THƯ GỞI CHO CÁC EM (2)
G/s Nguyễn Thị Tâm


    Không biết các em đọc xong bức thư số 1 các em có vương vấn chút gì trong lòng không? Thôi bỏ qua đi. Không thôi các em lại cho rằng cô già rồi nên nói “dai nhách”.

    Hôm nay cô muốn kể cho các em nghe quá trình cô viết văn, để các em biết rõ cô đã phải trải qua những giờ phút như thế nào.

    Đầu tiên cô viết để mà viết, để làm quen dần với việc đặt câu, dùng từ... Các em thử tưởng tượng, 40 năm không hề viết văn bằng tiếng Việt. Bây giờ phải tập viết lại, cần phải có kiên nhẫn không các em? Dĩ nhiên là phải có, chẳng những thế mà còn phải có nhiều.

    Các em muốn biết rõ cô viết như thế nào, hãy hỏi em Lê Minh Chánh (Khóa 15). Chánh là người đầu tiên được đọc. Chính em cũng không thể chấp nhận một bài văn giống như văn dịch, vụng về, lủng củng, không có vẻ Việt Nam chút nào. Bản thân cô cũng thấy như thế. Cô đã đưa bài văn thứ hai bằng giọng văn tương đối chấp nhận được cho Chánh xem. Em đã gật đầu đồng ý.

    Cô không biết làm sao gởi đi, cũng không biết phải hỏi như thế nào, nói làm sao để người nghe có thể hiểu được cô muốn nói gì, hỏi gì. Đôi khi cô nói chuyện, người đối thoại không hiểu ý cô, dễ gây hiểu lầm lắm. Có lẽ do cô không hề tiếp cận với cái người ta gọi là “hiện đại”.

    Nhớ lại lúc em Trần Ngọc Lắm còn sống. Em bảo nếu cômuốn học vi tính, Vũ (con trai đầu lòng của em và Phương) sẽ đến nhà dạy. Vũ có cử nhân vi tính. Em nói: “Cô dạy cho Vũ tiếng Anh, giờ Vũ dạy lại vi tính cho cô”. Sau khi lấy tài liệu do các học trò khác cho, cô thất vọng vì thấy khó quá. Cô vốn học ban C nên rất sợ tính toán lung tung. Cô bảo Lắm cô đầu hàng thôi.

    Khi muốn gởi bài đi, cô hỏi các học trò đang học tiếng Anh với cô. Các em bảo gởi phải có máy vi tính. Cô điện hỏi Vũ mua vi tính thế nào, giá bao nhiêu, làm sao sử dụng được. Vũ bảo phải học một thời gian.

    Một lần nữa cô thấy bế tắc. Cô muốn bỏ cuộc. Huê Mỹ (Khóa 8) bảo cô mua ipad. Em giải thích ipad có lợi thế nào...

    Cô báo cho đứa cháu ở Thuận An biết cô muốn mua ipad. Nó bảo mua cái vừa sử dụng được wifi, vừa sử dụng được 3G. Cô chẳng hiểu đó là cái gì.

    Mấy hôm sau, ngày 11.6.2016, cháu cô điện bảo cô đến hãng Nguyễn Kim lấy máy. Tiếp đó Nguyễn Kim cũng gọi điện cho cô. Cháu cô mua hàng trực tuyến. Lúc đó không có ai rảnh, cô phải một mình ra lấy máy. Các em nhân viên hỏi cô cái gì cô cũng không biết. Cô bảo các em cứ cài đặt đầy đủ...

    Cô chỉ biết sử dụng điện thoại bàn. Bạn và học trò bảo cô mua điện thoại di động nhưng cô không thích. Cô không muốn lúc nào cũng phải lệ thuộc cái máy vô hồn bên cạnh mình. Cô ra khỏi nhà rồi đừng hòng ai gọi được cô.

    Cô có thói quen chỉ mua những gì mình cần, mình thích. Đặc biệt không bao giờ mua hàng khuyến mãi. Mua về chỉ tổ để chật nhà, mắc công dọn dẹp. Cho tới nay cô cũng không xài điện thoại di động.

    Cô báo cho Huê Mỹ cô đã mua ipad rồi. Em nói để em lên dạy gởi email và đọc báo trước. Lần thứ nhất lên, Huê Mỹ nói sao cô mua cái Air 2 chi cho nó mắc tiền. Rồi em chỉ một ít. Cô cảm thấy ù ù cạc cạc. Lần thứ hai lên, biết cô cho học trò của cô chơi ipad thoải mái, em bảo cô đừng cho chúng chơi nữa.

