Thỉnh Tào
Kê
Huỳnh Hoàng Anh
1. Thỉnh
Tào Kê:
Từ nửa thế kỷ trước, trong một truyện ngắn của mình,
nhà văn Bình Nguyên Lộc đã viết: “Trăng rằm
tháng giêng đã ló dạng trên dãy
phố ở tỉnh lỵ Thủ Dầu Một. Hôm ấy là ngày, theo tục
lệ người tàu trong tỉnh, Thỉnh Tào Kê. Không
ai biết rõ “Thỉnh Tào Kê” là cái
quái gì”. (Bình Nguyên Lộc, Người tài
xế điên, Tuyển tập BNL, nxb. Văn Học, 2001, tr.793, 794).
Là một nhà văn Nam kỳ rất nổi tiếng, ông còn
là nhà nghiên cứu về ngôn ngữ, về dân
tộc học với nhiều tác phẩm biên soạn rất công phu,
nghiêm túc. Bình Nguyên Lộc lại có
thời gian sống và làm việc ngay trên đất
Bình Dương mà ông còn bảo không ai
biết “Thỉnh Tào Kê” là cái gì,
thì nói chi khách bàng quan khác.
Đó là vì số đông chúng ta thường
có thói quen coi như mặc nhiên điều gì nghe
nhiều người nói, mà ít khi thắc mắc tại sao. Đến
khi có người bất chợt hỏi, nhất là những câu hỏi
của trẻ con, thì mới chưng hửng ra, không biết ăn
làm sao, nói làm sao!
Theo giải thích của một lão niên người Hoa
hiện đang sống tại đường Lý Thường Kiệt, chợ Thủ Dầu Một,
thì cụm từ ấy là tiếng Triều Châu và
có nghĩa là “Mời Ông Chủ”. Ngữ cảnh xuất hiện
câu nói ấy như sau:
“Mỗi năm, ở chợ Thủ chùa bà Thiên Hậu,
sáng ngày rằm 15 tháng giêng, có tổ
chức đấu giá thầu 9 hoặc 12 ngọn lồng đèn Hanh
Thông Lợi Trinh. Những người đạt sĩ hào khách từ
các nơi khác đến, trước để dâng hương bà,
cầu cho quốc thới dân an, sau là mong thầu cho được ngọn
lồng đèn bình an, thịnh vượng”.
“Còn như trong khi kêu giá, người đầu
tiên nêu giá. Ban tổ chức sẽ kính mời người
thứ hai, mà trong kính trọng xưng hô, thì
gọi là Thỉnh Tào Kê (ý mời Ông Chủ).
Đó là tiếng người Triều Châu, người thứ hai mới
đứng dậy để nêu giá thêm, rồi đến người thứ ba, thứ
tư, sau rồi ban tổ chức mới đếm: một, hai, ba tiếng. Quyết định xong
thì ngọn lồng đèn đó mới trao người ra giá
cao nhứt, tuần tự đến hết, thì lễ đấu thầu lồng đèn mới
chấm dứt.
Lệ thầu lồng đèn đã có từ Ông Bà
xưa truyền lại đến hiện tại ngày nay.”
“Mà tại sao những người hảo tâm nhân sĩ
đó nhiệt tình bỏ số tiền lớn như vậy để được lồng
đèn, có hai nguyên nhân: một là cầu
Bà phù hộ bình an thịnh vượng cho gia đình,
hai là số tiền ấy với mục đích là giúp
người Hoa địa phương đó có phương tiện để xây
trường học để giáo dục con em, sau này trở thành
người có ích cho xã hội ngày càng
tiến bộ. Số tiền của họ đóng góp đây là biết
bao gian khổ, cần kiệm, cố gắng làm việc, mua bán
mà có, nhưng vì chữ nghĩa, tương lai của con
cháu, nên những người ấy sẵn sàng cống hiến mồ
hôi, nước mắt mà người ta dành dụm được, để con
cháu họ sau này có cuộc sống ấm no, tương lai
sáng lạng. (Giang Khánh Phong thư riêng cho
tác giả, ngày mồng một tháng hai năm Tân
Mão)*
Giá tiền cuối cùng của từng lồng đèn của
người thắng cuộc có thể rất cao, có khi lên đến
hàng trăm triệu, cao gấp nhiều lần giá trị thực của mỗi
cái. Người tham gia cuộc đấu giá do vậy phải là
những tay đại gia hào hiệp, bởi ngoài lý do
tín ngưỡng, thì đây còn là việc
làm nhằm mục đích từ thiện, thể hiện tinh thần
đoàn kết và đóng góp vì lợi
ích cộng đồng của những người Hoa sinh sống tha hương tại địa
phương. Mỗi lần mời gọi xướng lên giá mua, ngày xưa
nói “Thỉnh Tào Kê”, như vậy là cách
mời mọc trang trọng, vừa khuyến khích người ta tiếp tục đua
tranh không bỏ cuộc, bởi càng theo, thì giá
đương nhiên càng cao, tiền gây quỹ càng nhiều
và buổi đấu giá càng hào hứng hơn,
lôi cuốn người coi cổ vũ đông hơn.
