Thăm lại thầy
xưa
Kim Nên
Nhớ lại những ngày còn đi học trường Trịnh
Hoài Đức, người thầy mà tôi có cơ hội được
sinh hoạt và gần gũi nhất là thầy Bé Tám.
Thầy dạy môn âm nhạc nên đến giờ học của thầy
thì cả lớp thật vui tươi. Riêng cá nhân
tôi vốn rất mê ca hát nên lúc
nào cũng cảm thấy thích thú giờ học của thầy.
Tôi nhớ có lần thầy cho cả lớp học thuộc lời và
nhịp nốt của một bài ca để thi lục cá nguyệt, vậy
mà tới ngày thi tôi quá bướng bỉnh, tự tin
lên hát bài “Đêm Đông” (không
biết tại sao lúc đó còn nhỏ mà tôi
lại thích bài hát nầy). Tôi vừa hát,
thầy vừa đánh nhịp…. Thầy bảo trật một nhịp… Thầy cho 19 điểm.
Kết quả thi tôi đứng hàng thứ hai mươi thì phải.
Trên tôi có hơn hai mươi đứa được hai mươi điểm
vì tụi nó ngoan ngoãn nghe lời thầy học thuộc
bài thầy dạy.
Năm nào chúng tôi cũng tham gia văn nghệ
vào những ngày trại Tết hay ngày phát phần
thưởng cuối năm. Lúc đó chúng tôi lại
có dịp sinh hoạt với thầy nhiều hơn. Thầy tậm tâm, vui vẻ
nhưng rất khó vì thầy muốn những bài vũ,
hát thật hoàn hảo. Do đó có những
lúc chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.
Chúng tôi tập đi tập lại không biết bao nhiêu
lần mà vẫn không xong. Mệt quá chừng!. Thậm
chí có đứa bị thầy khẽ cái chân vì
nhảy trật nhịp. Thế là nó khóc giận thầy…
Nhớ một lần chúng tôi phải tập văn nghệ ráo
riết cho kịp thời gian ấn định. Cả đám học trò kéo
nhau về Sài Gòn ở nhà thầy để tập thêm.
Chúng tôi vui mừng được đi Sài Gòn. Sau khi
múa hát xong chúng tôi lại được thầy cho ăn
cơm trưa. Cả đám học trò vui quá, vừa ăn vừa
nói chuyện ồn ào… Rồi thầy lại dạy bảo: “Con gái
khi ăn không hả miệng, nói chuyện ôm sòm,
phải biết giữ ý tứ”. Nhớ ơn thầy, sống ở xứ văn minh những điều
thầy dạy rất là hữu ích.
Mấy mươi năm trôi qua…..
Một hôm tôi chợt nhớ thầy… Nhờ bạn bè ở
quê nhà tìm thầy cũ và tôi gọi điện
thoại thăm thầy. Thầy khóc oà như đứa trẻ thơ. Thầy kể
cho tôi nghe cuộc đời thầy trước và sau năm 75. Những
câu chuyện tôi không hề hay biết sau khi tôi
rời mái trường THĐ thân yêu. Từ ngạc nhiên
này đến những sửng sốt khác, hoà lẫn những
xót thương cho kiếp sống của người thầy đáng thương. Nước
mắt thầy chan hoà cảm động nhận được những yêu thương của
đám học trò vẫn nhớ đến thầy. Thầy nói rằng: “Thầy
an tâm chấp nhận bịnh tật như việc đền tội cho những lỗi lầm thầy
đã gây nên”.
Tôi nhắc: “Thầy ơi! Thầy có nhớ ngày xưa
lúc trả bài thi em hát ngày bài: “
Đêm Đông”, thầy bảo trật một nhịp mà thầy cho em
mười chín điểm. Thầy nhớ không thầy?. Từ đầu
giây điện thoại vượt trùng dương xa ngàn dặm, giọng
thầy cất cao: “ Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống. Đâu
dậy buông lững lờ tiếng chuông….” . Lòng tôi
buồn chủng lại… Xúc động quá đi thôi hình
ảnh những ngày trẻ thơ vui học dưới mái trường thân
yêu.
Hè năm nay tôi có dịp trở về Bình Dương
ghé thăm thầy sau hơn bốn mươi năm cách biệt. Cuộc gặp gỡ
ngắn hơn tôi mong muốn vì người bạn chở đi phải ngồi
ngoài đường để giữ xe. Tôi và hai người bạn
gái bước lần vào con hẻm nhỏ dẫn đến nhà thầy.
Thầy vẫn dáng cao ráo, da ngâm chút sạm
nắng. Thầy lại khóc nhưng vui khi nhìn mấy đứa học
trò đến thăm. Thầy nhớ Huê Mỹ, Nga nhưng tôi
thì thầy hỏi:
- Em là ai?
- Kim Nên đó thầy (Mỹ nói
và cô vợ thầy phải ghé tai thầy nhắc lại vì
thầy lảng tai quá nặng ).
Nghe tên tôi… Thầy vội đi vào nhà trong
và trở ra trên tay thầy cầm mấy lá thư. Thầy lấy
một lá đưa cho tôi đó là lá thư của
tôi gởi cho thầy mấy năm trước mà thầy vẫn còn giữ.
Thầy lại khóc rồi thầy lại cảm ơn những học trò THĐ vẫn
thương và nhớ đến thầy.
Trở về đây sau cuộc hành trình ngàn dặm
về thăm quê cũ, sao lòng vẫn lưu luyến chi lạ. Những nỗi
nhớ vẫn vương vấn tâm hồn tôi. Nhớ Bình Dương, nhớ
trường xưa, nhớ đám bạn thân thương, nhớ thầy giáo
già dạy nhạc đang mòn mỏi mong chờ một lời tha thứ …
Kim Nên, Thầy Nguyễn Bé Tám, Nga (K9)