    Mỗi lần Huê Mỹ lên, con gái em phải làm tài xế. Thật là bất tiện! Cô biết gởi email chút đỉnh và đọc được Trang Nhà Trịnh Hoài Đức. Các em học trò sau 1975 biết cô cần người dạy nên giới thiệu. Khổ nỗi họ dạy không chịu lấy tiền, giờ giấc không thuận lợi cho cô.

    Cô viết ba bài văn đầu tiên xong. Cô chỉ đưa cho em Chánh 2 bài. Em nói để em gởi cả 2 cho Minh Tâm. Sau khi đánh máy xong, em bảo cô đến nhà em cùng em đọc lại xem có gì cần sửa. Thấy em bận nhiều công việc lại phải đánh máy cực khổ, bài thứ ba cô thuê đánh máy và gởi luôn. Tới bây giờ cô mới rõ gởi bài bằng cách nào.

    Trong bài Chánh gởi cho Minh Tâm, cô bảo em kèm theo email của cô cho Cảnh (chị của Minh Tâm, bạn của cô). Xem xong ba bài Minh Tâm ghép lại, sắp xếp thứ tự, đặt tựa mới và hỏi ý kiến cô. Lúc đó cô còn chưa biết phải sử dụng máy làm sao, cũng chưa email chính thức cho ai lần nào. Thấy phía cuối có chỗ hướng dẫn tải bài lại cho em. Cô xem sơ qua rồi vội vàng gởi lại.

    Đối với cô từ G/s (giáo sư) chẳng có nghĩa gì đặc biệt cả ngoài cái hương vị của Trịnh Hoài Đức xưa.

    Từ từ cô chuyển cho Minh Tâm những chỗ cô thấy cần sửa. Chắc lúc đó em ngạc nhiên không hiểu sao cô lại làm vậy. Cô đã gởi 3 hoặc 4 emails gì đó cho em. Em cũng vui lòng trả lời sẽ chỉnh sửa hết những chỗ cô đề nghị.

    Em bảo chỉ còn vài tháng nữa là Tết, vậy cô ráng đợi để đăng trong đặc san xuân mới có nhiều người đọc. Cô trả lời rất đồng ý.

    Rất lâu sau, khoảng đầu tháng 1.2017, cô viết về cuộc họp mặt tháng 4.2016 tại nhà Cư và Hạnh. Cô gởi cho Minh Tâm. Em trả lời rất tiếc không kịp đăng trong báo Xuân để em đăng ở Trang Nhà Trịnh Hoài Đức.

    Đã vậy máy mới sử dụng được 3 tuần thì wifi chết. Phải đến 3 tuần sau mới được đền máy mới. Lại đổi email vì người cài đặt là nhân viên khác. Hỏi gì cô cũng không biết. Khoảng 1 tháng sau, Gmail bị khóa. Máy bảo phải kháng nghị. Cô không kháng nghị. Ra hãng Nguyễn Kim. Các nhân viên hỏi: “Bộ cô làm chính trị nên bị khóa hả?”. Cô bảo: “Tôi làm giáo viên mà làm chính trị gì?”. Ông Giám đốc trễ mắt kiếng xuống mũi nhìn cô chằm chằm như nhìn người từ hành tinh lạ mới xuống.

    Lại đổi email lần thứ ba. Sau em chủ quán cà phê kế bên bảo em đổi lại email mới, có gì trục trặc em mới biết mà chỉ. Bốn tháng đổi 4 emails!
    Bây giờ cô đã đỡ hơn rồi. Ngày 26.12 âm lịch, họp mặt ở Tổng Công Ty 3/2, Huê Mỹ chỉ cho cô chụp hình và gởi hình. Từ đó cô biết gởi hình kem theo bài viết để minh họa. Thế là cô vui quá!

    Cách đây mấy ngày cô mới học sử dụng FaceTime và đã quen dần rồi. Thế giới di động mới mở gần Chùa Bà Bình Dương nên có thắc mắc gì cô đến để nhờ các em giúp miễn phí.

    Sáng 15.3.2017 cô tìm gặp Nh.Th. ở chỗ em thường đến để mua đồ cổ (ngã 3 Ngô Quyền và Phạm Ngũ Lão, gần nhà cô). Nh. Th. là học trò của cô sau 1975. Em có học ở Trịnh Hoài Đức mới. Em và 3 em gái của em đều là học trò cô ở Nghĩa Phương (Phú Cường 5).

    Cô gặp em để hỏi một vài điều ghi trong ipad. Rồi cô đến nhà bà Bảo Thúy chơi. Cô hỏi bà có biết em không. Bà nói không biết mặt. Cô bảo để cô đưa em đến gặp bà. Hai người nói chuyện với nhau.

