Thủ Dầu Một, cơ hội và truyền thống

Nguyễn Đông A


Lúc trước tôi có quen một vài bạn trẻ đi học ở Sài Gòn, quê ở Tánh Linh, Bình Thuận, khi học xong họ không về quê lại chọn đất Bình Dương để khởi nghiệp, "đất lành chim đậu" và có lẽ họ đã chọn đúng. Mười năm sau, tôi đến thăm, thấy họ đã lập gia đình, có nhà cao cửa rộng, khang trang, cuộc sống sung túc, họ có vị trí xã hội, uy tín ở địa phương. Có thể do họ có tri thức, tài năng, năng nỗ, cộng thêm với "địa lợi" nên mới được như thế.
Cách đây hơn ba chục năm, tôi có quen với một người bạn sống ở Úc, thường về Việt Nam, mỗi năm đôi, ba lần tìm mua đồ mỹ nghệ thủ công, đóng kiện gửi tàu biển ra nước ngoài kinh doanh. Mỗi lần bạn về đều rủ tôi đi cùng, đến các làng nghề, lò, xưởng sản xuất. Lúc đầu do có quen với một anh, là chủ cơ sở sản xuất, lại là lãnh đạo chính quyền ở Long Thành, nên thường được đưa đi đây đó, đến các nơi có gốm sứ ở Long Thành và Biên Hòa mua hàng và cũng là để làm thủ tục xuất đi được thuận lợi. Nhưng sau này chúng tôi lại thường đi Bình Dương, bởi hàng mỹ nghệ nơi đây đẹp, khá mỹ thuật, đặc biệt là sơn mài. Thế là tôi có dịp đi lại, tìm hiểu về Bình Dương.
Tỉnh Bình Dương thuộc miền Đông Nam Bộ. Nói đến Bình Dương, có lẽ người Sài Gòn khá quen thuộc với các vườn trái câу ở Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương, bởi chúng gần Sài Gòn, nhiều người thường đến vào mùa trái chín, thời gian từ tháng năm đến tháng tám. Không gian vườn rộng rãi, mát mẻ nên khách đến đây để thư giãn và ăn trái ăn. Thời điểm này vườn có rất nhiều loại cây trĩu quả. Vườn được chia thành nhiều khu vực, mỗi nơi chuуên trồng một loại quả khác nhau như nhãn, chôm chôm, bòn bon, mít tố nữ, ѕầu riêng, măng cụt. Khách được tự taу hái ᴠà thưởng thức trái câу tươi ngon ngaу tại ᴠườn.
Bình Dương có hệ thống sông ngòi và tài nguyên thiên nhiên phong phú, có ba con sông lớn, sông Bé, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và phụ lưu của nó là sông Thị Tính chảy qua địa phận, có nhiều rạch ở các địa bàn ven sông và nhiều suối nhỏ. Do vậy, Bình Dương có thể nối với các cảng lớn ở phía nam và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giao thương hàng hóa.
Bình Dương là một tỉnh nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa sườn phía nam của dãy Trường Sơn, nối nam Trường Sơn với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh bình nguyên có địa hình tương đối bằng phẳng, lượn sóng từ cao xuống thấp dần từ 10 đến 15m so với mặt nước biển, gồm các vùng như: vùng thung lũng bãi bồi, vùng địa hình bằng phẳng, vùng địa hình đồi thấp. Đất Bình Dương rất đa dạng về chủng loại. Các loại đất như đất xám, đất nâu vàng, đất phù sa glây: đất dốc tụ và đất thấp mùn. Bình Dương còn là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi chứa đựng nhiều loại khoáng sản nằm dưới lòng đất. Tỉnh có nhiều đất cao lanh, đất sét trắng, đất sét màu, sạn trắng, đá xanh, đá ong nằm rải rác ở nhiều nơi, nhưng tập trung nhất là ở Dĩ An, Tân Uyên, Thuận An và Thủ Dầu Một.
Khí hậu mang đặc điểm nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, nắng nóng mưa nhiều, độ ẩm khá cao, với hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô, có hai hướng gió, gió tây – tây nam trong mùa mưa và hướng gió đông – đông bắc trong mùa khô. Bình Dương hầu như không có bão, mà chỉ bị ảnh hương những cơn bão gần. Do đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm và đất đai màu mỡ, nên rừng ở Bình Dương xưa rất đa dạng chủng loại với những khu rừng liền khoảnh, bạt ngàn. Rừng có nhiều loại gỗ quý như căm xe, sao, trắc, gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương...
Tính đến năm 2019, toàn tỉnh có 2.455.865 người. Đây là tỉnh có tỷ lệ gia tăng dân số cơ học rất cao, hơn 50% dân số của tỉnh Bình Dương là dân nhập cư. Trên địa bàn Bình Dương có khoảng 15 dân tộc, đông nhất là người Kinh, sau đó là người Hoa, người Khmer. Toàn tỉnh có 13 tôn giáo khác nhau, nhiều nhất là Công giáo có 108.260 người, Phật giáo có 58.220 người.
Bình Dương trước kia là một phần của tỉnh Thủ Dầu Một xưa. Tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập năm 1899 từ Sở Tham biện Thủ Dầu Một, tách ra từ tỉnh Biên Hòa. Tỉnh Thủ Dầu Một được chia thành ba quận: Châu Thành, Hớn Quản, Bù Đốp. Lúc này, làng Phú Cường vừa đóng vai trò là quận lỵ quận Châu Thành vừa là tỉnh lỵ tỉnh Thủ Dầu Một. Dân số vào năm 1930 là 6.700 người.
Năm 1956, Việt Nam Cộng hòa giải thể tỉnh Thủ Dầu Một để thành lập các tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long. Năm 1976, chính quyền mới hợp nhất ba tỉnh trên thành tỉnh Sông Bé, đến cuối năm 1996 lại tách ra thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước.
Khi vừa tái lập tỉnh Bình Dương, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Thủ Dầu Một. Năm 2007, công nhận Thủ Dầu Một là đô thị loại III. Năm 2014, công nhận là đô thị loại II. Năm 2017, công nhận là đô thị loại I. Ngoài ra năm 2017, còn công nhận 2 thị xã Dĩ An và Thuận An của Bình Dương là đô thị loại III. Năm 2020, nâng lên thành hai thành phố, do đã đạt 5 tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính, phân loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển. Năm 2018, công nhận thêm 2 thị xã Bến Cát và Tân Uyên là đô thị loại III, nhưng chưa phải là thành phố, vẫn là thị xã. Hiện nay, tỉnh Bình Dương có 9 đơn vị hành chính gồm 3 thành phố, 2 thị xã và 4 huyện trực thuộc.
