Thắm thiết tình thầy trò
(Tết thầy Nam Cali 2016)

Phóng viên không chuyên nghiệp
(hình ảnh: Vương Gái)
 

Như thường lệ hàng năm, CHS Trịnh Hoài Đức - Nam Cali tổ chức đi thăm viếng thầy cô dịp Tết Âm Lịch mà chúng tôi gọi là Tết Thầy. Điều nầy bắt nguồn từ truyền thống lâu đời của dân tộc ta là Tôn Sư Trọng Đạo. Dù anh chị em cựu học sinh đã định cư ở hải ngoại nhưng từ khi lập Hội AH Trịnh Hoài Đức chúng ta đã tiếp tục duy trì truyền thống tốt đẹp nầy.
 
Năm nay, ngày Tết Thầy là ngày thứ bảy 30/1/2016, nhằm ngày 20 tháng chạp. Chỉ còn 9 ngày nữa là Tết Âm Lịch Bính Thân nhưng anh chị em đã dành thời giờ nguyên một ngày để đi thăm viếng các thầy cô trong vùng.
 
Lúc 8 giờ sáng, phải đoàn đã tập trung đầy đủ tại nhà anh cố vấn của hội là anh Nguyễn văn Diệp. Năm nay phóng viên nhận thấy có sự hiện diện của chị Nguyễn thị Phương (vừa là CHS mà cũng là GS Trịnh Hoài Đức – đại diện Hội tại Nam Cali), các anh chị CHS Trần văn Ngôi, Dương Náo, Vương Gái, Từ Minh Tâm, Lâm Thị Tâm và đặc biệt có mặt CHS Nguyễn Bích Thủy từ San Jose xuống để cùng tham dự. Riêng chị Cẩm Hồng thì bận việc nhà và anh Nguyễn Ngọc Phát thì phải đi lễ thất tuần của chị Võ Ngọc Mai nên không tham dự được .
 
Sau khi chuẩn bị quà Tết, phải đoàn chia làm 2 nhóm và xuất phát lúc 8:20. Xe thứ nhất do anh Diệp cùng đi với anh Dương Náo, Trần văn Ngôi và chị Nguyễn Thị Phương. Xe thứ hai do Minh Tâm lái với ba hành khách là chị Nguyễn Bích Thủy, Vương Gái và Lâm thị Tâm.
 
Sáng nay trời hơi âm u. Dự báo thời tiết nói trưa nay có thể có mưa nhẹ nhưng mọi người bất chấp và hăng hái lên đường. Phái đoàn nhắm hướng bắc thẳng tiến. Điểm đến đầu tiên là nhà thầy Bùi thế San.
 
