Thư Cho Con Gái

Saigon 04/9/2014

Lan thương,

Mẹ định gọi điện thoại cho con như thường lệ nhưng vì muốn tâm sự một vài chuyện tế nhị về tình cảm nên mẹ lại viết thư để bày tỏ (sở trường mà), vì đã bao lần xảy ra chuyện rồi, khi cảm xúc dâng trào mà phải đối diện với một ai đó để "thanh minh" hay cần chia sẻ, trình bày thì thật là khó khăn với mẹ, chỉ có sự uất nghẹn và nước mắt tuôn trào nó làm chủ mình khi đó mà thôi, không nói nên lời... Mẹ tệ thật, chẳng bao giờ khắc phục được nhược điểm này. Thế nên dù muốn nhưng không thể nào quên được buổi họp gia đình bên nội con do mẹ chủ động mời, thái độ của ba con đã đi vào tiềm thức mẹ mà trong những giấc ngủ mệt mỏi nó đã luôn là cơn ác mộng …

Con thương, ngoài cái danh từ nhân xưng này thôi, chứ thật sự mẹ muốn nói chuyện với con như hai người bạn, bởi vì mẹ biết khá rõ cái "tâm và tầm" của con gái mình ở mức độ nào (?). Mẹ nghĩ mình khách quan khi cho rằng mẹ không phải là người bảo thủ và độc đoán, mẹ luôn tôn trọng, học hỏi và khâm phục sự hiểu biết và tài năng ở mọi người mà không phân biệt tuổi tác bao giờ, không trấn áp ai với lý do là bậc "đàn anh, đàn chị" và nhiều tuổi tác kinh nghiệm hơn…
Trời ơi, chẳng biết nên gọi là may hay rủi khi trên hành trình cuộc đời đã đi qua mà có lẽ là sắp tới nữa, mẹ chỉ toàn gặp những “cao thủ” không thôi, bình tâm nhìn lại để nhận xét thì có lẽ là cả hai: may và rủi.

- May mắn: mẹ luôn thấy mình yếu kém so với những người trong môi trường làm việc, (không muốn đổ thừa cho bệnh tật nhưng thật sự mỗi lần trải qua một cơn phẫu thuật mẹ lại thấy mình yếu đi rất nhiều từ thể xác cho đến tinh thần), dĩ nhiên là về năng lực trí óc thôi, chứ không bao gồm đạo đức và năng khiếu. Có những người mà con cũng biết đấy, họ đều thông minh và quá thông minh, nên mẹ cũng học hỏi được nhiều từ họ (hoặc nhờ vả trong công việc), mà chỉ toàn là phái nam thôi con ơi – sao nghiệt ngã vậy không biết – Mẹ cũng gặp ba con trong những ngày đầu non nớt nhận công việc (hôm nay mẹ chưa muốn nói đến định mệnh này). Nhưng cũng may là bọn họ đều nhỏ tuổi hơn (chỉ chú Thái là bằng tuổi, nhưng chú sớm lên chức và rời khỏi phòng – may quá) nên khó xảy ra chuyện chao đảo tình cảm và hơn nữa ai cũng ý thức được trách nhiệm gia đình…

Chỉ một người tới giờ vẫn còn độc thân, dù bạn gái thì không thiếu (gần 50 tuổi rồi, làm chung khoảng 20 năm, con có đoán được là ai không? Hỏi thế vì ngày xưa mẹ hay dắt con vào cơ quan và đi du lịch với bạn mẹ). Thỉnh thoảng mẹ cũng gọi điện hỏi thăm bạn bè nơi làm việc cũ, mẹ nói đùa với nó: “Sao ở không hoài vậy? Chộp đại con cá nào đi”. Nó cũng trả lời tếu: “Có con cá vừa ý thì không phải của mình, tìm con cá đồng chủng tương tự thì mãi không thấy, chắc giống đó tuyệt chủng rồi”… Thế đấy.