Thành phố Thủ Dầu Một là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính trị của tỉnh Bình Dương và là một trong những trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc chỉ cách Sài Gòn khoảng 30km cũng là lợi thế về mặt địa lý rất đáng kể của Thủ Dầu Một.
Thành phố Thủ Dầu Một nằm ở phía tây nam tỉnh Bình Dương, có sông Sài Gòn chảy men theo ở phía tây. Tương đối thuận lợi cho việc đi lại giữa các huyện, thị và cả nước qua Quốc lộ 13 và đường Mỹ Phước – Tân Vạn. Có thể nói thêm đoạn Quốc lộ 13 khi đi vào đô thị thì có tên khác là đại lộ Bình Dương, có 6 làn xe chạy, là trục đường huyết mạch có thể di chuyển đến Sài Gòn và các tỉnh Tây Nguyên, cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn là trục đường chuyên vận chuyển hàng hóa từ tỉnh Bình Dương đến Sài Gòn. Hiện nay hầu hết các khu công nghiệp trên địa bàn Thủ Dầu Một đều chọn con đường này để xuất, nhập kho. Ngoài ra còn có trục đường Phạm Ngọc Thạch và Hùng Vương, nối liền các khu dân cư hiện tại của thành phố với các khu đô thị mới trong tỉnh.
Thủ Dầu Một là thành phố tương đối đặc biệt, không có xã, tất cả các đơn vị hành chính đều là phường. Hiện nay, thành phố quản lý 14 phường, gồm: Chánh Mỹ, Chánh Nghĩa, Định Hòa, Hiệp An, Hiệp Thành, Hòa Phú, Phú Cường, Phú Hòa, Phú Lợi, Phú Mỹ, Phú Tân, Phú Thọ, Tân An, Tương Bình Hiệp. Phường Phú Cường là trung tâm của thành phố. Trong khi đó phường Hoà Phú lại là trung tâm khu đô thị mới, tỉnh đặt cơ quan hành chính. Tính đến năm 2020, Thủ Dầu Một có số người đăng ký cư trú là 351.893 người, diện tích tự nhiên là 118,67 km2. Tuy nhiên, nếu tính cả số người sinh sống nhưng chưa đăng ký cư trú thì con số có thể lên đến 502.976 người.
Trước đây một số người cho rằng tên "Thủ Dầu Một" có nguồn gốc từ tiếng Campuchia. Nhưng nhiều người khác thì nói, "thủ dầu một" là một cụm từ tiếng Việt được tạo thành từ sự kết hợp của hai thành tố, "thủ" có nghĩa là "giữ" và "dầu một" là tên đất, tên một loài thảo mộc. Theo truyền khẩu, đồn binh canh giữ tại huyện lỵ Bình An nằm trên ngọn đồi có cây dầu lớn quen gọi là cây "dầu một" nên tên gọi "Thủ Dầu Một" ra đời.
Dưới thời nhà Nguyễn, vùng đất Thủ Dầu Một ngày nay là trung tâm huyện Bình An, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa. Lỵ sở huyện Bình An khi đó đặt tại thôn Phú Cường thuộc tổng Bình Điền. Đến thời Pháp thuộc, huyện Bình An tách khỏi tỉnh Biên Hòa để thành lập tỉnh Thủ Dầu Một. Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chia tỉnh Thủ Dầu Một thành ba tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long. Tỉnh lỵ tỉnh Bình Dương đặt tại Thủ Dầu Một nhưng lúc này đổi tên thành Phú Cường về mặt hành chính thuộc xã Phú Cường, quận Châu Thành. Năm 1976, Thị xã Thủ Dầu Một trở thành tỉnh lỵ tỉnh Sông Bé. Cuối năm 1996, Thủ Dầu Một trở lại là tỉnh lỵ của tỉnh Bình Dương.
Hiện nay tại Thủ Dầu Một có bảy cụm, khu công nghiệp, tập trung phía bắc thành phố. Trong tương lai, Thủ Dầu Một sẽ tiếp tục phát triển Khu liên hợp Công nghiệp, Dịch vụ và đô thị Bình Dương, trở thành phân khu công nghiệp trình độ cao. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến như VSIP II, Sóng Thần 3, Mapletree Bình Dương. Định hướng phát triển của Thủ Dầu Một trong tương lai là đầu tư vào dịch vụ thương mại chất lượng. Tỷ trọng kinh tế sẽ chuyển dịch sang lĩnh vực này, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp.
Kinh tế mô hình dịch vụ thương mại tại thành phố có thể kể đến như đại lộ Bình Dương sầm uất. Đây là khu phố thương mại với sự hiện diện các chi nhánh ngân hàng lớn, con đường kinh doanh thời trang Yersin, phân khu nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí dọc con đường Hội đồng Mân, nay là đường Thích Quảng Đức, phân khu nhà hàng, khách sạn xung quanh tòa Becamex Tower, cụm du lịch, tổ chức lễ hội, giải trí tại khu vực Ngã Sáu. Đặc biệt "Vòng xoay Ngã 6", đây là biểu tượng xưa và nay mà bất kỳ người dân Bình Dương nào cũng biết, nó nằm ở khu trung tâm, được bao quanh bởi nhiều con đường, trong đó có hai con đường lớn, tên trước kia là Quốc lộ 13 và con đường mang tên bác sĩ Yersin. Nói thêm, bác sĩ Alexandre Yersin là người có rất nhiều đóng góp cho Việt Nam như tìm ra vacxin chữa bệnh, chữa bệnh miễn phí, đề xuất xây dựng Quốc lộ 1 A, 4 viện Pasteur ở Việt Nam, hiệu trưởng đầu tiên của Học viện Y Hà Nội.
Thành phố Thủ Dầu Một cùng với thành phố Dĩ An và Thuận An là những đô thị nằm ở phía Nam của tỉnh, là cụm đô thị mới, trẻ và năng động, có nền kinh tế phát triển mạnh nhất. Chỉ tính riêng trên địa bàn nội đô, 100% khu đô thị mới và khu dân cư đều được quy hoạch bài bản. Thủ Dầu Một tăng cường chỉnh trang thành phố, không bỏ khu dân cư cũ. Các đường nhỏ trong nội đô đều được nhựa hoá. Các ngõ hẻm được chiếu sáng, mở rộng thêm vỉa hè.
