THÁNG TƯ TRÔNG MƯA
Lưu Thanh Bình
Khi nói tới đồng bằng sông Cửu Long, mọi người thường liên tưởng tới một
vùng nông nghiệp trù phú được thiên nhiên ưu đãi, quanh năm mưa thuận gió
hòa, làm chơi ăn thiệt, người dân mộc mạc chân chất, không nhiễm thói gian
xảo. Làm nông khó giàu nhưng thuận thiên, không tàn phá, gây ô nhiễm môi
trường. Cho đến thập niên 50, 60 của thế kỷ trước nơi đây vẫn là vựa lúa
của cả nước, khung cảnh no ấm thanh bình được phản ánh trong bài “Khúc ca
ngày mùa” của nhạc sĩ Lê Thương , trong đó có câu Kìa thôn quê dưới trăng
vàng bát ngát hay bị sửa thành cười lên đi cho răng vàng sáng chói mà các
vị lớn tuổi không ai là không biết. Bài hát sau này được phổ thêm điệu vũ
với nón lá, áo bà ba thường được biểu diễn trong các buổi lễ học đường.
Bây giờ thì thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh miền Tây xếp áp chót,
chỉ hơn Tây Bắc và Tây Nguyên. Con người ngày càng sinh sôi mà đất chỉ có
vậy, nên lần hồi số lao động dư dôi phải tha hương tạo nghiệp, đa số chọn
Sài Gòn và các tỉnh miền Đông như Đồng Nai, Bình Dương, những địa phương
có tốc độ công nghiệp hóa cao nên nhu cầu về nhân lực cũng nhiều. Sau đại
dịch Covid Vũ Hán, việc làm ít đi, thu nhập thấp khiến sức mua kém cõi, mọi
người thắt chặt chi tiêu kể cả dân có tiền. Ảnh hưởng dây chuyền lan sang
các ngành nghề khác, nhưng công nhân vẫn là giới dễ bị tổn thương nhất vì
khả năng tự vệ mỏng manh nhất.
Mức sống đã xuống đáy từ trước tết Giáp Thìn, ở các khu công nghiệp vì không
có đơn hàng, công nhân được cho nghĩ sớm, ùn ùn về quê vì người dân ngụ cư
đâu có của để dành mà cầm cự. Về quê chỉ có con cá dưới mương, mớ rau dại
trên đồng tuy giải quyết được cái bao tử nhưng còn quần áo, học hành con
cái, thuốc men, trăm thứ chi phí khác, cuối cùng cũng phải lộn lên miền Đông
mà kiếm việc. Trong lúc chờ việc, cầm xấp vé số trăm tờ, đi rạc cẳng mời
chào từ sáng đến trưa, mong sao bán hết trước 4 giờ chiều thì cũng được trăm
ngàn (gần 4 đô) ! Hàng quán ế ẩm, xin phụ việc thời vụ như chạy bàn, dọn
vệ sinh, rửa chén dĩa cũng khó khăn, nói gì được làm công việc ổn định như
tạp vụ hay bảo vệ.
Đồng bằng sông Cửu Long có cơ sở hạ tầng giao thông kém nhứt nước dù là vựa
lúa lớn nhứt nước, đóng góp ngoại tệ từ nông sản xuất cảng nhiều nhứt cho
đất nước. May có trúng mùa được giá thì lợi nhuận phần lớn là ở khâu trung
gian từ thương lái thu mua đến các nhà máy xay xát và các công ty xuất nhập
cảng hưởng phần lớn. Một yếu điểm nữa là tất cả nông sản xuất cảng đều phải
thông qua các cửa khẩu tại Sài Gòn. Cả mười ba tỉnh vùng đồng bằng không
có nổi một cảng biển, làm sao thu hút được đầu tư nước ngoài ? Yếu kém về
giao thông kéo theo những hệ lụy về kinh tế, giáo dục và y tế, cuối cùng
con đường ly nông là điều không tránh khỏi. Có những thôn xóm chỉ còn lại
ông bà già trông cháu, thanh niên rủ nhau lên thành phố tìm việc làm. Những
người ở lại bám ruộng bám đồng cầm cự, tự an ủi tiết giãm chi phí tối đa
thì cũng cân bằng được với thu nhập hạn chế, lại được gần gũi đất đai, mồ
mả ông bà.