1. Thăm thầy Bùi Thế San:
 
Thầy phụ trách môn Vạn Vật và về dạy ở Trịnh Hoài Đức từ năm 1969. Đường đi suông sẽ, tuy chúng tôi có lạc nhau đôi chút nhưng nhờ có hai tài xế khá vững và nhờ có thổ công GPS (máy chỉ đường !) nên lúc 9 giờ chúng tôi đã có mặt tại tư gia của thầy cô ở Pico Riviera, cách khu Little Saigon khoảng 40 phút lái xe.
Phu nhân của thầy là cô Nga đã đón tiếp chúng tôi với nụ cười tươi tắn. Cô nói trong thời gian chờ thầy ngủ dậy, hãy ra bàn ngồi nói chuyện tâm tình cho vui.
Cô nói bây giờ lớn tuổi rồi, vui buồn, giận hờn, đều đã trút bỏ nên tâm tư nhẹ nhàng. Thầy cũng vậy. Giờ là lúc lắng lòng và tha thứ để cuộc sống được thoải mái hơn. Anh Diệp cắc cớ hỏi hồi xưa thầy cô quen nhau như thế nào? Thế là cô có dịp tâm sự thêm. Theo cô, hồi xưa, gia đình hai bên là công chức nên cũng không khá giả lắm. Do đó, sau khi có Tú Tài một, hai người đều phải từ giã việc học thêm lên cao mà thi vào trường sư phạm để có học bổng mà không phải là gánh nặng cho gia đình. Trường sư phạm có 12 lớp, thầy học trên lầu, cô học dưới lầu, thế mà thầy hay đi ngang lớp dưới lầu để nhìn vào lớp cô. Cô mới nghĩ không biết anh nầy để ý ai? Té ra đó là … cô. Tuy nghe cô nói giọng Bắc nhưng thật ra cô là cô gái Miền Đồng Bằng Sông Cửu Long. Quê cô ở Cần Thơ. Sau khi ra trường cô về Cái Răng để dạy học. Còn thầy học giỏi nên được dạy ở Sài Gòn. Thế là hai người hai ngả nhưng cuối tuần nào có lễ thì thầy cũng cố gắng để đi Cái Răng thăm cô dù đường sá lúc đó rất khó khăn vì mất an ninh. Nhưng xa mặt chớ không cách lòng, hôn nhân cuối cùng đã diễn ra kết hợp hai tâm hồn trẻ. Lúc đó cô mới 20 tuổi. Sau khi cưới nhau, cô về Sài Gòn ở và thầy tiếp tục học lên ĐHSP. Ra trường thầy đổi về dạy ở Trịnh Hoài Đức. Đó là khoảng năm 1968-69. Thầy học giỏi và có năng khiếu truyền đạt nên nghề giáo đúng là nghề dành cho thầy. Thầy làm việc rất chăm chỉ. Sau đó còn mở tiệm sách Khai Trí ở Bình Dương và rồi có mua một căn phố ở Phú Văn để mở lớp dạy thêm. Lúc đó gia đình có hai con, một trai một gái. Một hôm má thầy dẫn cháu nội trai lên Phú Văn thăm thầy. Tới trước cửa nhà thì một xe nhà binh đã đụng vào em và em đã từ trần trên tay của thầy. Sau đó, cô cố gắng sinh thêm cho thầy một con trai, nhưng kết quả là có thêm… bốn em gái mà chẳng có đứa con trai nào. Hiện giờ, một cô con gái ở Texas, bốn cô con gái ở Cali cuối tuần hay cùng chồng đến thăm thầy rất đoàn tụ vui vẻ.
Anh Diệp cho các bạn cùng đoàn biết: “Thầy bị bịnh đã lâu, đầu óc còn tỉnh táo nhưng khó di chuyển. Đã hơn 10 năm, cô phải săn sóc thầy rất tận tụy. Phải cảm phục sự khó khăn cần mẫn của một người vợ vừa phải lo sinh kế và vừa phải săn sóc cho một người bịnh thì cực khổ như thế nào!!”
Câu chuyện đang hồi hấp dẫn nhưng chương trình còn dài nên chúng tôi xin phép vào thăm và chúc Tết thầy để còn tiếp tục lên đường. Hẹn sang năm sẽ tâm tình tiếp…


Nhóm CHS THD gồm Nguyễn thị Phương, Nguyễn Bích Thủy, Lâm Thị Tâm, Nguyễn Văn Diệp, Dương Náo, Trần văn Ngôi, Từ Minh Tâm, và cô Nga phu nhân thầy Bùi Thế San

Thăm cô Nguyễn Thị Đức:

Chúng tôi trở lại khu Little Saigon để thăm cô Đức. Sau khi thầy mất, cô dọn về ở với con trai tại một căn nhà rất đẹp thuộc thành phố Santa Ana. Trước bàn thờ của thầy Nguyễn Mạnh Cẩm, chúng tôi dâng hương để tưởng niệm một vị thầy khả kính sau đó cùng quay quần để nghe cô nói chuyện hồi làm việc ở Trịnh Hoài Đức. Cô nói trường Trịnh Hoài Đức đã để lại cho cô nhiều kỷ niệm. Cô là giáo sư đệ nhứt cấp, nhưng khi về trường thì thầy hiệu trưởng Trương văn Di bắt cô dạy Vạn Vật lớp đệ Tam. Môn Lý Hóa dễ dạy hơn, thì các thầy khác đã nhận hết rồi. Cô rất cố gắng nhưng cũng hơi ái ngại vì lo cho học trò, các em là “nạn nhân” của cô, một cô giáo mới ra trường kinh nghiệm còn non nớt. Cô rất mến những em học trò Khóa 1 & 2, đó là những học sinh chân chất hiền lành.
Qua năm sau, thầy Di lại bắt cô lên dạy lớp đệ Nhị. Thôi thì cũng ráng. Cô bắt mạch được cách cho đề của Bộ Giáo Dục năm đó là người ta sẽ không hỏi mô tả mà là “luận đề” về Vạn Vật. Đây là cách cho đề mới và khó hơn trước đó. Cô ra đề tương tự và nhờ hai em học sinh giỏi làm thử. Sau đó trình bày trước lớp để lấy kinh nghiệm. Nhờ đó, sau nầy khi thi Tú Tài, học sinh của cô đạt được điểm cao. Nên nhớ lúc đó môn Vạn Vật hệ số 3, nếu làm bài tốt thì coi như cơ hội thi đậu tú tài rất cao.
Năm tiếp theo, thầy Di lại bắt cô lên lớp theo học sinh để dạy lớp đệ Nhất. Có lẽ thầy thấy cô dạy giỏi, học sinh đậu nhiều. Lúc nầy cô lo quá và đã xin vô văn phòng gặp thầy Di để xin miễn. Cô nói: “Năm nay có giáo sư Vạn Vật là cô Nguyễn Kim Hưng từ Đại Học Sư Phạm về dạy thì xin để cô Hưng đảm nhiệm lớp đệ Nhất”. Thầy Di trả lời: “Trịnh Hoài Đức sắp xếp giáo sư dạy lớp nào là căn cứ khả năng chớ không phải bằng cấp”. Nghe xong thì cô … đành chấp nhận, nhưng sau đó cô được chuyển về Saigon nên không có dịp dạy đệ Nhất.
Về thầy Di, cô nói thầy khó lắm và hay đi vòng vòng để coi trật tự, học sinh ồn ào trong lớp là thầy vào la rầy. Một đôi lần, cô L. cùng dạy với cô đã khóc vì sự khó tánh của thầy Di. Nhà giáo thuở  xưa mang trách nhiệm lớn nên rất nghiêm túc trong công việc !
Do cô có việc bận phải đi nên chúng tôi chúc Tết cô và từ giã để đi thăm thầy Liêm. Trước khi ra về, mỗi người được cô tặng một cái bánh gấc do chính cô làm. Tình cảm của cô với học trò Trịnh Hoài Đức thật là quý !!!.


Thăm cô Nguyễn thị Đức

Thăm thầy Nguyễn Thanh Liêm:
Nhà thầy ở đường McFadden trong một khu cũng hơi khó tìm. Nhưng chúng tôi cũng tìm được và vào thăm thầy.
Hỏi về sức khỏe, thầy nói thầy mấy ngày qua, thầy mới phải đi binh viện để cấp cứu do khó thở, bác sĩ nói trong người có nhiều nước. Nay đã bớt nhưng không được ăn nhiều muối và phải ăn thật lạt. (Thầy đã phải mổ thông tim mấy năm trước).
Thầy nhắc sắp tới đây thầy sẽ tổ chức ngày 20/3 tới đây một Ngày Văn Hóa ở Hội Trường Việt Báo, các em nhớ đến tham dự. Rồi tháng 6 sẽ có ngày Tôn Sư Trọng Đạo để vinh danh quý thầy cô.
Sức khỏe thầy yếu nhưng nhiệt tình của thầy vẫn như thời trai trẻ. Tấm gương của thầy cao quý biết bao!
Sau khi chụp một tấm hình kỷ niệm, chúng tôi tặng quà và chúc Tết thầy cô. Hẹn ngày mai sẽ gặp lại tại ngày họp mặt Đồng Hương Bình Dương.