Ngày nay đến Thủ Dầu Một, nếu thích không gian thoáng đãng, cảnh quan hiện đại mọi người có thể đến chơi ở Công ᴠiên "thành phố mới" Bình Dương ở phường Phú Mỹ là nơi ᴠui chơi mới nổi, diện tích rộng chừng 70 hecta, хâу dựng theo tiêu chuẩn Singapore. Công ᴠiên được thiết kế theo mô hình хanh gồm rất nhiều cây xanh, những đài phun nước, ѕuối, hồ nhân tạo, quảng trường ᴠà khu ᴠui chơi cho trẻ con. Mở cửa mọi lúc, tham quan miễn phí. Hoặc đến Midori Park ở phường Hòa Phú, cũng хâу dựng theo mô hình хanh, nhưng là хu hướng kiến trúc, quу hoạch được уêu thích ở Nhật Bản, với ý tưởng “Living in the green”, cuộc sống xanh, đan xen giữa các yếu tố hồ nước, cây xanh, cát, đá và những ngôi nhà thu nhỏ để tạo nên một không gian gần gũi với thiên nhiên. Nơi đây có hơn 40 loài cây lớn và cây bụi, cùng vườn hoa nở bốn mùa theo kiểu Nhật. Và cũng miễn phí tham quan.
Đêm thì bạn có thể rảo bộ đến "Chợ đêm và Phố đi bộ Bạch Đằng", một nơi vừa “chơi đêm” vừa có thể sắm sửa. Nó nằm ở phường Phú Cường, ven sông mát mẻ, "trên bến dưới thuyền" sầm uất, tưng bừng, luôn đông người, nhất là giới trẻ. Nó là hoạt động nối ngày sang đêm với không khí tấp nập, hối hả của một thành phố công nghiệp. Chợ đêm có hơn 300 gian hàng để bạn tha hồ mua sắm hoặc đi ăn đêm ở đây với các món ăn dân dã.
Đến Thủ Dầu Một nếu bạn quan tâm đến tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh thì có thể đến một vài nơi như Miếu Bà Thiên Hậu, là một ngôi miếu do những người Việt gốc Hoa lập, thờ vị nữ thần danh là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Nếu có điều kiện thì dự "Lễ hội miếu Bà" được tổ chức vào ngày 14, 15 tháng giêng âm lịch hàng năm. Người dự đông và vui nhất là vào ngày rằm, lúc rước kiệu Bà. Lễ hội thu hút hàng trăm ngàn người đến từ các tỉnh. Tại lễ hội, người tình nguyện địa phương phát đồ ăn, khăn lạnh, dịch vụ xe ôm miễn phí. Điều này làm lễ hội trở nên đặc biệt do sự thân thiện của người Bình Dương.
Nếu là tín đồ Phật giáo thì có thể đến chùa Hội Khánh ở phường Phú Cường, có tượng Phật nằm, nhập niết bàn, dài đến 52 mét. Bên trong chùa ở chính điện có đặt tượng Phật Thích Ca, Địa Tạng bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Hoặc đến chùa Tây Tạng ở phường Chánh Nghĩa, nơi đây có bức tượng Đạt Ma Sư Tổ cao 2,32 m, được tết bằng tóc của Phật tử với mật rỉ đường và vôi vữa, nghe nói đây là tượng tết bằng tóc lớn nhất Việt Nam. Vẻ bề ngoài của tượng cũng khá đặc biệt, hình tướng của Sơ tổ Thiền tông đang bước đi, trên vai là một đòn gánh, đầu đòn gánh bên tay phải là túi càn khôn và đầu bên trái là hòm kinh Lăng Già. Trên đòn gánh còn treo một chiếc nón lá Việt. Trong chánh điện thờ "Ngũ trí Như Lai", là năm vị Phật của Phật giáo Tây Tạng. Đây là một ngôi chùa hiếm hoi ở Việt Nam ít nhiều có liên quan đến Phật giáo Mật tông, do Hòa Thượng Nhẫn Tế sáng lập năm 1928. Trong một tiểu luận khoa học, TS. Trần Hồng Liên còn cho rằng, "Chùa Tây Tạng, Bình Dương: ngôi chùa duy nhất ở Nam bộ mang dấu ấn Mật tông Tây Tạng”. Theo tôi, đơn giản là Hòa Thượng Nhẫn Tế, vị sư trụ trì đầu tiên của chùa qua chuyến xuất dương hơn hai năm đến Tây Tạng là để tiếp tục con đường tu đạo của mình, "mục đích duy nhất là nếm tận nguồn pháp vị", muốn chiêm nghiệm "thực hành cả hai pháp tu Thiền và Mật", theo nhật ký của sư. Gốc của sư vẫn là Thiền Tông "thuộc về dòng Lâm Tế đời thứ 40”, về sau này đâu thấy sư "bắt ấn" và "trì chú" thực hành pháp môn của Mật tông qua con đường hoằng pháp của mình.
Nếu bạn là người Công giáo thì nên đến nhà thờ Chánh tòa Phú Cường ở gần vòng xoay ngã 6, đây là nhà thờ lớn nhất ở Bình Dương. Xưa kia, nơi đây là một ngôi nhà thờ bằng gạch kiểu Gothique có tháp được cha Sorel Constant – Joseph xây dựng vào năm 1865. Sau gần 70 năm sử dụng, nhà thờ được thiết kế và xây dựng mới, theo phong cách Gothic hiện đại, kết hợp hoàn hảo giữa mái vòm, những ô cửa sổ hình vòm với mái chóp nhọn. Nhà thờ với ba ngọn tháp cao vươn lên trời xanh như là thể hiện khát vọng vươn cao của người Kitô hữu. Các ô cửa với những họa tiết đa màu sắc tạo nên vẻ lung linh, huyền ảo mỗi khi ánh sáng trời rọi xuyên qua. Kiến trúc nhà thờ đã góp phần tăng thêm vẻ đẹp, cảnh quan thành phố.
Ở bài viết này, chủ yếu tôi viết về làng nghề truyền thống Bình Dương ở Thủ Dầu Một.
