Tết Thầy Nam Cali 2013

Phóng viên không chuyên nghiệp


Trong tinh thần nhớ ơn thầy cô, gần Tết Quý Tỵ 2013, cựu học sinh khoá 12 Trịnh Hoài Đức ở quê nhà sẽ tổ chức họp mặt ngày 27 Tết tại Bình Dương. Ở Houston, cũng có một buổi họp mặt CGS và HS chiều ngày 3/2/2013. Tại Nam Cali, trong hai ngày 2/2 và 3/2 các CHS ở đây đã tổ chức đến thăm viếng và chúc Tết sớm thầy cô tại tư gia. Phóng viên không chuyên nghiệp đã có mặt trong phái đoàn và xin gởi bài tường trình đến bạn đọc bốn phương.

****

Sáng ngày thứ bảy 2/2, nhóm CHS THĐ Nam Cali gồm các anh Nguyễn văn Diệp (K5), Trần văn Ngôi (K1), Từ Minh Tâm (K11) và chị Cẩm Hồng (K6) đã có mặt tại nhà anh Diệp. Do sức khoẻ kém năm nay anh Trần minh Tâm (K5) không tham dự được. CHS Nguyễn văn Thể (K12) có yểm trợ cho sinh hoạt của hội nhưng bị bận nên cũng không tham gia. CHS/K1 Nguyễn Ngọc Phát và CHS/K15 Dương Nam dự tính tham gia nhưng giờ chót bị bệnh bất ngờ nên không tháp tùng với phái đoàn được. Đặc biệt phóng viên thấy chị Cẩm Hồng mặc một chiếc áo dài thật đẹp. Thời tiết sáng hôm nay nắng ấm, nhiệt độ khoảng 18 độ C, thật lý tưởng cho một chuyến viếng thăm thầy cô. Sau khi nghe anh Diệp trình bày lộ trình thăm viếng của cả hai buổi sáng và chiều riêng biệt, đúng 9 giờ sáng phái đoàn xuất phát. Anh Diệp cho biết tổng số thầy cô ngụ tại Orange County và Los Angeles là 19 vị. Hiện tại chỉ có 10 gia đình gồm 13 thầy cô là sẵn sàng tiếp phái đoàn. Đầu tiên chúng tôi sẽ đến thăm thầy Cẩm và cô Đức.

1.    Thầy cô Nguyễn mạnh Cẩm & Nguyễn thị Đức:

Mười phút sau, chúng tôi có mặt tại tư gia thầy Cẩm và cô Đức. Thầy cô nay đã ngoài 80. Trước đây thầy đã qua một cơn trọng bịnh nhưng nhờ sự cố gắng của bản thân và sự chăm sóc tận tình của cô mà thầy đã qua cơn khó khăn. Cô đã hơn 80 tuổi mà vẫn còn tráng kiện. Cô có thể gói bánh chưng, làm bánh mứt ngày Tết... Chúng tôi được cô đãi ăn bánh mứt và cho xem một chiếc bánh chưng do cô nấu theo đúng cách thức cổ truyền (phải nấu hơn 10 giờ, bánh mới chín đều và đẹp).
Hôm nay thầy khoẻ mạnh và vui vẻ. Nhắc chuyện xưa hồi làm việc ở Trịnh Hoài Đức, thầy đố chúng tôi ai là người dạy nhạc cho học sinh THĐ những năm 1959-1060. Thầy trả lời luôn: đó là Giáo Sư Nam Phong. Thầy đố thêm: GS hay viết lên bảng tên Nam Phong và hàng chữ SACEM, Paris bên dưới. Đố các em hàng chữ nầy có nghĩa là gì?. Sau khi thấy chúng tôi không trả lời được, thầy Cẩm mới nói rằng đó là tên của Hội Sáng Tác Âm Nhạc ở Paris, Pháp. SACEM là viết tắt của chữ Société des auteurs compositeurs et éditeurs de musique ... Hội nầy rất lớn và hiện nay vẫn còn hoạt động. Người Việt Nam vô hội nầy rất ít và thầy Nam Phong có chân trong hội cũng là một danh dự.
Anh Ngôi cho biết thêm, những năm đầu 60, khi thi Trung Học Đệ Nhứt Cấp thì học sinh THĐ phải đi thi ở Sài Gòn. Kỳ thi có hai phần, sau khi đậu thi viết thì phải vào thi vấn đáp. Trong phần thi vấn đáp, ngoài thi sinh ngữ Anh hay Pháp, còn có thi môn nhạc lý. Do đó môn nhạc cũng quan trọng chớ không phái là một môn "ăn chơi" như sau nầy. Anh Ngôi còn nhớ, khi thi nhạc, người hỏi anh là nhạc sĩ Thẩm Oánh. Ông bắt học sinh phải biết xướng âm một đoạn nhạc. Thi cử ngày xưa khó như vậy nên ít người thi đậu, nhưng có được bằng cấp Trung Học thì đã rất có giá trị, không như ngày nay lạm phát bằng Tiến Sĩ. Đó là chưa kể bằng giả.
Tư gia thầy Cẩm & cô Đức rất rộng rãi và ngăn nắp. Cô nói nếu muốn hội họp mini thì có thể tổ chức ở nhà cô. Cô sẵn sàng cho mượn. Tấm lòng của cô thật đáng quý.
Sau khi chúc Tết và tặng thầy cô một vài món quà, chúng tôi tiếp tục lên đường đến thăm thầy Đỗ Anh Tài.


