THẦY GIÁO THÁO GIÀY
LƯU THANH BÌNH
Đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao đám giáo chức chúng tôi ở
Trị Tâm (Dầu Tiếng) sau ngày 30.4.1975 lại được gọi bằng hai từ “lưu dung”.
Nếu bỏ chút thì giờ tra từ điển Hán Việt, các bạn sẽ thấy “lưu dụng” và “lưu
dung” có ý nghĩa khác xa nhau. Một từ có nghĩa là xài đỡ, dùng lại còn từ
kia có nghĩa là dung thứ, tha cho kẻ có tội. Mà thời ấy nào ai dám hó hé,
dung dụng gì cũng còn đỡ hơn cái tiếng ngụy này, ngụy nọ. Thời buổi mà cứ
lâu lâu lại phải cặm cụi ngồi khai lý lịch ba đời, cố mà khai có ông này
bà nọ nghèo rớt mồng tơi là một hãnh diện, dân tộc thì khai là kinh, tôn
giáo thì khai là không. Làm như thờ cúng ông bà không phải là một tôn giáo
vậy.
Tôi bỏ nghề cũng giống như kẻ chết đuối khi nhảy cầu : ngáp ngáp đôi
ba bận chứ không chìm liền. Lần cuối cùng, nhờ Trần Hiếu giúp đỡ về dạy ở
Hòa Lợi, xã cực nam của Bến Cát, nhưng chỉ trụ lại được đúng 5 tháng là đứt
phim. Bỏ ngang chứ không làm đơn xin bởi có làm đơn cũng chẳng ai giải quyết.
Ngày xưa ông Bá Di, Thúc Tề lánh đời, bỏ lên núi tìm rau vi ăn qua ngày,
bởi vì trời sinh voi sinh cỏ, còn bấy giờ rau cỏ cũng thành của hiếm. Có
ông gì đó lên TV nói hột mít bổ cũng ngang như thịt bò, sáu bó rau muống
bổ như một cân (ký) thịt. Nói để an dân chứ tôi đoán ổng chưa chắc đã thực
hành. Cũng như thần dược xuyên tâm liên trị bá bịnh, nhưng có ông bác sĩ
nào cho con uống xuyên tâm liên đâu.
Thời ngăn sông cấm chợ, thương nghiệp nhà nước lên ngôi, tất tần tật
trong quyền sinh sát của “ông” mậu dịch quốc doanh, chợ truyền thống hầu
như biến mất. Người ta nói buôn bán là cái đuôi của chủ nghĩa tư bản, sinh
ra bóc lột và bất công xã hội, làm giàu trên xương máu của người lao động
nên nhà nước độc quyền phân phối để tạo công bình xã hội. Nhưng đó là trên
lý thuyết chứ nền kinh tế chỉ huy theo kế hoạch không thể nào đáp ứng được
nhu cầu thực tế cuộc sống, chợ đen (sau này được gọi một cách mỹ miều là
kinh tế thị trường) chỉ chuyển hướng vận hành sang một dạng tồn tại khác,
tuy có bị đối xử khắc nghiệt, bị đặt ra ngoài vòng pháp luật nhưng thực sự
hữu ích vì đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu cho người dân theo quy luật
có cầu ắt có cung như nước chảy chỗ trũng. Hai tháng sau ngày bỏ dạy, tôi
gia nhập vào đội quân xe thồ.