Một vài tác giả đã viết về buổi đấu
giá này như sau:
1.“Có đến 12 đèn lồng tượng trưng cho 12
tháng trong năm. Những chiếc đèn lồng to được tạo
tác công phu và mỹ thuật. Mỗi đèn đều
có câu thơ khác nhau tạo thành một
hàng dài trước sân chùa đập vào mắt
người xem hội rất ấn tượng.” (Nguyễn Thị Lan, Miếu Thiên Hậu
(chùa Bà), Một tín ngưỡng dân gian của cộng
đồng người Hoa ở Bình Dương, tập san Khoa học lịch sử
Bình Dương số 4, 2005, tr. 26 )
2.“Ngoài ra, theo lễ hàng năm, miếu Bà
có sản xuất độ 15 cái đèn lớn để cúng
Bà và số đèn này được đưa ra đấu
giá, số tiền có được sẽ sung vào công quỹ
của miếu.”
3.“Khi chiếc lồng đèn cuối cùng được gỡ xuống, cuộc
bán đấu giá lồng đèn kết thúc thì
đoàn lân-sư-rồng, hẩu và bộ tứ thầy trò
Đường Tăng trong Tây du ký từ phía cửa tam quan
tiến vào sân chùa chúc Bà trong tiếng
trống, nhạc, phèng la không dứt. Chiều cùng
ngày, lễ rước bà bắt đầu”. (Địa chí Bình
Dương, tập 4, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, tr.107)
4.”Sau khi chiếc lồng đèn cuối cùng được trao cho
người thắng cuộc đấu giá, các đội múa Lân,
Cù, Rồng, Sư Tử, Hẩu kéo vào sân chùa
múa chúc tụng Bà. Và cùng các
đoàn biểu diễn “Tam Tạng”, “Bát Tiên” chuẩn bị tham
gia diễn hành.” (Nguyễn Hiếu Học, Dấu Xưa Đất Thủ, Nxb. Trẻ TP.
Hồ Chí Minh, tr.130)
Các đoạn văn trên có điểm không thống
nhất nhau về số lượng và ý nghĩa của lồng đèn.
Người thì nói 15, kẻ thì 12, kẻ thì 8 hay
9. Vì nêu số lượng là 12, nên lại suy
đoán là chúng tượng trưng cho 12 tháng
trong năm. Người khác nói chúng tượng trưng cho
những điều cát tường, nhưng thay đổi theo từng năm như: Hợp Gia
Bình An, Sanh Ý Hưng Long, Bộ Bộ Cao Thăng, Phước Thọ
Khương Ninh, Cát Tường Như Ý…
Đọc thấy rối rắm như vậy, chẳng biết đâu mà rờ, muốn
biết thực hư lẽ nào, chỉ có nước phải tới coi tận mắt một
bữa thì may ra.
Tại buổi lễ bán đấu giá lồng đèn ở sân
chùa Bà vào ngày rằm tháng
giêng năm Nhâm Thìn (2012), người ta có dựng
tạm một cái nhà dựa lưng vào cổng chính
làm nơi tổ chức. Bên ngoài có treo mấy tấm
băng rôn ghi hàng chữ Hoa cho biết nơi đấu giá,
bên trong treo chín cái lồng đèn màu
sắc rực rỡ, quan khách ngồi thành mấy hàng
phía sau. Lễ này, được gọi là lễ hội Thánh
Đăng. Một tác giả viết:
“Giá trị của đèn lồng cao hay thấp tuỳ thuộc
vào kích thước nhỏ hay lớn và quan trọng là
câu chúc được in trên đèn lồng.” (Huỳnh Ngọc
Đáng chủ biên, Người Hoa ở Bình Dương, nxb.
Chính Trị Quốc Gia-Sự Thật, 2012, tr. 199)
Đấu giá lồng đèn trong lễ hội chùa Bà
BD
Thực tế, các lồng đèn này đều có
hình dáng và kích cỡ như nhau, chỉ
có các câu chúc là khác. Thời
xưa, có 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong năm
với những ý nghĩa đem đến điều kiết tường. Trong vài năm
gần đây, số lượng giảm còn 9 cái cho phù hợp
với tình hình thực tế của buổi đấu giá.
