Tết Tây, Tết Ta...
Cao Quế Lâm
Tôi lách người, chen chân vào chiếc bàn nhỏ trong góc
của tiệm cà phê. Từ góc nhỏ ấm cúng này vừa có thể ngắm hoàng hôn rơi trên
biển, vừa có thể nhìn thiên hạ ngược xuôi mua sắm. Không khí Giáng sinh mang
một sinh khí mới làm khu thương xá nhộn nhịp hẳn lên. Mấy cô cậu bàn kế bên
cạnh đang rôm rả bàn tán kế hoạch đi chơi mùa lễ. Cậu tóc vàng khoe ông bố
mới mua chiếc SUV cáo cạnh, cậu hỏi mượn đi Las Vegas đón giao thừa, chắc
bố không nỡ từ chối. Cô bé Á Đông đeo kính cận dễ thương đề nghị đi xem Diễn
hành Hoa Hồng cho gần. Người kế tiếp ra ý kiến đi trượt tuyết trên núi Big
Bear. Thế là cuộc tranh cãi nổ ra như gánh hàng xén….Tôi cười thầm, bất giác
nhớ lại những lần đón mừng năm mới đã qua……
Hồi mới định cư, tôi không có dịp đi chơi nhiều. Phần
vì công việc mưu sinh, phần vì bài vở đèn sách ở trường. Cho nên khoảng thời
gian trống duy nhất trong năm là sau Giáng sinh cho đến đầu năm. Ngày nọ,
hai cô em họ lanh lợi con cậu Tám tui hỏi rằng có bao giờ đi đón giao thừa
trên Las Vegas chưa. Y như rằng câu trả lời nhanh chóng và ngắn gọn của tui
là: chưa. Thế là hai cô nàng “giảng “ tiếp: không đi là tiếc lắm, là mất
đứt một phần tư cuộc đời đó Lâm... Gì chịu được chứ “quê” thì không chịu
được, mà tui thì thuộc dạng “dễ quê “, mà đã quê thì rất khó huề, mà tới
chừng dẫu có huề rồi thì cũng vẫn còn quê. Thế là tui hỏi kỹ, ghi rõ, tra
cứu cẩn thận cuốn bản đồ dầy như cuốn tự điển đường đi nước bước lộ trình
đi Las Vegas. Chiều ngày cuối năm, ba má con tui và bà dì thứ bảy khăn gói
quả mướp hồ hởi “lên đàng”. Khởi hành lúc một giờ chiều nhưng đến được “
thánh địa” là đã 10 giờ đêm. Tới chừng đó mới nhớ là chưa có phòng ngủ. Loanh
quanh, lật bật hồi lâu rồi cũng kiếm được cái phòng nhỏ xíu gần phi trường
với giá cắt cổ $150 một đêm. Yên vị đâu đó, gia đình tui tấp vô sòng bài
đầu tiên Escalibur. Hồi chưa đi thì nghe nói Las Vegas rực rỡ đông vui, mà
sao khi lên tới nơi thì sao thấy buồn hiu vậy cà ? Ngó quanh quẩn trong casino
chỉ lèo tèo mấy ông bà già Mỹ đang miệt mài kéo máy. Nhưng kệ, má con, dì
cháu tui cũng đâu có thời gian phân tích chi tiết, chơi trước đã. Hồi đó,
khi trúng thưởng thì không có in ra tờ giấy để đổi tiền như bây giờ, mà tiền
25 cents hay 1 đôla rớt thẳng vào hộc đựng tiền. Tiếng máy reng in ỏi, lao
xao cộng với tiếng tiền rơi tạo thành âm thanh vui tai và phấn khích. Má
tui và dì Bảy mặt mày tươi rói, ôm mấy hủ tiền chạy lăng xăng ra chiều phấn
khởi lắm. Lần đầu đi kéo máy ăn tiền mà. Chừng 3 giờ sáng, mắt mở không lên,
mệt rồi, chúng tôi rời casino. Lần này tui lái xe ra cổng trước, cắt ngang
bởi Las Vegas boulevard. Đang híp mắt buồn ngủ nhưng cả xe cùng bừng tỉnh
vì quang cảnh hai bên đường nhìn khủng khiếp quá. Chai lọ, cờ xí, biểu ngữ…
cả ngàn thứ rơi rớt, lăn lóc, hỗn độn như một trận bão vừa đi qua. Tấp vô
bên lề, hỏi ra thì người cảnh sát cho biết là thành phố vừa mới count down,
đón mừng năm mới. À, thì ra khi mà chúng tôi bước vào và thấy casino vắng
ngắt thì cũng là lúc mà tất cả mọi người đã tràn ra đường count down. Tui
đã quên mất tiêu mục đích lên đây của mình là gì rồi. Giờ khi chúng tôi bước
ra thì mọi người đã về ngủ hết rồi sau một cuộc vui lúc nửa đêm. Thiệt là
tiếc….Mãi sau này tôi mới biết là năm nào cũng vậy, từ chiều hôm 31 tháng
12, mọi ngả đường dẫn vào Las Vegas strip đều bị phong tỏa, chỉ được phép
có người đi bộ thôi, còn xe cộ tuyệt đối bị cấm lưu thông. Cuộc vui cuồng
loạn của những người trẻ tuổi mở màn từ chập tối và cao điểm là vào thời
khắc giao hòa năm cũ và năm mới. Từ đó đến nay, tôi đã đến Las Vegas, thành
phố được mệnh danh là “ thiên đàng cay nghiệt, mà cũng là địa ngục rực rỡ
“ không biết bao nhiêu lần, dự phần không biết bao nhiêu cuộc vui bốn mùa,
nhưng cảm giác vừa quê quê, vừa tẽn tò của lần đầu tiên vẫn chưa bao giờ
rời xa. Nó như một kỷ niệm vui vui của những ngày đầu tôi tập tễnh hội nhập
nơi xứ người.