Hồi đó hàng hóa xe thồ đa số là nông lâm sản vùng trên nhiều nhứt
là than củi cho đến đậu xanh, đậu phộng, tiêu, điều, cà phê, “hot” nhứt là
thịt trâu bò miệt Phú Thứ, An Điền nếu về lọt tới An Đông là bao nhiêu cũng
tiêu thụ hết. Bây giờ những lò mổ đó kiêm luôn quán nhậu, khách ăn lúc nào
cũng tấp nập, lần Bành Văn về chơi được lớp B5 chiêu đãi ở một trong những
quán này. Lái Thiêu là địa phương có thế mạnh về sản xuất gốm sứ gia dụng
như tô, chén, dĩa ,lu, hủ, khạp, chậu nhưng tất cả sản phẩm làm ra đều phải
qua kênh phân phối của thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã, nên dân xe
thồ chở lu khạp phải đi chui, cũng cực nhọc như thồ than củi nhưng lời nhiều
hơn. Đó là những lu hủ khạp bị tì (lỗi) trong quá trình tạo hình và chịu
nhiệt, được trám trét lại, chỉ dân trong nghề vừa gõ vừa nghiêng tai kê sát
nghe mới biết, thường trong mỗi chiếc lu lớn lại chất thêm những chiếc lu
nhỏ hơn bên trong. Đa phần dân thồ lu khạp đi đường Gò Dưa để né trạm Vĩnh
Phú, trạm này tuy chưa khét tiếng như trạm Suối Sâu (Tây Ninh) hay Tân Hương
(Tiền Giang) nhưng đường 13 là độc đạo, lỡ bị vịn là hết chạy, còn đường
trong là vùng giáp ranh giữa hai địa phương, lỡ bị ví bên này thì chạy sang
bên kia. Một trùng hợp ngẫu nhiên là trong chiến tranh, quân du kích Phú
Hội-Bình Chiểu cũng chọn chiến thuật này để chạy càn. Hàng hóa xe thồ bị
xem là bất hợp pháp nhưng chỉ vài bước chân vào địa phận Thủ Đức thuộc Sài
Gòn thì thành ra hợp pháp cứ lưu thông tự do không sợ bắt bớ (có lẽ là trường
hợp duy nhứt trên thế giới).
Ngày ấy trong giới đạp xe thồ thì có lẽ tôi là người sung sướng nhứt
vì có công việc nhẹ nhàng vừa sức : phía trước treo trên ghi- đông là hai
giỏ đầy sách báo tạp chí, phía sau là thùng xốp to đựng vài chục ký kem ký
và kem cây, bên trên chất thêm một bao tải đầy rau má : hàng hóa cho tiệm
nước giải khát của gia đình và sạp sách báo của bản thân. Báo lời ít nhưng
quay vòng vốn nhanh hơn sách, nhất là đang vào mùa World Cup Espana 82 nên
báo ngày, tin nhanh bán khá đắt, người mua đông, khách coi cọp cũng đông.
Ở đó có thể biết đủ mọi chuyện trên đời giống như tiệm nước hay tiệm hớt
tóc vậy. Gần Tết Dương lịch thì bán thêm lịch tờ và lịch bloc, Tết ta thì
bán thêm các Đặc san Xuân của các báo. Báo ngày thì gởi lên mỗi sáng theo
những chuyến xe lam đầu ngày. Sách báo chỉ bán từ sáng đến trưa, đầu giờ
chiều là tôi bắt đầu lên yên chạy chợ. Từ Thạnh Lộc, xuống An Nhơn rồi xuôi
theo bệnh viện Cộng Hòa ra ngã tư Phú Nhuận. Đầu chợ Phú Nhuận khi ấy hãy
còn trống vắng nhiều, ở đó có bà bán xôi với đôi quang gánh bên ngoài nhà
lồng, bao quanh là các chiếc xích lô, ba gác đạp và xe thồ của dân lao động
đang ngồi xổm vây quanh giá ba ngàn một dĩa xôi bằng nắm tay bên trên rưới
chút đường, muối mè. Mỗi người nhận đĩa xôi kèm cái muỗng thì xê ra chỗ trống
ngồi ăn, ăn xong tự động trả dĩa và trả tiền. Không dám khen ngon (ít nếp
nên không dẻo) nhưng no, chắc cũng nạp được vài trăm calo. Hồi ấy tình người
hãy còn giữ tiết tháo, dù là dân lao động nhưng ít khi có chuyện ăn quịt,
không giống như sau này ăn mặc đẹp mà “hôi” hoa, quá hơn là bọn cướp.
Đường Sài Gòn đối với tôi quá quen thuộc, bởi gia đình tôi có căn
nhà ở Trần Nhân Tôn (Q5), tôi ngụ ở đó suốt hai năm theo học Sư Phạm Sài
Gòn (góc Thành Thái- Cộng Hòa). Chiều đạp xe trên đường Lê văn Duyệt, ngang
qua Lăng Ông Bà Chiểu và Tòa Tỉnh Gia Định, nhìn cảnh cũ gợi nhớ kỳ thi
tú tài 1 năm nào tại điểm trường Hồ Ngọc Cẩn của anh Ngụy Văn Thà, buổi trưa
qua Lăng Ông ngả lưng và nghía mấy em nữ thí sinh xin xăm, buổi chiều trúng
tủ đề thi môn văn với bài Kẻ sĩ của Nguyễn Công Trứ mà thầy Duật đã bắt nghiền
ra thành cháo. Thưa thầy, bây giờ Kẻ sĩ của thầy chạy đầy đường chứ không
riêng em : xích lô có, ba gác có, xe thồ có, xe ôm có, xe lam có (duy xe
ngựa chưa thấy), anh nào cũng chạy vắt giò lên cổ chứ chẳng thấy ai hiêu
hiêu nhiên điếu Vị canh Sằn cả. Cái nghèo lúc vị ngộ của Uy Viễn tướng công
là cái nghèo phong lưu, nghèo mà còn nuôi heo (!) được, còn bây giờ bọn em
đang chuẩn bị từ nghèo xuống… mạt, ăn nay lo mai, thầy ạ.