- Cái rủi: là luôn thấy mình thua sút nên mặc cảm và co cụm lại, không dám “vươn oai” ý kiến riêng nên cứ giữ đúng một vị trí từ lúc vào cho đến lúc ra, nhưng khi tiếp xúc với các phòng ban khác, có người cũng là bạn (nhất là nữ) thì mẹ lại không có cái cảm giác đó, không tệ chút nào. Phải chăng vì vậy mà bao năm qua PKTCĐ của mẹ luôn có uy tín, được đánh giá cao hơn các phòng khác cùng cấp và là cái nôi để từ đó là bước đệm chọn người thăng chức… Song song đó, cái xã hội VN bon chen chức quyền phải luôn kè theo một bên như hình với bóng là chính trị nữa, chứ không đơn thuần là năng lực, nó hoàn toàn xa lạ với mẹ.
Giá ngày xưa mẹ đừng học ban toán, đừng theo nghiệp kỹ thuật… mà chọn các ngành nghiêng về nghệ thuật thì chắc sống thoải mái hơn về tinh thần, không bị nhiều áp lực công việc, còn thành công hay không thì mẹ không đặt nặng lắm. Biết là nghiệp rồi mà sao vẫn hối tiếc…

Chỉ mới nhập đề chào sân thôi mà mẹ nói lan man quá, chưa đi vào chủ đề chính hôm nay cần nói.

Lại chẳng biết bắt đầu câu chuyện từ chỗ nào đây, hơi lúng túng một chút với con… Thôi thì, xem như trò chuyện với một người bạn thân vậy.

Sau khi nghĩ hưu vào đầu năm 2013, về nhà nghỉ ngơi hoàn toàn sau đúng 33 năm công tác không gián đoạn (trừ hai lần nghỉ sinh sản). Mẹ cảm thấy cuộc sống thoải mái với nhiều dự định chuẩn bị trước đó, không hề buồn chán hay bị sốc như mọi người cảnh giác. Hơn nữa mẹ có phải là người sôi nổi và náo nhiệt đâu chứ? Quen ở một mình và vẫn một mình đó thôi. Phương tiện giải trí thời nay cũng khá phong phú, mẹ đọc sách nhiều (cả sách đời và đạo), xem phim, may vá chút đỉnh, thể dục và công việc nhà … cũng vừa lấp đủ thời gian.

Chỉ gần một năm nay thôi mẹ mới vào Facebook cho có tụ với bạn bè, thì mối giao du tình cảm với bạn học thời phổ thông mới gần gũi và gắn bó hơn. Ngày xưa thỉnh thoảng mới đến với nhau vài lần trong năm thì chỉ là tán dóc với nhau ít chuyện cũ và hỏi thăm về dăm đứa bạn. Về SG gần 38 năm rồi, nhưng sao vẫn cảm thấy xa lạ với mảnh đất và con người nơi đây, không bạn bè thân đủ mức bộc lộ…

Dần dà, FB chiếm của mẹ nhiều thời gian hơn, do có đất riêng cho mình và bạn bè (nó không đòi hỏi quá sâu như khi viết cho những trang khác) nhưng cũng có những chuyện phức tạp hơn do mình không ngờ đến những tình huống phải bị “ném đá” – thường cái tính ghen tị nơi con người vốn khó diệt và người ta vẫn thích nghe lời khen hơn là chê bai, nhất là nơi công cộng dù mục đích là chia sẻ và đóng góp. Rút kinh nghiệm, mình né bớt đi thì cũng an toàn, nói chung là nó lợi hay hại là hoàn toàn do người sử dụng…

Cũng từ cái ông FB quyến rũ này (chắc là môi trường ưu tiên cho những người rộng thời gian và sống cô độc có đất tung hoành), mẹ mới “gặp” lại một người bạn nam cũ học cùng cấp 3, chuyện rắc rối dường như bắt đầu từ đây…

Uống nước và thư giãn 5 phút đã…

Muốn gọi bằng “hắn” nhưng người Nam bộ mình hiểu đại từ này không hay lắm. Mẹ và cô bạn đồng nghiệp ít tuổi hơn người Huế vẫn hay sử dụng đại từ này với ý nghĩa là ngôi thứ 3 đơn thuần. Mẹ không có khả năng thuyết phục người khác ở vài lần gặp gỡ. Lúc đầu nó sợ mẹ nhưng sau gần một năm thì “bám” như sam và kể đủ mọi chuyện khúc mắc trong công việc và chuyện gia đình…

Thôi trở lại chuyện chính đây, dù ngại nhưng phải bước vào câu chuyện, vì “có đi mới tới được”. Con gái, trong câu chuyện mẹ gọi “hắn” là “chú” nhé…
Một ngày gần đây – chỉ khoảng hơn một tháng trước – trong lúc trao đổi với các bạn (lớp mẹ chỉ các phụ nữ mới có trang riêng trên FB) bằng những dòng bình luận (comment) thì chú ấy “nhảy” vào, vì cô Minh nói “lỡ” kết bạn với chú nên chú mới xen vào được (mẹ biết chú là ai, nhưng chú thì không biết mẹ vì mẹ ký danh khác). Rồi dăm ngày sau vì thấy lời lẽ dông dài không tiện “phơi bày” cho nhiều người thắc mắc, mẹ mời chat riêng và cho biết … who am I? và add friend’.