Chín cái lồng đèn này có các
tên như:
1. Thuận buồm xuôi gió
2. Kim ngọc mãn đường (vàng bạc
đầy nhà)
3. Tài nguyên quãng tấn
(những ai kinh doanh về bất động sản chuộng lồng đèn này)
4. Tứ quý hưng long (bốn mùa hưng
thịnh)
5. Ngũ phước lâm môn (năm điều
phúc vào nhà, câu hay dán trước cửa
nhà)
6. Thánh mẫu tứ phúc (Thánh
mẫu ban phước)
7. Hợp gia bình an (cả nhà
bình an)
8. Vạn sự thắng ý (mọi sự như ý)
9. Buôn bán hưng thịnh
(mua may bán đắt)
Sau phần nghi lễ, buổi đấu giá được tiến hành rất
sôi nổi. Chiếc lồng đèn đấu giá đầu tiên
có tên là “Thuận buồm xuôi gió”,
có giá khởi điểm là 1.800.000, giá cuối
cùng thắng cuộc là 339.000.000 triệu đồng. Đây cũng
là số tiền cao nhất trả cho một cái lồng đèn năm
này (2012). Những người đứng coi vây quanh bên
ngoài rạp, hồi hộp trầm trồ theo từng con số tiền được nêu
cao mãi lên.
Khi buổi đấu giá kết thúc thì mặt trời
đã đứng bóng, ai nấy mồ hôi nhễ nhại, bụng
thì vừa đói, vừa khát, đợi mãi nhưng
không thấy có cảnh đoàn cù, sư, rồng, hẩu
hay thầy trò Tam Tạng với tiếng phèng trống hộ hoạ như
vài bài báo đã viết. Ai nấy vội vã
ra về lo bữa cơm trưa cho no cái bụng mà chuẩn bị cho
buổi lễ quan trọng hơn vào lúc chiều nay: Lễ Cộ Bà.
2. Lễ Cộ Bà
Phần chính của rằm tháng giêng được chờ đợi
nhiều nhất là lễ Cộ Bà, diễn ra vào buổi chiều.
Người Bình Dương xưa nay vẫn quen gọi đơn giản là Cộ
Bà, như họ nói “cộ đèn” vào dịp tết Trung
Thu. Trên sách báo, nhiều tác giả viết về lễ
này nói văn chương hơn như “lễ rước kiệu Bà” hay
“lễ rước cộ Bà” khiến nhiều người thắc mắc không biết
cái nào là đúng hơn. Có người giải
thích “cộ” là do nói trại từ “kiệu” mà ra.
Nghĩ như vậy là vì trong đám rước này người
ta có khiêng một cái kiệu, trên để bài
vị lư hương của Bà.
Hai từ này, thực ra có nghĩa khác nhau. Nếu
như “kiệu” tương đối quen thuộc, dễ hiểu; chữ “cộ” lại có
khá nhiều cách giải thích.
Tra trong “Từ điển Từ Ngữ Nam Bộ” của Huỳnh Công Tín,
không có mục từ “cộ”.
Trong “Từ Điển Phương Ngữ Nam Bộ” của Nguyễn Văn Ái, mục
danh từ “cộ”, giải thích như sau: Xe quệt, trâu kéo
cộ. Một cộ lúa
Trong “Tầm Nguyên Từ Điển Việt Nam” của Lê Ngọc Trụ,
(nxb.Thành Phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.263) viết: Cộ, chưng
cộ, chưng bày những đồ cổ vào dịp lễ lớn, cộ đèn.
Theo cách giải thích này, cộ có nghĩa
là dịp lễ lớn, như cộ đèn, khi trẻ con cầm lồng
đèn đi thành hàng dài trong đêm Trung
Thu.
Ngoài các nghĩa trong sách vở nêu
trên, cộ còn chỉ cộ bông, chiếc xe trang trí
bông, đèn, chạy trong đoàn diễu hành,
hình ảnh thường thấy trong lễ hội của đạo Cao Đài ở
Tây Ninh. Có nơi, như Phan Thiết, cũng gọi lồng
đèn, cây lồng đèn là cộ đèn.
Qua các dẫn giải vừa trình bày, ta có
thể nói rằng cộ là một buổi lễ có đám
đông người đi diễu hành trên đường phố. Vậy “cộ
Bà” là cách nói đúng của người
Bình Dương từ ngày xưa cho buổi lễ này, chứ
không phải là cách phát âm sai của từ
“kiệu” mà ra.