Thầy Cẩm, anh Ngôi, Diệp, cô Đức, Cẩm Hồng

2.    Thầy Đỗ Anh Tài:

Từ nhà thầy Cẩm, chúng tôi chỉ đi khoảng 10 phút là tới tư gia của thầy Đỗ Anh Tài. Nhà thầy Tài nằm trong một khu riêng biệt, muốn vào thăm phải biết số mật mã ở ngoài cổng. Thầy tươi cười đón chúng tôi và mời vào nhà uống trà và ăn bánh mứt do cô làm. Thầy Tài dạy môn Việt Văn và Triết ở trường Trịnh Hoài Đức khoảng năm 1965-1968. Học sinh đặc biệt mà thầy nhớ là anh Trịnh Phi Anh, người học rất giỏi. Phu nhân thầy Tài là một cựu nữ sinh Gia Long và cũng là một dược sĩ. Qua chuyện trò mới biết cô có một tài rất đặc biệt là biết cách cắt củ thuỷ tiên để chưng tết. Cô cho biết là đã từng hướng dẫn nhiều nhóm CHS Gia Long về thú vui tao nhã nầy. Nghe vậy Cẩm Hồng và Minh Tâm tíu tít theo cô để được chỉ dẫn cách mua củ, cắt lá … Cô còn tặng chúng tôi một tài liệu về cách thực hiện thú vui đầy hấp dẫn nầy. Hy vọng sau chuyến viếng thăm nầy, hai người bạn của chúng ta sẽ làm được những bình thuỷ tiên xinh đẹp để chưng trong ba ngày tết.
Sau khi tặng quà và chúc tết sớm thầy cô Đỗ Anh Tài, chúng tôi tiếp tục lên đường đến nhà thuốc tây Vân  thăm cô Điển.


Anh Diệp, thầy Đỗ anh Tài, anh Ngôi, chị Cẩm Hồng, phu nhân thầy Tài

3.    Cô Nguyễn Thị Điển:

Khi anh Diệp đang loay hoay đậu xe vào chỗ thì chúng tôi thấy cô Điển cũng vừa về tới. Như vậy là may mắn rồi!. Cô mời chúng tôi vào nhà thuốc tây Vân để đàm đạo. Cô Điển cho biết cô dạy Trịnh Hài Đức khoảng năm 1960-1962. Lúc đó cô là sinh viên Dược Khoa Sài Gòn. Thầy hiệu trưởng Đặng Trần Thường là người anh họ của cô và khuyên cô nên dạy một số giờ môn Lý Hoá tại trường vào hai ngày cuối tuần. Sau nầy khi lên năm thứ ba ngành Dược, bài vở nhiều hơn thì cô cũng nghỉ dạy. Cô qua Mỹ năm 1986, sau đó học lại và mở nhà thuốc tây Vân trong khu Little Saigon.
Sau khi tặng quà và chúc Tết cô Điển, chúng tôi đến thăm thầy Phó đức Long ở gần đó.


