THƯ GỞI CÁC EM (8)
Gs Nguyễn Thị Tâm


    Hôm nay cô muốn nói cho các em nghe về những việc cô đã làm như mọi khi. Cô nhắc lại chuyện thầy Nguyễn Long Vân, chuyện thầy trò ngày xưa... Các em nữ chắc ít biết thầy Long Vân. Có một số em là bạn học của em thầy Long Vân nên biết thầy nhiều hơn.

    * Nói về thầy Long Vân
    Nhớ lại khi xưa anh Long Vân là người rất lạc quan lúc nào cũng thấy anh cười vui vẻ. Cô thỉnh thoảng nhờ anh xử lý những vi phạm của học sinh khi cô không tiện giải quyết. Môn Công Dân Giáo Dục có 1 giờ để học nên không thể xử lý được một cách trọn vẹn.
    Có 1 lần anh mang cho cô xem tấm ảnh chụp cô và một nam sinh đứng đối diện ở sân trường Nam Trịnh Hoài Đức. Bao quanh toàn là các nam sinh. Cô không nhớ rõ đã phát giấy tờ gì cho em trong buổi lễ.
    Anh cười rất vui và nói: “Không biết ai chụp hình cô mà hay quá, chỉ có mái tóc phía sau lưng”. Cô xem xong trả lại cho anh. Anh bảo: “Hình cô, cô nhận đi”. Cô vui quá, thế là có thêm một bức ảnh vào album của cô. Những hình trong album đều do các em chụp và tặng. Bây giờ trong album vẫn còn bức ảnh đó. Lâu lâu cô giở album ra xem thấy vui lắm.
    Trước đó rất lâu tình cờ cô đi thăm người quen. Trên đường về đi ngang qua nhà anh. Chị Hường, vợ anh, rủ cô mùa mít chín vô nhà chơi. Rất tiếc cô không có dịp nào vô.
    Anh cười nói: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn...”. Đặc biệt anh không xài di động mặc dù con anh làm ngành truyền thông. Hình như sau này cũng vậy.
    Hôm anh Phan Thanh Đào mất. Gặp cô anh báo tin và nhắc nhở đi đám tang anh Đào...
    Thế là một người nữa đã ra đi và không bao giờ trở lại.

    * Giờ thấy sao rồi?
    Đây là câu chuyện xảy ra giữa 2 học sinh, 1 nam và 1 nữ. Cô gần như không xử lý và cũng không nhờ anh Long Vân giải quyết.
    Một hôm cô có giờ Công dân giáo dục lớp 9 ở trường Trịnh Hoài Đức Nam. Đến lớp cô nghe tiếng cải vả ồn ào của hai em. Cô vào lớp đứng ở bục giảng khoanh tay nhìn... Khoảng năm phút sau các em ngừng cải có lẽ vì nhận thấy lớp yên lặng quá. Các em quay lại nhìn thấy cô nên vội về chỗ. Cô lặng lẽ ra dấu cho cả lớp ngồi xuống và bắt đầu dạy...
    Cuối giờ học, hai em lên bục giảng gặp cô. Cô bảo không cần nói gì hết và cho về chỗ.
    Tuần sau có giờ ở lớp đó, cô hỏi 2 em: “Các em thấy sao rồi?”. Hai em cúi mặt xuống, không dám nhìn cô, cũng không dám nhìn nhau...
    Các bạn đã bình luận trên Facebook:
    - Cải nhau giận nhau rồi còn là bạn không cô.
    - Cũng có thể mà cũng không có thể, tùy người.
    - Đôi khi giáo viên yên lặng cũng khiến học sinh thấy mình sai.
    T. làm giáo viên là thích hợp với mình lắm (Kiêm Loan Lê).
    - Cám ơn bạn đã hiểu mình.
    - Mình vẫn nghĩ T. là bạn tâm đắc.