Nam Bộ là vùng đất mới có nhịp độ phát triển kinh tế khá nhanh. Cùng với Sài Gòn, Biên Hoà, Vũng Tàu, một vài nơi dân cư tập trung ở Bình Dương đã trở thành đô thị. Một bộ phận lao động nông nghiệp chuyển thành những thợ thủ công chuyên nghiệp. Ngày nay, nhắc đến Bình Dương nhiều người nghĩ đến mảnh đất nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, ít ai để ý là vùng đất từng phát triển mạnh các nghề thủ công, trong đó có  gốm sứ.
Theo tài liệu “Monographie de la province de Thudaumot”, Hội nghiên cứu Đông Dương, năm 1910, người Pháp viết: "Trong tỉnh Thủ Dầu Một, có được khoảng 40 lò gốm, trong đó An Thạnh 5 lò, Tân Thới 1 lò, Phú Cường 11 lò, Bình Chuẩn 3 lò, và 9 lò ở Tân Khánh". Theo nhà văn Sơn Nam, "Lái Thiêu chỉ cách lò gốm Cây Mai, lò gốm cổ ở Sài Gòn 15km. Vào khoảng năm 1867, khi các lò gốm Cây Mai thiếu nguyên liệu sản xuất, một số chủ lò chuyển lên vùng Lái Thiêu lập nghiệp. Bởi nơi đây có nguồn nguyên liệu, "kaolin" tại chỗ khá dồi dào, hệ thống giao thông thủy bộ thông suốt, rất lý tưởng cho phát triển nghề gốm".
Chúng ta vẫn thường gọi chung "gốm sứ", thực ra có hai dạng nguyên vật liệu. "Gốm" là vật dụng trong xây dựng, vật dụng đa dạng, có từ khi con người phát hiện ra lửa và rời hang đá, cất nhà. "Sứ" là một dạng của đất sét được tạo ra bằng cách đun nóng nguyên liệu ở dạng cao lanh trong lò. Độ dẻo dai và độ sáng của sứ phát sinh từ thủy tinh, từ khoáng sản trong các thành phần bị nung. Sứ có nhiệt độ nung ở mức cao nhất là 1300°C, còn gốm thì thường có nhiệt độ nung cao hơn, là đồ thô mộc nung qua lửa không có men, thường là xấu. Nếu được tráng men thì gọi là đồ sứ. Như chúng ta biết nguyên liệu làm gốm là đất. Từ nguyên liệu thô trải qua quá trình sàng lọc làm sạch đất, sau đó đất sét sẽ được nhào nặn thành hình thù. Rồi đưa vào lò nung ở nhiệt độ cao, thường là từ 1.300 đến 1.400 độ C, từ bốn đến năm tiếng tùy theo loại sản phẩm.
Làng sứ Bình Dương có ba trung tâm lớn, làm gốm sứ nổi tiếng nằm ở phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một, phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An và phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên.
Làng Chánh Nghĩa hay còn gọi là làng Bà Lụa dùng nguồn nguyên liệu chính là đất đen, đất trắng và đất Vĩnh Tường. Các sản phẩm mang dấu ấn của Đông Triều. Đặc trưng của làng Chánh Nghĩa chính là men, thường được tráng "men trong" hoặc "men trắng đục". Vừa mới đem ra khỏi lò thì đã rạn, lâu ngày những đường rạn sẽ ngả sang màu hồng trông rất cổ kính. Lò gốm xưa nhất ở Chánh Nghĩa được xây dựng khoảng giữa thế kỷ XIX. Đó là lò Vương Lương ở khu vực Bà Lụa, Thủ Dầu Một. Gốm Chánh Nghĩa chủ yếu là gốm gia dụng làm chén, tô, dĩa, thố, lu, khạp, phong cách thô sơ, mộc mạc, không có nét cầu kỳ, tinh tế như gốm Lái Thiêu. Khu vực tập trung các lò gốm khá rộng. Vì vậy, nơi đây có địa danh là Lò Chén. Các tên gọi như “khu Lò Chén”, “ngã ba Lò Chén” vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Làng gốm Lái Thiêu cũng tập trung sản xuất các mặt hàng gia dụng. Từ đồ thờ tự đến đồ dùng hàng ngày của giới bình dân. Sản phẩm phổ biến nhất là các loại tô, chén, đĩa và những sản phẩm sân vườn như chậu, đôn, khạp, lu. Sản phẩm làng gốm Lái Thiêu đặc trưng ở chỗ nước men bóng, màu sắc mang tính chất hội họa. Làng gốm Tân Phước Khánh xuất hiện vào giữa thế kỷ XVII, khi nghệ nhân Trung Quốc phát hiện ra loại đất màu trắng có thể làm gốm. Điểm đặc biệt của gốm Tân Phước Khánh là tráng men da lươn hoặc xanh lục đậu. Tuy nhiên, ngày nay men gốm đã có thêm nhiều màu sắc khác nhau.
Ba làng nghề gốm tập trung nói trên là nơi quy tụ hơn 500 lò gốm, đa dạng chủng loại gốm sứ thủ công và công nghiệp. Chủ nhân các cơ sở sản xuất lò gốm chủ yếu là người Việt gốc Hoa. Đặc điểm chung của lò gốm chính là lấy nguồn nguyên liệu từ loại đất sét có độ dẻo, độ kết dính cao. Loại đất này thường lấy dọc theo những con sông ở địa phương. Với bàn tay khéo léo và kỹ thuật gia truyền của nghệ nhân qua bí quyết canh nung chín bằng củi, để cho ra những mẻ gốm sứ hoàn hảo.
Với nhu cầu thị trường tiêu thụ ngày càng lớn, thẩm mỹ của con người ngày càng cao, vào những năm 1950 – 1960, các lò gốm đã bắt đầu sản xuất thêm gốm sứ trang trí để đáp ứng thị trường. Cho đến khoảng cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, gốm Bình Dương bước vào giai đoạn chuyển đổi công nghệ theo quy trình sản xuất công nghiệp mới, hầu hết các lò nung truyền thống được thay thế bằng lò nung điện hoặc gas, mẫu mã sản phẩm, màu men, trang trí mỹ thuật đa dạng và sắc sảo hơn, đại diện là dòng gốm mỹ nghệ cao cấp là Minh Long.