Một vài vấn đề nữa được đặt ra là tại sao ở mọi nơi
thờ bà Thiên Hậu đều cúng vía Bà tại
nơi thờ tự vào ngày 23 tháng 3 âm lịch
thì tại Bình Dương lại có lệ rước kiệu Bà
và lại tổ chức vào ngày rằm tháng
giêng? Tại sao chùa Bà tại xã Phú
Cường được chọn là nơi tổ chức chính cho lễ cộ?
Điều này có liên quan đến lịch sử hình
thành của cộng đồng người Hoa sinh sống tại Thủ Dầu Một từ hồi
xưa. Chùa Bà tại đây được chọn như ngôi
“chùa Tổ”, vì người ta cho rằng đó là nơi
thờ bài vị của Bà từ đền thờ bên Trung Quốc
mà những người Hoa thuộc những thế hệ đầu khi sang đây lập
nghiệp đã mang theo. Để đặt chân tới được vùng đất
này, nhiều người phải đi trên những chiếc thuyền thô
sơ vượt trùng dương đầy sóng to gió lớn, xiết bao
gian lao nguy hiểm. Khi ấy, họ đã van vái cầu xin sự cứu
giúp của vị thần biển là Bà Thiên Hậu như
là niềm trông cậy duy nhất. Thời gian sau, người Hoa sang
đây ngày càng nhiều, cùng với thế hệ con
cháu của họ dần dần sinh sống ổn định, làm ăn phát
đạt trên vùng đất mới, họ có niềm tin rằng
đó là nhờ sự che chở và ban phước lộc của
Bà. Để tạ ơn Bà, vào mùa xuân, sau
một năm làm ăn thắng lợi, sung túc, mọi người đều vui vẻ,
phấn chấn và có thời gian rảnh rang ngơi nghỉ để chuẩn bị
cho một năm làm ăn mới, người ta rước Bà đi du
xuân. Đó là dịp để Bà thưởng ngoạn cảnh đẹp
của trăng rằm nguyên tiêu, vừa để chứng kiến sự hạnh
phúc của những người Bà đã che chở, là dịp
cho mọi người bày tỏ lòng tôn kính và
tạ ơn Bà, vừa cầu nguyện Bà tiếp tục phù hộ họ
khởi đầu một chu kỳ làm ăn mới.
Rằm tháng giêng, còn được gọi Tết Nguyên
Tiêu, là một lễ hội có truyền thống lâu đời
của người Trung Quốc. Đọc các tác phẩm cổ văn Trung Quốc
ta thường thấy đề cập đến lễ tết đặc biệt này, như Tây Du
Ký, Kim Bình Mai có tới mấy lần nói đến:
“Lúc đó là Tết Nguyên Tiêu,
dân chúng vui chơi suốt đêm, đèn đuốc
sáng rực. Ở tại nhà, Tây Môn Khánh
cũng cho dọn tiệc lớn. Mọi người mặc áo gấm thêu, trang
điểm lộng lẫy, phân ngôi thứ mà ngồi”
(Lan Lăng Tiếu Tiếu Sinh, Kim Bình Mai, quyển I, Nxb. Đồng
Nai, 2002, tr.207)
Năm khác, lại cũng vào dịp này:
“Lát sau, trời chạng vạng tối. Tây Môn
Khánh sai dọn tiệc ở đại sảnh, đốt các thứ đèn
lồng trong ngoài rồi cho gọi Phó quản lý,
Hàn quản lý, Văn chủ quán, Bôn Tứ và
Kính Tế tới cùng uống rượu xem đèn thưởng
xuân.
Tối hôm đó, trời sáng trong, gió thổi
nhẹ, vầng trăng lơ lửng bên trời, ngoài đường thiên
hạ đổ ra chen chúc chơi xuân. Tây Môn
Khánh sai người thả đèn hoa, rồi hạ lệnh đốt các
loại pháo bông, pháo thăng thiên và
các loại pháo nổ khác”. (Lan Lăng Tiếu Tiếu Sinh,
Kim Bình Mai, quyển II, Nxb. Đồng Nai, 2002, tr.150)
Việc người Hoa ở địa phương chọn đêm rằm tháng
giêng để rước Bà du xuân, là chọn thời điểm
thích hợp nhứt, theo truyền thống văn hoá đã
lâu đời của họ. Do vậy lễ cộ bà ở Bình Dương
là lễ rước bà đi du xuân chứ không phải
là lễ vía như một vài tác giả đã
viết. Trên tấm bảng đi đầu đoàn rước cộ có ghi
hàng chữ nói rõ ý nghĩa buổi lễ này:
“Bốn bang người Hoa thị xã Thủ Dầu Một Cung Nghinh Thánh
Giá Thiên Hậu Thánh Mẫu Xuất Du Thịnh Hội”
Tại các ngôi chùa Bà trong tỉnh như ở
Lái Thiêu, Bưng Cầu, Dầu Tiếng cũng có lễ cộ, nhưng
quy mô nhỏ hơn và thời gian cũng khác nhau.
