THƯ GỬI CHO CÁC EM (3)

G/s Nguyễn Thị Tâm


           Sáng 15.3.2017 cô gặp Nh. Th. Chiều em gởi Facebook của em và nhắn FB của cô cho Thu Hà.

          Thu Hà viết:

          - Hi Cô, Th. nhắn FB cô cho em, vậy vui đó cô, em đã đề nghị một số cựu học sinh Trịnh Hoài Đức kết bạn với cô rồi đó, nhưng cô đưa hình lên, mọi người dễ nhận ra. Hihi!

          Rồi Nguyệt Ngô viết:

          - Chào cô ạ. Rất vui khi được chia sẻ với cô trên FB. Cô vẫn khỏe nhỉ?

          Sáng hôm sau cô được một số em nhắn tin hoặc điện để kết bạn. Cô chỉ chọn một vài em cô biết rõ. FB là hình thức mới lạ đối với cô. Cô còn do dự không biết tính sao.

          Thu Hà gợi ý thêm khoảng hơn 20 người nữa, đều là học sinh cũ của cô. Rồi Tam Tu nhắn tin kết bạn với cô và đề nghị thêm Canh Tu. Còn một số người cô không biết rõ là ai cũng muốn kết bạn.

          Canh Tu có lẽ đoán được tâm trạng cô nên giúp cô. Bạn viết: Hình chụp ở đâu vậy bạn hiền?

          Cô hiểu ý tốt của bạn nên trả lời: Hình chụp ở Tổng công ty 3/2 Lái Thiêu (Nguyễn Văn Minh) hôm họp mặt tất niên 26 âm lịch tháng 12.

          Các em đang học chỗ cô đã xúm vào giúp cô đăng hình đại diện, hình bìa... náo loạn cả lên. Các em thích thú, hớn hở và hãnh diện vì có dịp dạy cô cái này, chỉ cô cái kia. Cô thấy chóng cả mặt nhưng mà thầy trò cùng nhau vui như Tết.

          Thấy nhộn nhịp tin nhắn tới lui. Cô viết vào FB một chút cho vui:

          - Các bạn đừng săn đón quá, làm tôi sợ.

          - Tại sao sợ hả?

          - Tại vì các bạn làm tôi nhớ lại lúc còn là sinh viên tôi hay bị các nam sinh viên đón đường đó!!!

          Không ngờ Carlos Phạm, học sinh lớp 5 trường Việt Anh Bình Dương, học thêm Anh Văn ở chỗ cô lấy đọc. Sau khi đọc xong em hỏi cô:

          - Ủa, các anh đón đường cô để làm gì? Bộ để đánh cô hả?

          Cô cười và trả lời tếu:

          - Không phải để “đánh” mà để “tán”.

          Em kêu lên:

          - Trời ơi! Tội nghiệp cô mình quá các bạn ơi!

          Cô bất ngờ vì tình huống xảy ra như thế. Thấy em có vẻ không vui, cô vội vã lấp đi:

          - Xin lỗi, cô chỉ nói đùa, cô giỡn thôi. Các em đừng buồn.

          Vì các em còn nhỏ nên cô không biết giải thích như thế nào để các em hiểu. Cũng may trẻ con dễ quên nhanh nên việc này xem như qua luôn... Lẽ ra cô không nên đùa như vậy.

          Cô nhớ lại vụ Carlos Phạm mong muốn kết bạn với cô. Để em quên chuyện vừa mới xảy ra, cô nói cô đồng ý kết bạn. Em vui quá.

          Em nói: “Chỗ này cô phải like cho mình trước đi chứ...”

          Em có với cô một ít kỷ niệm. Lúc mẹ dẫn em đến chỗ cô để học, em có vẻ buồn. Mẹ em giải thích riêng với cô em thích học với các giáo viên trẻ hơn. Được mẹ thuyết phục, bảo học thử, nếu thích sẽ học luôn. Em vâng lời. Mấy ngày đầu em không vui lắm vì cô dạy kèm từng em một. Không em nào có bài giống em nào. Tuổi tác lại chênh lệch nhau. Chủ yếu đến là học. Ai làm xong phần bài do cô quy định được nghỉ, làm gì tùy ý, miễn không ồn ào.

          Em hiền lành, ít nói và rất chăm học. Vô lớp cắm cúi làm bài, nộp cho cô chấm. Em học rất tiến bộ và phụ huynh em rất mừng.

          Nhờ câu chuyện trên, cô có thể đong đo được tình cảm của em đối với cô nên cô khá hài lòng.

          Sau khi được cô kết bạn, có chuyện gì em cũng bắt đầu chia sẻ với cô, không còn e dè như lúc trước...

          Sẵn đây cô kể luôn hai câu chuyện đều có thật. Những chuyện này xảy ra lâu rồi, lúc cô chưa về hưu.

          Bé Thảo, mới học lớp 3, học thêm Anh văn với cô. Bé hay kể chuyện này chuyện kia cho cô nghe, nhất là chuyện nhà bé. Không phải cô hiếu kỳ muốn biết. Chẳng qua cô muốn nghe để hiểu bé thêm. Nếu cần có thể giải thích để bé hiểu cho đúng những gì bé chưa hiểu...

          Bé đến gần cầm tay cô lắc qua lắc lại và nói:

          - Cô ơi cô! Hôm qua ông bà ngoại con cãi nhau tức cười lắm.

          - ???!!...

          - Con về nhà nói với ông ngoại: Cô con không có ai nuôi. Tội nghiệp lắm!

          Ông ngoại nói:

          - Ờ, tội nghiệp cô con quá! Vậy cô sống làm sao?

          Bà ngoại lên tiếng:

          - Tội nghiệp hả? Ông lo bao đồng quá. Vậy ông rước về nuôi đi... Ngày mai tôi không cho ông đưa đón bé Thảo nữa. Từ rày để tôi đi.

          Cô yên lặng nghe bé kể. Cô thầm nghĩ chắc ông này cũng thuộc loại “dễ say nắng” và cũng có chút chút “thành tích” gì đó nên mới có chuyện.

          Cô nhìn bé và nói:

          - Chắc ông bà ngoại giỡn cho vui thôi mà.

          - Vậy hả cô?

          Còn câu chuyện tiếp theo như thế này:

          Bé Tài đi học ở Thị Xã. Ba bé là một giám đốc có tiếng. Mẹ bé ở Bến Cát làm việc. Dì bé và bé cùng ở chung chỗ ba bé trong một nhà tập thể của tỉnh.

          Dì bé đến hỏi cô giáo:

          - Cô ơi! Bộ cô tặng anh Ba em mứt dâu hả?

          - Đâu có tặng gì.

          - Bé Tài nói như vậy với anh Ba em hôm qua.

          Bé Tài đứng cười lỏn lẻn nói:

          - Con nói chơi thôi. Cô tặng cho con chớ đâu phải tặng ba.

          Mấy hôm sau, một phụ nữ ăn mặc và trang điểm khá chu đáo đến thăm cô giáo.

          - Chào cô. Em là mẹ bé Tài. Bé nói cô đi Đà Lạt về cho nó mứt dâu. Hôm nay em đến thăm cô. Em cũng có mang quà tặng cô, luôn thể được biết cô...

          Trời ạ! Đã ra mặt nhận “chủ quyền” rồi đó, các em.

          Tất cả những chuyện cô kể trong bức thư này bảo đảm đều có thật trăm phần trăm đấy.

(HT 24.3.2017)