Gốm được làm từ đất sét nên các chủ lò thường mua sẵn đất sét với số lượng lớn. Và trước khi đưa vào sản xuất, đất sét được phơi nắng cho rỏ phèn. Sau khi phơi tiếp tục ngâm đất sét qua hai lần nước, lọc lấy phần nhựa rồi được nhào thật nhuyễn. Phần đất sét được sử dụng làm gốm sứ được gọi là "hồ". Các sản phẩm gốm sứ với những họa tiết điêu luyện, sắc sảo đã mang lại những giá trị văn hóa cũng như giá trị kinh tế. Gốm sứ Bình Dương hiện nay lại đang tồn tại hai thái cực trái ngược nhau. Một bên là hàng trăm cơ sở gốm sứ truyền thống được sản xuất theo phương pháp thủ công. Bên còn lại, đại diện là gốm sứ Minh Long, ứng dụng máy móc và sử dụng dây chuyền sản xuất hiện đại để tạo ra sản phẩm. Với phương cách sản xuất theo công nghệ, mặt hàng gốm sứ chất lượng ổn định, nhưng không còn yếu tố sáng tạo của nghệ nhân. Bởi tạo một sản phẩm gốm sứ phải trải qua sự sáng tạo và đôi tay khéo léo của người thợ, với quá trình luyện đất, tạo dáng, trang trí hoa văn, tráng men, sau cùng xếp vào lò nung. Gốm sứ đã từng là một loại hình nghệ thuật đặc sắc mang tính dân gian.
Tuy nhiên, cho đến hiện nay, gốm sứ Bình Dương cả thủ công và công nghệ vẫn được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, được xuất khẩu đi sang các nước châu  u như Đức, Pháp, Nhật, Hà Lan và Mỹ. Đặc biệt là với những sản phẩm gia dụng, sản phẩm gốm sứ cao cấp dùng trang trí.
Kế tiếp, tôi xin viết một chút về nghề chạm khắc gỗ ở Thủ Dầu Một. Điêu khắc gỗ là một nghề lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân.
Ở Bình Dương còn lưu truyền câu ca dao:
“Trại ghe trại ván sẵn cùng
Sông sâu nước chảy điệp trùng bán buôn
Nhà khéo cất tốn bạc muôn
Tiếng đồn chợ Thủ ráp khuôn kỹ càng”.
Bình Dương được coi là cái nôi của nghề mộc và điêu khắc gỗ, đã có hơn hai trăm năm. Có một thuận lợi là rừng ở đây có rất nhiều gỗ quý như sao, gõ, giáng hương, dầu, huỳnh đàn.
Ban đầu, nghề chạm trổ, điêu khắc gỗ xuất hiện dưới hình thức đóng thuyền, đẽo cột, đóng bàn ghế, vật dụng trong nhà. Sau đó, phát triển đến chuyên điêu khắc trang trí cho đình chùa, miếu mạo, nhà cổ, tủ thờ, tranh tượng, từ đó dần dần hình thành làng nghề, xuất hiện những nghệ nhân, thợ chạm khắc gỗ tài hoa. Đầu tiên là tại Thủ Dầu Một hình thành rải rác các làng nghề, các nhóm thợ chuyên làm nghề mộc. Làng Phú Cường là trung tâm cưa xẻ gỗ, đóng thuyền lớn nhất nhì ở Nam kỳ. Làng này còn có tên là An Nhất Thuyền, nơi đóng thuyền lớn nhất xứ Bình An chạy dọc theo triền sông Sài Gòn đến thôn Chánh Hiệp.
Chính quyền nhà Nguyễn cho phép thợ thủ công được lập phường nghề, xếp thợ thủ công vào hạng “miễn sai”, “khuyến khích các thợ để đủ đồ dùng”. Từ năm 1896, Pháp thành lập trường kỹ nghệ và mỹ nghệ thực hành ở Thủ Dầu Một. Trường có bốn bộ môn là điêu khắc trên gỗ, đúc mỹ thuật kim khí, thêu thùa, khảm xà cừ và vẽ. Cuộc đấu xảo liên xứ tại Biên Hòa năm 1909, trường đã nhận được bằng khen danh dự. Năm 1900, toàn quyền Đông Dương trao giải thưởng "danh dự bội tinh" cho “các nghệ nhân và thợ thủ công giỏi. Người được thưởng "bội tinh" hạng nhất được xếp ngang hàng với chức Tổng đốc, hạng nhì ngang hàng với Tri phủ, hạng ba ngang hàng với Tri huyện”. Khi đó, nói vùng đất Phú Thọ, người ta sẽ nghĩ đến làng chạm khắc gỗ hoặc làng guốc Phú Văn ở thôn Bà Lụa, hiện nay vẫn còn tồn tại.
Đồ gỗ gia dụng của Thủ Dầu Một nổi tiếng bởi do kiểu dáng đẹp, chất liệu tốt. Thợ làm nghề đã chạm trổ, khắc họa các hoa văn, trang trí thanh cao như, bách, tùng, mai, trúc, cúc, mẫu đơn, cũng như uyển chuyển ở các loại hoành phi, câu đối. Sản phẩm có một số mẫu phổ biến như tượng Phật, tượng Di Lặc, tiều phu, chim ưng, mục đồng. Cũng có một số mẫu phương Tây như các bức tượng khỏa thân, thần vệ nữ. Sản phẩm thường được làm từ những loại gỗ tốt, nguyên khối, không pha tạp các loại gỗ khác. Ngày nay, người ta dùng máy móc hiện đại trong nghệ thuật điêu khắc gỗ. Nhưng những sản phẩm được tạo ra từ những bàn tay của con người dường như tinh xảo, sắc nét và có hồn hơn.
Điêu khắc gỗ  là nghề vô cùng gần gũi, quen thuộc nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Cũng là tạo tác trên gỗ, nhưng khác với nghề thợ mộc, nghề điêu khắc cần sự khéo léo và sáng tạo. Tuy có cùng kích thước, hình dáng như đồ mộc, nhưng dưới bàn tay tài hoa của người thợ, khối gỗ vô tri dần trở nên đầy sức sống. Phải có lòng đam mê cùng sự kiên trì, quyết tâm theo đuổi, người thợ mới có thể “chạm” đến sự thăng hoa trong từng tác phẩm, đưa khối gỗ vô tri trở nên sống động và lan truyền cảm xúc đến người thưởng lãm.