Thế là… thật nhanh, quá nhanh chóng, kỷ niệm như dòng thác lũ tràn về, hất tung mọi chướng ngại trên đường nó đi qua… ở cả hai phía. Chú ấy là người đồng hương, chỉ cách nhà ngoại hai dãy phố, ngày xưa chung trường, chung lớp và chung tổ học thêm (có 5 người, thời của mẹ phải học nhóm, kết tập người gần nhà thành tổ, học vài buổi một tuần các môn chính, mà chủ yếu là học toán, và có báo cáo hẳn hoi), mà toán là môn chú ấy chiếm vị trí độc tôn trong lớp rồi. Địa điểm là nhà ngoại con – mẹ không còn nhớ tại sao chọn nhà mình nữa. Thời điểm đó là năm lớp 12, còn trước đó thì mẹ cứ nghịch phá mọi người thôi…
Không như thời nay, tình cảm học trò khi ấy nó thuần khiết, chỉ như gió như mây, vấn vương, gợn sóng trong lòng… Mà còn phải lo giấu kín bạn bè từ cái ánh mắt nhìn đối tượng. Nên không lạ lùng gì khi cả hai đều hướng về nhau nhưng cứ tưởng là tình đơn phương. Sau này người bạn thân của mẹ cho biết tình cảm của chú dành cho mẹ thì đã quá muộn, khi mẹ đã chọn mảnh đất SG định nghiệp tương lai, còn chú ấy cũng đã theo gia đình ra nước định cư... Khi học xong cấp 3, trên BD chỉ có trường CĐSP là cao nhất, muốn thi ĐH phải về SG, mà không phải ai cũng có điều kiện vật chất và trình độ địch lại dân SG (vì không có trung tâm luyện thi ĐH ở tỉnh, kém thật)…

Khoảng cách không gian không xa lắm, thế nhưng cuộc sống muôn vàn trở ngại gây thiệt thòi cho dân tỉnh lẻ, mà cha mẹ cũng chẳng chăm chút con cái như bây giờ, tự học tự lo thân, thi gì cũng được. Mẹ và các bạn mẹ ai cũng thi vào CĐSP Bình Dương và thêm một trường nào đấy…

Mẹ có hai sự chọn lựa, bạn bè thì học ở CĐSP nhiều, nên lúc đầu có lên trường làm thủ tục xong rồi, nhưng buồn và chán … vì nghĩ sẽ gặp lại chú ấy với mối tình đơn phương, người ta con nhà giàu, học giỏi, đẹp giai chắc không phải dành cho mình.

Rồi mẹ về SG học, ở với dì Ba, lo chuyện học hành và thích nghi với môi trường mới, vất vả với chuyên ngành kỹ thuật vốn không ưu đãi cho con gái… Và rồi mọi chuyện dần trôi qua, khép lại một mối quan hệ chưa thể định nghĩa tên gọi là gì cho chính xác?

Cuộc sống của ai, dù với màu sắc gì (tươi hồng hay ảm đạm)  thì nó cũng bị thời gian nuốt trôi một cách vô tình và  trôi đi một cách thờ ơ như nhau…

Trở lại vấn đề, lần cuối mẹ gặp mặt lại chú ấy là khoảng 20 năm cách đây khi chú về VN cùng vợ con, tổ chức tiệc kỷ niệm bao nhiêu năm ngày cưới đó, mời rất đông bạn bè tham dự, và ghé thăm gia đình mình (Mẹ vẫn còn một tấm hình chụp chung hai gia đình).