Tình hình xâm nhập mặn năm nay (2024) cũng không làm ai bất ngờ vì đã được
dự báo từ mấy tháng trước, khi lũ đầu nguồn không về hoặc có nơi nước về
chỉ lấp xấp mặt ruộng. Nước lũ không về, người dân mất đi nguồn lợi thủy
sản thiên nhiên đặc trưng, mất luôn phù sa bón tưới ruộng đồng, sâu rầy sẽ
phát triển rất nhiều sau khi lũ rút, lại phải tăng chi phí mua phân bón,
thuốc sát trùng, nhất là phải bỏ vụ ba để tránh nước mặn. Trước chỉ có ông
nông dân mong mưa để có nước trời rửa mặn rửa phèn, dọn đất làm đồng để làm
vụ mùa mới, nay có thêm dân cư phố thị cũng mong mưa để có nước ngọt dùng
trong sinh hoạt hàng ngày. Bây giờ không chỉ Gò Công, Bình Đại mà kể cả vùng
Chợ Gạo (Tiền Giang) cũng thiếu nước ngọt trầm trọng vì nước triều mặn xâm
nhập sâu vào trong nội đồng, ở miệt vườn kênh mương trơ đáy, ghe thuyền nằm
chỏng chơ. Thiệt hại ở vùng chuyên canh cây ăn trái có thể còn gấp mấy lần
vùng trồng lúa.
Ở cấp vĩ mô, người ta bắt đầu bàn đến việc sống chung với khô hạn và xâm
nhập mặn, thích nghi với biến đổi khí hậu thay vì xây đập ngăn triều, xây
cống ngăn mặn như trước. Nào là đa dạng hóa cây trồng, nào là cải tiến kỹ
thuật tưới tiêu, nào là thay giống lúa mới có khả năng chịu được nước lợ.
Các bậc tiến sĩ đạo cao học rộng phân tích nguyên nhân khô hạn và ngập mặn
do biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho nước biển dâng cao, do các nước ở thượng
nguồn sông Mekong xây đập thủy điện dày đặc làm cho nước sông bị giữ lại
hơn 40%, do Campuchia đào kinh Phù Nam dẫn nước ra vịnh Thái Lan…chỉ toàn
là những nguyên nhân khách quan chứ không có lỗi gì do “tầm nhìn” cả.
Người ta bàn đào hồ chứa nước ngọt dự trữ, dẫn nước ngọt từ sông Đồng Nai
và sông Sài Gòn về Long An,Tiền Giang, Bến Tre…hoặc nối thông kinh rạch từ
miền Đông sang miền Tây để san sẻ nước. Chỉ có điều ai cũng biết chuyện hạn
mặn là đề tài không có gì mới, lặp đi lặp lại theo chu kỳ thời tiết hàng
năm, thường chỉ mang tính thời sự, khi mưa xuống rồi là đâu lại vào đấy,
chờ năm sau đến mùa hạn mặn mới -những ông thầy bàn- sẽ bàn tiếp. Trong khi
đời sống người dân phải thích ứng với khô hạn và ngập mặn ngày càng trầm
trọng. Toàn vùng giờ chỉ có hai tỉnh không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, cũng
là hai vựa lúa lớn nhứt nước là An Giang và Đồng Tháp, được hai sông Tiền
và sông Hậu tưới mát quanh năm.
**
Tháng tư, người ta đang chuẩn bị cho đại lễ hoành tráng, pháo hoa sẽ bắn
rực trời, cờ xí biểu ngữ giăng rợp đường phố. Dân văn phòng kháo nhau đi
đâu nghỉ đâu; bến xe, ga tàu, sân bay nhộn nhịp đặt vé trước. Những tờ rơi
quảng cáo du lịch với chương trình khuyến mãi ưu đãi lên rừng xuống biển.