Tôi xin viết tiếp về tranh sơn mài ở Thủ Dầu Một. Sơn mài được coi là một trong các chất liệu hội họa ở Việt Nam. Đây là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn thủ công truyền thống của Việt Nam thành kỹ thuật sơn mài độc đáo có một không hai. Từ 1931, một số họa sĩ ở nước ta bỏ sơn dầu để chuyển hẳn sang sơn mài. Từ việc sơn cái tráp, chiếc guốc, nó trở thành những bức họa lồng khung quý giá, từ phương tiện tô vẽ đồ vật, nó trở thành phương tiện diễn đạt tâm hồn người nghệ sĩ, một phương tiện lấn át cả sơn dầu.
Sơn mài đã có mặt ở Bình Dương hơn 300 năm. Sơn mài, "laque" là tên đặt sau này để chỉ một kỹ thuật trước kia thường gọi là "sơn ta" nhưng đã biến hoá hẳn từ nghệ thuật mài sơn. Trước năm 1931, công dụng "sơn ta" là sơn phủ lên đồ vật, trang trí làm cho nó có vẻ lộng lẫy, như sơn lên cái khay, cái tráp, đôi guốc, đồ thờ như hương án, bát đĩa, đồ trang trí như câu đối, hoành phi, bình phong. Màu sắc thì có màu son, đen, nâu, cánh gián, vàng, bạc. Nhưng rồi nghệ nhân tìm cách sử dụng, phát triển nguyên liệu sơn theo một cách riêng để tăng giá trị mỹ thuật.
Thực ra, nghề khảm ở Việt Nam xuất hiện rất lâu đời, từng được nhắc trong sử sách, như từ thế kỷ thứ III - V, thời kỳ Bắc thuộc, tổ nghề vùng Hà Nội sống dưới triều Lý, là Trương Công Thành. Ông là một người thông thạo văn võ và đã từng tham gia trong đội quân của Lý Thường Kiệt. Sau khi rời quân ngũ, ông đã về quê và nghiên cứu, tìm hiểu nghề khảm xà cừ. Ông là ông tổ của nghề khảm xà cừ làng Chuôn Ngọ. Sang triều Trần thì nghề khảm vỏ ốc đã khá điêu luyện, triều đình từng trưng thu sản phẩm khảm để làm cống phẩm nhà Nguyên, vào năm 1289.
Ở Bình Dương khi nhắc đến tranh sơn mài người ta nghĩ ngay đến làng sơn mài Tương Bình Hiệp ở thành phố Thủ Dầu Một. Có thể nói rằng làng sơn mài Tương Bình Hiệp là cái nôi của ngành sơn mài tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ. Theo tài liệu ghi lại thì từ giữa thế kỉ XVIII những người dân làm nghề sơn mài từ miền Bắc, miền Trung di dân vào Đồng Nai, Gia Định và Bình Dương. Ban đầu khi đến Thủ Dầu Một, họ chỉ lo khai khẩn đất hoang làm nông. Sau này đời sống ổn định, lúc nông nhàn, họ làm ra những bức tranh sơn mài. Những người giàu có trong vùng biết, ưa thích và mua chúng. Từ đó họ có nguồn thu nhập từ việc làm tranh, rồi dần dần làng nghề hình thành và tồn tại cho đến ngày nay.
Bước ngoặt lớn đánh dấu sự phát triển mới cho làng sơn mài Tương Bình Hiệp là vào khoảng giữa thập niên 50 với sự ra đời của xưởng sơn mài Thanh Lễ. Nơi  hội tụ rất nhiều người giỏi như: Trương Văn Cang, Ngô Từ Sâm, Thái Văn Ngôn và Trần Văn Nam đã góp phần lớn vào sự phát triển của làng nghề. Sơn mài Bình Dương nổi tiếng được khách hàng ưa chuộng, bởi từ nguyên liệu gỗ đến khâu cuối cùng của sản phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ thực hiện công phu. Thời gian mất từ ba đến sáu tháng mới đảm bảo được yêu cầu chất lượng của sản phẩm. Năm 1975 đến nay, nghề làm sơn mài vẫn ổn định và phát triển. Sơn mài cổ điển vẫn được ưa chuộng, thêm vào đó hàng loạt các mẫu mã hiện đại, phù hợp với yêu cầu thị hiếu mới.
Trải qua nhiều thế hệ, sơn mài trên vùng đất Bình Dương vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng thanh thoát, đậm đà chất phương Đông. Ngày nay, các cơ sở của Tương Bình Hiệp có khả năng sản xuất đa dạng sản phẩm, từ những bức tranh nghệ thuật đến các loại tủ, bàn ghế đến vật trang trí như bình, lọ, dĩa, vòng tay, hộp. Riêng về tranh sơn mài có rất nhiều cách thể hiện như sơn mài sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài vẽ lặn, vẽ phẳng, vẽ nổi, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn trứng, sơn mài khắc, cẩn xà cừ, cẩn ốc, thếp vàng bạc hoặc kết hợp sơn mài với các chất liệu gốm, tre.
Để làm nên thương hiệu nổi tiếng, làng sơn mài Tương Bình Hiệp đã dùng loại sơn mà ở vùng khác không có. Họ pha trộn hai loại, sơn Nam Vang và sơn Phú Thọ theo cách riêng. Và quan trọng là khâu chế biến sơn, đánh sơn cho chín, đòi hỏi tay nghề của người thợ sơn nhiều kinh nghiệm. Ở công đoạn phức tạp người thợ thường phải làm đi làm lại nhiều lần ví dụ như sơn lót, hom. Mỗi tác phẩm sơn mài đều là tâm huyết của người nghệ nhân, họ đặt vào đó cái tâm, thần thái, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Từ đó mới cho ra được tác phẩm xuất sắc, đem lại cái đẹp cho đời. Một sản phẩm được đánh giá cao qua đường nét tinh tế, sự tinh xảo, mượt mà trong từng chi tiết. Đặc biệt là tranh phải chịu được cả trong môi trường lạnh, không bị bong tróc, biến dạng.