Ai mà biết được cuộc sống sẽ ra sao ngày mai? Mẹ càng khốn khó hơn khi phải đấu tranh liên tục với sự “kỳ cục không thể tả nổi” này. Đã chọn, đã định hướng cho mình bước đường tương lai là hướng tới đạo giáo, chính sự lựa chọn này đã đưa mẹ ra vùng sáng và an lạc, thoát khỏi sự u ám triền miên của tháng ngày không ý nghĩa…

Cuộc sống gia đình của chú ấy cũng tan vỡ hơn một năm nay, thêm vào đó kinh tế gia đình cũng gặp trở ngại và hiện tại chú ấy sống một mình với nghề thông dịch viên cho một Công ty nào đó (làm việc tại nhà thôi) .

… Rồi sau nhiều lần chuyện trò qua phone, chat FB,… khi mà dư âm ký ức đã lắng đọng, không còn tác động nhiều nữa, mẹ thấy chú ấy đã thay đổi quá nhiều về tính cách (hơn 35 năm trên đất Mỹ rồi còn gì). Một người khó ăn nói, chậm phản xạ, thích văn chương và nghệ thuật, cần sự tế nhị và hanh thông không phải bằng lời (như mẹ) thì làm sao hài hoà được với một người bộc trực, thẳng thừng một cách trần trụi, cái gì cũng thông qua lý luận lý lẽ mới chịu khuất phục – tuy điều đó không phải là xấu – và mẹ nghĩ người ấy không cảm được văn chương mà chỉ mạnh về khẩu ngôn (là chú ấy).

Mẹ thấy mình như bị lôi kéo đi, không làm chủ được ý nghĩ và hành động. Tình cảm bạn bè còn chưa ấm chỗ, chưa tìm được chỗ đứng sau bao năm xa cách, thế mà chú ấy cứ thúc giục … muốn tình thân gia đình được kết nối nhanh chóng, chủ quan và quá tự tin về khả năng thuyết phục, mà đôi khi mẹ nghĩ đó là sự … liều lĩnh, bồng bột của người cô đơn… và đã hai lần mẹ quyết định xa rời nhưng bị dao động rồi kết nối lại (điểm yếu của mẹ có lẽ là chấp nhận người khác bỏ mình chứ khó lòng từ bỏ, hay làm ai đau khổ). Cái lòng nhân từ đôi lúc nó hại mình khôn kể, giá mà làm ngơ được…
   
Bây giờ không như lúc trẻ, mẹ thích sự bình lặng hơn… Mỗi gia đình có một sự liên kết giữa các thành viên đa hình dạng trạng, mức độ không giống nhau, mẹ biết gia đình mình thế nào chứ? Nhưng nói thì chú không nghe, cứ nhiều lần yêu cầu rất cứng rắn, bảo đưa số phone dì Mai khi biết ở quá gần, của dì Tư nữa (Má ơi, nghe phát khiếp!), rồi cuối cùng là muốn làm quen với con trước. Mẹ thấy có lẽ dễ thông cảm nhất và lỡ text nhầm cho con nên không muốn có sự hiểu lầm…

Chú ấy nói đã liên lạc với con khoảng 30 phút, hỏi nói gì… thì chỉ nói là “nói đúng sự thật”  và thấy … thoải mái, hài lòng, thế thôi …

Nhưng mẹ thì không thoải mái, chắc rồi cũng dần tan như bóng câu qua cửa sổ khi một mai qua cơn mê (thật sự chỉ là ảo ảnh của thời gian còn rớt lại), vì không tìm thấy sự giao thoa nào trong hiện tại, chỉ luyến lưu sắc màu kỷ niệm… Không đồng hoá nổi, không đủ sức chập hai hình ảnh của quá khứ và hiện tại vào nhau vì nó sai lệch nhau quá nhiều từ nội dung đến hình thức.

Cái số mẹ chẳng bao giờ gặp được người "hiền" để mà được một lần lấn lướt áp đảo đối phương xem sao. Thế nên vẫn muốn có một con chó khôn và sạch đẹp để gần gũi và thực thi điều đó - ăn hiếp nó...

Thật thất vọng quá, mà có mong cầu gì đâu mà gọi là thất vọng chứ.

Trời ơi, sóng gió ba đào gì nữa đây không biết?

Con đọc thư đi, rồi mẹ sẽ nói chuyện qua phone thoải mái hơn.

Thế nhé. Mong con vui vẻ và hạnh phúc…

Mẹ của con,

Mộc An