Đúng ngày 23 tháng 3 tại chùa vẫn
làm lễ cúng vía Bà với sự tham dự hạn chế
của bốn bang người Hoa trong ban quý tế. Đặc biệt tại ngôi
chùa Bà cổ hơn ở phường Chánh Nghĩa thì
hôm đó mới là ngày cúng chính.
Ngày lễ cộ Bà, lại trùng hợp là rằm
thượng ngươn, một rằm lớn theo như tín ngưỡng của Phật
giáo, các Phật tử sùng đạo vừa đi chùa, vừa
đến cúng Bà. Từ đó, lễ hội chùa Bà
ngày càng trở nên đông đúc, và
việc đi chùa Bà hay tham dự lễ rước cộ đã trở
thành nếp sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng chung cho
cả nhiều tộc người trên đất Bình Dương.
Vào dịp đi lễ này, tại chùa còn
có lệ cho vay và trả tiền, gọi là đi vay để “hưởng
lộc Bà”, hay “lấy hên làm ăn”. Người vay,
không cần bất cứ giao kèo hay hợp đồng gì, sang
năm, nhớ ngày đến trả lại tiền vay cũ, thường thì trả
nhiều hơn, nhiều bao nhiêu tuỳ mỗi người. Ai không trả
thì cũng không sao. Với người Hoa gốc Quảng Đông,
Triều Châu, Quảng Tây, Phước Kiến, Hải Nam thì
thường trả lễ cuối năm vào tháng chạp, riêng người
Hẹ thì trả vào rằm tháng 11. Dần dà,
thì người ta đều mượn và trả trong dịp rằm tháng
giêng cả nên ngày đó tại nơi mượn tiền người
chen chúc khá đông.
Đến nay thì không còn ai biết rõ lễ cộ
Bà do ai khởi xướng, bắt đầu từ khi nào, nhưng căn cứ
vào thời điểm năm chùa Bà được xây cất
là 1923, cùng với việc chợ Thủ Dầu Một và hệ thống
đường sá quanh chợ được khởi công xây dựng lại khang
trang rộng rãi hơn và hoàn thành vào
năm 1934, thì có thể suy đoán rằng lễ cộ bà
đã bắt đầu có từ thập niên hai mươi, hay ba mươi
trở đi.
Lễ Cộ Bà thời nay thường khởi hành vào khoảng
3 giờ chiều, do thành phần tham gia trong đoàn như
các đội cù, rồng… ngày càng nhiều
quá, nên nếu xuất phát trễ sẽ không kịp giờ.
Thời xưa, đúng ý nghĩa và tính chất ban đầu
của việc rước Bà đi du xuân trong đêm Nguyên
Tiêu, người ta khởi hành muộn hơn, khoảng 6, 7 giờ tối,
khi trăng đã bắt đầu ló dạng trên bầu trời chợ Thủ.
Để thấy đường, người ta cầm đuốc hoặc những cây tre cao,
trên đầu có cột cây đèn măng xông.
Thành phần của đoàn rước cộ tuy có ít
nhiều thay đổi theo từng năm nhưng vẫn có quy tắc tổ chức chung
được duy trì từ xưa tới giờ. Điểm chính của buổi lễ
là chiếc kiệu có bàn thờ bài vị của
Bà, được đi giữa đoàn diễn hành. Ngoài ra,
tham dự còn có các đoàn hẩu, cù,
rồng, sư tử, các ban nhạc, đoàn gánh hoa, cờ,
các tiên nữ, nhóm người cầm các loại binh
khí, các xe cộ chở Phật Bà, tiên ông,
tiên bà, tiên đồng, ngọc nữ, thầy trò Tam
Tạng, Bát tiên… Mỗi bang người Hoa đóng góp
vào lễ hội đặc điểm riêng của mình. Như các
đoàn cù hay rồng của Quảng Đông, hẩu của người
Phước Kiến… Nhờ vậy mà các tiết mục của đoàn cộ
rất phong phú, đa dạng, đẹp mắt…
Đi đầu đoàn cộ có các đội xe mô
tô, xe jeep hú còi inh ỏi mở đường. Kế là
hai người cầm tấm bảng vải màu đề 4 chữ “Thiên Hậu Xuất
Du”. Ngày nay có xe hơi, người ta treo hai tấm vải
bên hông chiếc xe trang trí rực rỡ. Như năm 2012 vừa
rồi, hàng chữ ấy là:“Bốn Bang Người Hoa Thị Xã Thủ
Dầu Một. Cung Nghinh Thánh Giá Thiên Hậu
Thánh Mẫu Xuất Du Thịnh Vượng Hội”.