Thăm viếng cô Điển

4.    Thầy Phó đức Long:

Khi chúng tôi đến nhà thầy Long thì thấy thầy đang đứng ở trước nhà để đợi. Điều gây ấn tượng nhiều nhứt về tư gia của thầy Long là trước nhà của thầy có trồng rất nhiều hoa mười giờ (Mỹ). Lúc nầy gần giữa trưa, hoa nở màu tím rất đẹp. Thầy mời chúng tôi vào nhà chơi. Trong khi nói chuyện thời sự, chúng tôi mới biết rằng thầy là một chứng nhân rất quan trọng trong biến cố Phật Giáo làm sụp đổ chế độ Đệ Nhứt Cộng Hoà khi thầy đi chấm thi ở Huế, dịp Phật Đản năm 1963. Thầy đã thấy tận mắt một sự kiện rất then chốt trong vụ nầy. Tuy nhiên thầy rất khiêm nhường và nói rằng: “Dù tôi và một người bạn đã thấy tận mắt, nhưng có nói ra thì cũng không ai tin”. Câu chuyện của thầy tiết lộ những điều bí mật rất lý thú nhưng không tiện viết ra ở đây. Phóng viên xin hẹn bạn đọc một dịp khác khi có điều kiện sẽ viết ra để quý bạn cùng biết. Thầy Long cũng là chứng nhân của nhiều sự kiện ở Trịnh Hoài Đức. Cũng không tiện nói và hứa với bạn dịp khác. Riêng các CHS “tò mò” mà ở Nam Cali, thì nên đi họp mặt CHS thường xuyên và nếu có dịp gặp thầy Phó đức Long thì có thể hỏi thầy trực tiếp. Chắc chắn bạn sẽ biết được nhiều điều thú vị từ một vị giáo sư khả kính, biết nhiều mà kín đáo.
Sau khi tặng quà và chúc tết thầy Long, chúng tôi đi ăn trưa vì lúc nầy “kiến đã cắn bụng”. Anh Ngôi từ giã vì có việc bận. Phái đoàn chỉ còn có ba người nhưng không sao, trưa nay sẽ có người bổ sung.


Bãi hoa mười giờ thật đẹp trước nhà thầy Phó đức Long

5.    Thầy Nguyễn Trí Lục và Cô Hà Thị Liên:

Ăn trưa xong, lúc 1 giờ, chúng tôi đến thăm thầy Lục và cô Liên tại tư gia ở Fountain Valley. Thầy cô mời vào nhà nói chuyện vãn một chút, sau đó cùng tháp tùng với chúng tôi đến thăm thầy Bùi Thế San. Về sức khoẻ thầy cô, thời gian qua thầy Lục bị một tai biến mạch máu não nhưng nhẹ nên vẫn sinh hoạt bình thường trừ việc lái xe. Còn cô Liên cũng đã bắt đầu nghỉ hưu. Thầy cô cũng rất quan tâm, và lo lắng khi nghe tin thầy Lê tấn Lộc bị bịnh nặng phải vô bịnh viện để cấp cứu. Thầy cô hy vọng bịnh của thầy Lộc sẽ không bị tái phát. Thầy cô của chúng mình nay đã hơn 70 tuổi, sức khoẻ cũng yếu dần, nếu có cơ hội chúng ta nên thăm viếng thường xuyên để tỏ tấm lòng thương mến và tri ân.
Lúc 1:30, năm người chúng tôi lên đường đến thăm viếng thầy Bùi Thế San.

6.    Thầy Bùi Thế San:

Nhà thầy San ở Pico Riviera, cách Little SaiGon khoảng 25 phút lái xe. Điều gây ấn tượng nhứt cho chúng tô là trước nhà của thầy có một cây quít ra trái đầy cây. Cả ngàn trái chớ không ít!. Cây ra trái thật đẹp. Thế là chị Cẩm Hồng, cô Liên và phái đoàn có dịp chụp những tấm hình rất đẹp.
Cô Nga, phu nhân của thầy San đón chúng tôi vào thăm thầy. Hơn hai mươi năm qua, bịnh tình của thầy San không tăng không giảm. Thầy yếu nhưng không bịnh nặng. Khi nghe chúng tôi đến thăm, thầy rất mừng và cũng hơi tiếu lâm. Khi chỉ cô Liên và hỏi ai đây thì thầy trầm ngâm một chút và nói: “Vợ ông hiệu trưởng”. Còn khi hỏi thầy Lục thì thầy San lại nói: “Chồng của cô Liên!!!”.
Cô Nga mời chúng tôi ra phòng khách để trò chuyện. Cô còn đãi chúng tôi ăn bánh uống trà … Trong lúc chuyện trò, phóng viên rất ngạc nhiên khi nghe tin thầy Nguyễn Hiển (dạy Pháp Văn) vẫn mạnh khoẻ và đang sống rất hạnh phúc ở Việt Nam. Vậy mà lâu nay CHS cứ đồn đoán rằng thầy đã mãn phần. Hy vọng trong tương lai CHS chúng ta sẽ liên lạc được với thầy.  Ngoài ra, có thêm tin: sau khi thầy Tô Hoà Dương mãn phần, cô Châu thị Đẹp cũng đã về Việt Nam để dưỡng già.
Trước khi từ giã thầy Bùi Thế San, cô Nga còn cho phép chúng tôi hái một số trái quít có cành (nguyên chùm) để dành chưng Tết thì bảo đảm sẽ rất đẹp.
Từ nhà thầy San, chúng tôi tiếp tục lên đường thăm viếng thầy Minh và cô Cam.


