Thầy Tôi

Huỳnh Hữu Thế

Tuổi mới lớn của tôi quá ư là sôi động. Mỗi chiều sau buổi học, tôi thường làm phu khuân vác giúp Bà Ngoại tôi ở vùng chợ Cầu Muối, hoặc chợ Cầu Ông Lãnh, Chợ Thiếc, ra đến tận chợ Sài Gòn, Chợ Cũ ở Hàm Nghi, rạp hát Minh Châu. Vậy mà công việc nào cũng có niềm vui riêng của nó.

Các cô khuân vác ở khu chợ Cầu Muối, tuổi học trò, mặc áo bà ba đen, quần đen. Các cô gọn gàng,nhanh nhẹn, với đôi giầy đặc sắc của thời ấy, bằng nhựa màu trắng đục cà phê sữa,.

Với cây đòn tre lớn gần bằng “cùm chân” chiều dài khoảng 3,5 đến 4 mét, gióng vào một chiếc giỏ tre rất cao và chắc chắn, các cô mỗi người một đầu đòn gánh thoăn thoắt, khiêng giỏ bắp cải, su hào, bông cải hoặc cà rốt, tưởng chừng ba vòng tay người ôm không xiết! Vậy mà hai cô chạy như bay trên đường trơn trợt, đầy vỏ bắp cải. Tiếng kêu ” lẹp xẹp”của đôi giầy cao su làm dấu hiệu cho mọi người bạn hàng, đang bận rộn trên ngõ chợ, tránh vô bên lề, một cách lịch sự, vui vẻ nhường  bước các cô khuân vác đẹp như mơ này. Nhường đường nhịn bước của ngày ấy nó đẹp đẽ làm sao!.

Một trong các cô khuân vác nổi tiếng nhanh nhẹn của Chợ Cầu Muối này là Trần Thị Tiểu Trang (còn gọi là T tứ thừa, T4 ). Cô là người bạn cùng lớp với tôi vừa học giỏi, vừa đẹp mặn mà. Cô là hoa khôi của trường Trung học Nguyễn An Ninh. Tên trường ghi danh ông để tưởng nhớ vị anh hùng yêu nước tiền phong, học rất giỏi, từ Pháp về sau này chết ở Côn Đảo.

Tôi dài dòng và lạc đề một chút, ngõ hầu các bạn hình dung hình ảnh khu vực này thập niên 60-70. Hồi đó nghe tên Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh ai cũng lầm tưởng là lãnh địa của các tay hảo hớn, anh chị bự. Nhưng thật ra vùng này rất hiền, chẳng những hiến mà còn đẹp nên thơ, lãng mạn là khác! Này nhé ! Các bạn cứ thả bộ một vòng Chợ Cầu Muối vào buổi chiều tà khi các xe hàng từ Đà Lạt, Đơn Dương, Tùng Nghĩa về đến bến Nguyễn Thái Học.

Phía bên kia đường Trần Hưng Đạo là trường tiểu học Cô Giang, bên này là trường tiểu học Nguyễn Thái Học, chếch bên một chút là trường trung học Nguyễn Văn Khuê. Hình như nhà văn  Nhất Linh của Tự Lực Văn Đoàn, khi sinh thời có dạy học ở đây. Ông là tác giả của tuyệt phẩm “ Đoạn Tuyệt”với nhân vật Loan, Dũng chàng trai phong trần nước Việt, đã đi  cùng quãng đời học trò của biết bao nhiêu bạn trẻ, trong đó có tôi. Một kỷ niệm khó quên ngày đám tang, giáo sư Nguyễn Tường Tam được đưa đi vòng quanh Chợ Cầu Muối để thăm lần cuối Cô Giang,Cô Bắc, Đề Thám, Nguyễn Thái Học rồi Ký Con, Hồ Văn Ngà cách đó không xa. Đây là các vị tiền bối yêu nước một thời của lịch sử nước Việt.

Buổi chiều ở đây rộn rịp,đáng yêu. Từng tán dầu cao vút tiếp nối nhau trên đường Trần Hưng Đạo ra đến Chợ Sài Gòn.Tiếng lao xao của cành lá lẩn mất trong âm thanh tất bật chợ búa của  mọi người đôi khi làm mình phải tạm dừng chân lắng nghe, đến khi vòng lăn của chiếc xe ba bánh ngừng hẳn mới đánh thức được tôi trở về với thực tại.
 
Dĩ  vãng nào cũng đẹp như bài thơ dẫu có vui, có buồn: Một chiều mưa, phố đã lên đèn, trời mưa không dứt, cái xôn xao không ngớt người qua lại xuống hàng trên bến Cầu Muối vẫn không ngừng được trời mưa.