Kế tiếp là đội múa sư hẩu của người Phước Kiến. Theo
truyền thuyết, hẩu là con linh vật có chức năng đi
tiên phuông để mở đường. Giải thích việc này,
có tài liệu viết: “Về thứ tự trong đội hình
đám rước, theo tín ngưỡng của Đạo giáo,
không biết nguồn gốc từ đâu, các Hội người Hoa ở
Bình Dương đều xác định mỗi nhóm ngôn ngữ
đều mang cốt một con vật. Người Phúc Kiến cốt con hổ, Triều
Châu cốt con ngựa, Quảng Đông cốt con dê và
Sùng Chính cốt con chó. Vì vậy mà
khi xếp đội hình rước kiệu Bà thì nhóm
Phước Kiến luôn đi đầu, đặc biệt là con lân (hẩu)
được xem là một linh vật mở đường. Vì người Hoa cho rằng
hổ đi sau sẽ ăn thịt những con vật dê, chó, ngựa. Nếu
nhóm Phúc Kiến đi sau thì người Hoa ở các
nhóm khác sẽ không được thuận lợi trong công
việc làm ăn”. (Nhiều tác giả, Người Hoa Ở Bình
Dương, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2012, tr.320)
Để biết rõ thêm về sự tích hẩu, xin đọc tiếp
bài nói về con hẩu của cùng tác giả
bài viết này.
Sau Hẩu là các xe hoa, rồi đồ binh khí,
bát bửu, những tấm bài đề Túc Tĩnh, Hồi Tị. Sau
họ, là nhóm khiêng giá vũ khí Thập
Bát Ban Võ Nghệ. Ngày nay còn có
thêm đội kèn Tây mặc đồng phục, thổi kèn
đánh trống rất xôm tụ, người nhạc trưởng đi đầu vừa đi vừa
ném cây gậy cho xoay tuýt trên cao, đợi rơi
xuống rồi chụp ngay bon để biểu diễn.
Kế đến là đoàn cù Nhân Nghĩa Đường của
người Quảng Đông từ Chợ Lớn lên, đoàn lân
này được vinh dự dẫn đầu vì, cùng với Quốc Oai
Đường, là những đoàn cù lâu đời nhất
đã có mặt trong lễ cộ ở chợ Thủ từ hồi xưa tới giờ.
Mãi đến năm 1951, tại Thủ Dầu Một mới có đoàn
cù Chấn Nghĩa Đường do ông Cam Xú lập ra
(còn gọi Tài Xú, nhà ở khu Lò Heo,
người Quảng).
Từ khoảng năm 1968 trở đi, bang Phước Kiến còn đóng
góp thêm nhóm người đi cà khêu, trong
trang phục của thời xưa như các vị tiên ông
tiên bà trong truyện Bát Tiên Đông Du.
Sự góp mặt của họ làm tăng thêm sự thích
thú cho người coi vì nét ngộ nghĩnh và
màu sắc sặc sỡ trên quần áo của các vị giả
tiên. Lại có đủ bộ thầy trò Đường Tăng đi thỉnh
kinh, nhóm này của chùa ông Tề, tức Linh
Không Đàn ở cầu Bà Hên.
Trước kiệu bà là đoàn người thuộc bang Triều
Châu. Năm người thanh niên cầm cờ dẫn đầu gọi là Ngũ
Long Kỳ, rồi đến đoàn khá dài các cô
gái trong vai tiên nữ gánh cờ, gánh
bông; trẻ con thì cầm quả, bánh, pháo (thời
chưa bị cấm), đoàn cổ nhạc bát âm Hoà Mục
Hiên.
Chiếc kiệu Bà được nhiều thanh niên khiêng,
trước bài vị có để lư hương cắm nhang, thỉnh từ
bàn thờ Bà ở chùa ra. Thời xưa, người ta lập
bàn hương án với lễ vật cúng trước cửa nhà,
khi kiệu Bà đến phải ráng cắm nhang lên lư hương
này cho bằng được, đồng thời thỉnh nhang từ chiếc lư hương của
Bà về cắm ở bát nhang nhà mình trên
bàn thờ. Nhà nào năm trước xui thì phải cắm
1 bó nhang thiệt to vào lư rồi đổi 1 hoặc 3 cây
nhang về cắm lư nhà mình.