Anh Diệp, Cẩm Hồng, cô Nga, cô Liên, thầy Lục phía sau là cây quít thật nhiều trái

7.    Thầy Võ văn Minh và cô Cam:

Nhà thầy cô ở thành phố West Covina, cách Little Saigon khá xa. Chúng tôi phải đi gần 45 phút mới tới. May nhờ có cái máy chỉ đường chớ thật ra đường sá cũng lạ, khó kiếm. Tới nhà thầy cô vào khoảng 3:30 trưa. Thầy cô vui vẻ đón phái đoàn vào nhà chơi, uống trà và nhắc chuyện xưa.
Thầy cô dạy ở Trịnh Hoài Đức lúc thầy Nguyễn Trí Lục làm hiệu trưởng. Sau đó thầy cô xin thuyên chuyển về quê của thầy ở Kontum. Cô Cam là bạn học của cô Ngọc Sương và cô Phi. Cô nói : “Hồi nhỏ sao gan quá. Ba nữ sinh miền Nam còn trẻ mà dám đi xe lửa ra Huế để trọ học chữ Nho. Lúc đó học Tứ Thư, Ngũ Kinh, Luận Tử … rất khó mà sao cũng học thuộc hết”.
Về món ăn ngày tết, cô còn chỉ cho chúng tôi cách nấu bánh tét nữa. Cách nấu của cô đơn giãn và chỉ cần nấu 5 giờ là có bánh. Buổi trò chuyện cũng rất vui vẻ và thoải mái. Khi chúng tôi tặng quà và chúc Tết thầy cô thì lại được cô tặng lại mỗi người một phần quà là bánh tét, bánh ít và lì xì mỗi người một tờ vé số. (Tối hôm đó Minh Tâm dò số thì thấy trúng được 2 USD). Như vậy là may mắn lắm rồi.
Trước khi ra về, cô Cam còn dẫn ra sau nhà coi cây bưởi của cô. Cây bưởi nầy thật sai trái. Cây chỉ cao chừng 4 mét mà có cả trăm trái chớ không ít!. Thế là mỗi người lại được tặng mấy trái bưởi có cuống để chưng Tết.
Từ giã thầy cô, anh Diệp đưa thầy Lục và cô Liên về  tới tư gia ở Little Saigon thì cũng đã gần 6 giờ chiều. Phóng viên về tới nhà cũng gần 7 giờ tối. Sáng mai còn tiếp tục thăm viếng vài thầy cô nữa mới hoàn tất.


CHS Cẩm Hồng, Diệp, Tâm, thầy Lục, cô Cam, thầy Minh

8.    Thầy Nguyễn Trí Thành:

Sáng ngày chủ nhựt 3/2, phóng viên tới nhà anh Diệp để chuẩn bị đi thăm thầy Nguyễn trí Thành. Phái đoàn hôm nay có 4 người: anh Diệp, Minh Tâm, Cẩm Hồng và Vương Gái (K9).
Chúng tôi đế nhà thầy Thành ở Huntington Beach lúc hơn 10 giờ sáng. Thầy cô mời vào thăm nhà và thầy trò chuyện trò rất tâm đắc.
Thấy có bức ảnh chụp hơn 100 người với hàng chữ Văn Lâm Nguyễn Tộc, Lý Triều Hậu Duệ, phóng viên mới hỏi thầy ý nghĩa thì thầy Thành cho biết đây là hình chụp gia tộc của thầy ở Mỹ. Theo gia phả, tộc của thầy nguyên là họ Lý con cháu của các vua triều Lý. Khi Thái Sư Trần thủ Độ ‘đảo chánh” lập ra triều Trần thì các hoàng thân họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn, sinh sống tại làng Văn Lâm và lưu truyền tới ngày nay. Trong tộc của thầy có người trên 90 tuổi nhưng về vai vế thì thầy Thành đứng hàng thứ hai. Phóng viên thấy có thầy Nguyễn Trí Lục trong hình nữa. Chắc thầy Lục đứng hàng thứ ba sau thầy Thành.
Về chuyện nầy, phóng viên chợt nhớ tới chuyện hoàng tử Lý Long Tường đã lưu vong qua Đại Hàn và có công giúp người Đại Hàn chống xâm lược Mông Cổ. Ở Đại Hàn, hậu duệ họ Lý rất thành công và có cả ngàn người. Họ đã tìm về Việt nam để “nhận tổ quy tông”.
Sau đó, thầy cô đãi chúng tôi bánh chưng do cô tự tay nấu. Thêm vào đó là bánh pate chaude, sương sa … Phu nhân của thầy Thành rất khéo tay. Cô nấu bánh chưng rất ngon mà trình bày dĩa bánh sương sa cũng rất đẹp mắt.
Biết hội chúng ta có tổ chức gởi quà cho thầy cô ở VN, thầy Thành còn gởi tặng cho Hội 100 đô la. Thầy nói của ít lòng nhiều, thầy gởi chút đỉnh để giúp cho hội có quỷ mà chi phí cho việc chung. Tấm lòng của thầy cô Nguyễn Trí Thành thật là quý hoá. Không biết CHS chúng em làm sao để tri ân cho hết!
Thưởng thức các món ăn của cô nấu xong, thầy cô còn tặng anh Diệp, Cẩm Hồng và Vương Gái mỗi người một cành đào để chưng Tết (Minh Tâm không nhận vì có nguyên một cây đào sau nhà). Sau đó cô còn gói tặng mỗi CHS một gói quà nhỏ gồm bánh và mứt để đem về.
Chơi ở nhà thầy Thành hơn một giờ, chúng tôi chúc Tết thầy cô và đi ngược trở lại khu Little Saigon để thăm cô Ngọc Sương.