Đường 13 khi đó hãy còn hoang vắng, đoạn qua Đồng Chó Ngáp hầu như
không có nhà, thỉnh thoảng mới có một hai cái lều của dân bơm hơi vá vỏ.
Đời xe thồ, phút sung sướng nhất là khi đạp xe không đổ dốc cầu Bình Triệu,
có thể ngẩng đầu, thẳng lưng mà nhìn sang hai bên, chỉ có cái gót chân là
phải ở tư thế sẵn sàng. Đường xa, mỗi lúc có người đồng hành qua mặt thì
ngó nghiêng qua vành nón để thăm dò quen lạ, nhưng cũng có khi không quen
mà vẫn ráp lại chuyện vãn cho quên nhọc, đi một thôi đường rồi chia tay ai
đi đường nấy, cũng không cần hỏi tên nhau làm gì. Những người bạn đường xa
như thế, tôi biết có nhiều người là dân có học, nhiều khi là một pho kiến
thức sống, nhưng không dám hỏi thêm về hoàn cảnh riêng, sợ chạm vào nỗi đau
sâu kín của mỗi người. Trừ khi cả hai có nét chung, dễ tâm sự hơn như anh
H. cựu huynh trưởng Hướng Đạo, nguyên là kỹ sư Phú Thọ, làm việc ở Sài Gòn
Thủy cục từ trước 75, xin thôi, sắm chiếc xe đạp thồ, ra đường 13 này đi
cày, sáng Bình Long Chơn Thành, chiều Xóm Củi, bến Bình Đông, Phạm Thế Hiển.
Lần cuối tôi gặp lại anh ở cổng Bến xe miền Đông, lúc này anh đã chuyển qua
chạy xe ôm với chiếc Cup cánh én là tài sản tích cóp được từ thời đạp xe
thồ.
Có lần tôi có cơ duyên hầu chuyện Thầy Lê Vĩnh Thọ trong một bữa rượu
ở quán Đồng Quê gần Cộng Đồng Búng (thầy và tôi có người bạn chung trong
bữa tiệc đó), nhưng thầy không hề biết tôi là một cựu học sinh THĐ, còn tôi
thì đã biết tiểu sử của thầy qua bài viết của Hoàng Anh trên trang nhà. Tôi
lẳng lặng quan sát thầy, một thư sinh tay yếu chân mềm nặng không quá 50
ký, ngày ngày chở hai bao than trên 100 ký, gò lưng đạp lên dốc cầu Bình
Triệu. Tôi nhớ lại hình ảnh những người đàn ông vai áo bạc màu, lưng đẫm
mồ hôi, quần xắn quá gối, một đứng thẳng người nhấn trên pê-đan, một chạy
lúp xúp đẩy ở đằng sau xe. Khi lên đến hết dốc thì dừng xe chống tó, quay
xuống “xử” tiếp xe sau, người đạp người đẩy như xe trước. Nói thì dễ, thực
sự mỗi lần chống tó, rút tó rất gian nan. Sau này chân cầu Bình Triệu có
thêm nghề đẩy xe thồ lên dốc (đa số là những em thiếu niên), tiền thù lao
chỉ dăm ba đồng. Tôi có người bạn dạy chung trường, tên tục là Tư Bửng, cùng
bỏ nghề một lượt nhưng anh may hơn, xin vào làm Kiểm Lâm ở cầu Phước Hòa.
Chỉ một thời gian rồi anh xin thôi, bởi gặp quá nhiều người quen, kể cả các
em học sinh, làm anh khó xử. Cái gốc thầy giáo khiến anh không nỡ xuống tay,
được lòng bà con nhưng phật lòng cấp trên. Trở về nghiệp giáo viên thể chất
kèm võ sư taekwondo coi bộ yên thân hơn. Có thể biết đâu anh đã từng đối
diện thầy Thọ chăng ? Nhưng anh vốn là học sinh Bồ Đề, chắc không biết thầy.
