Thư gởi bạn

Phạm thị Nhung


Giới thiệu: Dưới đây là thư của bạn Phạm thị Nhung, cựu học sinh khoá 11 THĐ, hiện ở Mỹ, gởi cho bạn cũ vừa nối lại vòng tay sau 42 năm mất liên lạc. Nhận thấy thư có nhiều kỷ niệm rất vui về thời học sinh ở THĐ nên Minh Tâm xin phép tác giả để đăng vào trang nhà CHS THĐ để chúng ta cùng hồi tưởng lại một thời áo trắng.

    Nebraska, 19/7/2010

    Lê Tâm, Ánh Tuyết, Ngọc Liễu và các bạn lớp P1 THĐ thân mến,

     Nhung không buồn trách các bạn điều gì đâu, vì Nhung rời THĐ khi tụi mình còn nhỏ quá.  Hơn nữa ra đi “ không một lời từ giã ” vì tụi mình còn bé chẳng thiết gì đến giã từ.  Có lẽ lúc ấy linh tính tự nhiên là ngày xanh còn dài, nên chẳng có  “hẹn hò “ gì.

    Nhung học THĐ chỉ có 3 năm, rời trường năm đệ ngũ (Mậu Thân 1968) về Trưng Vương Sài Gòn học 4 năm, thì các bạn nghĩ xem ngay cả các bạn Trưng Vương cũng chẳng nhớ gì về Nhung cả, đâu riêng gì các bạn đã quên Nhung.

    Học cùng nhau một thời gian dài 7 năm liên tục, vui buồn chia xẻ, có gốc có ngọn, đến nơi đến chốn thì nhớ nhau từng ly từng tí là đúng bạn ạ
    Nhung nói vậy không có ý gì cả đâu, tính Nhung thường hay phân tích và tự nhủ để tự giải thích cho bất cứ điều gì trong cuộc sống của mình, nên Nhung quen phân tích vậy thôi.

    Tuy nhiên, theo yêu cầu của bạn, Nhung cũng nhắc lại 1 vài chi tiết trong lớp học của mình mà Nhung còn nhớ được ( đó bạn thấy chưa chính Nhung cũng không còn nhớ rõ nữa ).

    Nhung không nhớ rõ (lại không nhớ rõ ) là bắt đầu từ năm nào đệ thất hay đệ lục (điều này phải hỏi Thúy Liễu, ni cô với bộ nhớ thật dễ thưong mềm mại của tụi mình ) không biết từ năm nào ban múa và ban kịch của lớp P1 được thành lập.

    Cái ban lộn xộn này thường hay xin phép thầy cô được vắng 1 hay 2 giờ học để đi tập vũ tập kịch (điều này nhà trường ưu tiên chấp thuận ).
Ban vũ gồm có: Tuyết Đông + Nhung, Thúy Liễu + Hoàng Mai, Lệ Dung + Phùng.  Thường xuyên múa hát bài “ Thương về Xứ Thượng”.  Còn ban kịch gồm có: Trang Mỹ Hiền, Nông Ngọc Liễu, Nhung và Hoàng Mai, thường xuyên diễn vở kịch “ Táo Quân Tân Thời” .

    Các bạn còn nhớ không, ban vũ không phải tự nhiên mà có 6 người âý đâu. Cả lớp P1 đã chọn lựa đó, cứ đứng gần nhau chọn 2 đứa bằng nhau thành 1 cặp “ người Thượng”!!! Nhớ là các bạn có chọn Liễu Chi, nhưng Liễu Chi lại cao hơn Thúy Liễu nên các bạn đã chọn Hoàng Mai thay thế . Khi đọc trang nhà THĐ sau này Nhung được biết là Liễu Chi đã qua đời.  (Thật là buồn).  Các bạn chọn tiếp Nông Ngọc Liễu đứng với Nhung, nhưng Ngọc Liễu lại cao và đô con hơn Nhung, nên các bạn chọn Tuyết Đông với Nhung. Còn Phùng thì vừa với Lệ Dung. Các bạn nhớ ra chưa nào, và các bạn thấy chưa P1 của mình đã có mầm dân chủ từ hồi còn trứng nước ( nghĩa là từ hồi minh còn bé như trứng nước vậy ).

    Rồi đến vở kịch. Cốt truyện là của kịch tác gia Hoàng Mai. Ban kịch gồm có Trang Mỹ Hiền, Nông Ngọc Liễu, Nhung.  Cốt truyện thực ra thì rất giản dị: Theo thời đại mới, Táo ông và Táo bà đi chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế bằng xe Honda. Hai người trong màn đầu gặp nhau và bàn nhau khi gặp Ngọc Hoàng thượng đế phải nói cái gì.
Đến màn thứ nhì, cảnh Ngọc Hoàng thượng đế đang ngồi trước mặt có cái bàn, Táo ông Táo bà chầu 2 bên nói năng thưa gửi lộn xộn sao đó, nên Ngọc Hoàng thượng đế nổi giận đập bàn bốp bốp và hét: Dẹp! Dẹp!  (Vấn đề chính là chỗ này): tại nói dẹp nên Táo ông Táo bà bưng cái bàn chạy tuốt vô hậu trường luôn.  Và màn kịch đến đó là hết!!!