Tôi và T4 vừa trốn mưa,vừa bàn chuyện học hành ngày thi sắp tới. Bộ bà ba đen lấm lem sình lầy vẫn không làm mờ được làn da trắng duyên dáng . T4 đáng yêu làm sao!. Bạn vừa đẹp, vừa học giỏi, lại tảo tần với công việc nhọc nhằn!

Không phải dễ dàng đâu nhé các bạn, bạn phải xuống hàng thật nhanh gọn và phải thuộc lòng từng tên “vựa” để rút ngắn đoạn đường từ xe hàng đến địa điểm cuối cùng theo thứ tự. Bên dưới đường, ngõ vô chợ lại còn nhão nhoét sình lầy và tràn ngập mùi hôi của cây cải mục rữa sau những cơn mưa của miền nhiệt đới. Chỉ có Chợ Cầu Muối mới có được mùi hương thân thương này mà thôi, 40 năm rồi tôi vẫn còn vương vấn.

Tụi tôi đang nói chuyện học hành,việc làm huyên thuyên như phào nổ thì chợt nhìn thấy Thầy Châu với nụ cười nửa miệng. Thầy nhìn hai đứa tôi, dường như muốn nói điều gì đó. Thầy Nguyễn Minh Châu dạy môn Toán cho lớp tôi. Hình như có duyên với Thầy từ trường Trịnh Hoài Đức Bình Dương, nên khi chuyển về Sài Gòn, tôi hay gặp lại Thầy Châu.

Ngoài Thầy ra, tôi còn có biết bạn Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (có thể là họ Phạm). Gọi là bạn cùng một lớp từ trường Trinh Hoài Đức, chớ tôi chưa lần nào chào hỏi hay nói chuyện với Hạnh. Dầu rằng hàng ngày bọn tôi cùng đi bộ đến trường trên một quãng đường rất xa từ đường Trần Nhân Tôn, Huỳnh Mẫn Đạt qua Hiền Vương, Lý Thái Tổ, đến ngã sáu Cộng Hòa.

Tôi thích môn hình học không gian nên say mê giờ Toán của Thầy Châu. Thầy có dáng người mảnh khảnh thư sinh, chiếc kính cận làm Thầy hơi già hơn tuổi. Có lẽ ngày ấy Thầy trên dưới 30 tuổi,. Nụ cười trên môi, giọng nói pha trò có duyên, nên giờ Toán của Thầy rất hào hứng, với những tràng cười rộ lên của đám học trò.Vậy mà mặt Thầy vẫn nghiêm nghị khiến đứa nào cũng chú ý theo dõi bài giảng của Thầy.

Tôi nhớ Thầy hay khuyên bảo nên chăm chỉ học hai môn Toán, Lý Hóa vì có hệ số cao. Kết quả kỳ thi đậu hay rớt tùy thuộc vào hai môn này rất nhiều. Thầy còn nhấn mạnh đến bí quyết học bài bằng cách tự mình viết lại dàn bài và trình bày như đang thuyết trình, ngay sau khi buổi học hoặc vừa về đến nhà vì lúc đó mình còn nhớ lời giảng của Thầy. Hoặc Thầy nhắc, khi đi thi, trả lời đúng các câu hỏi giáo khoa là đã được phân nửa tổng số điểm đậu rồi. Những phân tích thực tế đó chẳng những giúp cho học trò thi đậu, mà còn giúp mình có cái nhìn vào những vấn đề khác, để phân tích và sắp xếp sự việc cho hợp lý hơn.

Tôi còn nhớ gần ngày thi tú tài, Thầy cứ dặn tới dặn lui: Nên xin hai tờ giấy nháp mở to để trên bàn, đặt ở chỗ trống trải để khi viết bài trả lời từng câu hỏi thì dễ kiểm chứng, dễ đặt vấn đề hơn.

Tuy dạy Toán nhưng Thầy cũng nhắn nhủ đối với môn Việt Văn. Thầy khuyên học sinh nên làm phần nhập đề và phần kết luận trên cùng một mặt của tờ giấy nháp, mặt bên kia là điểm chính của bài luận gồm nhiều câu thơ dẫn chứng càng hay sẽ làm phong phú thêm cho bài luận văn, cứ nhớ câu thơ nào thì viết ra câu ấy rồi sau đó tùy cơ mà sử dụng.

Qua bao năm rồi ngẫm lại: Thầy Châu đã tận tụy muốn truyền lại tất cả kinh nghiệm trên đường đời của Thầy cho đám học trò.

Thời gian qua đi, qua mau nữa là khác! Người học trò là tôi, các bạn và Thầy Châu không có cơ duyên gặp lại nhau trong suốt dòng đời xuôi ngược. Không biết tất cả bây giờ ra sao?

Huỳnh Hữu Thế
 04/2013