    Cô nhớ mấy năm trước khi cô đi khám bệnh ở bệnh viện Tỉnh. Phải chờ kết quả xét nghiệm nên cô đi lòng vòng quan sát khắp nơi. Khi đến khoa chỉnh hình, cô gặp Nh. Th. Em đưa cô đi tham quan khu này. Em dặn cô không được tập thể dục những động tác gì quá mạnh..., đừng di chuyển bằng xe ôm...

    Hai thầy trò cùng nhau đi dạo trong sân bệnh viện. Em cao lớn, đi đứng nhanh nhẹn. Khi nói chuyện cô thường phải ngước nhìn em. Em bỗng tâm sự với cô. Em nói về tình đời. Cô muốn chia sẻ với em nên nắm lấy cánh tay em và nhìn lên cặp mắt u buồn của em. Một phần cô nắm cánh tay em để chia sẻ, một phần để em đi chậm lại cho cô theo kịp. Bỗng dưng cô thấy thương em quá. Sự ấm áp của tình thầy trò tràn ngập trong lòng cô. Cô yên lặng nghe em. Em đã trưởng thành và sâu sắc trong suy nghĩ bao giờ vậy, người học trò nhỏ bé của cô ngày xưa? Hóa ra trong đầu cô em luôn luôn là một người học trò nhỏ. Cô và em đi dạo một lúc rồi chia tay.

    Trước kia khi bồi dưỡng học sinh giỏi Anh Văn cho đứa em gái thứ 2 của em, cô được gia đình mời đến nhà kèm riêng cho Kh. H. Cô ít khi gặp Nh. Th. khi đến đấy.

    Bà ngoại em rất thương cô, cô biết vậy. Ngoài nước uống ra, bác thỉnh thoảng mang đến cho cô vài thức ăn nhẹ. Bác bảo cô ăn gỏi cuốn, chè xôi nước... Bác sợ cô đói bụng. Bác giải thích chè xôi nước này bác mua ở bên ngoài. Về nhà bác nấu lại, thêm gừng vào nên ăn ngon và ấm.

    ... Ngồi nghe em nói chuyện với bà Bảo Thúy, cô lại một lần nữa thấy thương em quá. Em phải chăm lo cho đứa con gái duy nhất từ khi nó còn nhỏ xíu. Em kể lại nghe thật cảm động.

    Có lần cô dự một tiệc cưới. Nh. Th. cùng dự đám cưới này. Sau khi ăn xong, có lẽ em muốn nói chuyện với bạn nên dẫn đứa con gái nhỏ lại cho cô và nói với bé: “Con ở đây với bà. Bà là cô giáo của ba. Chút nữa ba lại đưa con về”. Khi đó cô hơi ngạc nhiên sao em đi đám cưới lại dẫn con theo, nhưng cô không hỏi gì. Giờ mới biết em phải chăm sóc bé vì vợ em bị bệnh... Và cô không còn ngạc nhiên tại sao em viết bài về cô giáo Ba của em, đăng trên Đặc san Trịnh Hoài Đức mấy năm trước.

    Cô có mang ipad theo. Em giở Facebook của em ra cho bà Bảo Thúy và cô xem. Sau đó em nói để về nhà em gởi Facebook của em và nhắn Facebook cô cho Thu Hà. Chiều lại cô nhận được Facebook của em. Sau đó Thu Hà gởi email cho cô.

    Sáng 16.3.2017, cô được một số em nhắn tin lại cho cô để kết bạn. Cô chỉ chọn một vài em trong số học sinh cô quen nhiều và thường gặp. Cô không thích những gì đông đúc, ồ ạt, nặng về hình thức... Cô chỉ thích những gì nhỏ lẻ nhưng sâu sắc làm xao động lòng người. Bởi vậy cô hay dùng từ “người”, hiếm khi dùng từ “con người”. Cũng như cô chỉ dùng chữ “bạn” mà không dùng từ “bạn bè”. Cô thấy từ “bè” chứa đựng cái gì đó nặng hình thức bên ngoài và có tính cách tạm bợ...

    Hồi tưởng lại những gì xảy ra trong thời gian trước đó, cô cứ tưởng như cô đang ở trong một giấc mơ diệu kỳ...

    Các em, nếu mình muốn làm những gì mình yêu thích hãy bắt tay vào và kiên trì. Chắc chắn sẽ đạt được. Cô tin như thế.

    Còn các em đang nghĩ gì vậy?

    HT 17.3.2017