Những tụ điểm ca nhạc, những khu vui chơi giải trí sẽ đông ken người. Nhưng
ở đâu đó cũng có những mâm cỗ đạm bạc tưởng nhớ đến vong linh người đã khuất,
những nấm mộ nguội lạnh hương khói vì lạc mất người thân, những ban thờ đơn
sơ không ghi được ngày tháng đã mất, thậm chí những hoang mang của người
cha người mẹ về đứa con bặt vô âm tín, mất tích đâu đó trên rừng dưới biển.
Những hoang mang chôn chặt đáy lòng, không bao giờ có được câu trả lời.
Tháng tư ai vui cứ vui, ai ngậm ngùi cứ ngậm ngùi; nói như một vị cố lãnh
đạo thì “triệu người vui cũng có triệu người buồn”. Trên mảnh đất hình chữ
S đầy hận thù và chia rẽ này, hình như mọi người chỉ đoàn kết khi có ngoại
xâm. Xét cho cùng, lịch sử ghi công một triều đại bằng những gì làm được
cho dân, tạo ấm no hạnh phúc cho dân chứ đâu phải bằng những chiến công đầy
xác và súng, bởi vì chiến tranh là phương tiện chứ đâu phải cứu cánh; lòng
dân là thước đo, là nước đẩy thuyền.
Vua Lê Thánh Tôn được suy tôn là vị minh quân của Đại Việt bởi vì ông thu
phục được lòng dân, làm cho dân giàu nước mạnh, khiến lân bang phải cử sứ
giả cầu thân, khiến nước Tàu phải trả lại đất ở các châu, động biên giới
(mặc dù sau này Mạc Đăng Dung lại đem nộp cho Tàu để cầu phong). Kìa quân
Mông Cổ du mục ngồi trên vó ngựa mà chiếm cả trung nguyên vốn tự hào có mấy
ngàn năm văn hiến, hay như chiến thắng của tộc Mãn bán khai trước nhà Minh
đâu thể gọi là giải phóng, vì đó đâu phải là chiến thắng của chính nghĩa,
của lòng dân mong mỏi. Đó là những bước lùi của lịch sử. Có người bạn thắc
mắc sao trong lịch sử thế giới, khi xảy ra xung đột thì phương bắc thường
thắng phương nam, tôi nhẹ nhàng giải thích cũng có ngoại lệ như vua Gia Long
thống nhất đất nước từ nam ra bắc hay nhà nước La Mã chiếm châu Âu suốt ngàn
năm trung cổ.
Tháng tư với những tiếng sấm ì ầm ở xa báo hiệu chuyển mùa. Mỗi ngày thức
dậy, nhìn tờ lịch đi dần vào những ngày cuối tháng, tôi cảm nhận được những
thay đổi thời tiết lúc giao mùa, cảm nhận được những ký ức biến cố đã qua
như kim đồng hồ quay ngược, cảm nhận được cả những mệt mõi đời người vào
lúc xế chiều. Nhớ năm nào, tháng tư nắng hè báo hiệu mùa thi sắp tới, cây
phượng sau văn phòng thầy Hiệu trưởng bắt đầu trổ bông đỏ đầu cành. Ve kêu
râm ran trong vườn, mùa cây trái chín cũng sắp tới. Hè năm đó là năm cuối
cùng bọn tôi còn ngồi học bên nhau, đậu rớt gì cũng không còn được hoãn dịch
nữa. Tháng tư tôi thắp nén hương lòng, tưởng nhớ những người bạn đã rời trường
mùa hè năm 1972, xa thầy cô bạn bè và không bao giờ gặp lại, có chăng chỉ
còn lại họ tên trong danh sách học sinh các khóa trên trang nhà ./.
(4-2024)