Thật ra cuộc vui đón mừng năm mới ở Las Vegas cũng chỉ
là một trong muôn ngàn cuộc vui diễn ra trên khắp thế giới trong đêm giao
thừa (Dương Lịch). Nếu nói về mức độ độc đáo thì Diễn Hành Hoa Hồng (Rose
Parade) tổ chức ở thành phố Pasadena, Los Angeles là có một không hai. Truyền
thống của cuộc diễn hành là năm nào cũng vậy, vào ngày đầu năm mới Dương
lịch hàng mấy chục xe hoa vĩ đại trang trí theo chủ đề chọn sẵn bằng hàng
trăm loại hoa tươi đủ màu cùng diễn hành trên đại lộ Colorado khoáng đãng.
Xen kẽ là các đội kèn và các đội biểu diễn của các trường trung và đại học
xuất sắc nhất trong năm trên toàn nước Mỹ. Sau Giáng sinh, tất cả các phòng
của khách sạn lớn nhỏ trong vùng đều được đặt kín từ trước. Hàng ngàn người
từ khắp nơi trên thế giới căng lều, cắm trại xí chỗ tốt trên suốt 5 dặm đường
mà đoàn diễn hành sẽ đi qua từ khoảng 28, 29 tháng 12 vì phần thì không còn
phòng khách sạn, phần thì “ghiền” cảm giác “ngủ bụi”. Mỗi một chiếc xe có
mặt diễn hành là cả một quá trình vận động không ngừng nghỉ và cũng là sự
hãnh diện của cả một tập thể gắn bó. Này nhé, xe hoa được khởi đầu từ ý tưởng
của tập thể đó, rồi trình lên ủy ban để được duyệt qua, thông thường thì hai,
ba năm sau mới biết có được chấp thuận hay không. Nếu được duyệt đậu thì
bắt đầu chạy…. tiền để biến ý tưởng đó thành hiện thực. Lúc đó, cả một đội
ngũ thiết kế, kỹ sư, đồ họa.. cùng lao vào công việc ngày đêm để làm khung
và cả trăm ngàn các chi tiết đi kèm. Hàng trăm loại hoa tươi được đặt từ
các nông trại đặc biệt ở Mỹ và Châu Âu. Giữa tháng 12 là phần cuối cùng để
cắm hoa trang trí phần khung sắt. Mỗi một centimet đều được phủ bằng một bông
hoa tuyệt đẹp. Lại thêm hàng ngàn thiện nguyện viên từ các công ty, trường
học các thành phố lân cận đến tiếp tay. Cuối cùng thì ngày ra mắt cũng đến.
Từ sớm tinh mơ, hàng mấy trăm ngàn người đủ mọi thành phần, sắc dân, không
phân biệt màu da, chủng tộc cùng chen vai ( và luôn cả chen lấn) để cùng
thưởng thức, hò reo… Sau nhiều năm đi hò reo “ké” cho những xe hoa...lạ hoắc
thì cuối cùng tui cũng may mắn ủng hộ được cho “gà nhà” là xe hoa của Cộng
đồng người Việt Nam chúng ta. Bạn cứ tưởng tượng xem: giữa một thành phố
xa lạ, chen chúc giữa một rừng người còn xa lạ hơn, thì khi gặp những biểu
tượng Việt Nam thì còn hạnh phúc nào bằng. Sướng rêm người đi chứ, mà nếu
dùng theo ngôn ngữ của cố văn sĩ Duyên Anh thì phải gọi là “ sướng rên mé
đìu hiu “. Tình cờ năm đó tui quen bốn cậu trẻ, mới sáng sớm mà thấy xốc xếch,
bơ phờ quá. Lại gần bắt chuyện, hỏi thăm thì ra bốn thằng em đi đón giao
thừa bên Las Vegas đến hai giờ sáng rồi chạy một mạch suốt bốn tiếng đồng
hồ về để kịp ủng hộ xe hoa Việt Nam. Thế là đám tụi tui ra sức vẫy cờ, ủng
hộ, hò reo, lan truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Bảo đảm những
cổ động viên chuyên nghiệp ăn lương cả trăm ngàn đô la một năm của đội bóng
rổ Lakers lừng danh cũng không “ làm việc” tận tình và có lương tâm như tụi
tui. Cho nên khi xe hoa đi qua rồi thì cũng là lúc tụi tui ngừng để…thở. Tụi
này chỉ giao trước là không nhận lương chứ đâu có giao là không được thở
đâu, thế là đứa nào đứa nấy nằm bò ra mà thở như chưa bao giờ từng được thở
trong cuộc đời này. Loay hoay lát sau nhìn lại để từ giã thì bốn thằng em
nằm lăn ra ngủ khò từ khi nào rồi. Thiệt là vô tư, hồn nhiên và cả chịu chơi
nữa. Tuổi trẻ mà !
