THÁNG NĂM MÙA TRÁI
CHÍN (2)
Lưu Thanh Bình
Sạp trái cây ở Cầu Ngang
Tháng năm, Lái Thiêu vào Hè.
Mùa của những cơn mưa rào chợt đến chợt đi. Sau cơn mưa
bầu trời càng xanh cao thăm thẳm, những vệt nắng rực rỡ chiếu
lên cành lá xanh biếc, vài giọt nước lung
linh còn đọng ở đuôi lá rơi khẽ xuống khi có
cơn gió nhẹ lướt qua. Mùa hè, mùa của ve kêu
phượng nở, cũng là lúc cây trái vào hội,
đua nhau khoe hương khoe sắc phô bày hết những vẻ đẹp do
thiên nhiên ban tặng và đền đáp công lao
chăm sóc của tay người. Lái Thiêu có một thuận
lợi là không xa Sài Gòn lắm, du khách
có thể tìm đến bằng nhiều phương tiện, nhiều nhất là
xe đạp và xe gắn máy. Suốt đoạn đường quốc lộ 13 cũ,
từ Nhà Đỏ đến cầu Bình Nhâm, cầu Ngang, cầu Bà
Hai cơ man nào là những gian hàng trái cây:
chôm chôm, mít tố nữ, măng cụt, sầu riêng, dâu
ta, dâu xiêm, bòn bon … đua nhau chào mời du
khách. Mọi người háo hức dạo vườn để được ngồi dưới những
tàn cây xanh mát trốn cái nắng hè oi
bức, thưởng thức trái cây đặc sản và tìm chút
thư giãn bên bè bạn, người thân .
10 B5 chơi vườn nhà bạn Hùng (Bình
Nhâm) năm 1971
Lái Thiêu có một ngôi trường công
lập mang tên danh nhân Trịnh Hoài Đức. Đây
là cái nôi học tập chung của nhiều thế hệ học sinh
ưu tú trong tỉnh Bình Dương. Khi rời trường họ mang theo
nhiều kỷ niệm mà một trong những kỷ niệm khó quên
đó là những chuyến chơi vườn. Mùa cây trái
đến vào lúc học sinh vừa thảnh thơi sau một năm học, nên
rất thích hợp cho những cuộc sinh hoạt tập thể, dạo chơi ca hát
trong vườn để tình bạn càng thêm khắng khít,
để ai đó có dịp mở lòng với ai đó, có
khi sẽ trở thành kỷ niệm đẹp khó quên trong đời. Sau
những cuộc vui chơi ngắn ngũi đó là lại lao vào học
luyện thi, những kỳ thi sinh tử quyết định đến vận mệnh tương lai. Cuộc
đời có nhiều ngã rẽ, nào ai biết trước đó
sẽ là cuộc vui lớp, nhóm lớp lần cuối cùng rồi sẽ
không bao giờ còn gặp lại nữa. Hoặc sau này, dù
có trở lại thăm chốn cũ thì cũng không có được
cảm giác như xưa.
Cành măng trĩu quả 1 (10.5.2011)
Cành măng trĩu quả 2 (14.5.2011)
Mít tố nữ
Năm nay (2011) các vườn măng trúng mùa,
hầu hết đều trổ trái sai coi thiệt ham. Kể từ lần trúng
mùa năm 2006 đến nay mới thấy lại. Mít, bòn bon,
dâu xiêm cũng nhiều trái , chỉ có sầu riêng
thì thiệt là …sầu. Măng cụt đầu mùa bán tại
vườn, một ký mười hai trái giá khoảng bảy tám
chục ngàn đồng tùy loại, nhưng giá rớt mỗi ngày
vì măng cụt đang chín rộ, đến khoảng mùng năm tháng
năm âm lịch là đỉnh điểm rồi ít dần.
Bánh bèo bì Mỹ Liên
Những người đi xa khi về thăm cố hương , hầu như không
ai không ghé lại quán bánh bèo bì
Mỹ Liên, do món ngon nổi tiếng hay do muốn tìm
về vùng hoài niệm cũ ?
