nhất Thuyền, thập trưởng La văn Lộc.”
    Tuy nhiên khi tiếp tục nghiên cứu về An Nhất Thuyền chúng tôi tìm được thêm một số tài liệu như sau:
    1. Theo Phan Khoang trong tài liệu nghiên cứu về Xứ Đàng Trong: phần nói về quân đội thời Chúa Nguyễn:
 ...“Quân đội có bộ binh, thủy binh và tượng binh, chia làm thuyền, đội, cơ, dinh. Thuyền là đơn vị thấp nhất.”... (trang 468).  
    Như vậy thì “thuyền” không phải dùng duy nhất cho thủy binh.    
    2. Theo website Lịch Sử Việt Nam: phần viết về Các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong:
… Quân đội của chúa Nguyễn gồm 3 loại: quân Túc vệ hay Thân quân, quân chính quy ở các dinh và thổ binh hay tạm binh. Các loại quân đều chia thành cơ, đội, thuyền…
    
    Như vậy thì từ "thuyền" là đơn vị nhỏ nhứt và được dùng có mọi loại quân.

    3. Theo website www.quansuvn.net: phần viết về Lực lượng vũ trang nhà Nguyễn (1558-1945):
    Thời kỳ thứ nhất (1558-1777)
… Quân số thường trực có khoảng 40.000 người, khi chiến sự xảy ra (trong nội chiến Trịnh-Nguyễn) quân đội Nguyễn lên tới 100.000 người.
Hệ thống tổ chức Quân đội Nguyễn gồm có: dinh, cơ, đội, thuyền…
    Thời kỳ thứ hai (1778-1945)
... Quân đội Nguyễn chia làm hai bộ phận chính quy, một bộ phận đóng ở kinh đô gọi là Vệ binh, có nhiệm vụ chính là bảo vệ Kinh thành Phú Xuân (Huế). Hệ thống tổ chức và biên chế cơ bản gồm có:
- Doanh biên chế 5 vệ;
- Vệ biên chế 10 đội, đứng đầu vệ là Vệ uý;
- Đội biên chế 5 thập, đứng đầu đội là Suất đội;
- Thập biên chế 10 ngũ, do Chánh đội trưởng chỉ huy;
- Ngũ gồm 5 người, do Ngũ trưởng chỉ huy.
Như vậy từ " thuyền" chỉ sử dụng trong thời Chúa Nguyễn, qua đến thời Nhà Nguyễn (bắt đầu từ thời vua Gia Long) thì đơn vị nhỏ nhứt của quân đội là ngũ, chớ không phải là thuyền như trước. Từ đó chữ thuyền không còn thông dụng trong quân đội và cả trong dân gian. Địa danh An Nhất Thuyền dần dần bị lu mờ.  Trong Hồi Ký của Grammont xuất bản năm 1863, phần mô tả về Thủ Dầu Một, đã không thấy đề cập tới An Nhất Thuyền mà chỉ có các địa danh: làng Chánh An, làng Phú Cường.
    4. Theo wikipedia:
    Về Quân đội chúa Nguyễn:
… Binh có hai loại đầu, cũng như ngoài Bắc được gọi đi quân dịch; những trai tráng khỏe mạnh sung thẳng vào quân ngũ và một số được gọi dần có tính cách trừ bị. Việc binh bị đối với các chúa miền Nam là một việc quan trọng nhất, gồm những đơn vị dưới đây:
•    Ở hạ tầng là Thuyền hay Tiểu đội, có từ 30 đến 50 người cùng làng hay thuộc làng lân cận. Đội có từ hai ba đến năm Thuyền do một Đội trưởng hay một Cai đội trông. Cơ gồm có nhiều đội thường có tới từ 6 đến 10 Thuyền, có cơ đặc biệt gồm có tới 60 thuyền. Quân số có từ 250 đến 600 người, do một cai cơ hay trưởng cơ chỉ huy.
•    Thời đó có 5 cơ: Trung cơ, Tả cơ, Hữu cơ, Hậu cơ và Tiền cơ.
•    Dinh gồm có một số quân ngang với cơ do một Trưởng dinh điều kiển. Dưới quyền Trưởng dinh có các Trưởng cơ (theo sự khảo cứu của các sử gia Pháp quân số của các đơn vị trong binh đội Nam Hà hay thay đổi về quân số, nghĩa là quân số khi thăng khi giảm không nhất định)…
    5. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức:
… Mùa xuân năm thứ 8, Mậu Dần (1698) thời Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế (Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu), (Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa thứ 19, Đại Thanh Khang Hy thứ 37), triều đình sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu họ Nguyễn (Hữu Cảnh) ([31][31]) sang kinh lược đất Cao Miên, ông lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên (lỵ sở nay là thôn Phước Lư), lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn (quận sở nay gần Tân Đồn). Mỗi dinh lập ra chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để cai trị. Về vệ thuộc thì có hai ty Xá, Lại để làm việc, quân binh thì có tinh binh cơ, đội, thuyền, thủy bộ và thuộc binh để hộ vệ. Ngàn dặm đất đai, dân hơn 4 vạn hộ, chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chính đến lập nghiệp, lập ra thôn xã phường ấp, phân định địa giới, ruộng đất, lập ra tô thuế, xây dựng đinh điền bạ tịch. Con cháu người Hoa nếu ở Trấn Biên được quy lập thành xã Thanh Hà, còn ở Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương rồi cho phép vào hộ tịch…

Như vậy, khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Nam Kỳ, ông cũng theo cách tổ chức của Chúa Nguyễn mà lập ra hệ thống quân đội gồm dinh, cơ, đội, thuyền.