Thăm thầy Nguyễn Thanh Liêm, ngồi kế bên là phu nhân thầy Liêm

Thăm thầy Đoàn Văn Vượng:
Rời nhà thầy Liêm, chúng tôi đến thăm thầy Đoàn Văn Vượng cũng ở gần đó. Thầy Vượng và cô tiếp đón chúng tôi rất vui vẻ. Thầy nói thầy bị đau chân nên đi đứng khó khăn, di chuyển trong nhà cũng phải bằng gậy chống có bánh xe. Thầy còn bị lãng tai, nên nói chuyện với thầy thì cũng phải hơi “to tiếng” thì thầy mới nghe được. Thầy nhớ Đinh Quốc Trị. Riêng Từ Minh Tâm thì thầy nhớ là hay đọc bài viết về du lịch của Tâm trên báo Người Việt. Thầy hỏi thăm tin tức quý thầy cô khác như thầy Lục, cô Liên, thầy Phạm Đức Liên… Thầy nhắc nhớ thầy Nguyễn Trọng Nhượng (đã mãn phần) vì khi sinh thời, thầy Nhượng có ghé thăm thầy.
Trời cũng đã trưa, chúng tôi tặng quà và chúc Tết thầy cô sau đó lên đường đi thăm thầy Nguyễn Trí Thành.


Thăm viếng và chúc Tết sớm thầy cô Đoàn văn Vượng

Thăm thầy Nguyễn Trí Thành:
Nhà thầy Thành ở thành phố Huntington Beach. Đây là một khu sang trọng ở quận Cam. Người Việt ở Nam Cali thường hay so sánh nơi đây như là Quận Nhứt của Saigon.
Lúc nầy là 12 giờ trưa. Hôm nay thầy cô sẽ đãi chúng tôi ăn trưa, nhưng trước đó, chúng tôi ra sân sau để xem cô trồng cây cảnh. Cô trồng nhiều loại cây cỏ khá lạ và đẹp. Ai thích loại nào, cô còn cho cây con hay cắt nhánh để đem về trồng.

Cùng thầy Nguyễn Trí Thành
(sân sau nhà thầy trồng rất nhiều hoa đẹp)

Trưa nay, chúng tôi được cô đãi rất nhiều món ăn ngon, tất cả đều do cô tự tay làm (trừ món bánh chưng thì cô đặt). Cô còn dạy cách tự làm thịt heo quay. Đây là loại thịt quay da dòn ăn rất đặc biệt. Ăn món mặn xong, cô còn đãi bánh ngọt. (Bật mí đôi chút, cô là dân Bình Dương nên món ăn ngon do cô làm cũng là tự hào của Bình Dương đó).
Ăn trưa xong, cô còn cho bốc thăm để nhận quà của cô. Chị Phương may mắn được tặng một lò nướng. Tâm thì trúng một bình nấu nước nóng. Anh Diệp và chị Gái thì trúng khay nướng bánh. Thêm vào đó mỗi người được ghi tên vào một tấm vé số ($10). Chiều nay nếu trúng số thì được chia phần!...


Chị Phương trúng một phần quà là một lò nướng thịt do thầy cô tặn

Trước khi ra về, chúng tôi còn được cô gói tặng mỗi người một phần quà gồm bánh, trái cây xấy khô…. Có cả quà cho hai người vắng mặt là anh Phát và chị Hồng.
Đi thăm thầy cô, được thầy cô thương và cho đủ thứ làm cho ai nấy đều cảm động. Chúng tôi chỉ sợ cô cực quá khi phải tiếp đón mình. Nhưng cô cho biết được các em đến thăm là cô vui lắm. Đừng ngại. Tình thầy cô với chúng em thật thắm thiết. Xin đa tạ rất nhiều!
Lúc 1 giờ trưa, chúng tôi từ giã thầy cô Thành để đi thăm thầy Vượng.