    * Ngày 24.5.2017
    Sáng nay cô đi bộ từ nhà ra chợ để chụp hình. Hình nhà thuốc tây Lê Quan Quản ở góc đường Lê Lợi và đường Nguyễn Thái Học.
    Bên đường Đinh Bộ Lĩnh là khám đường, bây giờ đã thành khu thương mại sầm uất. Đường Nguyễn Thái Học bây giờ cũng đổi khác, khang trang hơn nhiều. Song song với đường Nguyễn Thái Học là đường Đoàn Trần Nghiệp. Dãy phố làng bây giờ cũng đổi khác hoàn toàn.
    Nhà làng ngày xưa giờ chỉ để trống. Ngã ba đường Hùng Vương và Nguyễn Thái Học là Ngân hàng Agribank. Kế đến là Phòng Thuế Vụ. Tiếp theo là những cửa hàng buôn bán xe đạp, tiệm vàng, nhà thuốc tây...
    Từ đường Hùng Vương đi xuống đến ngã ba đầu tiên là đường Bà Triệu. Đến ngã ba thứ nhì Hùng Vương và Văn Công Khai, phía bên phải là khu phố kiến thiết ngày xưa. Nơi này cũng trở thành khu phố thương mại, bán thức ăn, thức uống, quần áo, ví xách tay...
    Phía trên trường Nghĩa An, xưa kia là trường Minh Tâm của thầy Thọ. Trường Nghĩa An nay là Mẫu giáo Sơn Ca. Gần đối diện Nghĩa An là trường Nguyễn Trãi khi xưa. Nay đã biến thành tiệm cà phê Hoàn Hảo.
    Lúc còn bé cô học trường Việt Văn của thầy Kỷ, sát hông trường Nguyễn Trãi. Lên lớp 5 cô qua trường Nguyễn Trãi học. Khi đó chỉ có một cơ sở. Phía sau trường Nguyễn Trãi có một con rạch lớn, phải bắt cầu qua. Từ cơ sở 1 ở nhà cô Bảy Sương, thêm cơ sở 2 bên kia cầu. Cuối cùng chỉ còn 1 trường Nguyễn Trãi. Muốn đến phải đi đường Hùng Vương, gần sát bên hông Sơn Mài Thành Lễ (nay là một nhà hàng).
    Cô vào quán cà phê Hoàn Hảo để thăm cô Bảy Sương. Chủ nhân bây giờ đã già yếu, mắt mờ... Cô đã trên 80 tuổi. Cô Bảy mừng lắm mời vào nhà. Rồi ra sau vườn để chụp hình chung quanh.
    Đến cuối vườn, nhìn qua mé bên kia thấy một ít mái ngói của trường Nguyễn Trãi. Bây giờ là một trường mẫu giáo. Vườn tược không được chăm sóc lắm nên không đẹp nhưng mang nét thân quen.
    Trước khi vào nhà, cô đã chụp phía mặt tiền. Từ vườn vòng ra trước cô chụp mặt tiền bên trong cổng, cũng còn mới và khá đẹp.
    Cô xin chụp hình cô Bảy. Cô nói để hôm này báo trước cô chuẩn bị rồi hãy chụp. Các bạn ở xa nếu thấy hình cô Bảy chắc vui vì được gặp lại người quen xưa, mặc dù chỉ qua hình ảnh. Lúc trước thỉnh thoảng cô đến chơi với cô Bảy. Sau này bận quá nên không đến được. Thỉnh thoảng đi ngang nhà, cô Bảy cũng ghé thăm cô. Bây giờ cô Bảy không dám đi xa, sợ bị té vì chân đã yếu.
    Cô Bảy gởi lời thăm hỏi tất cả các bạn ở gần và ở xa.
    Cô nói hôm nay có xoài chín mới hái, bảo cô mang một ít về nhà dùng. Những trái xoài rất ngon. Có tiền có khi không mua được xoài vườn ngon như vậy.
    Cô Bảy nhắc ghi lại số điện thoại để khi nào đến báo trước cho cô hay.
    Rời nhà cô Bảy, cô đi xuống tiệm hủ tiếu Cây Me. Bây giờ hủ tiếu ở đây vẫn ngon nhưng không bằng khi xưa. Tại đây cô gặp lại một người học trò cũ. Vì quán đông, thiếu chỗ phải ngồi ghép chung với nhau. Người học trò này khóa 14, cùng với Cư là rể anh Võ Kim Lân. Em ấy nói sao thấy cô quen quen. Sau mới nhận ra thầy trò và người Việt Kiều là chỗ quen biết với gia đình cô nên vui lắm.
    Cô đi xuống Ngã Ba, giờ gọi là Văn Công Khai và Trừ Văn Thố. Trừ Văn Thố trước là đường Lê Văn Duyệt. Một người bạn cũ cách xa hơn 40 năm về tìm cô, hỏi đường Lê Văn Duyệt vẫn có người còn nhớ để chỉ đúng!
    Thấy Dong Trinh và các bạn hay nhắc hàng me xưa nên cô chụp một ít. Hàng me giờ chỉ còn 3 cây. Bên phía bà Bảy Sanh 2 cây. Trước nhà cô Bảy Lìn ngày xưa, bây giờ là tiệm giày Nam Cường, chỉ còn 1 cây me duy nhất.
    Hướng ra phố chợ đến Ngã Ba Trừ Văn Thố và Bà Triệu. Phía sau dãy phố làng ngày xưa có tiệm bánh của cô Đào, khá nổi tiếng. Ra đến chợ, cô chụp hình ngược lên phía nhà làng.

***

    Những người quen hỏi cô sao không quay video cho tiện. Cô trả lời hình rời dễ xem hơn. Thật ra về kỹ thuật video cô chưa học. Cô nghĩ các bạn sẽ không có nhiều thì giờ để ngồi xem hết băng video. Hình rời dễ nhìn, cũng không mất nhiều thời gian

***

    Cho đến nay tính ra cô lên Facebook (FB) mới được 2 tháng rưỡi. Cái tốt và cái không tốt trên FB, cô thấy cũng không ít... Vậy cô phải lựa chọn. Cái nào hay mình dùng, cái nào dở mình bỏ.
    Thế là ổn rồi!
(HT ngày 3.6.2017)