     6. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn (1776) - quyển thứ ba có ghi:

… Về dinh Trấn-biên thuộc phủ Gia-định: có Trung cơ, thuộc vào cơ ấy có 8 thuyền Kiên binh, Kiên súng, Tả nhung súng, Hữu nhung súng, Hữu thắng súng, Xung đao tam, Tráng nhuệ, thủ Thuận tứ (Lưu coi 7 thuyền, Ký lục coi 1 thuyền).

Có đội Bình bộ, thuộc vào đội ấy có 3 thuyền là Kiên đao, Xung đao nhất, Tả thắng súng.
Có đội Súng bộ, thuộc vào đội ấy có 3 thuyền là Tả kiên súng, Hữu kiên súng, Xung đao nhị.
Có đội Kiên thủy, thuộc vào đội ấy có 4 thuyền là : Tráng nhất, Tráng nhị, Tráng tam, Hữu hùng.
Có đội Tân tiệp, thuộc vào đội ấy có 3 thuyền là Phân nhất, Phân nhị, Phân tam để giữ cửa Hà-bá và cù lao Côn-luân.
Có đội Hùng ngụ thuộc vào đội ấy có 3 thuyền là Nhuệ nhất, Nhuệ nhị, Nhuệ tam để giữ Trường voi.
Có đội Tráng ngự, thuộc vào đội ấy có 3 thuyền là Định nhất, Định nhị, Định tam để giữ ngã ba Long-cốt. 3 đội ấy cộng là 9 thuyền đều 50 người, đều lấy thổ dân, miễn không phải đóng tiền, gạo. Chức Cai đội và Chánh, Thứ Đội trưởng đều cho tiện nghi điền bổ, miễn không phải nộp tiền gạo.

Như vậy theo Phủ Biên Tạp Lục thì vào năm 1776, ở Trấn Biên chưa có Thuyền An Nhất (hoặc đã có rồi nhưng không được ghi vào sổ sách nên Lê Quý Đôn không biết). Điều nầy cần nghiên cứu thêm.

Thêm vào đó:

Về trấn dinh Hà-tiên có 8 thuyền là Kiên nhất, Kiên nhị, Kiên đao, Kiên nhung, Nghĩa thắng, Kiên phong, Long kỳ, Tráng súng (Tổng binh coi 6 thuyền, Cai bạ, Tri bạ đều coi 1 thuyền).
Có đội Thủy thắng, thuộc vào đội ấy có 3 thuyền. Có đội Hùng bộ 3 thuyền và các đội Tả thủy, Hữu thủy. Các ngạch binh ở cơ, đội và thuyền kể trên đây, trừ thổ binh được miễn gạo sưu xuất thì không được cấp lương, còn thì lĩnh lương ở kho.
Số binh coi giữ kho ở các xứ là : Kho Tân-an ở 2 phủ Thăng-hoa, Điện-bàn thì có thuyền An nhất.
Hai kho An-khang, Tu-vinh ở phủ Quảng-nghĩa thì có thuyền Bình nhất.
Kho Phú-đăng có thuyền An nhất. Kho Thời-phú ở phủ Quy-nhân có thuyền Tân nhất.
Kho Đạm-thủy có thuyền Mỹ nhất. Kho Kiến-dương có thuyền An nhất. Các thuyền kể trên mỗi thuyền đều 50 người.
Kho Xuân-đai ở phủ Phú-an có thuyền An nhị 20 người.
Kho An-toàn có thuyền An nhất 40 người.
Về thuộc liêm-hộ ở Thăng-hoa có thuyền Liêm súng 50 người.
Kho phủ Gia-định có 3 thuyền ở đội Tân tiệp để coi giữ. Đó là số binh ở một xứ Quảng-nam vậy.
....

Như vậy tên thuyền An Nhất được sử dụng rất phổ thông. Trong một dinh như dinh Hà Tiên mà đã có tới 4 thuyền An Nhất.

     7. Theo Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ lục tỉnh của Nguyễn Đình Đầu:    
    
    ... Bảng Xếp Thứ Tự Diện Tích Ruộng Đất Thực Canh Thực Cư của 1.637 làng Lục Tỉnh Hồi 1836-1837:
    
    trang 216 ....
    