Thăm thầy Đinh Đức Vượng:

Cơn mưa nhẹ đã không khiến chúng tôi ái ngại khi đi thăm thầy Vượng. Nhà thầy ở khu Fountain Valley, cũng là khu sang trong, (tương tự quận Nhứt của Saigon). Thầy cô đãi chúng tôi bánh ngọt và xôi. Thầy Đinh Đức Vượng (còn gọi là thầy Vượng ốm) người cao nhưng ốm. Thầy cũng hơi bị lãng tai nên nghe hơi khó. Thầy có thú vui nhiếp ảnh và viết sách. Minh Tâm hỏi về sách của thầy thì thầy có biết đó là sách viết bằng tiếng Anh, dầy 300 trang hiện đang in. Sách có nhan đề là Vietnamese Mythodology – A Mosaic of Parallel Motifs. Đây là tài liệu do thầy nghiên cứu về Thần Thoại Việt Nam dành để giới thiệu cho các sinh viên ngoại quốc muốn tìm hiểu về vấn đề nầy. Sách không có tính thương mại và in hạn chế chỉ dành cho các trường đại học mà thôi. Thầy còn đưa 4 mẫu bìa do thầy thiết kế và hỏi các em CHS TH Đ thích bìa nào?.

 
Một mẫu bìa sách của thầy Đinh Đức Vượng

Thầy còn tặng một số thiệp xuân do thầy sáng tác. Thấy thiệp đẹp, Minh Tâm liền “chụp” ngay và hứa sẽ giới thiệu trong đặc san Trịnh Hoài Đức… năm tới (nếu được).
Chúng tôi chúc Tết tặng quà cho thầy cô. Thầy rất cảm động nói lời cám ơn và hứa sẽ cố gắng đến tham dự đại hội Trịnh Hoài Đức lần thứ 4, nhưng nói nhỏ với anh Diệp là thầy sợ tiếng ồn và nhớ đừng bắt thầy phát biểu gì hết.

Cùng thầy cô Đinh Đức Vượng

Thăm thầy Phó Đức Long:
Rời nhà thầy Vượng, chúng tôi di chuyển đến nhà thầy Phó Đức Long ở Santa Ana.
Hôm nay, chúng tôi có dịp gặp phu nhân của thầy. Cô là một y tá. Cô rất hoạt bát và có vài hoạt động chánh trị dòng chính. Cô hiện đang tham gia vận động cho bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay.
Thấy thầy trẻ trung, Minh Tâm hỏi thầy được bao nhiêu niên kỷ thì cô cho biết thầy đã trên 80, hôm nay trông thầy “đẹp lão” là nhờ nhuộm tóc mà thôi. Thầy không bị cao máu, cao mỡ, tiểu đường gì hết, rất khỏe mạnh, chỉ một điều là thầy lại hay quên. Chắc có lẽ hồi nhỏ thầy dạy Toán nên đã sử dụng trí óc nhiều quá. Cô đành phải không cho thầy sử dụng máy vi tính, sợ thầy quên rủi làm hư hay mất những hồ sơ của cô. Thầy rất hiền, ngồi cười nghe cô nói mà không phát biểu điều gì.
Ngồi chơi, trò chuyện chừng 20 phút, chúng tôi tặng quà, chúc Tết và cáo từ thầy Long. Điểm đến kế tiếp là thăm cô Điển.

Thăm thầy Phó Đức Long
(nhìn thấy thầy rất trẻ, hỏi ra thầy đã trên 80, nhờ nhuộm tóc nên coi trẻ như 60, nhưng thật ra cô nói trí nhớ thầy cũng kém)

Thăm cô Nguyễn Thị Điển:


Chúng tôi đến thăm cô Điển ở nhà thuốc của cô. Năm trước cô bị strock, năm nay có vẻ khá hơn tuy giọng nói thì không còn trong trẻo. Tuy lớn tuổi và không cần income, nhưng cô vẫn thích ra nhà thuốc làm việc cho vui. Cô cám ơn đoàn CHS đã đến chúc Tết sớm và chúng tôi cùng với cô chụp một tấm ảnh kỷ niệm.