Thời bán báo kể ra cũng có nhiều kỷ niệm, không phải tất cả đều cay
đắng tủi cực, cũng có chút hương hoa cho đời bớt khổ, nhất là khi gặp khách
hàng là các em học sinh làm nhớ nghề cũ, như ba em Phượng, Thúy và Nga ríu
rít như những cánh chim non, lúc nào tôi cũng chừa các số báo Khăn Quàng
Đỏ mới cho các em. Riêng em Nga, con chủ tiệm vàng KC ở Lái Thiêu, sau này
lại nổi tiếng cả nước : số là để chào đón người công dân đầu tiên của thiên
niên kỷ mới, đêm giao thừa bước sang năm 2000, báo chí truyền thông Sài Gòn
túc trực tại bệnh viện Từ Dũ với không khí đầy háo hức, trang trọng nhưng
bất ngờ thay, chào đời lại là một công dân mới của Bình Dương (con của em
Nga), còn công dân của thành phố thì mãi 15 phút sau mới xuất hiện, làm các
vị một phen tẽn tò như cầu thủ đá banh bị việt vị.
Hay chuyện một người khách hàng đặc biệt làm tôi nhớ mãi : khi ấy
em chỉ trạc tuổi đôi mươi, ăn mặc giản dị nhưng tươm tất sạch sẽ, thoạt nhìn
biết ngay không phải dân lao động nòi, trên chiếc xe đạp khi ấy chất lỉnh
kỉnh đầy những bịch bánh kẹo, chai dầu ăn, xâu dầu gội, hủ chao, lọ nước
mắm, nước tương và đủ loại gia vị…nói chung là hàng hóa của một tiệm tạp
hóa nhỏ. Tôi hơi ngạc nhiên vì dân lao động khi ấy ít có nhu cầu đọc sách
báo. Tình cờ có “con cọp” đang ngồi cạnh nghiêng đầu nói nhỏ, tôi mới biết
em vốn là con vị đứng đầu tỉnh khi trước, học rất giỏi nhưng không vào đại
học được vì lý lịch. Kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 (ngày nay gọi là trung học phổ
thông) em là một trong những học sinh điểm cao nhất tỉnh. Hồi ấy mọi hồ sơ
dự tuyển đều phải qua Ban tuyển sinh, nơi ấy có thể thêm bớt vài điểm mà
cũng có thể gạt bỏ luôn không cần cứu xét, em lại nằm trong diện đó nên cánh
cửa tương lai bị đóng sập lại. Một lần, không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào
mà tôi buột miệng hỏi : Em có phải là con của…không? Em xù lông như con nhím
hỏi ngược lại làm tôi bối rối : anh hỏi để làm gì, phải thì sao không phải
thì sao ? Tôi biết câu hỏi tò mò đã làm em tủi thân vì động đến nỗi đau sâu
kín của em, nỗi đau nhiều khi còn hơn cả tủi cực thể xác. Kinh nghiệm đau
tủi đó, tôi cũng từng trải qua không phải một lần khi bị (được) hạ cố hỏi
Sao mày không đi. Sau này tôi mới biết cũng trong năm đó (1982), ba em đã
mất ở một nơi xa, rất xa ngoài Bắc.
Hai năm lăn lóc chợ đời, tôi nếm trải đủ mùi tân khổ, như một bước
đệm trước khi có một nghề nghiệp tạm gọi ổn định cuộc sống. Chèo chống qua
cơn bĩ cực, tôi ngộ ra rằng sức chịu đựng của con người thật là mãnh liệt,
càng bị rúng ép thì bản năng sinh tồn càng thôi thúc vượt qua, trải nghiệm
đó có lẽ chính là động lực tạo nên cảm hứng giúp nhà văn Jack London viết
nên kiệt tác Love of Life mà nhiều người đã dịch sang tiếng Việt là “Tình
yêu cuộc sống” hoặc “Khát sống”. Nhưng so với nhân vật chính trong truyện
thì tôi may mắn hơn nhiều, không phải đối diện với nỗi cô đơn, cái lạnh và
cái đói mà chỉ phải điều trị lâu dài với bệnh trĩ và vết sẹo trên gò má trái,
hậu quả của một lần cày mặt trên đường. Năm tháng trôi qua, người xưa cảnh
cũ không còn, mỗi lần nhớ lại, tôi cầu mong cho những người bạn đường năm
xưa có được hậu vận tốt đẹp như luật bù trừ của tạo hóa…./.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(12-2019)