    Ban đầu vai Ngọc Hoàng giao cho Trang Mỹ Hiền, nhưng bạn này chưa diễn đã cười sặc sụa nên mọi người bắt kịch tác gia Hoàng Mai bỏ vô chỗ đó, vì Hoàng Mai rất nghiêm khi đóng kịch.

    Chuyện thực ra đâu có gì để cười, ngớ ngẩn một chút, sau này nhớ lại mình cười quá  cỡ, cười sặc sụa, cười lăn lóc 1 mình.

    Thế là trình diễn cho lớp xem trước, chắc các bạn không thể quên được vì các bạn P1đã vỗ tay reo hò vang dậy khi màn vũ kết thúc.  Còn màn kịch thì các bạn vỗ tay hoan hô quá trời, và các bạn cười ngặt nghẽo, cười sặc sụa!!  Nhất là khi vở hài kịch diễn đến đoạn hô dẹp dẹp, rồi Táo ông Táo bà bưng bàn chạy vô mất.  Thực ra tụi mình chỉ muốn làm cho hài hước cái khung cảnh Thiên đình, nhưng chẳng làm cho ai cười được cả.  Chỉ có tụi mình cười mà thôi, vì tuổi thơ hồn nhiên vô tư lự, chỉ 1 chút gì thôi thì cũng vui và cũng có thể cười được.

    Tuy thế mà mấy con mèo P1 cứ khen nhau mãi. Nhung thú thực không nhớ hết từng mặt mèo của lớp P1 mình, nhưng những con mèo mũm mĩm xinh xắn trong quá khứ cứ còn sống mãi trong tâm tưởng.
   
    Đến giờ nhạc ngày hôm ấy, Nhung không thể nào quên,  các con mèo của lớp P1 ủng hộ hết mình ban vũ và ban kịch để có can đảm trình diễn cho thầy Bé Tám coi.  Đầu giờ nhạc, một bạn đại diện lên nói với thầy. Thầy ngạc nhiên đến nghẹn lời. Trong lúc các con mèo phụ nhau dẹp bàn học ra sát tường, chừa khoảng giữa trống để trình diễn, Nhung thấy thầy khóc. Cả đám hoảng quá không biết mình làm gì sai.  Thầy nói: “Ai tập cho các em, ai chỉ cho các em đóng kịch và múa?”.  Cả đám đều nói : “Mỗi đứa góp ý để làm đó thầy”.  Lúc đó thầy nói : “Thầy khóc vì thầy xúc động quá”.

    Các bạn nhớ không, được thầy khen nè, rồi cả đám bạn khen nữa, nên đi trình diễn ở sân khấu trường nam vào dịp cắm trại Tất niên năm đó liền.  

    Cả đám mèo đều mừng lắm, vì ngay vào dịp gần Tết thì vở kịch ấy thật là vui và hợp thời quá rồi.

    Có điều là sau màn trình diễn, khi ra ngoài nghe mấy chị lớp lớn nói với nhau: “Vậy mà cười cái gì, chẳng mắc cười gì hết trọi, vậy mà cũng là kịch, không biết sao thầy Tám chọn, tao không thấy mắc cười...”

    Ý trời đất... Mấy cái mặt mèo tiu nghỉu thấy tội nghiệp ghê nơi. Người đời thường nói : như mèo cắt tai, như mèo nhúng nước.  Kệ tụi tui, như mèo gì cũng được.  Tui múa cho tụi tui coi, tui đóng kịch cho tụi tui coi, không cần mấy người coi đâu.

    Nói thầm như thế thôi, chứ lúc đó nhớ mấy cái mặt mèo nhìn nhau tiu nghỉu tội nghiệp lắm mấy bồ à.  Mấy con mèo lúc đó còn nhỏ không biết an ủi nhau đâu. Và cứ tự an ủi là thầy Bé Tám chọn và cho phép chứ bộ.
Các bạn nhỉ, sau này khi mình nhớ lại, điều mình tức cười là mấy cái mặt vô tư hồn nhiên bỗng một hôm tiu nghỉu ấy.

    Nhưng không sao, miễn có một thời trong đám mèo con mũm mĩm ấy có một tình bạn trong sáng, một tính tình hồn nhiên và điều đáng quí nhất là tinh thần dân chủ đã bộc phát ngay từ trên ghế nhà trường (còn nhỏ mà dân chủ dữ ta ).

    Chúc các bạn thật vui vẻ, môi luôn nở  nụ cười khi lên chuyến xe vừa rồi cùng Nhung về lại miền quá khứ ấy.  Nếu trong khóe mắt bạn nào có ngấn nửa giọt lệ, thì Nhung cũng không ngạc nhiên đâu, vì Nhung biết là bạn vừa cười rất tươi đó.

    Thân mến,

    Phạm thị Nhung
    (Nebraska)