Thăm thầy Nguyễn trí Thành

9.    Cô Nguyễn Thị Ngọc Sương:

Cô Nguyễn thị Ngọc Sương và phu quân từ Việt Nam đi du lịch để thăm con gái đang định cư tại Mỹ và cư ngụ ở khu Little Saigon. Do nhà hơi khó kiếm nên khi chúng tôi đến thì cô Sương đã đứng ở ngoài lề đường để đón. Nhà con gái cô Sương nằm ngay trung tâm khu Việt Nam nên cũng thuận tiện. Cô Sương dạy Việt Văn các khoá 11, 12 trở về sau. Cô rất vui khi thấy chúng tôi đến thăm viếng và mời chúng tôi ăn mứt, uống trà. Cô nói: “Bây giờ lớn tuổi rồi, đi xa không tiện. Năm nay có dịp thăm con gái chớ không biết sau nầy có dịp đi nữa hay không. Dù sao, ngày Tết ở xứ lạ quê người mà có CHS đến thăm và tặng quà thì cô rất vui. Khi về VIỆT NAM thế nào cô cũng khoe với các thầy cô bên nhà về tình cảm của CHS THĐ ở hải ngoại”.

Thăm cô Sương xong thì cũng tới giờ trưa. Minh Tâm từ giã phái đoàn vì bận chuyện.


CHS Cẩm Hồng, Vương Gái, cô Ngọc Sương, Tâm, Diêp và phu quân cô Sương

10.    Thầy Nguyễn Thanh Liêm:

Do thầy Liêm bận tiếp khách nên phái đoàn CHS THĐ không hẹn được để đến thăm thầy. Tuy nhiên buổi chiều ngày chủ nhựt 3/2, anh Diệp đã hẹn được và đến thăm thầy. Thầy rất mừng và nói: “Sao cho quà nhiều vậy!.”

Chương trình Tết thầy năm nay khép lại ở đây. Còn một số thầy cô do hoàn cảnh đặc biệt mà CHS không thăm viếng được như quý thầy Đoàn văn Vượng, Đinh Đức Vượng (đang bịnh cúm), cô Nguyễn Thị Thịnh (đi xa tận Las Vegas), cô Đoàn Ngọc Liên, cô Vương Kim Phụng (không biết địa chỉ). Hy vọng sang năm chúng ta sẽ có dịp thăm các thầy cô nầy. Một nhận xét là thầy cô rất vui khi thấy có CHS THĐ còn nhớ đến mình. Nhiều thầy hỏi về đặc san xuân Quý Tỵ, tiếc rằng chúng ta chỉ có báo đọc trên mạng mà không có tiền nhiều để in báo giấy. Ước gì sang năm chúng ta có thêm tờ báo xuân để tặng quý thầy cô thì quà Tết của chúng ta mới thật sự đem lại niềm vui cho thầy cô trong năm mới.

Bài tường trình tới đây xin kết thúc, kính chúc quý thầy cô và anh chị CHS một năm mới nhiều sức khoẻ, vạn sự như ý.
(2/2013)

Mời xem thêm hình trong phần Hình Ảnh