Tháng Tư-tôi
Hạt bụi A2
(tặng mùa-thu ở Spelter và bạn bè A2 thương nhớ)
Rồi tháng Tư lại về, phiền muộn lại ùa về, ngập tràn
mỗi năm như mọi năm, không thay đổi chút nào.
Tháng Tư-tôi có một ngày 28, sáng đầu tuần
của ba mươi bảy năm trước Từ đã cất bước ra đi, bỏ lại sau lưng tất
cả: kỷ niệm, ký ức, buồn vui, giận hờn thương yêu…Hành
trang, chuyến bay, mắt nhìn quay đi hướng khác. Góc
phố, bến xe thổ mộ, cầu ván, đường làng dành cho người
ở lại quê hương.
Tháng Tư-tôi có một xế chiều bàng hoàng
đạn bom trong khuôn viên Dinh Độc Lập, có bạn bè
hối hả đưa nhau về với đường phố lao xao âu lo.
Tháng Tư-tôi còn một ngày cuối cùng ngồi
bó gối trong ngôi nhà khóa cổng nhìn ra
phố Duy Tân thấy toàn những người xa lạ.
Tháng Tư-tôi với bữa cơm chia tay đầm đìa nước mắt của
dì, của cậu trên cửa hàng Hai Bà Trưng thân
quen.Chiến tranh kết thúc nhưng không thấy hòa bình
mà chỉ bắt đầu một vòng lao lý vây quanh.
Người đi, kẻ ở ngậm ngùi mà không biết làm sao
tỏ bày.
Bây giờ, đã ba mươi bảy năm, thời gian trôi thật nhanh
nhưng nỗi đau thì còn hoài. Bao nhiêu giông
bão đi qua vẫn không cuốn đi những chông gai trên
đường đời. Tội tình cứ còn mãi,đày đọa hết ngày
rồi đêm, dài lê thê không chịu nổi.
Cũng tháng Tư, tôi mới về qua Trịnh Hoài Đức, thấy hàng
phượng vỹ mới trồng vừa nở đầy hoa trước dãy phòng học cũ của
Từ. Thấy cây Đa già khẳng khiu cành khô héo
mà buồn. Người bạn đi cùng bỗng dưng chép miệng thở
dài, trường xưa đây biết ai còn nhớ ai không nhỉ!
Nghe giọng nói không già mà mái tóc
đã hoa râm, bạn bè tôi thân thương kỳ lạ,
những chuyến đi về họp mặt đông vui để được nói được cười và…
được khóc. A2, A3 rồi B4, B5 ngồi lại với nhau, kể đủ thứ chuyện ngày
xưa còn bé. Tôi vẫn thường lặng yên chìm
đắm trong vùng ký ức cũ, nhớ đến thắt lòng một
thời dại khờ áo trắng, nhớ biết bao nhiêu bằng hữu phiêu
bạt bên kia trời xứ lạ…. nhớ và đau như mới vừa xảy ra hôm
qua hôm kia…
Vẫn tháng Tư-tôi,tình cờ đọc thấy bài viết của
một thân quen khóa 20 Nguyễn Công Trứ, niên trưởng
của cậu Diệp. Bất ngờ và ngỡ ngàng với nhiều thông tin
từ lâu không hề biết. Phải thắp một nén hương lòng
để tưởng niệm mùa hè đỏ lửa đã đưa cậu Diệp tôi
vào lòng đất An Lộc ngày đó. Sao vẫn là
những mùa hè nghiệt ngã không thoát ra
được... Một mùa đã lao đao lối đi dưới chân Hoàng
Thị Ngày Xưa. Một mùa đã mặn môi nước mắt mẹ già
khóc con thơ. Một mùa cậu tôi không trở về chỉ
sau mười bảy tháng trận mạc. Và một mùa rất mới ở một
nơi rất xa là một lời chấp nhận rất thương đau của mùa-thu
yêu dấu.
Cuối tháng Tư-tôi, không biết Chu sư phụ và sư
mẫu có nhận lời mời họp mặt của Kim Nên không nhỉ! Chẳng
lẽ “ Cali đi dễ khó về…” làm ngập ngừng bước chân
thầy được sao? Chẳng lẽ thầy không nghe trái tim bọn học trò
nhỏ ngày nào réo gọi thầy cô hoài đó
sao? Tụi em nghĩ thật đơn giản, thế nào thầy cũng lên đường
vì tình thương dành cho A2, phải thế không thầy
ơi!
Những dòng sau cùng của tản văn ngắn ngủi này tôi
xin được viết cho riêng một con đường đã đi qua giữa tháng
Tư năm nay. Con đường nối dài từ quê ngoại đến ngôi giáo
đường và ngang miền đất Thánh của xứ đạo nhỏ. Con đường mang
tên mùa-thu với hàng cây cao, với xóm nhà
lạ ngắc lạ ngơ. Con đường đã lâu vắng những vòng xe đạp,
vắng áo dài phụ lễ, vắng bàn tay đong đưa tiếng chuông
ngân sớm chiều… Con đường có giấc mơ hoàng hoa, có
chiêm bao màu lá, có giọng hát ru đời mỏi
mệt trăm năm… Con đường không còn quang gánh nặng oằn
vai phiên chợ nhỏ, không còn bùn đất đỏ bám
đôi guốc mẹ về trưa… Tất cả trở thành mộng mị cho người đi tìm
vô vọng suốt cuộc đời lưu vong từ đó. Đã ba mươi bảy
lần ngày hai-mươi-tám rồi, nhớ không mùa-thu ơi!
Con đường đã nằm im, sâu lắng trong tận cùng đổi thay,
chờ bước chân đánh thức của mùa-thu để thổi tung những
hạt bụi thời gian mà hân hoan sống lại.
Và như thế sắp hết tháng Tư nữa rồi, Saigon đắm mình
trong những cơn mưa đầu mùa xám xịt đất trời. Tôi muốn
gởi tiếng mưa rơi cho Cali nhớ Mỹ Hảo, cho Cana nhớ Bình Dương, cho
Caro nhớ Phú Văn, cho Katy nhớ Dầu Tiếng, cho Spel nhớ Bình
Sơn…Nhưng cũng đành giữ lại, bởi tất cả đều xa nghìn trùng
và thanh âm mưa đã mất hút giữa núi rừng
biển nước mênh mông.
Tháng Tư, tháng Tư-tôi-hạ-đỏ-trường-xưa-ai nhớ-ai-quên…
Ôi ! một thời áo-trắng xa xăm quá…
(04/2012)