Sau kiệu Bà, đoàn Quảng Đông đi sau hộ
giá với các đội múa cù, sư tử, rồng, phụng.
Mãi đến khoảng năm 1985 thì mới thấy có các
đoàn rồng, sư tử từ Sài Gòn về gia nhập lễ,
và càng ngày các đoàn càng
đông hơn. Hồi xưa chỉ có cù, khoảng chục con
đã kể là nhiều chứ không phải lên đến
vài chục con như ngày nay. Trên đường đi, họ thường
đồng đồng hai hoặc ba người để múa biểu diễn. Hồi trước
thì người ta vác hai cây tre dài đi song
song, cù và ông Địa đứng trên hai cái
cây này, vừa múa vừa làm trò, thỉnh
thoảng ông Địa giả đò té lọt xuống giữa hai
cây tre, nhờ nhanh tay kẹp hai cây tre tòn ten, chứ
nếu không thì rớt xuống đất, làm người coi giật
mình và được phen cười ồ khoái trá lắm.
Thời xưa, khi đoàn cộ đi dọc bờ sông đến ngã
ba Nguyễn Tri Phương và đường Bàu Bàng thì
tách ra làm hai, người Phước Kiến và Triều
Châu với hẩu và dàn nhạc bát âm đi
thẳng về ngôi chùa cũ nằm ở bên kia cầu Thủ Ngữ,
còn người các đoàn cù của người Quảng
Đông và người Hẹ đi theo đường Bàu Bàng ra
đường Văn Công Khai (trước đây là Võ
Tánh), quẹo đường Hùng Vương đi ngang chùa
Ông (chùa Con Ngựa) để sau đó về chùa
Bà ở đường Nguyễn Du. Về sau thì bốn bang người Hoa
cùng nhập chung một đoàn đi từ đầu đến cuối chứ
không chia ra như vậy nữa
Có tài liệu viết:
“Khi cộ Bà qua khỏi thì chủ nhà cho đốt
pháo (đó là tập tục cũ trước khi có chỉ thị
cấm đốt pháo)” (Nguyễn Thị Lan, Miếu Thiên Hậu
(chùa Bà), Một tín ngưỡng dân gian của cộng
đồng người Hoa ở Bình Dương, tập san Khoa học lịch sử
Bình Dương số 4, 2005, tr. 26, )
Đốt pháo là phần không thể thiếu trong rằm
tháng giêng thời xưa. Trước đó mấy ngày, cứ
chỗ nào có cù múa, thì ngoài
tiếng trống thúc giục giòn giã, chủ nhà cho
đốt từng tràng pháo dài phụ hoạ thêm cho
sôi nổi. Vào ngày lễ cộ, hai bên đường phố
chợ người ta treo những dây pháo dài lủng lẳng,
có dây dài từ trên lầu cao xuống tới đất.
Người ta đốt pháo để kích thích các con
cù múa hăng hơn, nhưng phần pháo chính
là để dành đón kiệu Bà. Hoà trong
tiếng trống múa cù rộn ràng thôi
thúc, từng tràng pháo thi nhau nổ toả khói
mù mịt, thơm phức, làm cho không khí
ngày lễ thật sôi động, lòng người phấn khích
cao độ ít khi nào có được. Từ khi kiệu bà
sắp đến cho tới khi kiệu đi qua, pháo nổ để đón rồi sau
đó là tiễn Bà, nhà này kế tiếp
nhà kia nên pháo nổ liên hồi gần như
không dứt. Ở Bình Dương thưở xưa, lễ rước kiệu Bà
cũng là cơ hội để các người Tàu đua nhau đốt
pháo. Tập tục này tạo thành những hình ảnh
của kỷ niệm lắng đọng khá sâu trong lòng những
người Bình Dương thời trước. Là một người từng có
thời gian sống ở chợ Thủ thời xưa, nhà văn Bình
Nguyên Lộc đã lấy việc này dựng thành một
câu truyện ngắn của ông:
“Trăng rằm tháng giêng đã ló dạng
trên dãy phố ở tỉnh lỵ Thủ Dầu Một. Hôm ấy là
ngày, theo tục lệ người Tàu trong tỉnh, thỉnh Tào
Kê. Không ai biết rõ “thỉnh Tào Kê”
là cái quái gì. Nhưng chắc chắn là
cúng nhiều, kéo nhau đi ngoài đường nhiều
và “cái đinh” của ngày lễ là đốt
pháo đua. Ông cắc chú nào đốt nhiều hơn
ông khác là ăn. Không ăn cái gì
hết, nhưng được đồng bào của họ phục lắm.
