Tản  mạn của một cô “dâu” Trịnh Hoài Đức
Nguyễn Thị Thu Thủy


    Tôi không phải là cư dân của Bình Dương - Thủ Dầu Một cũng không phải là cựu học sinh hay giáo sư của trường Trịnh Hoài Đức, mà là một người dân sống ở TP Nha Trang- Khánh Hoà từ bé cho đến hết bậc tú tài, mặc dù không được sinh ra tại đây. Vào thập niên 1966, khi vừa tròn 18 tuổi, với mảnh bằng tú tài trong tay, tôi một mình bay vào Sài Gòn  tìm kiếm … tương lai. Các bạn nào trải nghiệm cùng thời gian với tôi chắc cũng cảm nhận được những  háo hức, sự lo lắng cũng như bao khó khăn trước mặt của một cô nữ sinh tỉnh nhỏ vừa bước chân vào thủ đô Sài Gòn. Tôi phải kể lể dài dòng như thế để mọi người hiểu vì sao tôi có cơ may làm dâu của Trịnh Hoài Đức.

    Duyên phận đưa tôi vào học một trường về công tác xã hội, một ngành học mà vào thời điểm đó rất ít người biết đến mặc dù trường này được thành lập từ năm 1948,  Qui định của trường là sinh viên chỉ được nhận chính thức sau khi qua giai đoạn Một là 3 tháng. Sau khi có kết quả điểm thi, qua lần phỏng vấn tôi đã quyết định học giai đoạn Một. Vì ngành học là công tác xã hội nên trong suốt thời gian học chúng tôi phải học tất cả các môn học liên quan đến một xã hội thu nhỏ, có nghĩa là chúng tôi phải được trang bị tất cả kiến thức về y tế, dinh dưỡng, luật pháp, giáo dục, sư phạm, tâm lý, phát triển cộng đồng…..

    Sau khi tốt nghiệp, trở thành một nhân viên xã hội (Social Worker). Trong những lần công tác, giao lưu cùng bạn bè, tôi được làm quen với thầy tT N Bích, một giáo viên đang dạy tại trường Trung học Trịnh Hoài Đức, và hình như để khoe khoang với bạn gái về trường học của mình, thầy đã nhiều lần đưa tôi tới thăm trường, thăm Lái  Thiêu,  chợ Búng cùng thăm các danh lam thắng cảnh Bình Dương như Nhà Thờ Chính Toà, Chùa Bà và dĩ nhiên cũng được thầy cho thưởng thức những món ăn đặc sản ở đây…. Cảm giác của tôi thật vui thích và chúng tôi đã bén duyên để trở thành dâu của Trịnh Hoài Đức. Các bạn có thấy thú vị không? (Tôi quên không kể cho các bạn nghe là khi giới thiệu món ăn đặc sản cho tôi mà thầy Bích lại sơ ý không giới thiệu cách ăn cho nên chiếc áo tôi đang mặc dính phải mủ của trái măng cụt và không thể nào giặt tẩy được!)

    Chưa hết, sau năm 1975 ngành công tác xã hội của tôi thật sự là một ngành quá xa lạ với nhà nước xã hội chủ nghĩa thời bấy giờ (chú thích thêm là hiện nay ngành đã được công nhận hệ chính quy trong các trường đại học), nhưng với kiến thức tôi đã học được từ những năm tháng học trong trường,  thời gian thực tập về sư phạm cùng với kinh nghiệm của những năm tháng làm việc, tôi mạnh dạn khăn gói theo phu quân lên Bình Dương và nộp đơn và được tuyển dụng vào dạy học tại trường cấp 2 thị xã Thủ Dầu Một. Thật là một sự vui mừng vì vai trò làm dâu của tôi đã tiến thêm một bước là chung tay với ông xã để hội nhập vào môi trường giáo dục, nơi đây tôi cảm thấy thực sự gắn bó với con người Bình Dương, với các em học sinh, với phụ huynh và cả đồng nghiệp. Tôi có dịp tới thăm mọi người, tham dự sinh hoạt của địa phương như giỗ chạp, lễ tết từ những nơi như Bến Cát, Phú Văn, Mỹ Hảo…… hiểu hơn về cuộc sống, sinh hoạt, tâm tư tình cảm và càng ngày càng gắn bó mật thiết, chẳng những thế mà thầy Bích và tôi, chúng tôi đã có một cậu bé trai thứ hai ra đời với khai sinh tại bịnh viện thị xã Thủ Dầu Một.

    Lời nói cuối cùng là tôi thật sự biết ơn và không bao giờ quên vùng đất và con người Bình Dương, đặc biệt những kinh nghiệm trong suốt thời gian làm việc và sinh sống tại Bình Dương rồi quay lại làm việc trong ngành công tác xã hội, tôi đã cộng tác với các tổ chức phi chánh phủ (NGO) và đã quản lý  tốt nhiều dự án tại Sài Gòn, đáng kể nhất là  dự án công tác xã hội trường học (School social work) và công tác phát triển cộng đồng (Community Development Program) …

(3/2017)