Thư của thầy Chu Bá Cao

Minh Tâm,

Thời rất thơ ấu của thày là những ngày đầy vô tư và nặng trĩu truyền thống ỏ một làng nhỏ cách Hà Nội không xa. Vào những ngày giáp Tết thì nhà nhà lo thu vén để trọn vẹn khép lại những gì thuộc về năm cũ, hầu có thể yên tâm đón mừng Năm Mới. Nếu trong năm có làm mất lòng ai thì cũng tìm cách làm hòa, và nhất là nếu có nợ nần ai, nhọc bằng chưa thể trả được thì cũng đem chút quà tới nhà chủ nợ xin khất. Tuy nhiên có những người nợ cũ chưa trả đã ôm thêm nợ mới nên nợ chồng nợ chất, bất đắc dĩ phải muối mặt làm lơ. Và thế là có màn ba mươi tết đi đòi nợ.

Hình như tiềm thức dành nhiều cho thuở ấu thời nên những ngày cuối năm xưa xửa xừa xưa có lẽ không bao giờ nhòa đi trong trí nhớ thày. Vào những ngày này thì việc đồng áng đã tươm tất và người dân quê sớm lo thu  vén để đón xuân về. Những món ăn truyền thống mà hầu như không thể thiếu trên mâm cỗ tết là bánh chưng, dưa hành, và thịt mỡ. Trong gia đình hay hàng xóm với nhau thường rủ nhau ăn đụng heo, nghĩa là cùng xả chung một con heo rồi chia nhau. Còn đám trẻ con như thày thì có dịp bu quanh con heo lãnh án để giành nhau cái bong bóng. Chiếm được bong bóng liền đem về lấy muối rửa cho sạch, phơi khô, rồi thổi lên làm bóng đá. Với những tên đồng trang lứa không được cái may mắn thì thèm thuồng ra mặt. Còn người thắng cuộc thì có quyền chọn cầu thủ cho đội banh bong bóng lợn. Và sân phơi lúa sẽ trở thành sân bóng đá cho lũ tí hon.

Với thày thì còn có thêm được một cái thú vị khác: cái thú đi đòi nợ !!! Chả là bà nội của thày dù không khấm khá lắm nhưng có tính thương người. Bà hay cho người ta vay mượn, và vào những ngày giáp tết thì tìm cách thu về. Công việc đi đòi nợ được trao cho ông chú út của thày. Hai chú cháu cách nhau chừng mười tuổi, và thày là cháu trai duy nhất trong họ, nên chú cháu rất gần nhau. Việc đòi nợ quả thực là khó làm và khá nhiêu khê. Con nợ thì nhiều khi lực bất tòng tâm nên đổ lì. Thế là ông chú của thày tìm cách  biến cái rắc rối này thành một trò chơi theo cái ý nghĩa của những kẻ vô tư. Chú dùng cái mo cau, mo cau là phần cuống của lá ôm vào thân cây cau mà nông dân nghèo thường dùng làm quạt (quạt mo), lấy than củi vẽ lên đó cái mặt người, rồi cho thằng cháu cầm đi trước. Ông chú đi sau cầm cái mẹt, (mẹt là dụng cụ đan bằng tre, dẹp và kín dùng để xẩy  gạo hay đậu, khi hạt đậu có lẫn ít vỏ thì cho vào mẹt hất lên nhè nhẹ để làm sạch vỏ hay chấu. Gạo hay đậu nhẩy tưng tưng trên mẹt, chờ cho gió đến đem vỏ đi), và ông vừa đi vừa gõ. Vùng quê của thày, người lì lợn thường bị coi là mặt mo, mặt mẹt. Ông chú tinh khôn của thày biết không đòi được nợ bèn nghĩ ra tấn tuồng này để chê trách con nợ!

Một hôm đi làm về, như thường nhật, mở thùng thư trước khi vào nhà. Và chiều hôm đó thì có một gói lạ, một địa chỉ lạ, viết tay! Như vậy là không phải quảng cáo rồi. Vào trong nhà, trước khi rọc bao thư, thày cẩn thận coi lại một lần nữa. Vẫn lạ. Địa chỉ và cái tên thì đúng là của mình. Nghĩa là mình có toàn quyền định đoạt số phận của cái của lạ này.Thày mở ra thì quá ngạc nhiên. Vì thày vẫn, như những Xuân trước, đang chờ ở trên Net! Thày nói với cô: “Tiền ở đâu mà mấy cô cậu này làm sang thế?”. Nhưng rồi khi lần vào những trang trong mới biết thày là một trong những ngoại lệ.

Cám ơn tất cả các em, nhất là Minh Tâm và toàn ban biên tập. Thày có được một lá thư của Bình Dương chia sẻ với thày là, mỗi khi viết cho thày thì thấy mình còn bé lắm, và được trẻ lại. Nhưng lạ sao thày cũng có cùng một cảm nghĩ như vậy. Thày vẫn thích gọi học trò mình là mấy cô mấy cậu, nghe nó có tính tinh nghịch nhưng gần gũi thế nào ấy. Chữ em nghe nó nhẹ nhàng nhưng hình như không lột hết được cái nhất quỉ nhì ma của tuổi học trò, và không phân biệt được giới tính nữa. Kim Nên mà nghe được hẳn là buồn đấy Minh Tâm ạ
Ân tình thì ‘vay trả trả vay’. Hôm nay là ba mươi Tết trên xứ không lạ nhưng chẳng bao giờ quen thuộc được, và thày không thích cầm mo cau  đi trước nữa Minh Tâm ạ, mà cũng không muốn ai cầm thay cho mình. Chúc Minh Tâm và Gia đình một Mùa Xuân đầy hương hoa như ý.

Ông đồ già Plano