Thật ra chỉ vài ông bang trong tỉnh lỵ mới dự cuộc
đua đốt pháo này, vì phải đốt hàng mấy giờ
liền, nếu không làm ăn lời to thì đừng mong đua với
ai.
Thình lình người ta nghe ba tiếng đại pháo nổ
trước sau nhau không quá hai giây.
- À, ra họ đốt một lượt!
Trong những con đường hẹp ở chợ, hai bên đều có
nhà phố đứng lên, tiếng pháo bị tiếng dội đôi
dồn như tiếng sấm trong thung lũng. Khói thuốc pháo bay
mù trời mịt đất, đến đỗi ánh sáng của những
bóng đèn đường bị lu mờ bớt lần. Những người đi dạo phố,
những khách trong tiệm ăn, muốn nói chuyện với nhau phải
hét cho lớn, và kề miệng sát vào tai người
nghe mà la. Nhưng không mấy ai còn ở trong
nhà, trong tiệm được, vì khói thuốc vào
đó, không lối ra, đầu độc cả không khí trong
nhà.
Pháo vẫn nổ rền trời.
Mỗi người dự đua, sợ rủi ro ngưng tiếng nổ rồi mang tiếng ăn gian,
để ra tới bốn người đốt pháo. Năm ấy có ba ông bang
thi đua, thành ra một lượt, đến mười hai tiếng pháo
kêu vang.
Những người có con nhỏ, phải mau mau ẳm chúng đi
thật xa ra ngoại ô, không khéo thì
chúng sẽ bị động kinh hay bị chết ngất mất.
Pháo thi đua nhau mà nổ đinh tai, nhức óc.”
(Bình Nguyên Lộc, Tuyển tập BNL, nxb. Văn Học, 2001,
tr.793, 794)
Trong một bài viết khác, năm 1974, dành
riêng cho đặc san của ty Giáo Dục Bình Dương,
ông vẫn còn nhắc lại sự kiện này:
“Hồi tiền chiến, tỉnh Bình Dương là tỉnh nổi danh
nhứt miền Nam về trò chơi pháo. Hằng năm cứ vào
dịp rằm tháng giêng thì người Hoa Kiều (Thưở
đó chỉ có Hoa kiều mà chưa có người Việt
gốc Hoa như nay) họ tổ chức thi đua đốt pháo. Dĩ nhiên
là chỉ có mấy ông nhà giàu mới dự
thi, nhưng dân chúng vẫn cứ xem đó là
trò vui chung của toàn tỉnh lỵ”. (Bình
Nguyên Lộc, Pháo và Súng, Đặc san xuân
Ất Mão tỉnh Bình Dương, 1974).
Sau khi kiệu Bà đi qua một quãng, mặc dù
các đoàn cù và rồng vẫn còn đi hộ
tống rất nhiều phía sau, đám đông chen lấn hai
bên đường từ trưa cũng tản dần ra để trở về nhà. Bến
đò đông nghẹt người chờ đò để qua sông.
Trên đường, xác pháo, xác giấy bánh
kẹo đủ màu nằm vương vãi khắp nơi. Những ngày vui
xuân đã thật sự kết thúc, ngày mai, với
người dân chợ Thủ, lại khởi đầu cho một năm mới tần tảo
làm ăn. Để rồi, chờ đợi một mùa xuân sau sẽ đến,
rồi lại rủ nhau đi coi múa cù, rước cộ bà, rộn
ràng trong tiếng trống, tiếng phèng la… Bầu trời chiều
ngả sang màu vàng nhạt, đó đây những
cánh diều nhiều màu sắc đang nằm tha thướt, bay lượn
trên cao. Trời gió lộng, nhưng nhìn những
cánh diều trong bóng hoàng hôn vẫn gợi
lên một nỗi buồn nhè nhẹ. Như vẫn còn tiếc nuối
những ngày vui đã trôi qua…
Sau 1975, lễ cộ bà gián đoạn một thời gian đến năm
1979 mới tổ chức lại. Đó là điều đáng mừng
làm sao, bởi với người dân Bình Dương, sau gần một
thế kỷ thân quen, nếu thiếu lễ cộ Bà chắc họ sẽ nghe thiếu
nhiều lắm./.