    92.  An Nhứt    Tỉnh Biên Hòa, Bình An, Bình Chánh Trung     1.2.0.0

    Diện tích thực canh thực cư của "làng" An Nhứt theo tài liệu nầy là 1 mẫu 2 sào 0 cao (tương đương 5.872 m2 hay gần 0,6 mẫu đất ngày nay). Diện tích nầy đúng chính xác theo ghi chép địa bạ đề cập bên trên. Tuy nhiên diện tích 0,6 mẫu đất là một diện tích quá nhỏ không thể tương đương một làng hay xã được. Nếu theo mô tả địa bạ thì vùng đất có tên An Nhất Thuyền lớn hơn rất nhiều (từ sông Sài Gòn lên tới thôn Chánh An).

    8. Theo Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ lục tỉnh của Nguyễn Đình Đầu:
    
    ...“Thuyền là một đơn vị thủy quân xưa được chia cho một địa phận trên đất liền để lập làng (đa số nay thuộc Vũng Tàu)(tr.130) ...
    Câu văn không rõ nghĩa có thể làm cho người đọc hiểu lầm. Thuyền là một đơn vị thủy quân xưa thì đúng, nhưng lập làng rồi mà vẫn gọi đơn vị hành chánh đó là thuyền thì phải xét lại.

    Kết luận:

Theo nghiên cứu trên đây ta có thể kết luận: chữ Thuyền trong từ An Nhất Thuyền không có nghĩa là tàu thuyền. Thật ra, thuyền là một đơn vị quân đội cấp thấp có từ 30-50 binh lính cùng làng hay ở lân cận. Thuyền có thể là bộ binh hay thủy binh. An Nhất Thuyền ở Bình An lúc đầu là một đơn vị quân đội trú đóng ở khu vực Trường Công Binh hiện nay (thuộc làng Chánh Hiệp - trước 1975). Trong Hồi Ký của Grammont có đề cập đến đồn lính nầy nhưng không nói rõ tên. Đó là một đồn nhỏ có chừng 30-50 lính. Đồn nầy có thể chỉ được thành lập sau năm 1776 vì trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn vẫn chưa được nhắc tới. Họ được canh tác một vùng đất có diện tích 1 mẫu 2 sào và một khoảnh đất gò. Vùng đất nầy do đó mang tên của đơn vị quân đội là An Nhất Thuyền. Từ từ nhân dân quần tụ thành xóm làng xung quanh căn cứ quân đội nầy. Theo Địa Bạ Nam Kỳ Lục Tỉnh, địa danh An Nhứt được ghi nhận năm 1836 để chỉ một vùng đất nhỏ có diện tích 1 mẫu 2 sào (cũ). Đó chỉ là vùng đất thực canh và ghi vào địa bộ, còn khu vực có tên An Nhất Thuyền (An Nhứt Thuyền) thật ra lớn hơn rất nhiều (từ sông Sài Gòn lên tới thôn Chánh An). Qua tới thời Nhà Nguyễn, quân đội được tổ chức khác đi, thuyền không còn là một đơn vị nhỏ nhứt và dần dần bị lãng quên vì không còn ý nghĩa như trước kia. Địa danh An Nhất Thuyền cũng vậy, với thời gian hơn một trăm năm, người dân ở địa phương quen dùng các địa danh mới hơn như: Làng Chánh An, Làng Chánh Hiệp … mà không còn nhớ tới từ An Nhất Thuyền thuở ban đầu nữa.

(30/5/2013)

   Tham Khảo:

1.    “Về tên gọi An Nhất Thuyền ở huyện Bình An, Thủ Dầu Một xưa”, TS Huỳnh Ngọc Đáng. www.sugia.vn   
2.       website Lịch Sử Việt Nam: http://www.lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&id=1087&Itemid=5
3.    Wikipedia.com:Quân đội chúa Nguyễn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_Tr%E1%BB%8Bnh-Nguy%E1%BB%85n
4.    Wikipedia.com: Nguyễn Hữu Cảnh: http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_H%E1%BB%AFu_C%E1%BA%A3nh
5.    Phủ Biên Tạp Lục: www.vietnamvanhien.net/phubientapluc.html
6.    Đại cương Lịch sử Việt Nam – Tập 1. Nhà Xuất bản Giáo Dục – Chủ biên G.S Trương Hữu Quýnh. Tr 349-352
7.    http://www.quansuvn.net/index.php?topic=1157.0
8.    http://vanhoahoc.vn/nghien-cuu/thu-vien-so-sach-anh-video/tu-sach-van-hoa-hoc/319-trinh-hoai-duc-gia-dinh-thanh-thong-chi-phan-3.html
9.    Xứ Đàng Trong - Phan Khoang, nxb. Khai Trí, 1970, tr.468
10.      Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ lục tỉnh, Nguyễn đình Đầu, nxb. HCM, 1994
11.     Điạ chí tỉnh Sông Bé, Nguyễn đình Đầu, 1991, tr.174
12.       Onze Mois de Sous- Préfecture en Basse -Cochinchine, Lucien de Grammont, Challamel Ainé, Paris, 1863.