Thăm cô Nguyễn thị Điển tại nhà thuốc của cô

Thăm thầy Đỗ Anh Tài:


Hơn 3 giờ trưa, chúng tôi đến thăm thầy cô Đỗ Anh Tài thuộc thành phố Stanton. Đây là một khu gia cư riêng biệt, sang trọng, ra vào phải bấm số code an ninh. Thầy Tài cho biết hiện nay người Việt ở khu nầy rất nhiều và đã được bầu vào Ban Quản Trị khu phố.
Đón tiếp chúng tôi, thầy cho biết vẫn nhớ hoài các em CHS THĐ, vì hội đã tặng thầy bức tranh thư pháp nhân cuộc họp năm 2014 và thầy vẫn treo ở phòng khách.
Về sức khỏe thầy cho biết thầy bị đau thoái vị dĩa đệm cột sống, làm cho chân trái bị tê và đi đứng khó khăn. Còn cô thì trước đây đã phải mổ để thay khớp xương đầu gối của chân phải. Sau thời gian tập luyện cô đã đi đứng khá hơn xưa. Thầy thì cũng bớt nhưng không biết về sau sẽ như thế nào. Anh Diệp nói anh có sử dụng một loại máy rung dưới chân và có ảnh hưởng tới dây thần kinh tọa, xài thấy cũng tốt. Thế là đồng bịnh tương lân, hai thầy trò nói về chuyện nầy rất tương đắc.
Cô đãi chúng tôi món bánh khoai mì và bánh bò. Cô nói cô tự làm và làm dễ lắm. (Thật ra, đối với nhiều người chuyện nữ công không dễ dàng gì). Cô còn chỉ cho các anh chị cách cắt củ thủy tiên, một thú vui tao nhã của người Việt. Cô nói rất dễ nhưng thật ra, mấy năm trước Tâm có thử làm mà thấy rất khó thành công.
Cô khen CHS THĐ có lòng khi đến thăm thầy cô mỗi năm. Đó là một truyền thống tốt đẹp mà ít có hội đoàn CHS nào ở đây làm được.


Cùng thầy cô Đỗ Anh Tài (để ý trên tường phòng khách có treo bức tranh thư pháp do Hội CHS THĐ tặng)

Đến hơn 4 giờ chiều, chúng tôi chúc tết và giã từ thầy cô Đỗ Anh Tài, kết thúc chuyến Tết Thầy năm 2016.

Nhận xét:

Năm nay có một số thầy cô bận đi xa hay bận đám cưới nên chúng tôi không đến thăm được. Nhìn chung, tình cảm của thầy cô với cựu học sinh chúng ta rất thắm thiết, tới đâu chúng tôi cũng được tiếp đón nồng hậu và cho ăn bánh, uống nước và trò chuyện rất vui vẻ. Thầy cô Nguyễn Trí Thành còn cho chúng tôi ăn trưa, một bữa ăn thật thịnh soạn do cô tự nấu. Thật là quý biết bao!. Có một nhận xét buồn là nhiều thầy đã yếu, người thì bịnh thể chất, người thì bịnh tinh thần, tuổi quý thầy đã hơn 70 nên sức khỏe có yêu thì cũng là điều khó tránh, chúng ta nên cố gắng đến thăm thầy cô nhiều hơn để thể hiện tình quý mến và biết ơn người đã có công dạy dỗ mình.
Chị Bích Thủy, lần đầu tiên đi Tết thầy chung với đoàn đã phát biểu: “Đi vui quá, quý thầy cô tốt và vui vẻ quá. Nếu năm sau có dịp thế nào cũng ráng xuống đây để tham gia với anh chị”. Chị Bích Thủy, CHS khóa 4 là người ở San Jose – Bắc Cali. Trong dịp nầy, chị đã nhận 20 quyển đặc san THĐ xuân Bính Thân để đem về San Jose tổ chức họp mặt CGS và anh chị em CHS Bắc Cali cùng vui xuân và cùng đọc báo của hội. Hy vọng chị sẽ tổ chức thành công và sinh hoạt ái hữu Bắc Cali sẽ được khởi sắc.
Cảm tưởng của phóng viên là chúng tôi đã có một ngày vui và buồn. Vui là được gặp thầy cô, và được thầy cô tiếp đón rất thắm thiết như người trong một gia đình, buồn là thấy có thầy hơi yếu.
Dù sao cũng hy vọng mọi sự tốt lành như câu chúc Tết của chị Nguyễn thị Phương thay mặt đoàn gởi đến thầy cô: “Một năm mới nhiều sức khỏe, vạn sự cát tường”./.