Khi người Pháp chiếm Thủ Dầu Một, họ đã thích thú với nghệ thuật sơn mài Việt Nam, nhất là khảm ốc. Trình độ hàng khảm địa phương được nhắc đến như là một trong những nghệ thuật cao. Điển hình là năm 1868, thống đốc De La Grandière đã xin triều đình Huế gửi hai người thợ khảm giỏi vào Sài Gòn để truyền nghề. Nhận chân giá trị của môn nghệ thuật khá lạ lẫm này, người Pháp đã giới thiệu phương pháp sáng tạo nghệ thuật của phương Tây để bổ sung, ứng dụng vào nghệ thuật cổ truyền, tạo nên những tác phẩm sơn mài có giá trị cao về nghệ thuật. Năm 1877, sơn mài khảm ốc Việt Nam được đưa sang Pháp dự hội chợ Đấu Xảo.
Khảm xà cừ có ở đồ trang sức, khuy áo, đũa, đồ gỗ như bàn, ghế, giường, sập, tủ, bình phong, tranh treo tường. Khảm xà cừ cũng thường được kết hợp với đồ gỗ đánh bóng sơn mài mỹ nghệ, tuy nhiên nền các bức khảm xà cừ thường có màu tối của lớp sơn đen, do bản thân xà cừ đã tạo nên nhiều màu sắc óng ánh ở chi tiết trang trí. Các họa tiết ở đồ khảm xà cừ có thể là hoa lá, chim bướm, các danh lam thắng cảnh hay từ một tích cổ nào đó trong dân gian.
Hiện nay, công đoạn khắc thủ công có thể thay thế bằng máy khắc laser và các loại máy móc hỗ trợ khác, song việc cẩn các mảnh xà cừ và hoàn thiện sản phẩm vẫn không thể thiếu được đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân. Có nhiều loại tranh sơn mài như khảm xà cừ, cẩn trứng, đắp nổi, cẩn chìm hay khắc trũng, tranh ghép, đĩa ...
Tuy nhiên tôi chỉ nói một chút về tranh sơn mài khảm trứng và tóm tắt các công đoạn chính làm tranh sơn mài khảm xà cừ, để mọi người có thể hình dung ra công việc của người thợ làm tranh sơn mài.
Về cẩn trứng, tranh được sơn phủ nhiều lớp, trong quá trình cẩn, tiếp tục sơn phủ, đánh bóng nhiều lớp rất công phu mới thì có thể hoàn thành bức tranh. Bắt đầu là từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, lấy vỏ trứng gà hoặc trứng vịt sau khi nở, thu gom, đem ngâm nước, rửa sạch rồi đem lên đảo trên chảo. Đảo trứng với lửa nhẹ để cho ra màu nâu cháy nhẹ, nếu để lâu hơn sẽ ra màu nâu cháy gắt. Như vậy là có thể có được các màu vàng, hồng tươi, trắng của trứng gà, màu xanh của trứng vịt, màu nâu cháy vừa, nâu cháy gắt hơn hoặc đen. Vỏ trứng gà hoặc trứng vịt được rang, nướng nhẹ ở nhiệt độ khác nhau sẽ tạo ra nhiều loại gam màu khác nhau từ trắng, ngả xanh, vàng nhạt, cam đậm. Khi nguyên liệu đã sẵn sàng thì họa sĩ có thể phối màu để tạo ra tác phẩm.
Việc gắn vỏ trứng lên tác phẩm tranh sơn mài cần thật cẩn thận, sử dụng que dính từng mảnh vỏ trứng nhỏ, nhúng vào keo và dán đều khít lên các bề mặt theo yêu cầu tạo hình và phối màu. Cuối cùng sử dụng búa gõ nhẹ tạo ra độ rạn của vỏ trứng trên sản phẩm. Kỹ thuật làm tranh cẩn trứng khác biệt so với tranh cẩn ốc, tinh xảo ở chỗ dùng nhát gõ, đập tạo ra độ vỡ khác nhau làm cho bức tranh có nhiều sắc độ tự nhiên. Các tác phẩm tranh sơn mài khảm trứng tuy mất rất nhiều thời gian và công sức nhưng cho ra sản phẩm rất ấn tượng. Mặc dù nghệ thuật sơn mài xuất hiện ở nhiều nước nhưng chỉ có ở Việt Nam mới có tranh khảm trứng, đó là một dạng nghệ thuật thật sự riêng biệt, độc đáo. Các tác phẩm tranh sơn mài khảm trứng lại thường gồm những hình ảnh gắn liền với đời sống quen thuộc, chân chất của người dân Việt xưa và nay, nên đã thật sự chinh phục được người yêu thích trong và ngoài nước.
Tranh sơn mài khảm xà cừ là loại tranh cao cấp trong các loại tranh sơn mài bởi sự tinh xảo cũng như nguyên liệu tạo hình đặc thù. Khảm xà cừ còn được gọi là khảm trai hoặc khảm ốc. Xà cừ là một loại ốc biển, vỏ có vân ngũ sắc khi được mài bóng sẽ thể hiện sự huyền ảo của bức tranh, đặc biệt là các bức tranh phong thủy. Ngoài ra còn sử dụng các loại xác ốc, hến có vỏ trắng hoặc vàng để tạo thêm chi tiết cho bức tranh. Loại cao cấp nhất là vỏ trai, có vân bảy sắc cầu vồng rất đẹp. Vỏ trai được ưa chuộng là loại vỏ trai của trai ngọc môi vàng (pinctada maxima), nó thường có kích thước lớn, mặt trong có lớp xà cừ dày, óng ánh. Làng nghề có tên riêng cho các thứ ốc như "trai cửu khổng" tức bào ngư, "diệp xù", "trai cánh", "trai Nông Cống"...
Bước đầu tiên là chẻ vỏ thành mảnh rồi rọc theo thớ. Mảnh vỏ ốc cắt xong thì đem ngâm nước rồi hơ đèn nóng để uốn phẳng vì vỏ ốc cong. Trong khi đó mặt vật dụng muốn khảm, thường là mặt gỗ phải khoét lõm để nhận lấy mảnh vỏ ốc. Người thợ dùng "sơn ta" để gắn. Gắn xong thì đem mài. Trước thì mài bằng giấy ráp cát to, tiếp theo là cát mịn rồi lại đánh bằng vôi bột. Bước cuối cùng là đánh bằng lá ngái, rồi xoa bột gạo lên.
Xét về chất liệu làm tranh khảm xà cừ chủ yếu là gỗ và vỏ trai ốc tự nhiên. Cả hai chất liệu này từ thời xưa là biểu tượng cho sự giàu có, quyền quy và sức mạnh của sự lâu bền. Tùy vào mục đích sử dụng mà người thợ có thể chọn các loại gỗ mang tính phong thủy hoặc màu sắc, vân gỗ khác nhau. Các loại gỗ thường sử dụng gồm gỗ mật, gỗ đỏ, gỗ hương.