ANH VỀ BÌNH DƯƠNG
(Bùi Giáng)
Anh về đất rộng Bình Dương
Trái cây và lá con đường cỏ xanh
Môi người nắng ngọt vây quanh
Nụ cười Nam Việt yên lành bấy nay
Em về đẩy mộng lên vai
Chào xuân ngã nón bụi ngày
gió ru
Mừng vui con mắt ngây thơ
Mày nghiêng như lệ pha mờ chiêm bao
Yêu nhau cảm động nhường nào
Anh về đất rộng cúi chào Bình Dương
Cây khô chết đứng
Bị bom napal chăng? Hay thuốc khai quang? Không phải,
hậu quả của nước thải công nghiệp đó. Có nhiều
nguyên nhân làm cho vườn cây bị tàn
lụi, nhưng nguyên nhân lớn nhất, chủ yếu nhất vẫn là
do chất lượng nước bị ô nhiểm hóa chất độc hại thải ra từ
các khu công nghiệp gần đó, từng ngày từng
ngày thấm thấu vào lòng đất. Bên cạnh đó
là giống cây đã thoái hóa, còi
cọc dần do không được quan tâm chọn lọc cải tiến như bên
Thái Lan nên cạnh tranh không lại, thua ngay trên
sân nhà; cuối cùng là sự lơ là bỏ mặc
chăm sóc do tâm lý chán nản của chủ vườn vì
hoa lợi do cây trái mang lại không đủ tái
đầu tư, nói gì đến nuôi sống gia đình.
Trước kia nhà vườn hốt mương, làm cỏ, gom lá
nên nhìn vườn cây rất quang đãng sạch sẽ chứ
không bầy hầy hoang phế như bây giờ. Nước mương đục, lờ
nhờ không thấy được đáy mương. Không có con
cá nào, cũng không có một cọng rong xanh nào,
nói gì đến một đám rong “uốn cong mình lượn
lờ theo dòng nước chảy” *. Mấy con kiến vàng quái
ác, cứ nhè chỗ da non mà cắn ( Nhưng kiến
vàng lại là bạn của nhà vườn, vì chúng
tiêu diệt hết kiến hôi, rệp sáp và những con
côn trùng thiên địch làm tổn hại cây và
giãm chất lượng quả ). Một vòng quanh vườn cây trái
Lái Thiêu, người viết thấy buồn nhiều hơn vui vì dù
không muốn nhưng tự dưng trong đầu cứ nảy ra so sánh hình
ảnh vườn cây xưa và nay. Quả thật, xây thì khó
chứ phá đi thì dễ lắm, tự khi mình còn nhỏ thì
vườn cây trái Lái Thiêu đã nổi tiếng và
đi vào trong văn chương miền Nam, trong những tác phẩm của
Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Bùi Giáng … Trong khói
lửa chiến tranh, vườn cây cũng vẫn giữ được sự trù phú
dù không yên bình ngày nào, cũng
chịu bom B52 (An Sơn), cũng giành nhau từng thước đất cắm cờ (1973),
nghĩa là người ta không thể đổ sự tàn lụi vườn cây
cho chiến tranh hay thiên tai địch họa mà rõ ràng
là do đầu óc mông muội tham lam của con người. Có
cần thiết phải công nghiệp hóa bằng mọi giá không?
Đồng thuế do các khu công nghiệp mang lại có đủ tái
tạo môi trường như xưa không? Hay thuế thì vào
kho bạc, còn môi trường bị xâm hại thì người
dân lãnh đủ ? Mong sao một ngày nào đó,
vườn cây Lái Thiêu sẽ trở mình hồi sinh để lớp
con cháu có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây xanh
hoa trái, dạo vườn lắng nghe tiếng ve kêu râm ran hay
nhìn đàn cá lội dưới mương; nhất là cảnh mua
gian bán dối, chặt chém vô tội vạ của các sạp
trái cây và quán nước bất nhân sẽ không
còn nữa./.