Đó, người Mỹ đón giao thừa và mừng năm mới vậy đó. Hầu
như ai cũng cố làm cho mình một danh sách của những “lời hứa” (New Year Resolution).
Còn có thực hiện được hay không thì “ hạ hồi phân giải”. Những cuộc vui rồi
cũng tàn, mọi người trở về với thực tế đời thường. Nhưng xem chừng câu viết
chỉ đúng với những sắc dân khác, chứ đối với dân Việt nhà ta thì cuộc vui
chỉ mới bắt đầu. Vừa trở lại nhiệm sở vài hôm là anh chị em nhà mình đã mắt
tròn mắt dẹt nhìn lên tờ lịch trên tường, nhằm lên kế hoạch xin nghỉ ăn Tết
Nguyên Đán âm lịch với gia đình. Ở những tiểu bang, thành phố xa xôi trên
nước Mỹ thì dù không rực rỡ, rình rang bông hoa trang trí Tết nhưng hầu như
nhà Việt Nam nào cũng có mâm cơm cúng ngày đầu năm (âm lịch). Còn riêng vùng
Little SàiGòn thì khỏi phải bàn rồi. Thật vậy, bắt đầu từ sau rằm tháng Chạp
thì cả khu người Việt như được hâm nóng lên. Mãi lực tất cả hàng quán siêu
thị lên cao. Bất cứ giờ phút nào của những ngày cuối tuần trước Tết mà lỡ
lái phải lái ngang qua đường Brookhurst street hay Bolsa avenue thì coi như
không có đường ra. Nếu so mức độ kẹt xe thì đại lộ Las Vegas về đêm cũng
kém xa Little SàiGòn ban ngày. Càng cận Tết thì nhịp độ bận rộn càng lên
cao, mọi người như hối hả hơn. Đối với những người xa xứ thì những nơi thiêng
liêng, cầu nguyện như Chùa, Nhà Thờ lại là những nơi mà mọi người cảm thấy
ấm áp hơn trong những ngày giao thời cuối và đầu năm. Không gì hạnh phúc
hơn khi được thắp nén nhang dâng bàn thờ Phật và nhận lộc Chùa để được may
mắn cả năm trong đêm Giao thừa. Không gì tĩnh lặng và trân quí hơn là được
nghe lời giảng chân tình và nhận phong bao lì xì của vị linh mục trong ngày
đầu năm mới. Tôi xa quê hương chỉ vài tháng nữa là tròn ba mươi năm, ba mươi
mùa lá đổ mưa bay. Khi càng có tuổi thì những hào nhoáng, cuồng nhiệt của
những cuộc vui thâu đêm như càng rời xa. Bây giờ tôi trân trọng nhiều hơn
phong bao lì xì của những người cao niên ba mẹ, cậu mợ và cả những bậc chủ
chăn linh mục, nhà sư. Dù phong bao chỉ có tính cách tượng trưng, nhưng nó
như gói ghém trọn vẹn những tình cảm chân thật nhất mà tôi có thể có được.
… Tiếng lao xao xô đẩy bàn ghế kéo tôi về thực tại,
vợ con tôi tay xách nách mang sau một hồi mua sắm thỏa thích. Con bé hớp
ngụm cà phê, nhăn mặt chê cà phê gì mà đắng và lạnh tanh. Mấy cô cậu nhỏ
bàn bên cũng đã rời quán từ khi nào. Ngoài trời cũng đã tối đen, nhưng hình
như càng về đêm thương xá càng vui hơn. Ban nhạc đường phố bắt đầu biểu diễn,
thu hút khá đông khán giả. Mỗi người chúng tôi rời thương xá trong một tâm
trạng khác nhau. Con tôi vừa mua được những thứ nó thích mà không bị la,
vì sắp năm mới mà. Vợ tôi cũng vui vì đã hoàn thành được danh sách những
thứ cần mua. Còn tôi nhờ sự tình cờ mà có được những giây phút tĩnh lặng
để hồi tưởng những kỷ niệm đã qua. Với tay tôi bật nhạc, lại thêm một sự
tình cờ: tiếng hát Tuấn Ngọc trầm ấm vang lên :” ...Trời sắp Tết, hay lòng
mình đang Tết…”. Đúng là lòng tôi đang Tết mà.
California, ngày 9 tháng 12 năm 2018