Quy trình chế tác một tác phẩm tranh khảm xà cừ thủ công trước kia trên 20 công đoạn, ngày nay được cải tiến rất nhiều, nhưng người thợ vẫn cần phải thực hiện các công đoạn cơ bản như vẽ mẫu tranh, mài, cưa, đục mảnh, khảm lên tranh, mài nhẵn và đánh bóng. Cụ thể một số làng nghề thực hiện qua 9 công đoạn.
Đầu tiên là tạo mẫu, người nghệ nhân phác thảo bản vẽ hay còn gọi là vẽ kiểu. Do tính quan trọng của bước này, mỗi nét vẽ đều phải được tính toán chi li sao cho tỉ lệ từng cảnh vật cân đối với bố cục bức tranh. Mẫu có thể là cảnh vật truyền thống hoặc sáng tạo ra mẫu mới. Mẫu của tranh khảm trai sẽ được vẽ trên giấy, khi hoàn chỉnh thì được chuyển sang giấy can và bắt đầu sản xuất.
Thứ hai, đó là chọn nguyên liệu. Dựa vào mẫu vẽ mà người nghệ nhân sẽ tiến hành chọn trai ốc cho các chi tiết để tạo ra màu sắc hài hòa, ấn tượng có điểm nhấn đặc biệt cũng như tính toán sử dụng trai ốc sao cho hiệu quả nhất. Đây là công đoạn không đòi hỏi sự tỉ mỉ nhưng lại đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Mỗi miếng ốc xà cừ, trai ngọc hay bào ngư đặt đúng vị trí sẽ toát lên hồn của bức tranh. Thứ ba, người thợ sử dụng cưa, giũa, kẹp, cắt và gọt giũa trai ốc cho giống với các chi tiết trên mẫu giấy, người trong nghề gọi là "thợ cưa". Tác phẩm cao cấp luôn đòi hỏi đường cưa phải thật sắc sảo, khéo léo. Để có những đường cắt chuẩn, người nghệ nhân phải trải qua quá trình rèn luyện tay nghề khoảng năm năm. Thứ tư, theo mẫu vẽ, người thợ ghép, gắn các mảnh trai ốc đã cắt thành hình hoàn chỉnh trên nền gỗ mộc ở đúng vị trí muốn khảm hình. Từng mảnh xà cừ rất nhỏ sẽ được ghép lại với nhau ra hình thù, ví dụ như từng cách hoa sẽ được ghép lại thành bông hoa, từng chiếc lá sẽ được ghép thành tán cây. Vì thế, ở công đoạn này yêu cầu người nghệ nhân luôn nghĩ ra cách ghép mới, lạ mắt nhưng vẫn thể hiện chi tiết như bản vẽ. Thứ năm, nghệ nhân sử dụng bút vạch theo vòng ngoài các chi tiết để tạo ra khung trên nền gỗ, cạy tất cả chi tiết ốc và xà cừ ra, chỉ để lại khung vẽ. Thứ sáu, người thợ dùng đục, đục phần gỗ theo hình vẽ sâu xuống với độ sâu vừa bằng miếng trai ốc đã cắt ra. Thứ bảy, sau khi đục xong người thợ sử dụng keo hoặc sơn ta để gắn các miếng trai ốc đã cắt hoàn chỉnh vào nền gỗ theo đúng hình mẫu ban đầu và gắn khít làm sao cho vừa, khéo, đẹp, bề mặt của ốc xà cừ bằng với bề mặt nền gỗ. Sau khi đã khô thì người thợ chà và mài cho bề mặt phẳng, mịn màng. Thứ tám là công đoạn tách khó nhất, cần đến sự khéo léo, điêu luyện. Nghệ nhân sử dụng dao thép khắc các đường nét tạo hình cho sản phẩm. Để thể hiện được tinh thần nguyên mẫu, các nét khắc không được phép sai lệch, không được tẩy xóa, chỉnh sửa vì thế khi làm người thợ phải thật tập trung. Đối với những bức hình có độ tương phản sáng tối theo cách hiện đại thì người nghệ nhân phải lặp đi lặp lại việc khắc, bôi sơn, thử nét nhiều lần cho đến khi tốt nhất. Tiếp theo người thợ bôi sơn đen lên để những nét khắc hiện lên như vẽ tranh.
Công đoạn cuối cùng là đánh bóng để hoàn thiện tác phẩm, tạo ra độ sáng của màu gỗ, sự tương tác giữ nền gỗ và màu sắc của trai ốc.
Tranh sơn mài, tất cả đều toát lên nét đẹp nhẹ nhàng, thanh khiết, đậm đà chất phương Đông. Khi được thưởng lãm các tác phẩm, người ta sẽ không khỏi bỡ ngỡ bởi sự tinh tế và tính nghệ thuật của nó. Chính độ bóng và độ bền của sơn đã làm nên cái hồn của sơn mài, biến sơn mài thành một “ngôn ngữ” nghệ thuật vượt thời gian.
Bình Dương là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ giao thương với Sài Gòn, có các trục lộ giao thông huyết mạch của quốc gia đi qua, chỉ cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các cảng biển từ 10 km – 15 km, có đến 28 khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung với hơn 1.200 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động. Hy vọng cụm đô thị mới, trẻ và năng động của tỉnh, trong đó có Thủ Dầu Một sẽ hoạch định phát triển đúng hướng, tăng tỷ trọng dịch vụ thương mãi nhưng không bỏ đi các lĩnh vực khác.
Hiệp hội WTCA thế giới đã chấp thuận Trung tâm Thương mại thành phố mới Thủ Dầu Một trở thành hội viên chính thức nhằm kết nối, giúp doanh nghiệp ở địa phương có thể giao thương quốc tế, giúp phát triển thành một khu vực có dịch vụ chuyên nghiệp. Đây là cơ hội, nhưng hy vọng không vì thế mà để lợi nhuận bóp chết hết mọi thứ.
Hy vọng rằng các ngành nghề truyền thống, không bị lãng quên, lụi tàn. Hy vọng nghệ nhân còn có chỗ bên cỗ máy. Hy vọng hiện đại dung nạp, tương hợp. Hy vọng truyền thống thích ứng, hiện hữu.